Thursday 6 December 2012

NGƯỜI TỊ NẠN CỘNG SẢN GIÚP CẢI THIỆN GIÁO DỤC TẠI VIỆT NAM (Jim Landers - dallasnews.com)




Jim Landers - DCVOnline lược dịch
06-12-2012

T.p. HỒ CHÍ MINH, Việt Nam - Đường phố Sài Gòn cũ đầy nghẹt với hàng ngàn thanh niên nam nữ trên xe gắn máy. Tiếng kèn bíp bíp suốt ngày đêm, trong không gian bụi bặm, nóng bức hay trong cơn mưa tung tóe, hình ảnh một cuộc chay đua không ngừng nghỉ để có đời sống tốt đẹp hơn.

Duy-Loan Le, một khoa học gia hàng đầu [kỹ sư với 24 bằng sáng chế] của công ty Texas Instruments, trụ sở tại Houston, TX, đã rời Việt Nam 37 năm trước, khi miền Nam sụp đổ, cảm thấy phải giúp Việt Nam. “Tôi làm tất cả mọi thứ tôi có thể để vinh danh cha tôi và đất nước của tôi. Tôi làm hết sức,” bà nói.

Bà Lê Duy-Loan tại lễ trao học bổng cho sinh viên kỹ sư và công nghệ tại Tp HCM (15/112012)  . Nguồn ảnh: Jim Landers/Staff

Đối với nhiều người Mỹ gốc Việt, giúp quê hương không phải là một quyết định dễ dàng. Những kẻ bại trận trong chiến tranh Việt Nam bị mất tự do và niềm hy vọng. Nhiều người Việt Nam cay đắng sống đời lưu vong tại các địa phương của Dallas, Arlington, Houston, và tại các thành phố khác của Mỹ.

Những người khác, như bà Lê Duy-Loan, đã đi tới, đạt được thành công đáng kể ở Mỹ và tìm cách cải thiện cuộc sống của người Việt Nam.

Lê Duy-Loan, 50 tuổi, qua Cơ quan Hoa Hướng Dương [Sunflower Mission], một cơ sở tại Houston, bà bắt đầu làm việc với những người Mỹ gốc Việt khác giúp cho ngành giáo dục Việt Nam. Hơn 700 thân hữu và những người ủng hộ Sunflower Mission ở Houston họp nhau hồi tháng Chín để kỷ niệm 10 năm hoạt động của Cơ sở Hoa Hướng Dương. Họ chúc mừng nhau đã xây dựng được 124 lớp học ở các khu vực nghèo khó của Việt Nam và cho hơn 11.000 học bổng cho các sinh viên Việt Nam.

Giới thiệu về diễn giả chính của buổi họp mặt, Phó Tổng Giám đốc Texas Instruments, ông Greg Delagi cho biết ông đã “sững sờ” khi nghe về câu chuyện cuộc đời của bà Lê Duy-Loan.

“Tôi kinh ngạc vì câu chuyện đời bà Lê. Trước khi 20 tuổi, bà đã phải đối đầu với nghịch cảnh lớn hơn tất cả những khó khăn tôi biết trong cả đời tôi,” ông nói với khán giả tại Houston. “Bà ấy có ý thức sâu sắc về trách nhiệm giúp đỡ xã hội.”

Việt Nam là một trong vài quốc gia còn theo chế độ Cộng sản. Khi hệ tư tưởng này bắt đầu sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu, những người cầm quyền Việt Nam đã nhìn thấy sự cần thiết cho một hướng đi mới. Họ rút quân khỏi Campuchia, và bắt đầu mở cửa nền kinh tế để tiếp đón các lực lượng thị trường.

Cuộc sống của thường dân đã cải thiện. Năm 1986, người Việt Nam trung bình sống bằng 100 đô-la mỗi năm. Đến năm 2010, theo Ngân hàng Thế giới, thu nhập bình quân hàng năm cho mỗi người Việt Nam đã tăng lên đến 1.130 đô-la.

Không như Cuba, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với Mỹ. Mậu dịch song phương sẽ vượt 20 tỉ đô-la trong năm nay. Doanh nhân Mỹ đã đầu tư hàng nghìn tỷ ở Việt Nam để chết tạo nhiều loại sản phẩm khác nhau, từ chất bán dẫn đến giày thể thao. Hai nước đang đàm phán một Hiệp định Thương mại Tự do.

Vết thương còn đó

Một số người Việt Nam ở Hoa Kỳ thấy điều này thật kinh hoàng.

Năm 1954, Pháp rút lực lượng thực dân khỏi Việt Nam, cộng sản chiếm giữ miền Bắc. Khoảng 1 triệu người tị nạn đã di cư vào Nam, nơi Mỹ giúp thành lập một chính phủ chống cộng.

Khi chính phủ miền Nam bị quân cộng sản lật đổ năm 1975, những gia đình dân di cư lại bật gốc một lần nữa. Một số đang sang sinh sống tại Texas.

Khu xóm của họ tại Texas treo lá cờ của miền Nam Việt Nam - lá cờ vàng ba sọc đỏ. Lá cờ vàng treo đầy trên các cửa hàng ở phía đông Arlington và tự hào phất phới ở một đại lý xe hơi ở phía tây nam Houston.

