Tuesday 4 December 2012

ĐỌC "PHỐ PHỐ SÀI GÒN" của NGUYỄN VĂN THỨC (Trịnh Bình An)




03-12-2012

Một người bạn vừa đi Việt Nam về, dúi vào tay tôi một tập sách mỏng, một tập thơ - “Phố Phố Sài Gòn”, tác giả Nguyễn Văn Thức - bảo đọc rồi cho biết ý kiến. Thú thật, tôi rất kém về thơ, cả về hiểu biết lẫn cảm nhận, nhưng nể bạn, tôi vẫn cầm tập thơ về nhà. Dù sao, tôi vẫn muốn biết người ta nói gì về Sài Gòn qua thơ - Sài Gòn, thành phố thân yêu của tôi.

Nguyễn Văn Thức sinh năm 1941, Ninh Bình. Từng là thầy giáo trường Trung học Cao Lãnh (Đồng Tháp) những năm 1960. Hiện nay cư ngụ tại Sài Gòn. “Phố Phố Sài Gòn” là một trong nhiều tập thơ của ông đã được xuất bản. (1)

Qua vài bài đầu tiên, ấn tượng ban đầu là nhạt nhẽo.

Em đẹp quá / ta thì xa hoa /giữa chốn thị thành / chẳng biết ra sao / giữa chốn mịt mù / Trời đất / nghiêng qua / phố đêm / giữa chốn thị thành / Chả ra sao / cố gắng vịn vào / khổ đau / hạnh phúc / vờ qua. (2)

(Cái Nhìn – NVT)

Những giòng thơ rời rạc, chữ dùng tầm thường, kể lể tâm sự vụn vặt của một người có dáng đăm chiêu, rầu rĩ. Mượn chữ của Mai Thảo trong “Mười Đêm Ngà Ngọc” thì đó là người sống một đời sống “lượt bượt”. Giờ này Sài Gòn thiếu gì cái đáng nói, không khí ùng ục như sắp sôi bùng lên, vậy mà người thơ không thấy gì, không cảm gì hay sao? Tự dưng, tôi đâm bực ngang!

Phố Phố Sài Gòn .   Nguồn ảnh: NXB Thanh Niên

Nhưng tôi sực nhớ một đoạn văn trong cuốn “Thơ Việt Hiện Đại 1900-1960”, một cuốn sách phê bình văn chương của Uyên Thao may mắn sống sót. Phần vào đề ông viết:
Người này, người khác trong phạm vi nghề nghiệp của họ, ai cũng vì đất nước cả. Tôi chỉ yêu cầu một điều: “Phải xem tính chất nghề nghiệp của mình, và qua những điều đó, thế nào là vì đất nước?” Tôi nhớ có người bảo thế này: “Văn hóa đuổi theo cái mục đích làm cho người trở nên người” và lại cẩn thận nhắc nhủ “văn hóa là khác mà nghệ thuật, văn chương là khác”. Vẫn theo lời người trên, văn hóa là cái ý lực hướng dẫn nhân sinh.

Người văn nghệ, vì thế không là người văn hóa. Người văn nghệ không là nhà đạo đức. Họ chỉ làm thiên chức của một nhân chứng và mượn khả năng làm đẹp cùng nhu cầu thẩm mỹ của con người để lưu lại ngàn sau việc họ làm. Nếu cứ đem nguyên một cái vì cứu cánh để đòi hỏi ai cũng như mình, sao không sang quách bên kia mà sống? […] Chúng ta cần nhớ, trước khi là nghệ sĩ, nghệ sĩ đã là người cũng như trong khi là nghệ sĩ, sau khi là nghệ sĩ. Nói tóm lại, họ còn phải sống. Sống là phải tranh đấu, nhưng đừng bắt họ tranh đấu trong khi sáng tác.

Vậy thì hãy xem những điều Nguyễn Văn Thức kể – qua thơ – có xứng tầm nhân chứng hay không, có cho ta thấy một Sài Gòn sống động, độc đáo hay không. Muốn biết thì bạn và tôi, ta hãy dạo phố Sài Gòn cùng với tác giả vậy.

Trước tiên, nói tới Sài Gòn là nói tới một thành phố bị đổi tên, mất tên cùng với những tên đường phố trong nó, “Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý – Đồng Khởi vùng lên mất Tự Do”. Còn Nguyễn Văn Thức đi trên những đường phố ấy, thấy gì?

