Hạ Đình Nguyên
19 tháng mười hai 2012
19 tháng mười hai 2012
Một loại hình khủng bố đặc biệt đối với công dân đã hình thành chính thức và triển khai đồng loạt tại TP nầy, biểu hiện rõ nhất vào ngày 9 và 16-12-2012.
Thật ra, hình thái khủng bố mới nầy manh nha từ tháng 6-2011, khi
bắt đầu có những đợt biểu tình chống TQ, vì sự kiện tàu Bình Minh 2 bị cắt cáp
lần thứ nhất. Kế hoạch trấn áp biểu tình với phương thức bắt nóng bằng bạo lực
và thô bạo, là xông vào bắt, bẻ tay, bóp cổ, vác khiêng chạy, kẹp trên môtô,
hoặc cưỡng chế ép dồn lên ôtô, đem về đồn Công an, uy hiếp tâm lý, tư tưởng, đe
dọa ghép tội, rồi thả về trong ngày, trong đêm, hoặc vài ngày sau; có trường
hợp là đánh đập, hoặc đưa vào trại phục hồi nhân phẩm. Chuyện nầy đã xảy ra ở
Thủ đô Hà nội và Sài gòn trong suốt năm qua.
Tất nhiên, người dân, với tư cách người dân lương thiện, ai cũng
sợ bạo lực, ai cũng quý thân thể mình và không muốn bị hành hạ đau đớn. Thế
nhưng nổi sợ ấy ngày càng vơi, theo áp lực ngày càng lớn của bành trướng Bắc
kinh. Nổi sợ nhỏ lại dần khi lòng quả cảm lớn lên. Xét cho cùng, thân mạng con
người cũng không dễ chết, mà họa hoằng nếu có xảy ra, thì cái chết đó sẽ đem
lại hậu quả khó lường cho đất nước, như lịch sử đã từng chứng minh. Thay vì sợ
hãi, sự căm phẩn đối với Bắc kinh ngày càng lan tỏa vào chiều sâu trong các
tầng lớp dân chúng. Nhà nước chắc chắn hiểu điều nầy ?
Người dân cũng hiểu rằng đất nước trong tình trạng khó khăn về
nhiều mặt, chưa hẳn đã xem ai đó là kẻ bán nước, về hùa với giặc. Người dân
cũng không dễ để cho “thế lực thù địch” nào đó lợi dụng, nhưng lòng yêu nước
không cho phép đánh mất nước, đó là động lực đối kháng to lớn và quyết liệt đối
với phương Bắc. Đó là sự thật và cũng là chân lý.
Nếu Chủ tịch Hồ Chí Minh, nếu các vị tiền bối Cách mạng đã là
gương sáng về tinh thần yêu nước, đã từng được giáo dục thấm nhuần trong thanh
niên, thì thanh niên ngày nay, cũng với tinh thần ấy, quyết chống lại kẻ thù
mới hôm nay, đó là Bắc kinh, không cần phải suy đoán dông dài hay mơ hồ diễn
giải.
Trong tình thế đó, nhà nước VN thường xuyên đưa ra sự chỉ trỏ mơ
hồ là “thế lực thù địch”, không tên tuổi, không địa chỉ, người dân không biết
đâu để cùng góp sức với nhà nước, lại chỉ thấy mình có thể là đối tượng thù
địch mà nhà nước ám chỉ chăng, khi có thái độ chống hành vi xâm lược của Bắc
kinh, hay bất cứ hành động nào không đồng tình với nhà nước, như đấu tranh vấn
đề đất đai, vấn đề tham ô nhũng nhiễu, và các quyền tự do hợp pháp khác của
công dân bị xâm phạm mà chính bản thân nhà cầm quyền đã phải tự thừa nhận phẩm
chất của một bộ phận không nhỏ của Đảng, cũng là Nhà nước, đang suy thoái
nghiêm trọng, về mọi phương diện : tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống mà NQ
TƯ 4 đã khẳng định! Đã thế, các vị lãnh đạo lại luôn dặn dò nhân dân là phải
xây dựng quan hệ hữu nghị lâu bền thắm thiết với Bắc kinh. Lại nói như mỉa mai
rằng, tình hữu nghị đó là tài sản quý báu vô giá do Chủ tịch HCM và Chủ tịch
Mao Trạch Đông gây dựng nên. Bao thế hệ đã không từng đau khổ với Mao và các
hậu duệ của họ đó sao ? Lời “tự chế” ấy không có được một ý nghĩa nào trong lúc
nầy đối với nhân dân. Một thực tế phủ phàng trước mắt, lại đem lời hoa mỹ ra
che ! Lấy “ân nghĩa” của quá khứ biện hộ cho sự bất chính của đối phương hôm
nay, đồng thời là sự bất cập của chính mình là điều rất khó có thể cảm thông !