Treo cờ vàng ba sọc đỏ là bất hợp pháp tại Việt Nam. Những người bất đồng chính kiến không được dung thứ. Hai blogger trên Mạng bị án tù nhiều năm vì bị cáo buộc đã chỉ trích chính phủ.

“Hầu hết chúng ta đều có cha, chú bác hoặc anh em trong quân đội, những tử sĩ hoặc thương binh hoặc những người đã bị cầm tù 10 năm hoặc ngay cả 30 năm. Nó là mối hận thù mà người ta khó có thể quên,” y sĩ Đặng Thiên Hùng, ở Arlington, người có cha bị giam cầm 13 năm nói.

“Cảm xúc này rất mạnh. Người ta nói rằng nếu bạn muốn giúp Việt Nam, bạn là người cộng sản.”

Duke Văn Mai, người phát hành một tuần báo tiếng Việt Dallas tên là Báo Bút Việt, nói rằng chính phủ Việt Nam lên án tử hình ông vì những hoạt động chống chế độ của ông. Nhưng khi ông kêu gọi cứu trợ các nạn nhân bão lụt Việt Nam, một số độc giả cao niên của tờ báo cáo buộc ông là “VC” - viết tắt của chữ “Việt Cộng”, những du kích cộng sản thời chiến tranh Việt Nam.

“Lòng căm thù sẽ không phai nhạt ít nhất là 20 năm nữa,” ông nói. “[Tới khi] Thế hệ đầu tiên đã chết.”

Hơn 4 triệu người tị nạn chạy trốn khỏi Việt Nam trong những giờ phút cuối của chiến tranh hoặc trong các làn sóng đàn áp tiếp theo sau đó. Hiện nay, có khoảng 1,7 triệu người Mỹ gốc Việt Nam. Nhiều người sống ở Texas, nơi có thời tiết giống như tại quê nhà.

Báo cáo Điều tra Dân số Hoa Kỳ năm 2010 cho biết có hơn 80.000 người gốc Việt Nam sống ở hạt Harris County, 29.000 tại hạt Tarrant, 26.000 trong hạt Dallas.

Chạy trốn khỏi Việt Nam

Một tuần trước khi Sài Gòn sụp đổ, gia đình của Lê Duy-Loan đã ly tán. Cô, mẹ cô và hai chị em có được chỗ ngồi trên máy bay rời khỏi miền Nam Việt Nam vào ngày 22 tháng tư năm 1975. Cha và anh trai cô ở lại, hy vọng sẽ thu vén được tài sản của gia đình.

Gia đình họ phải chia lìa trong bốn năm sau đó.

Duy-Loan được 12 tuổi khi mới đến Houston. Cô không biết tiếng Anh. Duy-Loan học tiếng Anh trong các lớp đêm hay trên sân chơi bóng chày với con trai trong khu phố.

Khi 16 tuổi, cô tốt nghiệp trường trung học Alief Hastings và là thủ khoa đại diện học sinh của lớp học đọc diễn văn từ biệt. Cha cô muốn cô trở thành một kỹ sư kể từ khi cô còn nhỏ. Cô theo học ngành kỹ sư điện tại Đại học Texas ở Austin. Cô tốt nghiệp, mua xe hơi, mua nhà, lập gia đình và bắt đầu làm việc với Texas Instruments. Lúc ấy bà mới 19 tuổi.

Texas Instruments có hai ngả riêng biệt cho nhân viên ban điều hành: công nghệ và quản lý kinh doanh. Bà Duy-Loan thăng tiến trên con đường công nghệ và đến năm 2002 bà là người Á châu và là phụ nữ đầu tiên trong 75 năm lịch sử của công ty TI đạt đến bậc viện sĩ đầu ngành [senior fellow]. Hiện nay, bà Lê Duy-Loan phụ trách lãnh vực sẵn sàng công nghệ và thực hiện hoạt động trong khu doanh nghiệp trị giá hàng chục tỉ của TI về embedded processing [xử lý nhúng].

Về mặt nghề nghiệp, tu học và đời sống, bà đã tốt nghiệp thạc sĩ [cao học] quản trị kinh doanh tại Đại học Houston, có 24 bằng sáng chế và mang đai đen Tae Kwon Do. Bà có hai con trai.

Bà Duy-Loan có thời gian cho tất cả các thành quả đạt được bằng cách kéo dài nhịp sống của mình. Bà nói rằng trung bình bà ngủ 3-4 giờ mỗi đêm trong nhiều chục năm, cho đến khi, bác sĩ buộc bà phải chăm sóc sức khỏe nhiều hơn.

Vinh danh di sản

Tất cả những điều đó vẫn không đủ. Bà nói cha bà đã nuôi dạy bà nên người biết làm rạng danh di sản, và giúp ích cho tha nhân bằng tài năng của mình.

“Tôi làm tất cả mọi thứ tôi có thể để giúp lại cho mảnh đất này,” bà nói. “Tôi yêu quý đất nước tôi - Cả hai nước.”