Chở em đi / trên con đường cách mạng / nói chuyện nhiều / nhưng không thấy em vui
Hôm qua / hôm nay / vẫn đi trên con đường cách mạng / hoa nở đầy cũng không thấy em vui
Hoa ấy / đâu phải hoa màu đỏ của tim
Hoa ấy / đâu phải hoa tin mừng / của tuổi
Một lần dừng chân trên con đường cách mạng
Xót xa / tôi hôn lên mắt em / hôn tận đáy linh hồn
(Hôm Qua, Hôm Nay – NVT 2009)

Sách đánh dấu hoa thị sau chữ “đường cách mạng”, chua rằng đấy là đường “Cách Mạng Tháng Tám” - tên mới cho đường Lê Văn Duyệt [trước 1975]. (3)

Người Sài Gòn sinh ra từ những con phố. Mỗi người thường nghĩ riêng về một hay vài con phố nào đấy, có thể là phố Bàn Cờ chằng chịt chật hẹp, cũng có thể là phố Tân Định sống động nhưng yên ả,… Còn Nguyễn Văn Thức nghĩ tới những con phố Sài Gòn với những cảnh đời lam lũ:

Tôi lơ mơ / nhìn những người bán hàng ế, ngáp / với họ khuya rồi còn gì / cần phải về / tắm rửa, nghỉ ngơi / chờ đợi ngày mai / ngày mai / đối với tôi / tôi không biết.
(Đêm Ở Ngã Tư Chợ Bà Chiểu – NVT 2003)

Giờ tan ca / những công nhân / lảo đảo / trên phố nhỏ / đường chiều
Giờ tan ca / những công nhân / tản dần vào / những ngõ hẻm con đường
Chợ chiều / cá mú / rau cỏ rẻ nhất / công nhân / ngồi chôm hổm / chọn mua
Bữa cơm chiều / dọn ra / họ nhìn nhau / vui buồn gì / chẳng biết / đêm đến / rồi cũng ngủ đi / thăm thẳm bầu trời xa

(Giờ Tan Ca – NVT 2010)

Những người may mắn thoát khỏi địa ngục cộng sản, hoặc chua chát hoặc tội nghiệp, thường nói rằng người trong nước bây giờ lo kiếm miếng ăn ngày hai bữa chưa xong nói gì tới tự do, nhân quyền. Cái nhìn này có thể đúng với số đông, nhưng không đúng với một số khác, họ, dù rất nhỏ, vẫn khát khao thứ “khác”.

Uyên Thao – cũng trong “Thơ Việt Hiện Đại” – mô tả thái độ của một số thi gia trong cảnh ngột ngạt này là:
“Sức phản kháng của con tim trước bất công tàn phá, khiến một cảnh cỏn con cũng rung cảm thi gia . Đã thế, cuộc sống lại cứ theo tháng năm mà vào mãi ngõ lầy. Có người nghĩ phải trả thù những ngày cực nhọc, đã bỏ bẵng hiện tại và cả tương lai để lo hưởng thụ . Đau đớn hơn nữa, lại có nhiều người nao nức với phồn hoa. Thi gia mỗi ngày cứ thấy mình một lạc bước và tự nhiên xác định một vị trí vượt không gian .” (TVHĐ, trang 364)

Với Nguyễn Văn Thức, thái độ vượt không gian là những câu hỏi:
Nhìn về phương Đông / phương Đông / mặt trời chưa thấy
Nhìn về phương Tây / đêm đến / sao lâu quá chưa qua
Đường về niết bàn biết hỏi ai
Hỏi ai / hỏi ai / sao ta dại khờ ngu ngốc / hỏi ai

(Hỏi Ai – NVT 2010)

Là tro bụi / bụi tro / sao các người còn vơ vẩn / đắm chìm
Sao các người làm vi khuẩn bám vào / tội người ta

(Tim Gỗ - NVT 2010)

Phương Đông chưa thấy mặt trời, phải chăng ám chỉ 3 nước Hoa Lục, Việt Nam, Bắc Hàn chưa thoát ách cộng sản. Phương Tây đêm tối chưa qua, phải chăng ám chỉ cuộc khủng hoảng kinh tế 2007-2012 vẫn là bóng đen vây phủ; nhưng còn có thể hiểu như một lời kêu cứu: Văn minh Phương Tây ơi, nơi tôi ở đen tối lắm, sao lâu quá bạn vẫn chưa qua tới đây.

