Dec
2, '12 9:43 AM
Phòng kiên giam ở dãy cuối trong trại tù,
biệt lập. Những tù nhân thường chả có cơ hội nhìn thấy khu kiên giam, họ đi làm
qua cánh cổng khu kiên giam nhìn vào bên trong gặp bức tường cao ngất, phải đi
vòng qua bức tường đó mới vào được khu kiên giam. Qua bức tường đó khu kiên
giam chia làm hai, phần kiên giam bên ngoài giam những tên tù vi phạm kỷ luật
cần phải cách ly với các tù nhân khác. Còn khu bên trong lại đi qua cánh cổng
nhỏ của một bức tương cao ngất nữa mới đến nơi, đó là nơi tận cùng của nhà tù
sát với bốt gác, dưới chân bốt gác là một cái ao to. Như thế có nghĩa khu kiên
giam trong cùng ấy hoàn toàn yên tĩnh. Sự yên tĩnh trong nhà tù không phải là
ân huệ, trái lại đó là hình phạt, một sự cô lập hoàn toàn.
Đến bữa người quản giao khu kiên giam mở
cửa cho tù bếp mang vào cho phạm nhân một nắm cơm có trộn ít muối. Tù trong
không được nhận quà, không có gì khác ngoài chăn màn, quần áo được phép mang
theo vào buồng kiên giam. Mọi nguồn tiếp tế của gia đình đều bị cấm ngặt, thậm
chí giao tiếp với các tù nhân khác cũng hoàn toàn bị chặn triệt để.
Tù trong kiên giam khu hai là kẻ thù của tù
nhân khác, không thể ở chung, nhưng cũng có lúc tù trong kiên giam là kẻ thù
của chính ban lãnh đạo trại giam. Bởi thế tù trong kiên giam hai khi ra ngoài
thể lực đều kiệt quệ, gầy gò, phù thũng, suy nhược...có kẻ hoảng loạn ngớ ngẩn,
có kẻ lại trở thành hung hãn. Hàng tháng trời mỗi ngày hai nắm cơm to hơn quả trứng
vịt, ít muối. Không có cả cọng rau, ít gia vị hay bất kỳ cái gì có thể bỏ vào
miệng. Chỉ hai lần nghe tiếng mở cửa lúc mang cơm, một tên tù bếp lẻn nhanh vào
đặt cái túi nilong có nắm cơm rồi nhanh chóng lẩn mất. Tù bếp là bán tự giác,
chân đó phải lo lót mới có được, nên tù bếp tránh giao tiếp với tù giam khu
trong vì nếu bị phát hiện đưa một điếu thuốc, một cái kẹo, cọng rau sẽ bị kỷ
luật.
Hắn ở trong khu kiên giam hai, một mình một
căn buồng giam rộng mênh mông. Đêm nằm nhìn dãy sàn trống trơn cảm giác lạnh
người. Ngày hắn trèo lên cửa sổ bám đu người ngồi trên đó để cố gắng nhìn qua
bờ tường thấy các tù nhân khác đi lại, nhưng tầm nhìn đã được người xây tường
tính toán cho nên chỉ thấy lớt phớt chỏm tóc của tù nhân hay cái mũ kepi xanh
của cán bộ. Ban ngày trại đi làm bên ngoài hết, nên người đi lại lâu lắm mới có
một cái chỏm tóc, cái mũ thấp thoáng, còn âm thanh hầu như là không có ngoại
trừ tiếng kẻng.
Những ngày đầu trong trại kiên giam, hắn
nằm, ngồi nghĩ nhiều thứ, nghĩ cách thoát ra khu này về với bạn tù trong đội,
nghĩ cách kiếm được mẩu thuốc, một ít gia vị, một cọng rau... đêm nằm thao thức
vì đói và thèm một mẩu mỳ tôm ngâm nước lã lạnh đến lúc nở bung ra để cho hai
ngón tay vào gắp, hắn sẽ đưa sợi mỳ lên cao và cho nó chạy vào cuống họng từ
từ.
Khoảng một tháng sau thì hắn không thèm
khát những thứ thuộc về ăn uống đấy nữa, hắn đã trở thành một người thoát khỏi
những ham muốn ăn uống, kể cả giấc mơ cũng không có những thứ đó. Hắn chỉ ước
nhìn thấy ai đó, nói với họ dăm câu để biết mình còn là người, ước nhặt được
mẩu báo, hay giấy ghi bất kỳ nội dung gì đó để đọc tiết kiệm từng chữ một. Giờ
ước mơ là những thứ thuộc về tinh thần. Nhưng cũng không có nốt, ngoại trừ ngày
hai lần cánh cổng khu kiên giam hai mở toang để tên tù bếp đi như chạy đến cửa
buồng giam hắn vất vào túi nilong đựng nắm cơm rồi nhanh chân biết mất.
