Saturday 15 December 2012

KHÓC CƯỜI THEO MỆNH NƯỚC NỔI TRÔI, NƯỚC ƠI . . . (Chân Phương)




Chân Phương
December 15, 2012

Bài báo được trích dẫn dưới đây đã được đăng tải và phổ biến trong nước từ năm 2010. Tiếc rằng chúng tôi đã không tìm được nguyên bản của bài báo này ngay từ đầu để đính kèm tên tác giả cũng như ngày tháng chính xác (28-7-2010?).
Tuy nhiên, lướt qua những con số được báo cáo, người đọc không khỏi đau lòng cho tình trạng tiếng Việt ngày nay tại Việt Nam. Các con số thu thập được đó chỉ cho phép độc giả nhìn thấy phương diện căn bản nhất là chính tả trong trong khả năng sử dụng chữ viết của các đơn vị hành chính, giáo dục, truyền thông, khoa học, và thương mại… Khi cần đề cập những khía cạnh cao hơn môn “chính tả học”, kẻ viết bài này (CP) không biết rằng “các con số” sẽ đưa chúng ta đến cõi nào nữa đây(?)… Xin mời bạn đọc:

*
*

Viện Công nghệ Thông tin – Đại học Quốc gia Hà Nội và Công ty CP Truyền thông và Công nghệ VieGrid, hôm nay, 28-7, vừa công bố báo cáo Tình hình chính tả văn bản tiếng Việt. Theo đó, tỷ lệ lỗi chính tả trung bình của văn bản tiếng Việt là 7,79%, cao gần 8 lần so với chuẩn 1%.

Những con số biết nói
TS Nguyễn Ái Việt, Phó Viện trưởng Viện CNTT, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, trong tháng 6 vừa qua, nhóm tác giả đã thống kê trên 67.000 mẫu của 177 tổ chức, lựa chọn phương pháp thống kê với tập lỗi điển hình đưa ra bảng xếp hạng của 132 tổ chức, đơn vị. Tập lỗi dùng để đánh giá trong đợt này được chọn từ một số lỗi phổ biến như: bổ xungsử lý, xử dụng, sáng lạn, cọ sátsoi mói, thăm quan… 

Kết quả là các từ có tỷ lệ lỗi cao nhất là “soi mói” với 74,33%, “sáng lạn” 41,66%, “cọ sát” 28,38%, “thăm quan” 20,61%...

Đơn vị có nhiều lỗi nhất là Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm 38,46%, tiếp đến là Viện Năng lượng nguyên tử 31,49%. Đơn vị có ít lỗi nhất thuộc về ngành ngân hàng: Ngân hàng ACB 0,34%, tiếp đến là Nhà xuất bản Chính trị quốc gia 0,49%. Trong top năm đơn vị ít lỗi nhất còn có: Ngân hàng BIDV 0,5%, Ngân hàng Nhà nước 0,81%.
Khu vực báo chí và truyền thông có tỷ lệ lỗi chính tả cao nhất, gần mức báo động 10%. Khu vực Đại học và Viện nghiên cứu có tỷ lệ lỗi xấp xỉ mức trung bình của xã hội, chưa phát huy được sự mẫu mực và tiên phong trong vấn đề dùng chữ nghĩa.

Đặc biệt, cả hai khu vực này đều có các đại diện có tỷ lệ lỗi vượt mức 30%. Cụ thể, tỷ lệ lỗi của Đài Tiếng nói Việt Nam lên đến 30,15%, báo điện tử PV là 28,4%, Viện Năng lượng nguyên tử 31,49%, ĐH Đà Nẵng 21,67%...
Khu vực chính quyền địa phương, và các cơ quan thuộc chính phủ, thuộc Bộ có tỷ lệ lỗi chính tả khá cao. Đặc biệt, có đơn vị có tỷ lệ lỗi gần 40% như Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngay cả các khu vực khá nhất là doanh nghiệp và các Bộ vẫn còn phải tiếp tục cải thiện chất lượng để có thể đạt được mức 1%. Đáng ngạc nhiên là bộ có tỷ lệ lỗi cao nhất lại thuộc về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với 7,47%. Địa phương nhiều lỗi nhất là TP Hồ Chí Minh với 18,98%.

