Thursday 13 December 2012

NHÂN ĐỌC BÀI "CỰU CHIẾN BINH THẬT & RỞM" (Nguyễn Việt)





Tác giả gửi cho X-Cafevn
Thu, 12/13/2012 - 05:15

Nhân đọc bài "Cựu chiến binh thật và rởm" của Hiệu Minh
Nguyễn Việt


Vấn đề Cựu Chiến binh thật, Cựu Chiến binh rởm quả là một chuyện nhức nhối cho xã hội. Nhưng nhức nhối hơn là việc có loại Cựu Chiến binh được người ta thích làm rởm, trong khi có loại khác thì dù „thật“ cũng ít ai dám nhận, mặc dù cuộc chiến đã kết thúc 37 năm.

Khái niệm Cựu Chiến binh (Veteran) dùng cho tất cả những ai đã qua đời lính, dù là của quân đội nào. Những người Cựu Chiến binh của cả hai bên Nam-Bắc ở Mỹ cách đây hơn 200 năm đã được đối xử bình đẳng sau khi nối chiến kết thúc, kể cả vật chất và danh dự. Nhiều người VietVet (Cựu binh chiến tranh VN) đã quay trở lại Việt Nam với tinh thần đó và cố tìm lại những chiến sỹ Việt Cộng bên kia chiến hào khi xưa để trao đổi với nhau các kỷ niệm, các cảm xúc sau hơn mấy chục năm mà không hề mang theo một định kiến nào về ý thức hệ. Chúng ta đã chứng kiến khá nhiều câu chuyện cảm động về những cựu binh Mỹ mất khá nhiều công lao để tìm ra thân nhân của các cựu binh Việt Nam khi xưa, để trao lại các báu vật chiến tranh. Báo chí đã viết về nhiều cựu binh Mỹ sang Việt Nam, tìm lại các nơi xảy ra chiến sự khi xưa để sám hối và xin lỗi nạn nhân về những điều người lính đã phải làm trong chiến tranh. Những bài học như vậy về tính nhân bản, về lòng vị tha rất đáng được chúng ta học tập, dù cho là nó đến từ thế giới của kẻ thù giai cấp, của một nền văn hóa khác, của một chủng tộc khác.

Trong khi đó, người Việt của bên thắng cuộc đã đối xử với đồng bào, với bà con mình bên bại trận thế nào thì giấy bút không còn chỗ để kể. Đó cũng là nguồn gốc của làn sóng tỵ nạn khủng khiếp nhất và lớn nhất trong lịch sử nhân loại xảy ra trên Biển Đông trong những năm sau chiến tranh. Cuốn sách của Huy Đức ra mắt trong những ngày này cũng chỉ nói lên một mảng của cái bất công độc ác, được tính toán một cách tiểu nhân đã giáng xuống đầu một bộ phận của dân tộc. Tuy nhiên Huy Đức được chú ý và đánh giá cao hơn các tác giả khác, chính vì anh đã là người được hưởng vị ngọt của bên thắng cuộc và tiếp cận được những thông tin từ lãnh đạo cao cấp của chính quyền.

Trong một xã hội mà mọi giá trị đều bị đảo lộn thì các từ „Cựu Chiến binh“, Thương binh, Liệt sỹ“ cũng bị người ta bóp méo. Những từ này chỉ ám chỉ một bộ phận những người đã tham chiến, và mang một hàm ý có chút đặc quyền đặc lợi (mặc dù nhiều người khi dấn thân, hy sinh đâu phải vì các đặc quyền đó, và với rất nhiều người, các đặc quyền đó chẳng giúp gì cho cuộc sống thanh bạch). Vì vậy việc các danh hiệu này bị lợi dụng để kiếm lời cho cá nhân là chuyện tất nhiên, đễ hiểu. Nhưng chuyện lợi dụng nó để dẹp các tiếng bất đồng thì rõ không bình thương, là một trò hề khắc đậm dấu ấn của chế độ.