Bà từ chối nói chuyện về chính trị của Việt Nam và đã chọn cách để giúp Việt Nam mà không dính vào chính trị. Bà nói : “Mục đích của Cơ sở Hoa Hướng Dương là giáo dục, giáo dục, giáo dục. Những trẻ em này đã không làm nên bất cứ tội gì.
Họ không may mắn sinh ra dưới một chính phủ đàn áp.”

Trường tiểu học An Hiệp số 2.  Nguồn ảnh: http://photo.sunflowermission.org/

Độ tuổi trung bình của 91 triệu người Việt Nam là 28,2 có nghĩa là đa số thanh niên nam nữ Việt Nam sinh ra sau khi chiến tranh kết thúc.

Hơn 94% người Việt Nam có thể đọc và viết, mặc dù đa số chưa học xong trung học. Hệ thống giáo dục buộc người dân phải xong lớp chín, nhưng nó lại không phải là hệ thống giáo dục miễn phí. Gia đình nghèo không thể cho con đi học vì trẻ em nghèo còn phải đi làm cũng như tốn kém cao vì học phí và tiền mua sách. Học bổng của Tổ chức Hoa Hướng Dương giúp cho cả những gia đình học sinh nghèo bậc tiểu học vượt qua gian khổ.

Dự án tạo trường lớp của Tổ chức Hoa Hướng Dương có mặt khắp Việt Nam, ở vùng nông thôn nơi có nhu cầu được coi là lớn nhất. Những công tác sau cùng do nhóm thanh niên người Mỹ - có cha mẹ hay ông bà sinh tại Việt Nam - bỏ vài tuần dọn dẹp và sơn phết các trường lớp mới cùng lúc tìm hiểu về Việt Nam. Cũng đã tham gia công tác này là hai con trai của bà Duy-Loan cũng như chồng bà, ông Tuấn Đào, một chuyên viên tư vấn hóa dầu, Chủ tịch của Tổ chức Hoa Hướng Dương.

Sinh viên Việt Nam tốt nghiệp phải vật lộn để trình độ đại học của họ được công nhận tại các trường quốc tế. Phòng thí nghiệm quá chật hẹp và không đủ máy tính và các công cụ học tập khác. Bốn sinh viên kỹ sư, có khi nhiều hơn nữa, tại Đại học Công nghệ Đà Nẵng, phải chia nhau dùng máy tính. Giáo chức phàn nàn rằng họ phải giảng dạy gấp đôi số sinh viên họ nên phụ trách.

Giám đốc điều hành tại các công ty công nghệ đầu tư vào Việt Nam nói rằng trở ngại lớn nhất là tìm được những sinh viên tốt nghiệp đủ điều kiện để làm việc.

‘Better Life’

Lễ trao học bổng cho sinh viên kỹ sư và công nghệ tại Tp HCM (15/112012) . Nguồn ảnh: http://photo.sunflowermission.org/


Tháng 11 vừa qua, bà Lê Duy-Loan đến Tp Hồ Chí Minh để trao học bổng Hoa Hướng Dương cho 23 sinh viên đại học xuất sắc trong thiết kế mạch tích hợp.

“Tôi chúc bạn có niềm tự hào. Niềm tự hào. Để mang lại vinh dự cho Việt Nam. Vinh dự tổ tiên của chúng ta,” bà Duy-Loan nói với họ.

Một trong những người được học bổng là Trần Văn Nghĩa, 22 tuổi, một sinh viên năm cuối tại Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh.

“Khi mọi người trên thế giới nghĩ đến Việt Nam, tôi hy vọng họ nghĩ đến những con người thân thiện, và một đất nước xinh đẹp,” Nghĩa nói. “Có lẽ chúng tôi vẫn còn nghèo, nhưng điều đó sẽ thay đổi. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để làm cho đất nước này hùng mạnh trở thành một nơi tất cả mọi người sẽ muốn sống.”

Một sinh viên được học bổng khác, Đào Vĩnh Lộc, 22 tuổi, nói ông đánh giá cao tính rộng lượng của người Mỹ gốc Việt và hy vọng sẽ đền đáp lại ân tình một ngày nào đó.

“Tôi hy vọng những người Việt Nam đi nước ngoài, không chỉ ở Mỹ, mà ở tất cả các nước khác, có một cuộc sống tốt đẹp hơn,” ông nói. “Tôi mong sẽ giúp đất nước chúng tôi để có thể tranh đua với thế giới, và để tạo ra một hình ảnh mới cho Việt Nam. Mọi quốc gia đều có điểm tốt và xấu. Ở Việt Nam, xấu chỉ là một phần nhỏ.”

“Chiến tranh đã chấm dứt hơn 35 năm rồi,” Lộc nói. “Chúng tôi đang sống trong một thế giới toàn cầu hóa mà tôi hy vọng Việt Nam và Mỹ, cả hai sẽ tốt đẹp hơn.”

Duy-Loan Le, Women of Vision for Leadership  - You Tube  


© DCVOnline


Nguồn:

(2) Have you met? blacktie-arizona.com.







No comments:

Post a Comment

View My Stats