Monday, 3 December 2012

NHỮNG VẤN ĐỀ TRUNG QUỐC CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM [02] - (TS Trần Diệu Chân)




Phần 2 : NHỮNG VẤN ĐỀ TRUNG QUỐC CỦA Á CHÂU VÀ VIỆT NAM
TS Trần Diệu Chân
Đăng bởi pleikly lúc 2:58 Sáng 4/12/12

VRNs (04.12.2012) - California, USA - Ngày hôm qua, chúng ta đã cùng với tiến sĩ kinh tế Trần Diệu Chân tìm hiểu Những vấn đề Trung Quốc của thế giới và của chính Trung Quốc. Hôm nay chúng ta sẽ được tiến sĩ Trần Diệu Chân bàn đến Những vấn đề Trung Quốc của Á Châu và Việt Nam.

NHỮNG VẤN ĐỀ TRUNG QUỐC CỦA Á CHÂU VÀ VIỆT NAM

Trung Quốc hiện có đường biên giới giáp ranh với 14 quốc gia khác ở Á Châu. Phía Bắc giáp Mông Cổ, Nga. Phía Tây giáp A Phú Hãn, Kazakhstan, Kyrgystan, Tajikistan. Phía Nam giáp Nepal, Bhutan, Miến Điện, Ấn Độ, Lào, Việt Nam. Phía Đông giáp Bắc Triều Tiên và Biển Hoa Đông. Ngoài ra, Trung Quốc còn có một bờ biển dài 14.500 cây số tiếp giáp với Bột Hải, Hoàng Hải, biển Hoa Đông và biển Đông.

Trong những quốc gia và vùng biển tiếp giáp với Trung Quốc nói trên, có hai quốc gia và biển mà mối quan hệ với Trung Quốc có thể ảnh hưởng rất lớn lên cục diện lâu dài của toàn khu vực Đông Nam Á nói riêng và Thế giới nói chung. Đó là Miến Điện, Việt Nam và biển Đông.

Nếu như vấn đề Trung Quốc của Thế giới trong vài năm tới chính là tham vọng trở thành cường quốc hải dương với khả năng kiểm soát vùng biển xanh tận cuối chân trời thì Việt Nam, Miến Điện và biển Đông chính là cửa ngõ quan trọng để cho Trung Quốc vói tay ra Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Miến Điện và Trung Quốc

Miến Điện còn gọi là Myanmar, tên chính thức là Cộng Hòa Liên Bang Myanmar, gồm có 7 bang và 7 vùng hành chính. Miến Điện có tổng diện tích khoảng 678.500 cây số vuông, lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á và đứng hàng thứ 40 trên thế giới; nhưng dân số thì chỉ có khoảng 50 triệu người. Miến Điện rất đa dạng về chủng tộc với khoảng 135 sắc tộc khác nhau chung sống gồm người Bamar (là sắc tộc chính tại Miến) chiếm 68%, người Shan chiếm 10%, người Karen chiếm 7%, người Rakhine chiếm 4%, người Hoa chiếm 3%, người Mon chiếm 2% và số còn lại là người Ấn, Kachin, và Chin.

Miến Điện có 5.876 cây số đường biên giới với Trung Quốc (2.185 cây số), Thái Lan (1.800 cây số), Ấn Độ (1.463 cây số), Lào (235 cây số) và Bangladesh (193 cây số). Đường biển dài 1.930 cây số. Miến Điện còn là nơi mà Trung Quốc có thể dễ dàng có mặt ở khu vực Nam Á và Ấn Độ Dương bằng đường bộ ngắn nhất. Miến Điện là quốc gia không cộng sản đầu tiên thừa nhận Cộng hòa nhân dân Trung Hoa vào ngày 17-12-1949 và hai bên đã chính thức thành lập ngoại giao từ tháng 6-1950 kéo dài cho đến nay là 62 năm. (7)

Quan hệ giữa Miến Điện và Trung Quốc phát triển theo 5 thời kỳ:

1- Từ 1950 Đến 1961
Thời kỳ này được coi là giai đoạn hữu nghị “chung sống hòa bình”. Tuy năm 1956 có xảy ra vụ tranh chấp biên giới giữa hai nước; nhưng hai phía đã có thiện chí giải quyết các tranh chấp giữa Tỉnh Kachin với Khu tự trị Tây Tạng và giữa Tỉnh Shan với tỉnh Vân Nam. Ngày 28-1-1960, hai phía đã ký Hiệp định biên giới và Hiệp ước hữu nghị không xâm lược lẫn nhau.