Tiếng chuông báo động
Trước khi đánh giá chất lượng chính tả văn bản tiếng Việt, nhóm tác giả đã tiến hành một cuộc điều tra nhỏ trong hai nhóm Chuyên gia ngôn ngữ và Chuyên gia CNTT: Nhóm chuyên gia ngôn ngữ yêu cầu tỷ lệ lỗi chính tả trong văn bản Việt phải là dưới 1%. Nhóm chuyên gia CNTT chấp nhận tỷ lệ này trong khoảng 2,5-5%. Cả hai nhóm chuyên gia đều nhất trí cho rằng báo chí và truyền thông có trách nhiệm nhiều nhất đối với tình hình chính tả tiếng Việt.

Tuyệt đại đa số các chuyên gia cũng cho rằng tỷ lệ 10% là ngưỡng báo động đối với các lỗi chính tả và 30% là ngưỡng mà một lỗi chính tả đã trở thành một cách viết có thể đồng thời được chấp nhận.

Theo đề nghị này, từ “soi mói” đã trở thành từ đúng với tỷ lệ sử dụng hơn 74%, “sáng lạn” có thể xem như một cách viết tương đương với “xán lạn” do đạt tỷ lệ sử dụng gần 42%. Các lỗi “cọ sát”, “thăm quan” đều đến mức báo động đỏ.

Theo TS Nguyễn Ái Việt, kết quả nói trên đã phản ánh tình hình báo động của chính tả tiếng Việt. Nhóm tác giả mong muốn giúp toàn thể xã hội và các đơn vị được xếp hạng bước đầu nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề chính tả tiếng Việt. Các đợt đánh giá tiếp sau sẽ được tiến hành ba tháng một lần và sẽ liên tục được mở rộng về quy mô để hậu thuẫn cho một chiến dịch cộng đồng về quét lỗi chính tả.

Cũng trong sáng nay, bà Lê Ngọc Hồng, Tổng giám đốc VieGrid đã công bố website xếp hạng văn bản tại địa chỉ www.xephangvanban.com. Theo bà Hồng, từ nhiều năm nay, VieGrid đã phát triển các phần mềm xử lý tiếng Việt và cùng với Viện CNTT, các nhà ngôn ngữ học xây dựng bản báo cáo này để gióng tiếng chuông đầu tiên tuyên chiến với nạn lỗi chính tả tràn lan hiện nay trong tiếng Việt.

“Cần xây dựng Luật Ngôn ngữ”
Đó là ý kiến của GS, TS ngôn ngữ học Trần Trí Dõi sau hơn 30 năm nghiên cứu về chính tả tiếng Việt.

Một nội dung đặc biệt hiện nay liên quan đến vấn đề chính tả tiếng Việt là cách viết không phân biệt i và y. GS Trần Trí Dõi nêu thí dụ: Ngay chân tượng đài Lý Thái Tổ ở trung tâm thủ đô Hà Nội có ghi rõ “Lý Thái Tổ”. Một trường trung học ở Nha Trang có bảng tên gọi ở cổng trường là “Lý Tự Trọng”. Nhưng sau Quyết định 240/QĐ ngày 5-3-1984 của Bộ Giáo dục về “chính tả” thì trong sách giáo khoa do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành, giáo viên và học sinh lại có thể viết là “Lí Thái Tổ”, “Lí Tự Trọng”.

Ở trường hợp này, theo GS Trần Trí Dõi, sự tương phản giữa tên gọi thực tế và cách dùng ở sách giáo khoa gây cho học sinh tác dụng tiêu cực. Học sinh sẽ “hàng ngày được làm quen với một thực tế bất nhất giữa cách dùng trong sách giáo khoa và thực tế”. Và với sự bất nhất này sẽ gây cho các em học sinh thói quen nhờn với những gì được coi là “chính thức”.

Theo GS Dõi, trong vòng 20 năm, chúng ta đã liên tiếp ban hành những quy định khác nhau về văn bản tiếng Việt, một vấn đề mà đáng ra phải được thống nhất ngay từ đầu.

