Thụy My
– RFI
Thứ bảy 08 Tháng Mười Hai 2012
Hôm nay 08/12/2012, các nhà ly khai Trung Quốc trong đó có nhà thơ Dã Độ và
nghệ sĩ Ngải Vị Vị; đã lên tiếng đả kích giải Nobel văn chương Mạc Ngôn vì bài
nói chuyện nhập nhằng của ông này ở Stockholm. Một số còn không ngần ngại gọi
ông là « bồi bút », « tên hề » hay kẻ phản bội.
Hôm qua 07/12/2012, nhà văn Mạc Ngôn trong một bài diễn
văn được báo chí nhà nước Bắc Kinh đồng thanh ca ngợi, đã từ chối đề cập đến
mọi vấn đề có liên quan đến chính trị, kêu gọi những người nào muốn biết nên
đọc các cuốn sách của ông.
Ông Mạc Ngôn tuyên bố : « Đối với một nhà văn, thì cách
tốt nhất để phát ngôn là tác phẩm ». Ông nhấn mạnh, những tranh cãi xung quanh
việc trao giải Nobel văn chương cho ông là « nhắm đến một con người khác không
giống với tôi ».
Hôm thứ Năm 06/12 trước các nhà báo, ông Mạc Ngôn cho
rằng kiểm duyệt là « cần thiết », rằng khó thể nói được là có tự do ngôn luận ở
Trung Quốc hay không. Bị truy hỏi, ông mới miễn cưỡng xác nhận - như đã nói hồi
tháng 10 - là cũng mong muốn người đồng hương, giải Nobel hòa bình Lưu Hiểu Ba
được trả tự do.
Nhà thơ ly khai Dã Độ (Ye Du) nói với hãng tin Pháp AFP :
« Những ngày gần đây, ông Mạc Ngôn đã bênh vực chế độ kiểm duyệt…rồi tiếp theo
trong bài diễn văn ông ấy lại nói những chuyện tào lao…Nói theo một thành ngữ
Trung Hoa, thì có thể gọi là gái đĩ già mồm. Về mặt văn chương thì ông ta có
phần nào xứng đáng, nhưng với tư cách là một con người, thì Mạc Ngôn chỉ là một
chú lùn ».
Một nhà trí thức khác yêu cầu chỉ nêu họ là Vương, thì tỏ
ra ít nghiêm khắc hơn. Bà nói : « Đây là lần đầu tiên một người Trung Quốc
không phải là nhà đối lập đã được trao một giải Nobel, như vậy không phải là
lỗi của ông ấy nếu báo chí nhà nước tung hô ông lên đến mây xanh. Tất nhiên là
ông ta chống lại kiểm duyệt, nhưng ông sống ở Trung Quốc và ông có quyền không chọn
lựa thái độ ly khai ».
Ngược lại, nghệ sĩ đối lập Ngải Vị Vị trong một tin
Twitter cho rằng bài nói chuyện của Mạc Ngôn là « bất lực, đáng xấu hổ, một sự
phản trắc và chối bỏ tất cả các nguyên tắc ».
----------------------------------
Minh
Anh – RFI
Thứ bảy 08 Tháng Mười Hai 2012
Tại Trung Quốc, nhiều nhân vật có tiếng tăm đã ký một bản
kiến nghị kêu gọi trả tự do cho ông Lưu Hiểu Ba, giải Nobel Hòa bình năm 2010.
Cũng trong lúc này, vợ của ông cũng đang phải hứng chịu cảnh quản thúc tại gia.
Liên quan đến chủ đề này, báo Libération có bài đề tựa hóm hỉnh « Tại Trung
Quốc, không có hòa bình cho vợ của giải Nobel Hòa bình ».
Nhật báo Libération cho biết, vào hôm thứ năm 06/12/2012
vừa qua, sau khi đã thành công qua mắt được sự giám sát của các viên công an
canh giữ tòa nhà, hai nữ ký giả của hãng Associated Press đã tiếp xúc được với
bà Lưu Hà, vợ của ông Lưu Hiểu Ba, giải Nobel Hòa bình năm 2010, bị quản thúc
tại gia kể từ cuối năm 2010.
Ngay khi nhìn thấy hai nữ nhà báo, bà Lưu Hà tuôn trào
nước mắt, luôn miệng hỏi làm cách nào mà họ có thể vào được tòa nhà. Theo tâm
sự của bà với hai cô ký giả, mặc dù đã chuẩn bị tinh thần cho hậu quả của việc
được trao giải Nobel, nhưng bà chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ bị cấm cửa, không
được ra khỏi nhà.
Libération nhắc lại là ông Lưu Hi ểu Ba bị kết án 11 năm
tù vào năm 2009 vì tội đã ký vào bản « Hiến chương 08 », một bản kiến nghị kêu
gọi tôn trọng Hiến pháp Trung Quốc. Là một họa sĩ, nhà thơ và là nhiếp ảnh gia,
bà đã bị cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài.
Không điện thoại, không Internet, và bà chỉ được phép đi
thăm chồng dưới sự tháp tùng của các viên công an. Thậm chí, bà Lưu Hà cũng
không được hé một lời nào cho chồng biết về gia cảnh hiện tại của bà. Hôm qua,
sau khi phát hiện ra sai sót của khoảng 40 viên công an tại chỗ, chính quyền đã
tăng cường thêm nhân viên an ninh .
Theo Libération, cũng trong ngày thứ năm, tiếp nối lời
kêu gọi trả tự do cho Lưu Hiểu Ba của 134 giải Nobel Hòa bình trên toàn thế
giới đưa ra hôm thứ ba, 04/12/2012, khoảng 40 nhân vật nổi tiếng của Trung Qu
ốc đã ký một bản kiến nghị đề nghị ông Tập Cận Bình trả tự do cho Lưu Hiểu Ba,
cũng như các tù nhân khác bị giam giữ dưới tội danh chính trị hay tôn giáo.
Báo Libération lấy làm tiếc rằng ông Mạc Ngôn, Giải Nobel
Văn học năm 2012 đã không tham gia ký bản kiến nghị. Thậm chí, khi đến
Stockholm nhận giải hôm thứ năm rồi, ông cũng đã từ chối bày tỏ chính kiến về
truờng hợp Lưu Hiểu Ba.
Libération thêm rằng, với tư cách là đảng viên và là quan
chức cao cấp của Hội nhà văn Trung Quốc, ông Mạc Ngôn tuyên bố ủng hộ sự kiểm
duyệt và cho là rất cần thiết.
No comments:
Post a Comment