Friday, 14 December 2012

ĐỌC VĂN VÕ THỊ HẢO : "DẠ TIỆC QUỶ" & ƯỚC MONG DIỆT LŨ MA CÀ RỒNG (Uyên Thao)




14-12-2012

“Dạ tiệc quỷ” và ước mong diệt lũ ma cà rồng
Uyên Thao


“Dạ Tiệc Quỷ” là tác phẩm bị cấm xuất bản tại Việt Nam, đã được tác giả trao cho Tủ Sách Tiếng Quê Hương để giới thiệu với bạn đọc hải ngoại. Tác phẩm vẽ lại cuộc sống đọa đày trong vô vàn thảm cảnh đau đớn kinh hoàng suốt gần một thế kỷ qua với hình ảnh tập thể cầm quyền là một lũ ma cà rồng chuyên hút máu và người dân vừa lọt lòng mẹ đã bị biến thành những oan hồn để mang kiếp phận con ếch mắc nghẹn giữa họng rắn.

Dạ Tiệc Quỷ sẽ được Tủ Sách Tiếng Quê Hương phát hành trong mùa Xuân Qúy Tỵ 2013.


Bút danh Võ Thị Hảo trở nên quen thuộc không chỉ do thái độ bất khuất trước các hiểm họa đe dọa cuộc sống an lành của con người mà còn qua các sáng tác văn học độc đáo từ tố chất nội dung tới phong cách nghệ thuật.

Võ Thị Hảo sinh ngày 13 tháng 4 năm 1956 tại Diễn Bình, huyện Diễn Châu, Nghệ An từ năm 1973 là sinh viên Văn Khoa Đại Học Tổng Hợp Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp năm 1977, Võ Thị Hảo tham gia sinh hoạt báo chí với các vai trò biên tập viên, phóng viên, trưởng văn phòng đại diện, trưởng ban thư ký biên tập. Năm 2002, Võ Thị Hảo đứng vị trí và làm công việc phó tổng biên tập tại một tờ báo, nhưng từ chối gia nhập Đảng Cộng Sản để được thăng chức nên sau đó đã từ bỏ tờ báo này.

Năm 1989, Võ Thị Hảo khởi sự góp mặt trong dòng văn học nghệ thuật với các sáng tác ngắn đăng tải trên báo. Năm 1992, tác phẩm đầu tay Biển Cứu Rỗi được xuất bản và Võ Thị Hảo mau chóng xác định vị thế trong làng văn. Tới nay, Võ Thị Hảo đã xuất bản gần 20 tác phẩm gồm hầu hết là truyện ngắn, ba kịch bản phim truyện và cuốn tiểu thuyết dã sử Giàn Thiêu.

Dị sắc hiển lộ của nghệ thuật sáng tác Võ Thị Hảo là cách ly với vùng trời nghệ thuật từng bao trùm sinh hoạt văn học nghệ thuật Việt Nam từ thập niên 1930 mà nét đặc trưng có thể tóm gọn theo một phát biểu trước đây của Nhất Linh: Hai tiêu điểm trong nghệ thuật văn chương là đơn giản và trong sáng.

Hai tiêu điểm đơn giản, trong sáng là đòi hỏi mà người sáng tác văn học không chỉ riêng tại Việt Nam theo đuổi, và đã khởi từ nhiều thế kỷ trước so với cột mốc văn học Việt Nam 1930. Cho tới thời điểm hiện nay, hai tiêu điểm này vẫn chưa rời vị trí chủ đạo, bất kể qua nhiều đoạn đường thời gian từng xuất hiện không ít người nỗ lực mở ra những khung trời nghệ thuật với các đặc trưng mới.

Võ Thị Hảo là một tác giả trong đội ngũ cầm bút chia xẻ ý hướng này.
Qua các tác phẩm Võ Thị Hảo, hai tiêu điểm đơn giản và trong sáng đã nhường chỗ cho hai tiêu điểm sáng tạo và súc tích. Bất kỳ người đọc nào đến với tác phẩm Võ Thị Hảo cũng dễ dàng nhận ra dị sắc này — từ cách vận dụng ngôn từ đến cách nối kết tình tiết, cách tạo dựng nhân vật và bố cục nội dung. Đây là một ưu điểm biểu hiện tinh thần sáng tạo không ngừng, nhưng cũng chính là một trở ngại cho những ai quen tìm cảm giác hưởng thụ nhẹ nhàng với việc đọc sách.