Ngày cũng dài và đêm cũng dài hơn. Ngày thì
mong đêm đến để ngủ, nhưng khi đêm đến lại chẳng ngủ được thì trằn trọc mong
ngày. Cứ mong loanh quanh như vậy. Một hôm hắn chợt thấy có hai con chim sẻ bay
xuống khu sân trước mặt kiếm mồi, mắt hắn bừng sáng nhìn lũ chim. Rồi hắn tưởng
tượng rằng con chim nhỏ bé kia đã có lần bay qua mái ngói nhà hắn, cái bàn chân
nhỏ xíu của con chim kìa, cái móng nhỏ tí tí ấy đã đậu lại trên sân thượng nhà
hắn và có khi mổ đỗ xanh mà mẹ hắn phơi để dành ngày Tết gói bánh chưng. Đến
bữa hôm ấy hắn dành lại một ngón tay cái cơm để ném ra sân, mong lũ chim có cái
mà còn tìm đến để hắn ngắm nhìn. Mấy con chim sẻ quê ăn thóc quen, mới đầu lạ
chúng rỉa hạt cơm được hai ngày thì chúng chán chẳng quay lại nữa.
Buồn lại hoàn buồn.
Một đêm bỗng hắn nghe thấy tiếng động cuối
phòng giam, hắn hé mắt từ từ, nghiêng đầu rất chậm để nhìn về hướng đó. Ồ thì
ra chuột. Không phải một con mà là hai con, chúng đã rúc rích chạy. Kỳ lạ ở nơi
này có gì ăn mà chúng ở đây. Nhưng dù phán đoán thế nào thì bọn chuột là có
thật, có khi là một đôi anh ả mới bén duyên định về đây xây tổ ấm chăng?
Hôm ấy hắn dành một nửa nắm cơm cho chuột,
có bớt đi như thế cũng chả ăn thua gì vì dạ dày hắn chắc đã teo lắm rồi, còn cơ
thể thì cần nhiều chứ thêm nửa nắm cơm cũng không có thêm chất là bao. Hắn
quyết để nửa nắm cơm cho bọn chuột ăn. Khi rắc cơm ra và trùm chăn quan sát,
hắn nhận ra là có đến bốn con chuột chứ không phải hai. À thì ra chắc mùa gặt
đã đến, chúng chạy nạn ngoài đồng kéo vào đây tá túc theo ngóc ngách nào đó.
Ban ngày bọn chuột đi đâu không biết, nhưng
cứ đến quãng 11 giờ đêm đến 1 giờ sáng là chúng nháo nhác chạy đi, chạy lại,
rúc rích đầy vẻ khẩn trương. Lúc đầu chúng còn sợ nên chạy ra ăn cơm rất rón
rén, cảnh giác. Sau thì chúng bạo dạn ăn không biết e ngại nữa, chúng ăn nhoáng
cái hết mấy hạt cơm rồi lại dáo dác chạy đi chạy lại rất khẩn trương. Hắn quan
sát mãi mà không hiểu bọn chuột làm gì vào tầm thời gian ấy, nhìn bộ dạng chả
phải là đi kiếm ăn. À chắc là giờ chúng hẹn hò cưa cẩm nhau như con người vậy.
Nếu lúc tối đến những thanh niên nam nữ hẹn hò nhau ríu rít, tậm sự thì bọn
chuột cũng vậy, có chăng là khác giờ thôi.
Thế rồi gần sáng một hôm, lúc hắn ngủ thiếp
đi bỗng giật mình đau nhói ở ngón tay cái, mở mắt thấy máu và vết răng chuột
cắn, nhìn lại thấy một con chuột đang chạy hối hả về góc nhà vệ sinh. Vết căn
sưng tấy, đau nhói khiến hắn phát sốt. May là hai hôm thì hết sốt và vết thương
không nhiễm trùng, nhưng vẫn tấy nhức. Điên tiết đêm đến hắn cậy hòn gạch ở bậc
nhà vệ sinh đập làm hai, cầm nửa viên treo lên sàn trên sau khi rắc cơm như mọi
lần.