Câu “Sao các người làm vi khuẩn bám vào / tội người ta” thật thú vị. Nếu đọc liền sẽ thành vi khuẩn bám vào tội lỗi con người, nhưng khi đọc ngắt rời sẽ thành tội nghiệp cho con người bị vi khuẩn sống bám vào. Câu thơ ám chỉ nạn tham nhũng tại Việt Nam: tham nhũng sở dĩ sống được là nhờ bám vào lòng tham (tội lỗi) của con người, nhưng cũng thật tội nghiệp cho người dân bị bọn tham nhũng (vi khuẩn) xâu xé.

Nói gì thì nói, không thể chối cãi phố xá Sài Gòn sau 30 năm quả có những đổi mới hoành tráng, dù cho đó là thứ hoành tráng hỗn độn thì vẫn là đổi mới. Nguyễn Văn Thức tả cảnh Sài Gòn ngày nay cho các bạn ông nghe – ông vẫn nhớ tới họ, những người bạn đã đi xa, rất xa:

Bao năm rồi qua đi / họ không được nhìn thấy / bao nhiêu ánh sáng diệu kỳ / của thành phố / muôn vàn đèn xanh đèn đỏ / xanh đỏ nhấp nháy lúc chiều lên / họ không được nhìn thấy / những cao ốc chọc trời / biến thành phố thành hiện đại, nguy nga / họ không được nhìn thấy người người đông đúc / xe cộ như nêm / những căn nhà ổ chuột ven sông / nay đã thay thế bằng những ngôi nhà / sạch đẹp khang trang / nước máy chảy đều , vệ sinh khá tốt / ra phố / thấy trẻ hơn / quần áo tươm tất hơn xưa .

Nhưng cũng có nhiều điều / nhiều góc khuất / họ không nên nhìn thấy / chỉ đớn đau thêm / khêu gợi lại nỗi buồn người đã chết / tội nghiệp họ, họ không cần biết nữa / chết đi là chết đi …

(Thành Phố Vắng – NVT 2011)
Trong “Thơ Việt Hiện Đại 1900-1960”, Uyên Thao phân loại thơ Việt thời gian này thành nhiều giòng thơ khác nhau dựa vào cách phản ứng của thi gia trước tình hình biến chuyển của đất nước. Giai đoạn ngày nay của Việt Nam có nhiều điểm không khác giai đoạn 1900-1960, vẫn cuộc sống ngột ngạt không lối thoát, nguy cơ một cuộc chiến, phong trào phản kháng của người dân chống lại cường quyền,…

Dựa vào phân loại nêu trên, tôi trộm nghĩ, thơ Nguyễn Văn Thức không thuộc giòng thơ tranh đấu, không thuộc giòng thơ hiếu hỉ, cũng không lãng mạn xa rời hiện thực; có thể đặt thơ ông vào giòng thơ phản ảnh tình cảm cá nhân. Những tình cảm này có thể phù hợp với một số người và không phù hợp với số khác. Chẳng hạn những ai coi Sài Gòn là nơi “vẫn sống thiết tha, vẫn lấp lánh hoa trên đường đi” - như lời bài hát Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên của Trịnh Công Sơn – chắc sẽ không đồng ý với Sài Gòn của Nguyễn Văn Thức.

Những câu thơ rời rạc, ngang ngang của “Phố Phố Sài Gòn”, ngẫm nghĩ kỹ nghe ra có âm hưởng kỳ quái, nó mang đến cho ta cảm giác tẻ nhạt, chòng chành, lảo đảo, chẳng cái gì ra cái gì. Phải chăng đó mới đích thực là hình ảnh Sài Gòn ngày nay?

© DCVOnline



(1) “Nhà thơ Nguyễn Văn Thức”, Hoàng Ngọc Vũ
(2) Người viết dùng gạch chéo thay vì xuống hàng vì lý do kỹ thuật của trang báo điện tử.
(3)
“Đối chiếu tên đường Sài gòn xưa và nay”








No comments:

Post a Comment

View My Stats