Ngày 1-7-1983, Hội đồng “Chuẩn hóa chính tả” và “Hội đồng chuẩn hóa thuật ngữ” đã ký chung một Quyết định có nội dung về “Những quy định về chính tả tiếng Việt”. Một năm sau đó, chúng ta có Quyết định 240/QĐ ngày 5-3-1984 của Bộ Giáo dục Quy định về chính tả tiếng Việt và thuật ngữ tiếng Việt. Đến năm 2002, chúng ta lại có “Quy định tạm thời về chính tả trong sách giáo khoa mới” và 2003 có thêm “Quy định tạm thời về viết hoa tên riêng trong sách giáo khoa”.

Ngoài ra, Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo Biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam trong Hội nghị toàn thể ngày 3 và 4-5-2000, sau khi lấy ý kiến của các ủy viên Hội đồng và được Ban thường trực thông qua, cũng đã ban hành “Quy tắc chính tả và phiên chuyển tiếng nước ngoài” của tiếng Việt của riêng mình.

Rồi nữa, do tính “nhiều quy định” như vậy, Bộ Nội vụ vào tháng 6-2006 đã phải đưa ra một “Dự thảo” về “Quy định về viết hoa và phiên chuyển tiếng nước ngoài trong văn bản” tiếng Viêt nhằm dùng nó trong địa hạt hành chính.

Rõ ràng, tình trạng nhiều quy định đã nói lên rằng chữ Quốc ngữ vẫn còn chưa được thật sự sử dụng thống nhất trong cộng đồng sử dụng tiếng Việt. Theo ông, đã đến lúc chúng ta cần ban hành Luật Ngôn ngữ để có quy định thống nhất về vấn đề này.

“Trong điều kiện trình độ ngôn ngữ học và kỹ thuật của CNTT nước ta đã phát triển, yêu cầu xã hội cấp bách về chuẩn hóa ngôn ngữ là có thể đáp ứng được. Vấn đề là chúng ta phải đồng thuận và biết cách tổ chức thực hiện một cách có trách nhiệm và khoa học”, GS kết luận.


*
*

Bài viết được chia làm ba phần. Hai phần đầu là báo cáo nghiên cứu thống kê và kết luận đánh giá về tình trạng chính tả Việt ngữ nơi các văn bản (hành chánh?) trong các lĩnh vực khác nhau tại quốc nội.

Cũng được biết rằng với tình yêu thiết tha tiếng Mẹ đẻ, ông Việt đã đưa cả tâm huyết của mình vào công trình đáng ca ngợi này. Đó là việc viết ra nhu liệu nhằm rà soát lỗi chính tả hiện đang được áp dụng tại Việt Nam. Và, ông đã dùng nó như một phương tiện nhằm dấy lên tiếng chuông báo động về tình trạng xuống dốc không phanh của chữ nghĩa trong nước.

Phần sau cùng nói về ý kiến của một nhà ngôn ngữ học trong nước, GS TS Trần Trí Dõi, người đã có hơn “30 năm nghiên cứu về chính tả tiếng Việt”.

Phần đầu tiên là kết quả thống kê với những con số thật đáng buồn: Ngay trong các lĩnh vực tập trung và đào tạo nhân tài, trí thức cho xã hội như các cơ quan thông tấn, truyền thông và báo chí, các viện đại học, viện nghiên cứu, bộ văn hóa thông tin… cũng đạt được những “thành tích” về lỗi chính tả cao gấp bảy đến mười lần tiêu chuẩn được đề ra 1%.

Đáng buồn, vì đó là thành tích đạt được sau ba mươi lăm năm có được hòa bình để xây dựng xhcn với phương châm trăm năm trồng người của bác, của đảng cs tiên phong…

Các viện đại học, viện nghiên cứu, báo chí, truyền thông đã như thế; thì môi trường học đường ở các bậc trung và tiểu học hiện giờ còn tệ hại đến như thế nào nữa đây?

Chúng tôi xin trở về với hình ảnh của Saigon hơn bốn mươi năm trước:

Saigon và miền Nam Việt Nam của những năm 60’s và nửa đầu thập niên 70’s không lúc nào ngơi tiếng súng. Ngày đó, thế hệ chúng tôi đã chào đời trong một đất nước loạn ly. Các thế hệ Cha Anh của chúng tôi trong suốt giai đoạn 1954-1975, luôn luôn phải miệt mài với những nỗ lực để chống lại hiểm họa xâm lăng của cs Bắc phương. Thời gian hai mươi mốt năm sau hiệp định Geneve cũng đã quá ngắn để vùng đất phía Nam vĩ tuyến mười bảy có thể tạo dựng được một nền văn hóa dân tộc bén rễ thật vững bền.