Dưới ngòi bút Võ Thị Hảo, không chỉ thứ lớp thời gian, không gian bị đảo lộn, không chỉ ranh giới giữa thực tại và hư ảo bị xóa nhòa, không chỉ xuất hiện các nhân vật đang trần trụi bỗng trở thành huyền hoặc mà ngay chính mỗi ngôn từ cũng chứa đựng nhiều tầng ẩn nghĩa. Người đọc không thể giữ nguyên cảm giác thoải mái với những bước chân dạo nhẹ bên các khóm hoa dọc theo một lối mòn phẳng phiu êm ả mà buộc phải vận động trí não tối đa để định hướng như khi lạc giữa một chặng đường ngổn ngang chướng ngại. Nếu từng làm quen với tác phẩm Kafka, hay gần đây hơn, với tác phẩm Herta Muller, dị sắc này có thể không gây bất ngờ, nhưng nếu chưa từng rời xa vùng trời quen thuộc của những Khái Hưng, Nhất Linh… hẳn khó tránh ngỡ ngàng trong giây phút đầu bước vào thế giới nghệ thuật Võ Thị Hảo.

Tuy nhiên, dị sắc nổi bật trong thế giới nghệ thuật Võ Thị Hảo chính là nội dung do các tác phẩm chuyển đạt. Qua mọi đề tài, Võ Thị Hảo gần như luôn gắn chặt hướng nhìn vào cuộc sống trước mắt.

Khi kể lại chuyện từ nhiều thế kỷ trước, tác phẩm Võ Thị Hảo vẫn gợi nhắc người đọc về các cảnh ngộ thực tế đang diễn ra với những trầm luân oan nghiệt, những khắc khoải bi thương … khiến dồn dập xô lên những đợt trào cảm xúc nghẹn ngào, phẫn nộ …

Cũng tương tự, dù chỉ kể lại một chuyện tình của tuổi học trò hay kể lại cảnh ngộ những cô gái phải vùi lấp tuổi thanh xuân trong một xó rừng hoang giữa sự dày vò của những cơn khát thèm vô phương giải tỏa… luôn vang vọng tiếng gào uất ức về những tàn khốc, những bỉ ổi của một cõi sống u mê vô cảm, tởm lợm kinh hoàng.

Trong cõi sống đó, nhung nhúc những con người mang mọi thứ màu sắc, được tô điểm bằng mọi thứ mỹ từ chen chúc giữa hằng hà sa số con người đã hóa dạng oan hồn ngay khi vừa cất tiếng khóc chào đời để dựng nên một thế giới tràn ngập cảnh tượng điên rồ man rợ với mức độ hoang dại, hung ác vượt xa cả nếp sống của mọi loài dã thú — một cõi sống không những tước đoạt hết thẩy nhu cầu sống tối thiểu của con người mà còn cuồng nhiệt xô đẩy con người biến thành quỷ dữ...

Đó chính là cuộc sống kéo dài trên đất nước Việt Nam từ gần một trăm năm trước tới nay.

Qua ấn tượng của từng tình tiết trần trụi hoặc mơ hồ, của giọng kể lạnh băng như giễu cợt, như mỉa móc nhưng chứa đầy uất nghẹn, của từng ngôn từ sắc như một nhát chém hoặc dịu ngọt như một lời thơ mang nhiều tầng ẩn dụ, Võ Thị Hảo luôn cho thấy nỗi đau đớn cùng cực và lòng phẫn hận cuộc sống đã buộc nhiều thế hệ hiền lương phải từ bỏ thân phận con người để biến thành công cụ hèn mạt, nhơ nhuốc qụy lụy cúi đầu trước một bầy đồng loại hiến dâng tim óc cho ác quỷ luôn vênh váo tuyên xưng độc quyền nắm giữ cẩm nang thần bí mở cửa Thiên Đường.