Thử hỏi Nhà nước đã khai thông được lối đi nào về sự đối kháng
giữa tinh thần yêu nước của nhân dân với kẻ xâm lược một cách có thuyết phục ?
Ngoại giao nào để không mắc bẩy điều gọi là sự khiêu khích của “đối phương”đồng
thời không xúc phạm lòng tự trọng dân tộc, không làm tổn thương tình cảm người
dân ? Không ! không có ! Rất tiếc là hoàn toàn không.
Chỉ có
chủ trương đàn áp.!
Đàn áp đối với bất cứ ai công khai bày tỏ ý chí chống xâm lược Bắc
kinh. Những người lãnh đạo núp trong tấm màng, đẩy hàng ngủ trẻ ra dùng bạo lực
đối phó, trấn áp nhân dân, kể cả những hành vi "đánh lén", tạo ra
xung đột không bình thường. Đàn áp, có thể sinh ra máu đổ. Kẻ chỉ huy làm chết
người sẽ phải trả giá trước công lý. Điều đó chỉ đem lại tai họa, là kích hoạt
sự đối kháng của nhân dân lên cao. Vì thế người biểu tình sẽ không sợ chết. Cú
đạp vào mặt người biểu tình Chí Đức của anh Công an nọ đã tự khép lại ý nghĩa
sư nghiệp của đời anh.
“Khủng
bố mềm tại gia.”
Vì thế mà chiến thuật “khủng bố mềm tại gia” xuất hiện, ngoài
nhiều ngành nghề “tại gia” rất thân thiện đã có lâu nay.
Nhưng đây là khái niệm mới, chỉ nội dung một hình thái khủng bố
mới, tất nhiên là không thân thiện rồi. Thật ra, đối với các chế độ XHCN, như
Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, mô hình bao vây, cô lập, giam lỏng nầy không phải
là mới, cả với miền Bắc VN XHCN trước đây cũng không mới. Nhưng đối với nhân
dân miền Nam là mới, đối với thế giới văn minh của các nước phát triển thì hoàn
toàn mới, là vì chưa từng có như thế, với tư cách là nhà nước ở vai trò chủ thể
hành động. Ở đó, nhà nước hành động theo luật pháp, tôn trọng quyển bất khả xâm
phạm đối với công dân theo quy định. Nếu có hành động vi phạm quyền công dân
như thế, thì không khác loại hành động khủng bố của bọn xã hội đen ở Mỹ hoặc
thời quốc xã bên Đức. Và đội ngũ nhân viên đó, hẳn nhiên thuộc bộ máy công
quyền, liệu sẽ thi hành luật pháp một cách nghiêm túc được không, sau khi đã có
thói quen về cách hành xử bất chính ? Nhân dân thì nghĩ như thế nào về một nhà
nước vẫn đang tự nói là một nhà nước pháp quyền ?