Tuy nhiên, những năm 60’s tại Saigon, lũ học trò chúng tôi khi học hết lớp ba bậc tiểu học, thì hơn nửa lớp đã không còn bị lỗi chính tả thông thường (các dấu hỏi-ngã, các lỗi do cách phát âm địa phương như phụ âm đầu l-n, s-x, ch-tr, của người Bắc; nguyên âm giữa và sau oa-a, ăn-eng, phụ âm đầu v-d-gi, và các phụ âm sau n-ng, t-c, c-ch,… của người Trung và/hoặc của người miền Nam).

Sang đến cuối năm học lớp Năm, khi chuẩn bị thi tuyển vào Đệ Thất (lớp Sáu trung học) các trường công lập; cái đích mà Phụ Huynh và Thầy Cô giao cho chúng tôi phải đạt được ngày ấy là, hoàn toàn không bị lỗi chính tả trong bài luận văn khi đi thi. Bởi vì, những lỗi nhỏ nhất (hỏi-ngã) sẽ bị trừ 0.5/20 điểm của bài luận văn. Các lỗi chính tả khác nặng hơn sẽ bị trừ 1/20 điểm…

Với cách chấm điểm khắt khe trong kỳ thi tuyển để vào các trường trung học, một bài luận được trình bày với ý mạch lạc, được viết lưu loát và không bị lạc đề; may mắn lắm cũng chỉ được từ 15 đến 18/20 điểm là hết cỡ. Ngày ấy, những học sinh lớp Năm đến ngày đi thi tuyển vào các trường trung học mà vẫn còn bị nhiều lỗi chính tả sẽ khiến cho Mẹ-Cha lo lắng rất nhiều. Với các phụ huynh có con em như thế, họ lo rằng sẽ phải vất vả lo liệu bảy năm dài học phí sau này cho con cái, nơi các trường tư thục. Chưa kể, phẩm chất về việc đào luyện học sinh nơi các trường trung học công lập nổi tiếng tại Saigon cũng là sự bảo đảm cho mối quan tâm của phụ huynh, đối với việc giáo dục học đường cho con em mình!

Vâng, bốn mươi năm trước đây tại Saigon, học sinh tiểu học chúng tôi và các thế hệ Cha-Anh mình đã thi tuyển vào lớp Sáu trung học là như thế. Chắc chắn rằng, trong tâm tưởng các vị Trưởng Bối của chúng tôi nơi diễn đàn Việt Thức này, thì hình ảnh đó đã chẳng có gì là xa lạ. Không những thế, đối với nhiều vị, nó còn như một giấc mơ vừa mới xảy ra hôm nào mà thôi…

Xin trở lại với thực tế của hiện tại. Cái gì đã làm thành sự suy thoái trong khả năng sử dụng tiếng Mẹ đẻ của người Việt trong nước hiện nay, mà bước khởi đầu khi chúng ta chỉ nhìn vào vấn đề căn bản nhất đó là chính tả, cũng đã thấy được một bức tranh hoàn toàn u ám?

Phần thứ hai của bài báo cho thấy, Tiến sĩ Nguyễn Ái Việt và nhóm cộng tác của ông đã có tâm nghiên cứu, thống kê, và đưa đến kết quả như đang gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh xã hội về điều mà ông đang quan tâm.

Người viết bài này (CP) khâm phục tấm lòng cống hiến của TS Nguyễn Ái Việt cũng như mục đích xã hội của ông. Tiếc thay, hoài bão và việc ông đang làm cũng chỉ là muối bỏ bể… Nếu ông chịu khó bước lùi lại một chút thôi, ông đã có thể nhìn thấy bức tranh toàn cảnh, có được cái nhìn chiến lược đối với tình trạng tình trạng suy sụp trong khả năng sử dụng tiếng Mẹ đẻ của người Việt tại quốc nội.!