Chính từ dị sắc này, tác phẩm Võ Thị Hảo đã cùng lúc mang hai hình vóc, vừa là lưỡi gươm bênh vực các thân phận bị đọa đày vừa là chướng ngại trên nẻo đường của những thiên-thần-ác-quỷ. Cho nên, ngay trong lúc tác phẩm Võ Thị Hảo được người đọc đón chờ cũng là lúc tác phẩm Võ Thị Hảo bị loại bỏ khỏi thị trường chữ nghĩa — mà thực tế đã cho thấy qua sự kiện hai tác phẩm mới nhất của Võ Thị Hảo, “Ngồi Hong Váy Ướt” và “Dạ Tiệc Quỷ”, đều bị cấm xuất bản tại Việt Nam.

Cả hai hình vóc trên không hoàn toàn cách biệt với đối tượng Võ Thị Hảo, nhưng hình thành từ một căn bản xa thẳm với căn bản không thể thiếu khi nhận định về một tác phẩm nghệ thuật nên đã thu gọn tầm nhìn theo giới hạn chủ quan do các vị thế phân lập trong cuộc sống.

Chắc chắn có thể nhìn Võ Thị Hảo như Emile Zola khi viết những trang “J’accuse” cuối thế kỷ 19 nếu thân phận các nạn nhân đang bị đọa đày tại Việt Nam được hình dung qua cảnh ngộ oan khiên của nạn nhân Alfred Dreyfus. Nhưng đây chỉ là cái nhìn từ một vị thế phân lập rõ ràng trong hình thức cấu thành xã hội chứ không phải cái nhìn bao trọn mối tương quan giữa con người trong cuộc sống và các tác phẩm nghệ thuật.

Với cái nhìn sau này, sẽ không hề có tương hợp giữa tâm cảnh Emile Zola và tâm cảnh Võ Thị Hảo khi cầm bút.

Cây bút trong tay Emile Zola với J’accuse đúng là lưỡi gươm ngăn chống bạo quyền, che chở nạn nhân bị dày xéo nên tâm cảnh người viết khó vươn khỏi mối ưu tư về diễn biến một trận đấu hay một cuộc chiến. Emile Zola cảm thông với nỗi đau của nạn nhân để bất bình, phẫn nộ nhập cuộc nên dù bị dồn ép bởi không ít đòn thù vẫn không gánh chung nỗi đau của chính nạn nhân, không bao giờ phải nhận chịu những đắng cay, uất nghẹn nối tiếp trút xuống thân phận nạn nhân.

Tiếng nói cất lên từ ngòi bút Emile Zola là tiếng nói từ con tim nhân ái, từ tinh thần nghĩa hiệp, tiếng nói của người tự chọn vị trí trên một trận tuyến đã phân ranh để ngăn chặn các thế lực bạo ngược bóp nghẹt quyền sống của các nạn nhân cô thế. Từ đây, tiếng nói dù xót xa, dù bất bình, dù phẫn nộ vẫn sang sảng âm vang toại nguyện do sẵn sàng chấp nhận mọi hiểm nghèo để bảo toàn nhân cách của con người đúng nghĩa con người. Dù bị đặt vào cảnh huống chông gai cùng cực, gian khổ trăm bề, tiếng nói vẫn mang giọng ngạo nghễ biểu hiện một khí phách can trường thản nhiên nhìn mọi khó nguy chỉ là các thách thức tất yếu.

