7-12-2012
(TNCG) Ngày 18 tháng 9 năm
2012, Viện kiểm sát tối cao đã ký bản cáo trạng số 09/VKSTC-V2 để truy tố 14
thanh niên Công giáo và Tin lành với tội danh “Hoạt động nhằm lật đổ
chính quyền nhân dân” quy định tại điều 79 Bộ luật Hình sự.
Sau khi nghiên cứu kỹ bản cáo trạng đã
được đăng tải trên Internet. Với kinh nghiệm và sự hiểu biết của mình sau nhiều
năm là luật sư trong lĩnh vực nhân quyền, tôi đưa ra quan điểm của mình về vụ
án này như sau.
Bản
cáo trạng dài 19 trang dựa trên kết luận của cơ quan điều tra đã nêu lên những
hành vi của 14 thanh niên Công giáo và Tin lành là tham gia các khóa huấn luyện
về “đấu tranh bất bạo động”, kỹ năng thuyết phục người khác tham gia vào
đảng Việt Tân, kỹ năng tuyên truyền về tự do, dân chủ và nhân quyền cho người
khác. 14 thanh niên này đã tìm hiểu và tham gia vào đảng Việt Tân. Bản cáo
trạng kết luận rằng những thanh niên này tham gia đảng Việt Tân nhằm lật đổ
chính quyền Nhà nước Việt Nam. Bởi vậy họ đã vi phạm điều 79 Bộ luật Hình sự.
Như
vậy theo cáo buộc của các cơ quan tư pháp của Việt Nam thì hành vi của 14 thanh
niên Công giáo và Tin lành nói trên đã vi phạm pháp luật và cấu thành tội danh
được qui định tại điều 79 Bộ luật Hình sự. Nhưng khi chúng ta đối chiếu hành
động, việc làm của 14 thanh niên này với các qui định về các quyền con người,
quyền công dân trong Hiến pháp Việt Nam 1992 thì chúng hoàn toàn phù hợp.
Theo qui định tại
điều 69 Hiến pháp Việt Nam năm 1992, công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn
luận tức là công dân có quyền tự do về tư tưởng, quan điểm, chính kiến chính
trị. Đồng thời công dân cũng có quyền tự do bày tỏ quan điểm, chính kiến chính
trị của mình với người khác. Điều 69 Hiến pháp còn qui định công dân có quyền
hội họp, lập hội tức là công dân Việt Nam có quyền hội họp với nhau để cùng
nhau thảo luận về mọi vấn đề của đất nước. Họ cũng có quyền tham gia hay thành
lập các tổ chức, đảng phái chính trị.
Điều 52 qui định “mọi công dân
đều bình đẳng trước pháp luật”; điều
63 qui định “công dân nữ và nam có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, kinh tế,…” Như vậy rất rõ ràng là ở Việt Nam hiện
nay có gần 90 triệu dân thì hơn 3 triệu công dân đã có quyền thành lập đảng và
tham gia đảng Cộng sản và hơn 80 triệu công dân còn lại có quyền tham gia và
thành lập các tổ chức, đảng phái chính trị khác.
Mục
đích của những công dân tham gia hay thành lập các tổ chức, đảng phái chính trị
là để thực hiện quyền công dân được tham gia quản lý Nhà nước và xã hội được
qui định tại điều 53 Hiến pháp 1992.
Và thực hiện quyền lực của nhân dân đối với Nhà nước được qui định tại điều 2 Hiến pháp 1992.
Điều 4 Hiến pháp qui
định đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Điều này có đảm bảo quyền lãnh đạo tuyệt
đối của đảng Cộng sản hay không?
Điều 53 Hiến pháp
qui định
“Công dân, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng,
tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ mười tám tuổi trở
lên đều có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên đều có quyền ứng cử vào
Quốc hội, Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật.”
Như vậy về mặt lý thuyết thì điều 4
Hiến pháp không đảm bảo quyền lực tuyệt đối cho đảng Cộng sản trong trường hợp
cuộc bầu cử quốc hội có rất nhiều ứng cử viên tham gia không phải là đảng viên
đảng Cộng sản.
Và nhân dân đã lựa chọn và bỏ phiếu cho đa số các ứng cử viên không phải là
đảng viên đảng Cộng sản. Khi quốc hội mới nhóm họp, các đại biểu chiếm đa số
không phải là đảng viên đảng Cộng sản sẽ tiến hành sửa đổi Hiến pháp.Và khi sửa
đổi Hiến pháp, họ hoàn toàn có quyền sửa đổi hay hủy bỏ điều 4, cũng như thay
đổi hệ thống chính trị tại Việt Nam.
Như
vậy, qua các phân tích trên chúng ta thấy rằng việc quyết định ai, tổ chức,
đảng phái chính trị nào là lực lượng lãnh đạo đất nước, hệ thống chính trị như
thế nào là hoàn toàn do nhân dân quyết định thông qua bầu cử nếu Hiến pháp Việt
Nam được thực thi dân chủ và công bằng trong thực tiễn.
Việc
14 thanh niên Công giáo và Tin lành đã tham gia các khóa học đấu tranh bất bạo
động, tham gia vào đảng Việt Tân là họ thực hiện các quyền công dân đã được
Hiến pháp Việt Nam 1992 qui định. Đấu tranh chính trị bất bạo động là hình thức đấu tranh hòa bình, phi
bạo lực nhằm mục đích thay đổi đất nước, xã hội theo chiều hướng tự do, dân chủ
và tiến bộ hơn. Hình thức đấu tranh chính trị bất bạo động được cộng
đồng quốc tế ủng hộ.Những thanh niên nói trên thực hiện đấu tranh chính trị bất
bạo động để phát huy quyền làm chủ đất nước của công dân.Để xây dựng một xã hội
dân chủ, công bằng và văn minh là phù hợp với Hiến pháp Việt Nam.
Nhân dân Việt Nam,
đặc biệt là khoảng 8 triệu tín đồ của Công giáo và Tin lành hy vọng rằng các cơ
quan tư pháp của Việt Nam, chính phủ Việt Nam và đảng Cộng sản Việt Nam thay
đổi nhận thức và quan điểm về pháp luật, chính trị để tôn trọng và bảo đảm các
quyền con người được Hiến pháp qui định sẽ được thực thi trên thực tiễn.
Nhân
ngày quốc tế Nhân quyền và Lễ Giáng sinh đang đến gần, những người Công giáo và
Tin lành hãy đoàn kết và cùng nhau cầu nguyện để Thiên Chúa chúc phước và ban
sự bình an cho những người anh em đang bị giam cầm và người thân của họ. Cầu
nguyện cho đất nước được thay đổi và những người đang bị giam cầm được tự do.
Hòa
bình, công lý và các quyền con người phải được thực thi trên đất nước
Việt Nam.
Hà
nội, ngày 6 tháng 12 năm 2012.
Luật sư Nguyễn Văn
Đài.
No comments:
Post a Comment