Để làm sáng tỏ bức tranh toàn cảnh, để có cái nhìn tổng quát về tình trạng Việt ngữ trong nước, chúng ta hãy bước sang phần thứ ba của bài báo kể trên và lắng nghe ý kiến của một nhà ngôn ngữ học trong nước, GS TS Trần Trí Dõi, người đã có hơn “30 năm nghiên cứu về chính tả tiếng Việt”:

Thoạt kỳ thủy, ông GS TS Trần Trí Dõi than phiền rằng hiện tại trong nước đang có quá nhiều quy định về ngôn ngữ. Nhưng ngay sau đó và cũng chính vì lý do bất cập như thế, ông lại đòi phải “ban hành Luật Ngôn Ngữ để có quy định thống nhất về vấn đề này”.

Với thời gian “ba mươi năm nghiên cứu”, suy nghĩ của ông GSTS đã cao siêu đến đâu, mà ông không nhận thấy được sự mâu thuẫn trầm trọng này trong suy luận của ông? Rõ ràng, tiến trình suy luận của ông GSTS đã không hề trải qua nhiều giai đoạn khác nhau để mà không thể kiểm soát được. Nó chỉ bao gồm hai bước (steps) rất nhỏ, thế mà ông đã tự xô mình ngã xấp ngay trên suy luận hùng hồn đó của mình!

Viết những dòng nhận xét này, chúng tôi không hề có ý miệt thị cá nhân ông Dõi. Mà đó là nhận xét về những nguyên nhân đưa đến thảm trạng của Tiếng Việt ngày nay.

Thử hỏi, có chính phủ nào trên thế giới “quản lý” ngôn ngữ bằng những quy định, bằng sắc lịnh, bằng đạo luật hay không? Các quốc gia trong thế giới tự do đã không làm những việc khật khùng, dở hơi như thế này!

Hai nền Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa của miền Nam trước tháng Tư 1975 cũng không hề “quản lý” tiếng Việt bao giờ cả! Nhưng hình ảnh của học sinh tiểu học chuẩn bị đi thi vào các trường trung học công lập của Saigon năm xưa đã không hề tệ hại như xã hội trong nước Việt Nam ngày nay. Tất nhiên, trong các trường trung học, cao đẳng và đại học, truyền thông và báo chí, các viện nghiên cứu, cơ quan hành chính… ngày xưa đó; đương nhiên đã quy củ hơn bậc tiểu học rất nhiều!

Saigon năm xưa, cũng như mọi quốc gia trong thế giới tự do khác, cũng có một hệ thống trường công lập tiểu và trung học bên cạnh các trường tư thục. Sách giáo khoa do Trung Tâm Học Liệu ấn hành chỉ đến hết bậc tiểu học và phát miễn phí trong trường công. Ngoài ra, sách giáo khoa cho các trường tiểu học tư thục cùng toàn bộ trung học, đại học;… đều do tư nhân đảm trách. Bộ giáo dục, các Nha Trung Học-Tư Thục-Khảo Thí, các Viện Đại Học, chỉ đưa ra chương trình. Các tác giả chỉ việc soạn theo chương trình ấn định và phát hành. Việc tự do soạn và ấn hành sách đã tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh giữa các soạn giả và nhà xuất bản về phẩm chất của sách giáo khoa dành cho học sinh các cấp lớp và các môn học khác nhau.

Đó chính là nguyên nhân tạo thành phẩm chất của nền giáo dục của miền Nam trước năm 1975, cũng như phẩm chất giáo dục tại các quốc gia tự do khác mà chúng ta chứng kiến.

Riêng đối với sách dạy Việt ngữ (Quốc Văn, Việt Văn, Luận Văn) bậc tiểu học, cũng đã có hơn hai mươi tác giả khác nhau biên soạn. Trong trí nhớ của chúng tôi, các tác giả Việt Ngữ chúng tôi thích đọc là Hà Mai Anh, Bùi Quang Kim, Bùi Văn Bảo, Cao Văn Thái, Nguyễn Tất Lâm,… vì các vị này soạn sách hay, dễ hiểu, và rất cẩn thận!

