Lê Mạnh Hùng
Đăng bởi lúc 12:05
Sáng 28/12/12
VRNs (28.12.2012) – Sài Gòn – Mấy lúc gần đây nhiều
diễn đàn của người Việt tại hải ngoại đã xôn xao bàn luận về cuốn sách mới được
xuất bản của tác giả Huy Ðức, Bên Thắng Cuộc. Ông Huy Ðức là một nhà báo trẻ.
Sinh ra và lớn lên trong chế độ cộng sản miền Bắc, nhưng sau này ông đã thức
tỉnh và trở thành một người bất đồng chính kiến. Ông có một trang blog, blog
Ôsin, phê bình chỉ trích chính quyền hiện tại. Cuốn sách Bên Thắng Cuộc của ông
khi đưa ra đã gây được nhiều ồn ào trong dư luận vì được coi như là đã trung
thực dám kể lại những gì xảy ra tại miền Nam trong suốt hơn 10 năm đầu sau ngày
30 tháng 4 với những đau khổ của người dân miền Nam dưới chế độ cai trị của
miền Bắc.
Thành ra tôi rất mừng khi nhận được ấn bản điện tử của
tác phẩm này của một người bạn như một món quà Giáng Sinh. Tôi lại còn mừng nữa
khi đọc qua những lời giới thiệu có những lời giới thiệu nồng nhiệt của một số
người tôi quen biết. Nhưng khi bắt đầu vào đọc tôi đã
rất thất vọng.
Trước hết phải công nhận là ông Huy Ðức đã có những cố
gắng viết lên những gì mà những người miền Bắc chưa hề dám viết ra. Nhưng những
gì ông viết ra lại không có gì lạ đối với những người miền Nam, nhất là những
người từng sống tại Sài Gòn trong những năm đó. Và điều đó cũng đúng với những
tài liệu viết về cải tạo, thăm nuôi, cuộc sống trong trại cải tạo cũng như là
giai đoạn sau đó, chiến tranh biên giới, việc đuổi người Hoa và phong trào vượt
biên qua sự tổ chức của nhà nước. Ðiều mà người đọc, nhất là tôi, muốn được
biết là những phân tích và những tiết lộ về chính sách mà ông Huy Ðức hé mở cho
người ta biết, nhưng không nói thêm.
Một tỷ dụ là quyết định thanh toán gấp rút chế độ Cộng
Hòa Miền Nam Việt Nam vào tháng 6 năm 1975. Tác giả viết:
“Khi chiến dịch bắt đầu, Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam đã tuyên
truyền về việc sẽ lập ở miền Nam một “chính phủ ba thành phần.” Tuy nhiên, khi
cờ đã được cắm trên Dinh Ðộc Lập, Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn quyết định dẹp bỏ ý
tưởng này. Ngày 1 tháng 5, 1975, Tố Hữu đã chuyển “lệnh” tới Trung Ương Cục:
“Gửi anh Tám, anh Bảy [Nhờ Trung Ương Cục chuyển anh Tám]. Xin báo để các anh
biết: Theo ý kiến anh Ba42, về chính phủ, không còn vấn đề ba thành phần. Cấu
tạo chính phủ không thể có bọn tay sai Mỹ, không để cho Mỹ có chỗ dựa và phải
làm cho quần chúng thấy rõ sức mạnh, thế mạnh của cách mạng; ta vừa phát động
quần chúng lại vừa buộc Mỹ phải thay đổi chiến lược.”
Việc thay đổi chính sách này như vậy là của riêng ông Lê
Duẩn hay là có ý kiến của Bộ Chính Trị và các người khác? Và nếu là chỉ riêng ý
kiến của ông Lê Duẩn thì phản ứng của những người khác ra sao, tác giả không hề
nhắc tới. Ngoài ra còn một câu hỏi khác đặt ra: điều gì đã khiến cho ông Lê
Duẩn và Bộ Chính Trị Hà Nội thay đổi chính sách một cách đột ngột. Và việc loại
trừ này không chỉ riêng đối với những người miền Nam bị coi như là tay sai Mỹ
dù có chống đối ông Thiệu và ủng hộ họ mà đối với ngay cả những thành phần miền
Nam không đi tập kết mà chiến đấu chống chính quyền quốc gia ngay từ những năm
đầu. Tôi còn nhớ lúc đó tôi đang bị giam tại khu biệt giam AB ở khám Chí Hòa và
đã được nói chuyện với một số cán bộ cao cấp Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam được
gọi về Sài Gòn họp và sau đó bị bắt đưa vào Chí Hòa mà không được biết một lý
do nào. Những thí dụ đó có đầy trong cuốn sách của ông Huy Ðức.
Một vấn đề khác mà không được ông Huy Ðức cho thấy một
cách rõ ràng là vấn đề ra đi bán chính thức với nhà nước công khai tổ chức vượt
biên cho dân chúng ra đi bất chấp những luật lệ của chính mình. Trong suốt đoạn
này không có một lúc nào ông Huy Ðức cho biết vì sao chính quyền lại chọn giải
pháp này, một giải pháp rất đặc biệt mà có lẽ chỉ có nước Việt Nam Xã hội Chủ
nghĩa mới làm được. Không hiểu trong những cuộc phỏng vấn mà ông Huy Ðức thực
hiện với giới lãnh dạo chính trị ông có đặt câu hỏi đó với họ không.