Ngày 9
và ngày 16- 12 vừa qua, chủ trương khủng bố mềm tại gia” đã được thực hiện đồng
loạt : hầu hết tại nhà của 42 công dân đều có an ninh mặc thường phục
đến canh giữ, không cho ra khỏi nhà. Không nhân danh một luật pháp nào cả, hay
bất cứ lý do gì. Nếu cương quyết ra khỏi nhà, họ sẽ tông vào xe cho té ngả, chủ
động gây tai nạn giao thông, biến thành sự cố dân sự, hoặc cưỡng chế thô bạo,
tống lên xe, chở về phường, rồi mời ăn bánh uống nước trà ! (trường hợp GS
Tương Lai). Họ thật là tử tế, thơn thớt nói cười, sau khi chỉ đạo một bộ phận
khác sử dụng các thủ đoạn bằng cơ bắp, bủa vây như săn bắt cướp. Có người bị
buộc phải ngồi cà phê cùng họ suốt buổi. Có trường hợp không thấy đối tượng
đâu, họ xông vào nhà khám xét, lùng kiếm. (trường hợp BS Huỳnh Tấn Mẫm), Có
người đành phải quay vào nhà mà nằm, mà nghiền ngẫm quyền công dân của một đất
nước có “dân chủ gấp vạn lần”(số đông). Mọi chuyện thật là khôi hài, như đùa,
như thật, quyền công dân tối thiểu được nhân viên công quyền, xử sự như một trò
đùa dai không có thể lệ, giữa công dân và nhà nước không có một khế ước nào
được tôn trọng. Ổn định bằng bạo lực có thể thực hiện được, nhưng việc kêu gọi
lòng dân đoàn kết tin vào nhà nước trở thành lời phù phiếm. Những người ăn
lương trong ngành tuyên truyền, tuyên huấn, tuyên giáo đang làm gì, sao không
đối thoại ? Đối thoại sẽ đem lại tiếng nói thống nhất, là cách để đi đến đoàn
kết, sao cho đối thoại sẽ trở thành đối lập ? Mà đối lập văn minh hiểu biết, có
trách nhiệm với đất nước, thì hà tất trở thành đối kháng một mất một còn ? Chắc
chắn nó sẽ có kết quả tốt hơn là con đường trấn áp, bạo lực, khủng bố. Chủ
trương mới đây của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đang dấn tới trên bước đường nào,
lẽ nào bù đắp cho sự thất bại kinh tế do mình gây ra, bằng cách dùng bạo lực
với dân chúng ?
Một cuộc đối thoại khôi hài
Ngày 9/12 vừa qua tôi kiên quyết nói rằng hôm nay tôi có công việc về lễ cưới, khẳng định không đi tham gia biểu tình chống Trung quốc xâm lược. Họ không tin, không cho tôi đi. Tôi cố lý giải : Chúng nó xâm lược từ từ, thư thả, chứ không chỉ hôm nay, và cũng chưa tiến quân tới đây đâu (quận Thủ đức, TP HCM), nên tôi phải đi đưa dâu cho kịp giờ. Họ nhất định cản đầu xe, không cho đi, rồi quay sang uy hiếp tài xế. Tài xế hỏi, sao các anh không cho tôi hành nghề chở khách ?. Giằng co, chẳng ra sao. Tôi đưa họ xem tờ chương trình đám cưới : địa chỉ đám cưới, giờ đón đàng trai, giờ làm lễ, giờ đưa dâu, đây nè ! Họ quay sang điện thoại cho sếp. Sếp vẫn không tin. Thế là họ vẫn kiên quyết không cho đi. Tôi thầm nghĩ, nhà nước nầy họ nghi ngờ tất cả nhân dân, đều thuộc về “thế lực” thù địch, còn đối với “kẻ” địch thật sự thì họ có vẻ như đưa lưng ra che chắn. Tôi nói các ông lên xe tôi luôn, đi đưa dâu luôn, có được không ? Lại điện thoại cho sếp. Tôi nghĩ là hai anh đang lung túng, họ hội ý nhau. Cuối cùng thì cũng đạt được thỏa thuận : họ đi theo bằng xe gắn máy. Nhưng anh ta lại tiếp tục cẩn thận : xe hơi chạy nhanh, tôi sao theo kịp ?.Tôi nói lại, cái phố xá nầy chật cứng, lô cốt của ông Giao thông tùm lum, ngược lại thì có. Thế rồi anh thỏa thuận chạy xe theo đến chỗ đám cưới. Đến nơi, tôi trân trọng mời vào, nhưng anh kiên quyết nói không, kiên định ngồi trên gắn máy cách nhà cưới 30 thước. Canh.! Lễ lạc lằng nhằng đến 2 giờ chiều, mệt nhừ, tôi không biết các anh ấy biến đi tự lúc nào. Chủ nhật tuần sau, 16-12, tôi tự nguyện không ra khỏi nhà, 10 anh tổ chức một bàn lẩu cá kèo ngay trước hẻm, đến 2 giờ chiều mới rút quân. Một ngày chủ nhật bình yên đi qua ngoài cửa. Tôi nghĩ đến một câu nói : “Khi chỉ có cái búa trên tay, người ta nghĩ đến mọi vật đều có hình dạng cây đinh”.