2-Từ 1962 Đến 1971
Thời kỳ này được coi là giai đoạn “thù nghịch” vì Trung Quốc đã ủng hộ đảng Cộng sản Miến để tạo ra cuộc nội chiến trên đất Miến. Đảng Cộng sản Miến thành lập năm 1939, được đảng Cộng sản Trung Quốc yểm trợ về chính trị, quân sự và tài chánh, tiến hành các cuộc đấu tranh vũ trang với quân đội Miến, với mục tiêu “giải phóng” Miến Điện thành nước cộng sản.

Cũng vào thời kỳ này, cuộc cách mạng văn hóa tại Trung Quốc bùng nổ, tác động lên khối người Hoa đang cư trú tại Miến. Cuộc cách mạng này đã lôi cuốn đông đảo người Hoa, nhất là sinh viên và thanh niên người Miến gốc Hoa tham gia vào đảng Cộng sản Miến, thành lập những đội vệ binh, tuyên truyền chủ nghĩa vô sản và tư tưởng Mao một cách công khai tại trường học, nhà máy, công sở tại các tỉnh phía Bắc.

Chính quyền Miến vào lúc này còn phải đối phó một lực lượng khác là tàn quân Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch, ngay sau khi thất bại ở Hoa Lục, từ tháng 1-1950 đã chạy sang vùng Tam Giác Vàng, lập căn cứ trong vùng phía Bắc Miến, sản xuất thuốc phiện làm nguồn tài chánh hoạt động gây rối vùng biên giới.

Miến vào lúc này rơi vào tình trạng gần như “nội chiến”, giật dây đàng sau chính là Trung Quốc. Để đối phó với tình hình, chính quyền Miến Điện tuyên bố ngưng quan hệ ngoại giao với Trung Quốc từ giữa năm 1967; đồng thời huy động cảnh sát và quân đội trấn áp những cuộc nổi loạn của người Hoa và tống xuất những người Hoa thân Trung Quốc qua phía biên giới Trung Quốc, cũng như càn quét các căn cứ quân sự của đảng Cộng sản Miến và tàn quân Quốc Dân Đảng.

3-Từ 1972 Đến 1987
Thời kỳ này được coi là giai đoạn hợp tác đôi bên cùng có lợi. Sau cách mạng văn hóa, do nhu cầu tiếp cận với Hoa Kỳ và loại Đài Loan để giành lấy ghế Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc đã chủ động mở các liên lạc ngoại giao với chính phủ Miến để nối lại các quan hệ hữu nghị.

Năm 1972, Miến Điện ủng hộ Trung Quốc thay Đài Loan làm Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc. Ngược lại, Trung Quốc hứa giảm dần sự ủng hộ đảng Cộng sản Miến Điện và nhất là phối hợp với lực lượng biên phòng Miến để càn quét tàn quân Quốc Dân Đảng vùng biên giới tỉnh Vân Nam.

Năm 1978, để vận động các nước đầu tư, đồng thời trấn an những quốc gia Đông Nam Á vốn lo sợ cuộc cách mạng Đỏ thế giới của Trung Quốc thời cách mạng văn hóa, Đặng Tiểu Bình đã đi một vòng các nước Thái Lan, Tân Gia Ba, Mã Lai, Phi Luật Tân, Nam Dương và Miến Điện. Tại thủ đô Yangon, Đặng Tiểu Bình đã chính thức tuyên bố cắt đứt mọi liên hệ với đảng Cộng sản Miến Điện. Lời tuyên bố của họ Đặng đã phần nào tạo niềm tin trong giới lãnh đạo Miến mà cụ thể là những hoạt động của đảng Cộng sản Miến ngày một soi mòn. (8)