Trong khi đó, cây bút trong tay Võ Thị Hảo cất lên tiếng nói không khởi từ một chọn lựa tự nguyện, cũng không nhắm kháng cự một tai ách xa vời với chính bản thân. Bởi cõi sống bao trùm toàn bộ nội dung chuyển đạt từ tác phẩm Võ Thị Hảo là cõi sống của chính bản thân Võ Thị Hảo. Trong cõi sống đó, con người ngay từ thuở lọt lòng mẹ đã hóa dạng oan hồn. Trong cõi sống đó nhung nhúc ác quỷ. Trong cõi sống đó. “mỗi người đều là một món ngon trên bàn tiệc quỷ.” Và, chính bản thân Võ Thị Hảo cũng là một món ngon trên bàn tiệc quỷ trong cõi sống đó. Cho nên, cây bút trong tay Võ Thị Hảo không hề là thanh gươm nghĩa hiệp mang sứ mệnh diệt bạo trừ gian bênh vực các nạn nhân cô thế mà chính là khí giới cuối cùng của một nạn nhân chỉ luôn “muốn nhảy ra khỏi bàn tiệc” như Võ Thị Hảo từng phát biểu.

Có thể bảo tâm cảnh Võ Thị Hảo tương hợp phần nào với tâm cảnh Eduard Dekker, ít nhất qua ý nghĩa bút danh Multatuli — người gánh nhiều đau khổ — ký trên tác phẩm Max Havelaar của nhà văn Hà Lan này.

Tương hợp thứ nhất là Eduard Dekker kiên cường cáo giác một chế độ chính trị bất nhân đã thi thố mọi hành vi bóc lột tàn nhẫn đối với những con người yếu đuối đang bị áp đặt trong vòng kiềm tỏa hung bạo của nó. Tương hợp thứ hai là chính bản thân Eduard Dekker cũng bị chế độ chính trị bất nhân đó vây hãm hành hạ khi lên tiếng đòi hỏi phải tôn trọng sự sống và nhân cách của con người.

Nhưng mức tương hợp chỉ dừng tại đó do khác biệt giữa vị thế xã hội của Eduard Dekker giữa thế kỷ 19 và vị thế xã hội của Võ Thị Hảo trong thời điểm hiện nay. Vì nạn nhân trực tiếp của chế độ thực dân Hà Lan giữa thế kỷ 19 là những con người không chung màu da, không chung huyết thống với Eduard Dekker và Eduard Dekker chỉ trở thành đối tượng bị xua đuổi, bị ngược đãi khi chọn thế đứng đối đầu với các tập đoàn thống trị do không chấp nhận vỗ tay tán trợ tội ác. Hiển nhiên Eduard Dekker vẫn là một người tự chủ trong quyết định chọn lựa số phận cho chính mình. Vì thế, để đạt một so sánh chính xác, chỉ có thể đặt Eduard Dekker vào vị thế trung gian giữa trang hiệp sĩ Emile Zola và nạn nhân Võ Thị Hảo đang bị tước đoạt mọi quyền sống bẩm sinh tối thiết của con người.

Khi nhìn lại cảnh ngộ bản thân, Võ Thị Hảo từng tâm sự vẫn may mắn hơn nhiều đồng hội đồng thuyền. Nhưng trên thực tế, Võ Thị Hảo cũng thiếu may mắn vô cùng so với chính những người đó.

Lý do đơn giản là Võ Thị Hảo sống với nghiệp văn trong khi tương quan giữa văn chương và thực tế cuộc sống luôn gắn kết như keo sơn. Từ đây, thân phận nạn nhân Võ Thị Hảo không thu gọn trong cuộc sống bản thân mà tất yếu bao trùm mọi thân phận nạn nhân. Thêm nữa, nếu thực tế như một vạc dầu địa ngục hực lửa thì mọi nạn nhân chỉ bị thiêu đốt một lần trong khi người sống với nghiệp văn không bao giờ ngừng bị thiêu đốt. Mỗi nạn nhân chỉ gánh chịu nỗi đau trong khoảnh khắc thân xác giãy giụa giữa ngọn lửa cực hình còn người sống với nghiệp văn sẽ phải kéo dài nỗi đau giãy giụa trước mọi ngọn lửa cực hình nối tiếp thiêu đốt vô vàn thân xác. Khắc nghiệt hơn là ngọn lửa cực hình thiêu đốt mỗi nạn nhân không bao giờ ngừng thiêu đốt tâm não người sống với nghiệp văn kể cả khi ngồi trước bàn viết.