Yếu tố quốc tế cũng không được ông Huy Ðức nhắc đến mặc
dầu nó rất quan trọng. Ông Huy Ðức nhắc đến những bàn cãi trong chính quyền
Ford đối với việc cứu miền Nam Việt Nam, nhưng ông không hề nhắc đến những
thương thuyết nhằm bình thường hóa quan hệ Mỹ-Việt dưới chính quyền Carter
trong những năm 1978-79 mà đại diện về phía Mỹ là ông Richard Holbrooke và về
phía Việt Nam là ông Nguyễn Cơ Thạch. Nó có quan hệ tới miền Nam Việt Nam vì số
phận những người tù cải tạo cũng là một đề tài được những người Mỹ đề ra. Ðể
chứng tỏ thiện chí, chính quyền đã thả ra khỏi cải tạo nhiều người trong những
năm đó, nhưng sau khi Mỹ quyết định đứng về phía Trung Quốc thì chính sách đối
với tù cải tạo lại thắt lại và hầu như không có bao nhiêu người được thả trong
những năm 1980-81.
Tác giả tuy rằng tỏ ra khách quan và cố gắng diễn tả cảm
tình với người dân miền Nam, nhưng những di sản của một sự giáo dục nhồi sọ của
chế độ vẫn còn. Chẳng hạn như tác giả vẫn còn tỏ ra tin vào huyền thoại tổng
khởi nghĩa – tổng nổi dậy tuyên truyền của miền Bắc khi mô tả những gì xảy ra
tại Sài Gòn trong ngày 30 tháng 4, 1975.
Nói rằng dân Sài Gòn vui mừng đón chào “anh bộ đội” vào
giải phóng như trong đoạn sau:
“Khi tiếng súng của quân Giải Phóng bắn tới tấp vào các căn cứ quân sự của
địch, nhân dân phường Cây Bàng đồng lòng nổi dậy phá kềm, truy quét kẻ địch,
giành quyền làm chủ về tay mình và tràn ra đường đón chờ quân giải phóng. Khi
các chiến sĩ ta tiến vào, đồng bào mừng reo, hoan hô nhiệt liệt. Ngay sau khi
dẹp xong giặc, ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tự quản được thành lập. Các
tổ chức nhân dân cách mạng cũng được khẩn trương xây dựng. Ðến nay, 2 tháng 5,
phường Cây Bàng đã thành lập xong Tổ An Ninh, Hội Mẹ Giải Phóng, Tổ Thông Tin
Tuyên Truyền, Tổ Y Tế và Ủy Ban Tự Quản. Ðang xúc tiến thành lập Tổ Cứu Ðói và
Phòng Chống Hỏa Hoạn.”
Thú thật là những người đã sống những ngày đó ở Sài Gòn,
tôi không thấy chuyện đó xảy ra. Vả lại ông Huy Ðức đã chứng tỏ sự thiếu hiểu
biết của hệ thống hành chánh miền Nam nơi một phường không có gì để mà “cướp
chính quyền.” Hơn thế, chính quyền miền Nam tự sụp đổ, viên chức về nhà, có
chăng là mấy người cơ hội “ăn theo.”
Tuy nhiên tất cả những điều đó không phải là những điều
làm tôi thất vọng nhất. Ðiều làm thất vọng nhất là sự thiếu nhất quán trong lời
văn của tác giả. Người ta có thể thấy qua việc tác giả dùng đến ba danh từ để
tả chính quyền và quân đội cũ tại miền Nam. Có lúc tác giả viết quân đội Việt
Nam Cộng Hòa, nhưng cũng có lúc viết một cách miệt thị là “ngụy quân” có lúc
lại viết một cách miệt thị nhẹ hơn, quân đội Sài Gòn. Thành ra khi đọc người ta
có cảm giác tác giả đã chắp vá nhiều bài viết khác nhau ở những thời điểm khác
nhau làm một, một hình thức “cắt – dán” nhưng không thay đổi để chúng không
chỏi nhau. Một điều cẩu thả khác nữa là có những sự kiện lịch sử có thể kiểm
tra được dễ dàng nhưng tác giả cũng đã không làm, tỷ như ông Phan Kế Toại không
phải là thủ tướng mà chỉ là kinh lược Bắc Kỳ và ông cũng không phải bộ trưởng
kinh tế chính phủ Hồ Chí Minh đầu tiên. Trường Quốc Gia Hành Chánh không phải
do Tổng Thống Ngô Ðình Diệm thành lập mà được thành lập từ thời Quốc Trưởng Bảo
Ðại.
Mặc dầu vậy, cuốn Bên Thắng Cuộc cũng là một cố gắng lớn
của tác giả, và đối với những người còn sống tại Việt Nam, đây là một cuốn sách
rất có ích vì nó cho họ biết một số khía cạnh về quá khứ mà họ vẫn bị che giấu.
LÊ MẠNH HÙNG
No comments:
Post a Comment