4-Từ 1988 Đến 2010
Đây là thời kỳ được coi là giai đoạn hữu nghị “môi hở răng lạnh”. Đây là thời kỳ Miến Điện lãnh đạo bởi tập đoàn quân phiệt bị thế giới cô lập về ngoại giao lẫn kinh tế nên dựa hoàn toàn vào Trung Quốc. Bắc Kinh tận tình giúp đỡ và bao che chế độ quân phiệt và là nơi cung cấp vũ khí và tài trợ, đầu tư lớn nhất tại Miến. Ngược lại, Miến Điện trở thành vùng đất lý tưởng mà lãnh đạo Bắc Kinh nhắm tới để mở đường xuống vùng biển phía Nam: Vịnh Bengal và Vịnh Thái Lan.

Năm 1988 là năm Miến Điện rơi vào khủng hoảng cùng cực. Cuộc cách mạng dân chủ bùng nổ vào ngày 8-8-1988 với hàng chục ngàn sinh viên, trí thức, công nhân đứng lên biểu tình chống chính quyền độc tài của Tướng Ne Win và bị đàn áp khốc liệt khiến cho hơn 3 ngàn người tử thương. (9)

Trước tình hình xáo trộn này, một nhóm quân nhân do Tướng Saw Maung cầm đầu thực hiện cuộc đảo chánh chính quyền Ne Win ngày 18-9-1988, lập ra Hội Đồng Vãn Hồi Trật Tự và Luật Pháp Liên Bang (State Law and Order Restoration Council = SLORC) để điều hành quốc gia. Đến năm 1997 thì SLORC đổi tên thành Hội Đồng Hòa Bình và Phát Triển Liên Bang (State Peace and Development Council = SPDC)

Do những áp lực của quốc tế, chính quyền quân phiệt Miến đã phải đồng ý tổ chức cuộc tổng tuyển cử tự do ngày 27-5-1990 với 93 đảng phái chính trị tham gia. Có tất cả 2.297 ứng viên ra tranh 492 ghế đại biểu. Điều bất ngờ là Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ (National League for Democracy = NLD) chiếm 392 ghế, tức 79.8% số phiếu bầu. Trong khi những đảng còn lại, kể cả đảng thân chính quyền chỉ chiếm từ 2 đến 10 ghế. Phe quân phiệt đã choáng váng với kết quả này nên tuyên bố hủy kết quả bầu cử và bắt giữ tất cả những thành viên của NLD và quản thúc bà Aung San Suu Kyi. (10)

Cả thế giới đã lên án chính quyền SLORC, cấm vận kinh tế, thương mại và cô lập ngoại giao. Chính quyền Miến đã phải dựa vào Trung Quốc nhằm giải quyết một số vấn đề cấp bách vào lúc đó:

1/Mở rộng cửa cho doanh nhân Trung Quốc vào đầu tư buôn bán, đồng thời vay tiền từ Trung Quốc để cứu vãn tình trạng khủng hoảng kinh tế.

2/Mua vũ khí từ Trung Quốc để tân trang quân đội hầu chống lại các cuộc vũ trang nổi dậy của một số sắc tộc Karen, Kachin tại Tiểu Bang Shan (Miền Bắc) và Tiểu Bang Kayin, Kayah, Mon (Miền Đông).

3/Nhờ Trung Quốc giải tỏa sức ép quốc tế, nhất là những lên án tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc, thay vào đó Miến Điện để cho Trung Quốc khai thác gỗ, dầu khí, khí đốt và nhất là xây các đập thủy điện.