Tôi tập “thiền”, áp dụng pháp “lạc thọ tâm lý”của ông Thầy nọ, để
ứng phó khủng bố tạm thấy bình yên, chứ nghĩ kỹ thật buồn, cái chiêu “khủng bố
mềm tại gia” nầy, chỉ mới áp dụng vào mỗi ngày chủ nhật trong tuần, chứ nếu
tình hình Trung quốc lấn tới nữa, đội hình nầy sẽ triển khai mai phục, vây đủ
30 ngày mỗi tháng, thì nhiều người sẽ hóa thành các tay phản động “nhân văn
giai phẩm” mất, như cái thuở xưa ở miền Bắc VN. Mà cả cái thành phố nầy chứ
riêng gì một ai đâu ! Đó là điều mà mọi người dân nên chuẩn bị tinh thần, nhất
là sau khi ông Thủ Tướng mới vừa tuyên bố “quyết liệt” triệt tiêu điều mà ông
đặt tên là “Tổ chức chính trị đối lập”. Một viễn cảnh, nhưng đang đến gần !
Đội ngũ bạo lực nầy chắc sẽ được chiêu mộ, tổ chức ngày càng đông.
Ông Bộ trưởng Công an tuyên bố sắp tăng cường thêm cho thành phố nầy mấy trung
đoàn đoàn an ninh nữa,…để trấn áp các loại tội phạm, trong đó hẳn phải có “bọn”
chống xâm lược Bắc kinh. Đội hình “Khủng bố mềm tại gia” trong tình hình mới,
nhiệm vụ mới, có thể thay cho vai trò “Đội cải cách ruộng đất” trước đây chăng
?. Thế là có ổn định chắc rồi, vì chỉ có một loại bạo lực hoành hành. ?
Có lẽ phải in thêm tiền, hoặc là vay của nước bạn, trong tình thế
kinh tế cả nước đang lao xuống dốc.
Chiến dịch đã được ra quân đồng loạt, được xem là rất nhuần nhuyễn
với tay nghề cao! Tôi nghĩ quẫn : có lẽ nào Việt Nam đang bước đầu quay trở lại
một mô hình quản lý thời chiến, như miền Bắc VN XHCN trước đây, hoặc đang tiến
tới như một Bắc Triều Tiên hôm nay ? Nếu như thế, sau vài thập niên nữa, ắt sẽ
có việc bắn phi thuyền lên không gian, nếu không, dân Việt Nam biết lấy gì làm
tự hào, ngoài cái việc hô khẩu hiệu chúc mừng Lãnh Tụ vĩ đại ?
Thí dụ : Đồng chí Tổng Bí Thư vạn vạn tuế ! Đội “khủng bố mềm tại gia” muôn năm !
Thí dụ : Đồng chí Tổng Bí Thư vạn vạn tuế ! Đội “khủng bố mềm tại gia” muôn năm !
HĐN
17-12-2012
(bản gốc của tác giả)
17-12-2012
(bản gốc của tác giả)
Được
đăng bởi nguoilotgach vào lúc 17:23
No comments:
Post a Comment