Bọn chuột chạy ra ăn cơm, hắn nhằm cái con
chuột mà hắn ngứa mắt nhất, vì thái độ nhâng nháo, và vì mọi nghi ngờ của hắn
đều đổ cho con chuột ấy là thủ phạm cắn hắn. Hòn gạch ném chính xác làm con
chuột lăn quay dãy vài cái rồi xuôi lơ, máu mồm ộc ra sàn. Bọn chuột còn lại
chạy biến mất, máu con chuột lan ra thấm vào những hạt cơm cạnh nó.
Hắn ngồi trên sàn và nhìn con chuột chết
còng queo phía dưới, lúc trước nó còn là một sinh vật nhanh nhẹn, đầy sức sống,
linh hoạt và tinh ranh. Thế mà chỉ khoảnh khắc tất cả mọi thứ ấy đã vĩnh viễn
biến mất chỉ còn lại một đống xấu xí, ghê tởm. Hắn cứ nhìn còn chuột dù đến lúc
chả nghĩ gì nữa hắn vẫn nhìn, đơn giản vì lâu hắn không nhìn được cái gì đáng
chú ý, cho nên xác một con chuột chết là thứ rất đáng nhìn sau bao nhiêu ngày
đơn điệu với âm thanh và cảnh vật ở đây.
Bất ngờ hai con chuột mò ra, hắn nghĩ chúng
mò ra ăn nốt những hạt cơm vương vãi. Nhưng không, hắn mở to mắt nhìn kinh
ngạc. Một con chuột cắn cổ con chuột chết lôi đi, một con ủn đằng sau con chuột
chết đẩy đi. Chúng tha xác con chết đi đâu? Hắn căng óc ra phán đoán mà không
hiểu. Ngày bé hắn đọc truyện thấy chuột ăn cắp trứng, một con ôm một con cắn
đuôi kéo, thấy không tin. Giờ nhìn cảnh đưa xác đồng loại đi thế này hắn mới
tin là chuyện ăn cắp trứng của chuột là có thật. Loay hoay một hồi hai con
chuột sống cũng đưa được con chuột đã chết qua cái lỗ ở góc nhà vệ sinh ra
ngoài.
Hắn thẫn thờ, không tin những gì mình nhìn
thấy là có thật, hắn không thể nào hình dung bọn chuột bất chấp nguy hiểm để
đến mang xác đồng đội đi. Chúng mang đi như thế để làm gì, chắc không phải là
làm món ăn. Thế nhưng chúng mang đi làm gì? Chả lẽ chúng chấp nhập nguy hiểm
quay lại để mang xác đồng bọn đi về ổ chăng? Chúng không nỡ bỏ xác đồng đội của
chúng chơ vơ lại giữa sàn nhà trống trải ấy chăng. Nếu quả thật chúng mang xác
con chuột đã chết đi vì chúng không nỡ để xác đồng loại phơi thây như vậy...
thì... hắn rùng mình sợ hãi.
Hắn múc nước dội sàn và lấy cái cái áo cũ
làm giẻ lau sạch chỗ máu chuột, đến đêm hắn để cho lũ chuột nguyên một nắm cơm,
hắn ước có que hương để thắp tạ lỗi cho con chuột bị hắn ném chết. Đêm hôm đó
lũ chuột không ra ăn cơm, mấy ngày sau cũng thế. Lũ chuột bỏ đi và hắn lại nằm
một mình nhìn tường, nhìn trần nhà giam.
Những tháng ngày ở trong khu kiên giam hai
ở trại giam đó khiến hắn cười nhạt với cái xà lim của trại giam B14 sau này. So
với khu kiên giam ấy thì B14 là một khách sạn 4 sao với cái nhà trọ bình dân.
Bởi thế hắn có thể bình thản như vậy, không phải do bản lĩnh gì mà chẳng qua vì
hắn trước đó đã ở những nơi tồi tệ hơn mà thôi.
Nhưng những gì để lại sau thời gian ở khu
kiên giam 2 ấy, không chỉ là thói quen chịu đựng được khổ cực về vất chất, tinh
thần. Mà ấn tượng lâu nhất với hắn là hình ảnh những con chuột (một loài vật
được ví về sự hèn nhát, dút dát) đã không bỏ rơi đồng loại của mình.
Bài học thì đơn giản, nhưng nhìn thấy nó
trong thực tế thì lại là một câu chuyện khác. Nhất là đạo lý xảy ra không phải
với con người trên trang sách, trong thước phim. Mà đạo lý được diễn giải với
hành động một loại vật hèn hạ, nhút nhát, bị khinh bỉ là những con chuột trong
buồng kiên giam 2.
(Viết để nhớ đến những người anh em, bạn
bè đang ở trong ngục tù, nhân ngày nhân quyền quốc tế sắp đến)
No comments:
Post a Comment