Trong mối quan hệ nói trên, Trung Quốc đã tạo một ảnh hưởng rất lớn lên thành phần quân phiệt Miến và khống chế nền kinh tế của quốc gia này:

VỀ QUÂN SỰ
Trung Quốc đã bán cho Miến Điện từ súng đạn đủ loại, chiến xa cho đến phi cơ chiến đấu, tàu chiến lên đến 2 tỷ Mỹ Kim trả trong vòng 5 năm từ năm 1989. Sau đó vào năm 1994, Trung Quốc còn cho Miến Điện vay 400 triệu để mua vũ khí và hiện đại hóa quân đội lên đến 480 ngàn quân gồm bộ binh, hải quân, không quân tính đến năm 2010. Theo Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm sắp hạng các quốc gia chi tiêu quốc phòng hàng năm thì Miến Điện đứng hàng thứ 15. (11)

Năm 2003, Trung Quốc là nước ngoài duy nhất được phép xây dựng căn cứ quân sự tại đảo Coco của Miến Điện ở Ấn Độ Dương, đối diện Ấn Độ; đồng thời đặt hệ thống Radar trên đảo Sittrwe và đảo Zedetkyi Kyun để kiểm soát tuyến hàng hải qua eo biển Malacca. Căn cứ quân sự của Trung Quốc tại đảo Coco cùng với các quân cảng của Trung Quốc tại Gwada (Pakistan), tại Colombo (Sri Lanka), tại Chitagong (Bangladesh) tạo thành một vòng cung (quốc tế gọi là “chuỗi ngọc trai”) bao vây Ấn Độ. (12)

VỀ KINH TẾ
Miến Điện cho phép Trung Quốc tham gia vào các dự án khai thác tài nguyên thiên nhiên như gỗ, quặng mỏ, dầu khí và khí đốt. 16 công ty Trung Quốc đã làm chủ 21 dự án khai thác dầu khí lớn tại Miến. Công ty PetroChina, một chi nhánh của Tập đoàn dầu khí Trung Quốc (CNPC) được quyền khai thác khí đốt thiên nhiên tại Sittwe trong Vịnh Bengal, kéo dài 30 năm. Khí đốt tại Sittwe có trữ lượng lớn hàng thứ 10 trên thế giới.

Năm 2006, Miến Điện cho Trung Quốc xây ống dẫn khí đốt dài 2,289 cây số, từ cảng Kyaukphyu trong vịnh Bengal đến tỉnh Vân Nam. Tháng 6/2007, Miến Điện cho Trung Quốc xây đường ống dẫn dầu từ cảng Sittway, Tiểu Bang Rakhine tới Côn Ninh, dài hơn 2,000 cây số, có hiệu lực trong 30 năm. Trung Quốc tặng cho Miến 83 triệu Mỹ kim gọi là để phát triển hạ tầng cơ sở; nhưng mục đích là nhằm phục vụ cho sự di chuyển kiểm soát hai ống dẫn dầu này của Bắc Kinh. Ngoài ra, hàng năm, Trung Quốc phải trả cho Miến khoảng 1 tỷ Mỹ Kim tiền cho thuê đất thiết lập hai ống dẫn dầu và khí đốt này.(13)

Miến Điện còn cho Trung Quốc độc quyền xây dựng và khai thác các đập thủy điện trên thượng lưu các sông Irrawaddy, Salween và Sittang. Cho đến năm 2007 có 45 công ty Trung Quốc làm chủ 65 dự án xây đập thủy điện nhằm chuyển toàn bộ điện năng sản xuất sang tỉnh Vân Nam. Trung Quốc hiện đang xây dựng tuyến đường bộ cao tốc từ Vân Nam đến Myitkyina, thủ phủ Tiểu Bang Kachin và tuyến đường sắt cao tốc từ thành phố Lasa của Tây Tạng đến Tauggyi, thủ phủ của Tiểu Bang Shan và từ Tauggyi xuyên qua lãnh thổ Miến ra tới Vịnh Bengal. Hai tuyến giao thông này sẽ giúp Trung Quốc gia tăng xuất khẩu hàng tiêu dùng sang Miến và nhập khẩu các loại nguyên liệu từ Miến vào Trung Quốc. (14)