Nội dung trong các sách giáo khoa Việt Văn bậc tiểu và trung học hoàn toàn thuần túy trong phạm trù văn chương Việt Nam. Chúng không hề mang hơi hướm của ý thức chính trị, của đảng phái nào cả. Nội dung của chúng bao gồm, từ những câu ca dao tục ngữ dân gian mang tính giáo dục hằng ngày ở các lớp Hai, lớp Ba, và lớp Bốn. Học sinh các lớp này lần lượt được học làm luận văn miêu tả lần lượt từ tĩnh, động vật, cho đến cách tả người và tả cảnh. Sang đến lớp Năm, học sinh đã được học cách viết những bài luận văn giải thích, phân tích, hoặc bình luận về một câu ca dao, thành ngữ, tục ngữ; hoặc một đoạn văn, thơ ngăn ngắn. Các đoạn văn, thơ ngăn ngắn được đề nghị phân tích, bình luận đó; thường là những đoạn văn thơ mượt mà từ kho tàng văn chương tiền chiến hoặc hiện đại mà không bắt buộc phải theo sự “lãnh đạo” hoặc mang tính “đấu tranh giai cấp” nào cả!

Sách giáo khoa và chương trình cho môn Việt Văn của bậc tiểu học nói riêng và các môn và cấp lớp khác là vậy. Trong phạm vi bài này chúng tôi không đề cập sâu và cao hơn nữa trong môi trường học đường. Nhưng bấy nhiêu đã đủ để nói lên lý do ngày xưa thế hệ của chúng tôi và các bậc Cha Anh của mình có được nền tảng Việt ngữ vững vàng.

Ngoài xã hội, cũng vì sự góp mặt của tư nhân trong các lĩnh vực ấn loát, phát hành, sách báo cũng như truyền thông trong không khí tự do cho ngôn luận cũng như cạnh tranh thương mại; mà công việc biên tập cũng kỹ lưỡng, cho nên ngay cả lời các bản tân nhạc cũng hiếm khi nhìn thấy lỗi chính tả thông thường. .

Với mục đích ngu dân nhằm để thống trị lâu dài đồng bào trong nước, gần sáu mươi năm qua đảng cs đã bất chấp mọi thủ đoạn kể cả việc tàn phá văn hóa nước nhà, trong đó có cả nền giáo dục và sự phát triển Việt ngữ do Ông Cha chúng ta để lại.

Vì thế, muốn nâng cao khả năng sử dụng tiếng Mẹ đẻ của đồng bào trong nước mà không nghĩ đến nguyên nhân căn bản của nó (sự tồn tại của đảng cs) thì mọi cố gắng cũng là vô ích khi chữ nghĩa luôn luôn bị “quản lý” bằng những ý kiến đầy quái gở và oái oăm của bạo quyền độc tài!

Chỉ khi nào chúng ta nhìn thấy điều này một cách rõ rệt, thì bức tranh toàn cảnh về tình trạng Việt ngữ nói riêng và nền văn hóa giáo dục nói chung mới thực sự lộ diện hoàn toàn. Nói khác đi, nó cho chúng ta một cái nhìn chiến lược hơn mà không còn là phiến diện nữa!

Chúng tôi hoàn toàn không muốn miệt thị cá nhân ông GS TS Trần Tri Dõi. Dù sao, ông cũng là nạn nhân của một chế độ phi nhân phi nghĩa. Nhưng với học hàm, học vị mà ông đã được giới thiệu (GS TS) cùng quá trình “nghiên cứu về chính tả tiếng Việt” của ông; chúng tôi không thể ngăn được tình cảm thương hại đối với thứ Việt ngữ mà ông đang dùng:

“Ngôn ngữ là công cụ của tư duy, để chúng ta nói và hành động. Công cụ đó không chuẩn thì làm sao làm việc chuẩn được? Tôi cho rằng sự lộn xộn của xã hội có tác động của vấn đề lộn xộn trong ngôn ngữ”, GS Trần Trí Dõi.

Chúng tôi không có gì phàn nàn nếu ông GSTS dùng ngôn ngữ làm phương tiện để suy nghĩ (công cụ của tư duy, chữ của ông Dõi) mặc dù lý luận này của ông Dõi cũng chẳng có gì là chặt chẽ cho lắm về mặt quan sát khoa học. Nhưng dùng ngôn ngữ để mà “hành động” thì đến phải phì cười với sự diễu cợt của ông thật, ông Giáo Sư ạ!

Riêng câu ông nói, “Công cụ đó không chuẩn thì làm sao làm việc chuẩn được?” thì quả là tối tăm như đêm ba mươi:
Chúng tôi hoàn toàn không hiểu được trong ngôn ngữ ông dùng, và trong câu văn cụ thể được ghi lại đó, ông đã dùng chữ “chuẩn” với nghĩa như thế nào?