Một chế độ luôn kêu gọi „Hòa giải Dân tộc“, „Xóa bỏ hận thù“, dám bỏ ra những khoản kinh phí lớn để thực hiện „Nghị quyết 36“, như các hội nghị, lễ hội Việt kiều rầm rộ, cử các đoàn công tác cao cấp ra nước ngoài để vận động Việt kiều (mà đa số là từ phía thua trận), nhưng lại không dám can đảm vượt qua cái bóng của mình để làm những việc đơn giản, hợp đạo lý, hơp nhân tâm trong những dịp 30.4 hay 27.7 hàng năm? Tại sao báo chí đã dám bỏ từ „Ngụy quân“, „Ngụy quyền“, nhưng chính quyền lại khó chịu về lễ cầu siêu cho mọi linh hồn Việt Nam đã chết trong cuộc chiến? Tại sao báo chí đã có lúc nói đến những chiến sỹ hải quân Việt Nam Cộng Hòa như những người con hy sinh bảo vệ Hoàng Sa năm 1974, nhưng nhà nước chỉ khuyến khích các nhà ngoại cảm đi tìm hài cốt những tử sỹ có số phận may mắn sinh ra ở đất Bắc? Hơn thế nữa, tại sao khi có người mủi lòng, vận động tặng quà cho những người chỉ được coi là „Phế binh“ chứ không được gọi là „Thương binh“ thì công an lại cản phá?

Tất cả các câu hỏi kiểu trên chắc chắn sẽ còn làm nhức nhối lương tri người Việt một thời gian dài nữa, vì bản chất của chế độ này không thể hướng tới mục tiêu hòa giải thực sự. Hòa giải và xóa bỏ hận thù chỉ là những lời kêu gọi sáo rỗng, cũng như các khẩu hiệu „Chống Tham nhũng“, „Của dân, vì dân và do dân..“, „Sống và làm việc theo pháp luật“, …. mà thôi.

Nếu thật sự làm đúng những khẩu hiệu này thì chế độ toàn trị sẽ không có lý do để tồn tại, kể cả khẩu hiệu thề thốt „Bảo vệ biển đảo“, vốn xuất phát từ huyền thoại sức mạnh „bách chiến bách thắng“ của đảng CSVN.

Từ thực tế này, xin nhắc lại một mệnh đề đã được nêu lên nhân ngày 30.4.2012 : Hòa giải Dân tộc, Dân chủ, Nhân quyền và Bảo vệ Tổ quốc là các nội dung không thể tách rời nhau. Điều này có nghĩa là chừng nào ở Việt Nam, xã hội dân sự chưa thay thế chế độ toàn trị thì mọi vấn đề nhức nhối của dân tộc, trong đó có cả vấn đề công bằng cho mọi người thương binh, cựu binh sẽ không được giải quyết

Điều đáng nói thêm là các quan niệm lỗi thời của chế độ vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến nếp suy nghĩ của mọi người dân, đào sâu thêm cái hố ngăn cách trong lòng dân tộc. Những người Việt đã rời Việt Nam ra nước ngoài sinh sống hàng chục năm nay, tuy sống trong các xã hội văn minh, không bị tác động của các thành kiến chính trị, vẫn bị ảnh hưởng lối suy nghĩ „địch-ta“ này.

Thỉnh thoảng trên các trang mạng của cộng đồng Việt, người ta vẫn thường thấy đưa thông báo về họp mặt „Hội Cựu Chiến binh“ địa phương. Lẽ dĩ nhiên đã là hội Cựu Chiến binh thì chỉ được hiểu là hội của các cựu chiến sỹ quân đội NDVN. Do đó những ý kiến đề nghị nên biến hội Cựu chiến binh ở hải ngoại thành những cầu nối giữa anh em cựu binh sỹ của cả hai bên đã không được chấp nhận.

Ở Việt nam hiên nay việc xóa bỏ ranh giới giữa những nguời lính ở hai chiến tuyến, như các dân tộc khác đã làm, là hoàn toàn không tưởng, vì những lý do đã nêu trên.

Nhưng ở những nơi mà hệ thống chính trị lỗi thời đó không tồn tại, ở những nơi mà có những con người như Anh Gấu Phạm, biết xấu hổ vì tội ác của kẻ khác, ở những cộng đồng mà những người có uy tín biết hy sinh những tình cảm gắn bó với quá khứ, chấp nhận các sinh hoạt không mang cờ đỏ, cờ vàng để huy động sức mạnh của dân tộc trong các hoạt động bảo vệ tổ quốc truớc sự đe dọa của Bắc Kinh, thì việc để cho tình người vượt qua rào cản của sự u mê nhân danh ý thức hệ là điều có thể làm đựợc, nếu cả hai bên đều muốn.


Ng.Việt




No comments:

Post a Comment

View My Stats