Đi theo những dự án đầu tư quy mô nói trên là hàng chục ngàn doanh nhân và công nhân Trung Quốc đã ồ ạt đổ sang các thị trấn và thành phố xây nhà, lập phố tạo cơ nghiệp làm ăn. Con số người Hoa đang sống tại các Tiểu Bang Shan, Tiểu Bang Kachin và Vùng Madalay lên đến 4,5 triệu người, trong đó hơn 2 phần 3 là những người đã nhập cư lâu đời. Đa số người Hoa độc quyền trong các ngành xây dựng, kinh doanh địa ốc, khách sạn, và gây ra nạn đầu cơ giá cả hàng hóa, xăng dầu và nhà cửa khiến cho dân chúng Miến Điện nổi dậy tẩy chay năm 2007.
Trung Quốc hiện là quốc gia có số kim ngạch trao đổi thương mại với Miến Điện cao nhất khoảng 4,4 tỷ Mỹ Kim tính vào năm 2010, vượt qua Thái Lan, Tân Gia Ba và Ấn Độ. Ngoài ra hiện có 173 doanh nghiệp lớn của Trung Quốc đầu tư hơn 10 tỷ Mỹ Kim vào Miến, đứng đầu trong những quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Thái.

Tuy khống chế nền kinh tế và chi phối giới quân phiệt Miến Điện, nhưng Bắc Kinh lại tham lam lôi kéo những phiến quân sắc tộc vùng biên giới Trung - Miến về phía mình. Biên giới Trung - Miến trải dài trên hai Tiểu Bang Kachin và Shan, nơi sinh sống của rất nhiều sắc tộc. Bắc Kinh đã âm thầm giúp cho các sắc dân ở đây võ trang những loại vũ khí tối tân hầu bảo vệ những nguồn lợi kinh tế của riêng họ mà đa số tập trung vào khai thác gỗ, đá quý, làm thuốc phiện và tải những bánh thuốc phiện xuống đồng bằng. (15)

Để chống lại những thủ đoạn nói trên của Bắc Kinh, chính quyền quân phiệt Miến đã một mặt nới lỏng kiểm soát các đường vận chuyển thuốc phiện để lôi kéo các nhóm vũ trang sắc tộc; mặt khác thanh trừng những phe thân Trung Quốc trong bộ phận lãnh đạo. Năm 2004, SPDC do Tướng Than Shwe lãnh đạo đã cách chức Thủ tướng của Tướng Khin Nyunt về tội tham nhũng; nhưng thực tế là để chặt vây cánh của Bắc Kinh trong hàng ngũ quân đội. Tướng Khin Nyunt là người Miến gốc Hoa và có nhiều liên hệ với giới doanh nhân Trung Quốc. Từ đó, chính quyền quân phiệt Miến bắt đầu thận trọng trong các quan hệ với Bắc Kinh. (16)

Năm 2009, chính quyền Miến rất bất mãn và tức giận khi phát giác ra Bắc Kinh đang tái vũ trang cho những nhóm sắc tộc người Hoa, đặc biệt là người Pao, người Wa và người Kokang để chống lại sự kiểm soát của lính biên phòng Miến Điện. Ngoài ra, vấn nạn về môi trường xảy ra ở một số địa phương như dòng nước bị ô nhiễm, lụt lội xảy ra do sự khai thác bừa bãi bất chấp sự phá hủy môi trường của các doanh nghiệp Trung Quốc, làm cho chính quyền Miến thức tỉnh về mối quan hệ “răng môi” với Trung Quốc.

5-Từ 2011 Đến Nay
Đây là thời kỳ được coi là giai đoạn giảm sự lệ thuộc Trung Quốc và mở ra với Thế giới tự do. Trong thời kỳ này, Miến Điện được điều hành bởi một chính quyền dân sự do Tổng thống Thein Sein lãnh đạo chính thức từ ngày 30-3-2011 sau cuộc tổng tuyển vào tháng 10 năm 2010.