Cho nên, dù tác phẩm Võ Thị Hảo có thể mang nét tương hợp với các hành vi tiêu biểu bởi những tên tuổi lẫy lừng như Emile Zola, như Eduard Dekker, dù giọng kể Võ Thị Hảo có thể như lạnh lùng giễu cợt, thế giới nghệ thuật Võ Thị Hảo vẫn chỉ hiển lộ dị sắc là tiếng gào thất thanh, bi thống của những nạn nhân vẫy vùng tuyệt vọng cho mong ước thoát khỏi cảnh sống của thú hoang, của ma quái, của ác quỷ mà guồng máy bạo quyền vô cảm đang tạo dựng bằng mọi giá.

Với tác phẩm “Dạ Tiệc Quỷ”, dị sắc này càng được tô đậm thêm.

Võ Thị Hảo viết xong Dạ Tiệc Quỷ cuối năm 2006, gồm 22 chương nhưng sau nhiều lần chỉnh sửa đã rút lại thành 20 chương.

Tác phẩm mở đầu bằng những tiếng rú và hình ảnh sau:

“Cái thây người treo lủng lẳng bằng sợi thừng bện lông lợn đen xỉn thõng thượt lệt quệt sát đất.
Phía trên, nút thòng lọng thít chặt lấy chiếc đòn tay gỗ xoan.
Mặt người xấu số bị mớ tóc xổ tung che phủ.
Mớ tóc dài chấm đất, óng mượt, phản chiếu những tia mặt trời đầu tiên phun xói qua những kẽ lá của rặng cây. Nắng hồng như máu loãng.
Đôi chân như dợm bước lên trời.”

Đó là Phượng, người con gái nổi tiếng đẹp của ông Cử, đã theo gương mẹ, tự kết thúc đời mình bằng sợi thừng thắt cổ do sự đổi đời mở ra từ cuộc Cải Cách Ruộng Đất mà cuối năm 1956, Hồ Chí Minh đã ca ngợi là “chiến thắng vĩ đại” đạt được bằng các hoạt cảnh tiêu biểu như giây phút cuối đời ông Cử dưới ngòi bút Võ Thị Hảo:

“ Đã khá lâu rồi ông Cử không cần mặc quần.
Vì đã là linh hồn thì đâu cần quần áo.
Linh hồn chỉ trần truồng mà bay.
Ông Cử đã sang thế giới bên kia.
Tiễn đưa ông Cử sang thế giới bên kia, là một chiếc cọc. Ba sợi thừng chuyên trói chó để cắt tiết. Một sợi thừng chuyên buộc lợn vào thang mà thiến... Kèm thêm là một loạt đạn trong nòng súng kíp tự chế.
Rộn ràng hơn, thêm ba nhát cuốc mẻ và mười bảy nhát vồ đập đất.
Để cho vỡ nát đôi mắt thảng thốt.
Cho vỡ nát cả cái uất hận đang đọng lại dưới tròng mắt mở chong chong.”
Với giọng kể khô khốc như dửng dưng cay độc, Võ Thị Hảo đã dựng lại các chi tiết khiến nhân vật ông Cử trở thành tử tội và vạch mặt những kẻ nhân danh cách mạng, nhân danh công lý để trà đạp con người:

“… Ông Cử từng dạy học, từng làm thơ, từng cho thuốc cải tử hoàn sinh cả ngàn mạng người trong xứ, đã bị loạt đạn tự chế của con ông cu Cáy nhồi vào nòng súng làm nổ tung.
Ông cu Cáy trước đây đã được ông Cử cứu mạng trong trận đau bụng bão. Đau đến mức cắn đất cắn sỏi, bò lê bò càng trên mặt đất. Chỉ còn nước bó chiếu đem chôn. Thế mà ông Cử cứu được …
Chuyện đó cũng đã lâu rồi. Nay thì viên đạn của con ông cu Cáy đã xuyên qua đầu, làm tinh óc ông Cử trắng hồng phọt ra ruộng mạ. Óc ông Cử làm bữa tiệc cho lũ giun đất và sâu bọ.
Linh hồn ông Cử lên trời.....
Để lại thê tử, chiếc cọc và dây trói, chiếc cuốc mẻ lưỡi và những chiếc vồ đập đất bết máu.
Để lại những vỏ đạn, ngôi nhà, đồ đạc, của cải và những bộ quần áo bằng lụa nõn, lụa tía quý phái.
Những thứ ông Cử để lại thì không ế...”