Theo dõi mạch văn trong bài báo, chúng tôi đoán rằng ông đã dùng chữ “chuẩn” với một trong hai nghĩa sau đây:

1. Nghĩa thứ nhất, “chuẩn” tôi đoán là “chính xác”. Vì thế câu ông viết,
“Công cụ đó không chuẩn thì làm sao làm việc chuẩn được?” có thể được hiểu là, “Công cụ đó không chính xác thì làm sao làm việc chính xác được?”
Tuy nhiên, nếu ông cho rằng “chuẩn” có nghĩa là “chính xác” thì “chuẩn hóa” lại có nghĩa cha căng chú kiết nào ở đây?

2. Nghĩa thứ hai, có thể ông GSTS cho rằng “chuẩn” có nghĩa là “tiêu chuẩn”, do đó “chuẩn hóa” của ông có nghĩa là “tiêu chuẩn hóa”. Có nghĩa là, với một chữ “chuẩn” mà thôi, ông đã dùng với hai nghĩa hoàn toàn khác nhau.

Với những “tối chế” trong ngữ vựng tiếng Việt do những cái gọi là “Hội đồng chuẩn hóa ngôn ngữ” mà các nhà “THIÊN TAI (tai ương gây bởi ông trời) về NGÔN NGỮ” hiện nay ở trong nước bao gồm các ông TS và GS như ông Dõi, thì làm gì mà tiếng Việt ngày càng không như hũ nút nữa hả trời ơi !

Rõ ràng, trong ngữ vựng của chúng ta đã có các chữ “chính xác” và “tiêu chuẩn” với những ý nghĩa hoàn toàn độc lập và riêng biệt. Trong mỗi trường hợp khi được dùng, nghĩa của chúng không thể nào bị nhầm lẫn vào nhau.

Nay thì, nhờ có “đỉnh cao trí tuệ loài… gì đấy (xin mời bạn đọc tự điền vào chỗ trống)!”, nhờ các hội đồng bao gồm những “THIÊN TAI về NGÔN NGỮ” như ông GS TS Trần Trí Dõi, tiếng Việt sẽ mất đi hai chữ với ý nghĩa vô cùng trong sáng và rõ rệt là “chính xác” và “tiêu chuẩn” để “được” một chữ cụt lủn không có đầu mà cũng chẳng có đuôi “chuẩn” để có thể biết rõ khi nào các ông dùng với nghĩa riêng biệt ra sao(?)

Trong khuôn khổ của bài viết này nói vê chính tả tiếng Việt trong nước, “chuẩn” chỉ là một trong hơn chục chữ được dùng một cách vô cùng ấm ớ trong bài báo nọ. Nó cũng chỉ là một trong hàng ngàn trường hợp các ngữ vựng được xào nấu như mì ăn liền một cách tối nghĩa và “được” đem ra dùng một cách cẩu thả từ các hội đồng “thiên tai”. Để rồi từ đó, kho tàng ngữ vựng vốn đã từng phong phú và trong sáng của Việt ngữ mà Ông Cha chúng ta để lại sẽ phải chết lần chết mòn từng chữ một.

Nếu phải nhặt nhặn và phân tích đầy đủ những trường hợp chúng ta gặp phải khi đọc báo chí trong nước hằng ngày, e rằng vài cuốn từ điển ngàn trang, liệu có viết hết? Chưa kể, người viết sẽ không tránh khỏi những lời xuyên tạc từ bên ngoài là vạch lá tìm sâu, chẻ tóc làm tám, tầm chương trích cú,… vv và vv…

Chữ nghĩa của các hội đồng, các nhà “ngôn ngữ học” GS TS trong khung son gác tía của cả nước đã như thế, thì của bàn dân thiên hạ hiện nay bên ngoài đã đến như thế nào rồi?…

Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi
Mẹ hiền ru những câu xa vời
À à ơi ! Tiếng ru muôn đời
Tiếng nước tôi ! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi
Tiếng nước tôi ! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi
Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi (Tình Ca–Phạm Duy)

Chân Phương
Falls Church, VA.
12/11/12




No comments:

Post a Comment

View My Stats