Đầu năm 2011, hai dự án thủy điện Lahar và Tarpein do Trung Quốc đầu tư tại Tiểu Bang Kachin đã gây ra những ô nhiễm môi trường sinh thái khiến cho dân chúng và nhiều tổ chức NGO phản đối yêu cầu chính quyền Miến phải ngưng việc khai thác hai đập thủy điện này. (34)

Tiếp đến tháng 3-2011, dân chúng Miến tại Tiểu Bang Kachin cùng với một số đảng phái bao gồm cả Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo đã tổ chức cuộc vận động chữ ký yêu cầu ngưng việc xây dựng đập thủy điện Myitsone trên sông Irawaddy, trong bang Kachin. (17)

Năm 2005, chính quyền Miến đồng ý cho Tập Đoàn Năng Lượng Trung Quốc lên kế hoạch xây đập thủy điện Myitsone là đập lớn nhất trong một chuỗi 7 đập thủy điện dự kiến xây dựng trên sông Irawaddy, có công xuất 6.000MW với sản lượng điện mỗi năm là 16.634 GWh, chủ yếu cung cấp cho Tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Công việc xây dựng kéo dài khoảng 7 năm từ 12-2009 đến 12-2017, tốn phí lên đến 3,6 tỷ Mỹ Kim.

Khi đập thủy điện Myitsone hoàn tất thì sẽ là đập lớn thứ 15 trên thế giới, lòng hồ của đập sẽ rộng khoảng 1.214 cây số vuông và làm mất đất sinh sống của hơn 10 ngàn dân, chủ yếu là người sắc tộc Kachin. Dân chúng Miến đã cho rằng công trình xây dựng này chỉ để phục vụ nguồn điện cho người Hoa tại Vân Nam, trong khi dân Miến đang thiếu điện và phải hứng chịu tất cả những nguy hiểm về môi sinh, lụt lội. Nhất là đập thủy điện Myitsone chỉ cách đường nứt gãy địa tầng hiện đang hoạt động trong vùng chưa đến 100 cây số. Các nhà khoa học Miến Điện quan ngại sức nặng của khối nước khổng lồ sau này sẽ kích thích sự đứt gãy địa tầng và gây nên động đất.

Ngoài ra, dân chúng Miến đang có những phản cảm khi ảnh hưởng của Trung Quốc từ kinh tế, thương mại, chính trị, ngoại giao, quân sự càng ngày càng gia tăng ở Miến Điện, và tức giận khi biết Bắc Kinh giao việc thi công đập Myitsone cho công ty Thế giới Châu Á (Asia World Company) thuộc một gia đình thuộc dòng dõi người Shan gốc Hoa, vốn đã từng ở trong hàng ngũ phiến quân chống lại chính quyền Miến trước đây.

Sau khi lắng nghe mọi ý kiến và nhìn thấy lòng dân đã phản cảm Trung Quốc lên cao độ nên ngày 30-9-2011, Tổng thống Thein Sein đã chính thức thông báo đình chỉ dự án đập Myitsone trong thời gian nhiệm kỳ của ông. (18)
Quyết định bất ngờ của Tổng Thống Thein Sein đã được hoan nghênh bởi các nhà môi trường, các đảng phái chính trị và dân chúng vì cho rằng chính quyền Miến đã tiếp thu ý kiến của công chúng lần đầu tiên trong nhiều năm qua. Trước quyết định của Tổng Thống Thein Sein, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc là Hồng Lôi đã cực lực phản đối và yêu cầu phía Miến Điện phải bảo vệ quyền lợi “ chính đáng và hợp pháp” cho các doanh nghiệp Trung Quốc. Ngày 24 đến 26-10-2011, Miến Điện đã cử Phó Tổng thống Tin Aung Myint Oo sang thăm Trung Quốc để giải thích rõ lập trường của Miến Điện và bàn các biện pháp khắc phục hậu quả. (19)

Tổng Thống Thein Sein tuyên bố ngưng xây đập Myitsone trong nhiệm kỳ của ông. Đó chỉ là cách công bố khôn khéo mang tính trì hoãn để tránh tạo phản ứng giận dữ từ phía Trung Quốc. Tuy nhiên trên mặt thực tế, quyết định này đã cho thấy là chính quyền Thein Sein dựa vào ý nguyện của người dân để chấm dứt một hợp đồng với Trung Quốc, sau 10 năm sống trong qũy đạo lệ thuộc mọi thứ từ Trung Quốc.