Những thứ ông Cử để lại có vợ ông và con gái ông, Phượng.
Bà Cử đã nhờ sợi thừng thắt nghẹt cần cổ để được tức khắc theo chồng. Riêng Phượng trở thành vật sở hữu của lão đánh dậm đang nắm quyền uy tuyệt đối đã ra lệnh diệt trừ ông Cử và chiếm trọn gia sản nạn nhân. Rồi Phượng cũng theo con đường của mẹ nhờ một sợi thừng sau khi cho chào đời một bé gái mà cô đặt tên là Miên nhưng lão Dậm chỉ cho gọi là Tép để tránh dấu tích tư sản.

Bé gái đó là nhân vật chính của tác phẩm Dạ Tiệc Quỷ cuối cùng đã bị trói vào cây cọc giữa pháp trường để lãnh một loạt đạn như người ông ngoại thuở nào.

Nhưng Phượng đã hiện hình trở lại trong vai chủ nhân một dạ tiệc và tái hội mẹ cha.

“Phượng mở mắt, ngẩng đầu nhìn. Đằng kia có một luồng sáng hình trăng lưỡi liềm đang bay tới. Nhìn kỹ, hoá ra đó không phải trăng lưỡi liềm mà là một người đàn ông, lưng dài, ngón tay dài, móng thon ba tấc, đôi mắt sâu, hiền minh chập chờn trên một cái đầu đã bị đập vỡ nát. Phượng đau đớn:
Cha ơi! Mẹ ơi! Con không mở tiệc này cho cha và mẹ. Con nghĩ hai người đã lên Niết Bàn rồi. Con mở tiệc này cho những oan hồn bị buộc trở thành loài quỷ ……
Ông Cử lại cười:
Ta biết ta biết.… Mà này, con chết đi nguyện làm giống quỷ. Ngược đời là giống quỷ thời này lại cứu rỗi giống người.
Cha biết tại sao mà…
Ta biết, con ạ. Vì đã quá lâu rồi người lương thiện và trung thực không có quyền sống trên mảnh đất hình chữ S này. Họ hoặc bị tù đày, hoặc bị buộc phải lưu manh hóa để sống, hoặc phải chết đi trong oan ức mà làm giống quỷ. Trên Niết Bàn bây giờ Phật đang băn khoăn nghĩ xem giống Người thực sự là cái gì. Vì loài ma cà rồng đã chiếm chỗ trên dương thế. Chúng ngang nhiên tự phong mình là thánh, là thiên thần và gọi những người lương thiện là Quỷ…”

Buổi dạ tiệc đó có mặt Đứa Con Xanh là đứa trẻ sinh ra từ những tử thi chết trận và Đứa Con Vàng Nghệ là con ruột của lão Dậm đã bị chính lão giết chết rồi vùi xác dưới gầm bàn thờ trong ngôi nhà chiếm đoạt của ông Cử.

Và một cảnh ma quái đã hiện ra từ câu chuyện do hai đứa trẻ mở đầu:

“Đứa trẻ sinh ra từ những tử thi chết trận ấy bay tới bên cạnh Đứa Con Vàng Nghệ, nắm lấy tay nó, và nói:
- Lão Dậm, cha ngươi đã chôn ngươi dưới chân bàn thờ, sao ngươi lại ở đây?
Đứa trẻ màu vàng nghệ – vì nó là Đứa Con Vàng Nghệ – cười:
- Ông ấy không chôn được ta, ông ấy chỉ chôn chính mình. Bây giờ ông ấy đang làm ma cà rồng. Chỉ khác là ma cà rồng thì hút máu ban đêm, còn ông ấy đi hút máu ban ngày. Nhìn xem…
Ở bên trái vòm hang, mở ra, để lộ một đường phố với những ngôi nhà hình ống.
Ông Dậm đang ngồi uy nghi sau chiếc bàn, trong một ngôi nhà cao tầng, trước một hội nghị cỡ mấy trăm người. Ông đang nói, đang giảng giải, miệng cười rất tươi, đôi mắt có vẻ nhân từ.
Những người ngồi dưới lắng nghe và ghi chép.
Họ không thấy rằng, có một hình người trong suốt đang tách khỏi hình hài ông Dậm, bay đi, với hai ngón chân cái đút vào lỗ mũi, vụt qua cửa sổ, nhẹ nhàng xuyên qua những bức tường và hai chiếc răng nanh cắn ngập vào cổ một ai đó rất nhanh. Những cái răng nanh ấy cắn vào nhiều chiếc cổ. Cái hình người đó mang cái dạ dày ngày càng phồng to như một cái thùng không đáy. Nhưng trong khi đang bay đi hút máu, trên gương mặt ông Dậm đang ngồi họp trông vẫn như nhân từ, chỉ có làn môi lúc nào trông cũng thèm thuồng, hơi run run và giật ở mép phải.
Đám thực khách nhìn lom lom, rồi thét lên, dùng tay chỉ trỏ loạn xạ:
Ma cà rồng! Nhưng ông ta không bay một mình!
Mẹ trẻ Phượng và Đứa Con Xanh, Đứa Con Vàng Nghệ cùng ông Cử, bà Cử cùng nhìn theo những ngón tay chỉ trỏ. Thấy quả thực ông Dậm không bay một mình. Rất nhiều người trong hội nghị, dù đang ngồi uy nghi và trông còn có vẻ hiền lành vô sự, nhưng kỳ thực, họ cũng tách ra như ông Dậm, bay đi với đôi răng nanh thấm máu và tìm những chiếc cổ để cắm vào ...”
Sự việc mơ hồ huyền hoặc giữa vùng trời ma quái mờ ảo nhưng lại như những nét khắc sắc đậm về một thực cảnh qua ngôn từ diễn tả chắc nịch và thẳng băng khiến khó tránh cảm giác bị bao bọc bởi một đám ma cà rồng đang điên cuồng cắm những cặp răng nanh đẫm máu vào cổ các nạn nhân. Trong tình cảnh đó, “lời nhắc rơi nhẹ như một tiếng thì thào” quả đã trở thành một tia sáng lòa chói khắp không gian: “Muốn tái sinh giống người, trước hết hãy diệt lũ ma cà rồng. Nếu không, hễ cứ có người nào mới ra đời, lại bị làm mồi ngay cho lũ chúng…”

Đây là những dòng kết thúc tác phẩm Dạ Tiệc Quỷ và cũng là những dòng gợi nhắc tâm tư tác giả Max Havelaar qua ước mong:

Tôi mong sẽ được đọc! Tôi mong sẽ được đọc bởi các chính khách…, bởi các thức giả…, bởi các thương gia…, bởi các gia nhân từ ái của các mệnh phụ…, bởi các quan chức đã hồi hưu…, bởi các vị trưởng nhiệm cơ quan…, bởi hết thẩy tùy tùng của các thượng cấp…, bởi các giáo sĩ…, bởi hàng ngàn hàng vạn con người đang theo đuổi những lý lẽ riêng …

Võ Thị Hảo chắc chắn cũng mong như Eduard Dekker là mọi người sẽ đọc những dòng chữ của mình, và với tâm cảnh khi viết “Dạ Tiệc Quỷ” chắc chắn còn mong một hành vi cụ thể ở hết thẩy những con người chưa hết ước tái sinh để chấm dứt kiếp phận con ếch mắc nghẹn hoài giữa cổ rắn: Hãy diệt lũ ma cà rồng!

Virginia, December 01, 2012


Bài do tác giả gởi. DCVOnline biên tập chú thích và minh hoạ.


----------------------------


Đọc ở đây :

Dạ tiệc quỷ




No comments:

Post a Comment

View My Stats