Điểm đáng nói là sau khi lên làm Tổng Thống, ông Thein Sein đã dẫn đầu một phái đoàn bộ trưởng gồm 13 người, ký 8 Hiệp ước hợp tác với Ấn Độ từ ngày 14-10-2011. (20) Tổng thống Thein Sein sang Nam Dương dự họp Hội nghị cấp cao ASEAN cuối tháng 11-2011 và được khối ASEAN đồng ý trao ghế Chủ tịch ASEAN luân phiên năm 2014 (21) và sang Nhật họp Ủy Ban Mekong - Nhật từ 20 đến 24-4-2012, được Nhật chính thức xóa nợ lên đến 3,77 tỷ Mỹ Kim. (22) Trong khi đó, ông Thein Sein chưa viếng thăm chính thực Trung Quốc. Điều này cho thấy là Miến Điện đang từng bước rời khỏi sự lệ thuộc Bắc Kinh.

Trong khi đó, sự viếng thăm Miến Điện của bà Ngoại trưởng Hilary Clinton hồi tháng 12-2011 và những tháo gỡ cấm vận của Hoa Kỳ, Khối EU đối với Miến gần đây đã và đang làm cho Trung Quốc lo ngại rất lớn. (23) Bắc Kinh quan tâm là Hoa Kỳ sẽ nhảy vào chi phối chính quyền Thein Sein, từng bước lôi kéo Miến Điện đi gần hơn với khối ASEAN và Ấn Độ nhằm cô lập không cho Trung Quốc vói xuống vùng Ấn Độ Dương. (24)

Trần Diệu Chân

---------

7- Xem thêm quan hệ giữa Burma và China ở đây: http://en.wikipedia.org/wiki/Burma%E2%80%93People's_Republic_of_China_relations.
8-Lee Lai To, Deng Xiaoping’s ASEAN Tour: A Perpective on Sino – Southeast Asian Relations (Institute of Southeast Asian Studies = ISEAS), Vo 3, No 1 (June 1981), pp 58-75.
9- Tài liệu liên quan đến cuộc nổi dậy của người Miến vào Tháng 8-1988 “The repression of the August 8-12 1988 (8-8-88) uprising in Burma/Myanmar của Egreteau Renaud, đăng tại:
10-Tài liệu phân tích về cuộc bầu cử năm 1990 tại Miến : The 1990 Election inBurmađăng tại
11-Tài liệu những yểm trợ và các căn cứ quân sự Trung Quốc tại Miến Điện “Chinese Military Bases in Burma” đăng tại :http://www.griffith.edu.au/__data/assets/pdf_file/0018/18225/regional-outlook-andrew-selth.pdf
12- Vế chiến lược hải quân “Chuỗi Ngọc Trai” nối Biển Đông và Ấn Độ Dương của Trung Quốc được phân tích trong bài viết “China’s String of Pearls Strategy” của tác giả Chris Devonshite-Edit, đăng tại:
13-Bertil Lintner, China behind Myanmar's Course Shift.
14-Thant Myint U, Where China Meets India: Burma and the New Crossroads of Asia (Farrar, Straus and Giroux 2011) pp 120 - 129
15- Quan hệ giữa Trung Quốc với các sắc dân Shan, Kachin tại Miến Điệ, đăng tại: http://en.wikipedia.org/wiki/Shan_State
16- Cuộc đời của Khin Nyunt đăng tại http://en.wikipedia.org/wiki/Khin_Nyunt
17- Rachel Harvey (BBC South East Asia Corresponden), Burma Dam: Why Myitsone plan is being halted (Sept 2011) - http://www.bbc.co.uk/news/world-asia-pacific-15123833
18-Cùng bản tin nói trên.
19-Burmese Vice President Tin Aung Myint Oo VisitsChina
20-MYANMAR: President Thein Sein’s visit toIndia
21-Myanmar’s chances for ASEAN chairmanship brighten (South Asia Analysis Group)
22-Japan to write off $3.7bnBurmadebt (BBC)
23-HillaryClintonBurmavisit: Suu Kyi hopeful on reforms
24-China-Myanmar ties challenged by US moves





No comments:

Post a Comment

View My Stats