Sunday 23 December 2012

BÊN THẮNG, BÊN THUA . . . & TẬN TÍN THƯ (Phạm Thạch Hồng)




21-12-2012

Mấy hôm nay dư luận người Việt hải ngoại có nhiều bàn tán xôn xao; diễn đàn nào, nhóm trao đổi thư tín nào cũng rộn lên về quyển sách vừa được bán qua nhà amazon.com, "Bên Thắng Cuộc" của Huy Đức, 1 đảng viên CS, cựu sĩ quan quân đội CSVN, cựu ký giả tờ Tuổi Trẻ.

Vì chưa đọc quyển sách này, mà chỉ mới đọc lời mở đầu của tác giả và một số nhận định giới thiệu nên chưa dám nói gì về tác phẩm và tác giả.

Tuy nhiên, nhân chuyện đang ồn ào, tưởng cũng nên đọc lại đôi điều nhắc nhở của người xưa về chuyện đọc sách (theo đúng nghĩa đen của sách).
*
Ngày xưa các cụ ta hay trích dẫn Khổng Mạnh. Một trong những câu trích để dạy con cháu là
: Mạnh Tử viết: Tận tín thư tắc bất như vô thư; nghĩa là : Mạnh Tử nói: Cả tin sách, chẳng bằng không có sách.

Như vậy điều đầu tiên xin thưa là, muốn đọc gì thì cứ đọc nhưng chớ có bao giờ cả tin để bảo rằng cái gì có trong sách cũng là đúng, là sự thật!

Điều thứ nhì xin thưa là ông nào bà nào khi viết ra cái gì, để chứng minh rằng mình viết đúng, viết thật không bịa thì cũng cũng dẫn chứng người này người nọ, sách này sách kia.
Đúng theo lời dạy của người xưa là nói có sách, mách có chứng.

Tác giả Nguyễn Dư của tờ Chim Việt Cành Nam trước đây có bài viết rất hay tựa đề “Nói có sách, mách có chứng” (http://chimvie3.free.fr/18/nddg074.htm)
Xin trích :
Tôi khổ sở vì môn Việt văn. Khổ từ dưới tiểu học lên đến trung học. Hết tập đặt câu, lại đến tập làm văn, rồi luận văn, bình văn. Hết "tiên học lễ, hậu học văn" lại đến "tri dị hành nan" hay "tri nan hành dị" ? Lần nào thầy cũng nhắc đi nhắc lại như cái máy là phải có ý, phải tìm cho ra một hai thí dụ, phải biết trình bày mạch lạc. Phải...phải như vậy mới được.
Toàn những cái " phải " khó nhai.
Có lần đầu bài được ra bằng...tiếng Việt: “Nói có sách, mách có chứng!” Hí hửng tưởng phen này sẽ không bị...táo bón. Nhưng rốt cuộc vẫn tắc tị như thường. Đã đến nước này thì phải...liều ! Đến bữa cơm chiều, tôi thu hết can đảm mang bài ra hỏi cả nhà. Ồ chuyện lạ ! Cả nhà ngạc nhiên thấy tôi để ý đến chuyện học.
Bố giảng:
Nói có sách, mách có chứng nghĩa là ăn nói phải có bằng cớ, bằng chứng. Nếu mày cứ bô bô là " Nước ta giàu có, rừng vàng biển bạc " mà không chứng minh gì cả thì như vậy chỉ là nói suông, nói không có bằng cớ. Không phải là Nói có sách, mách có chứng.
Nếu mày nói rằng có sách này, sách kia viết rằng rừng nước ta chiếm bao nhiêu diện tích, bao nhiêu cây số vuông, có bao nhiêu thứ gỗ quý, nếu có đủ người đủ máy móc để khai thác thì có thể đem lại bao nhiêu tiền bạc. Tác giả nào cho biết vùng biển nước ta dài rộng bao nhiêu cây số, có bao nhiêu cá, nếu có đủ người đủ tàu đánh bắt thì sẽ đẻ ra được bao nhiêu tiền. Đưa ra bằng chứng, rồi mới kết luận "Nước ta giàu có, rừng vàng biển bạc". Như vậy gọi là “nói có sách, mách có chứng”.
Nói chung, muốn kết tội hay gỡ tội cho ai thì cũng phải đưa ra bằng chứng rõ ràng.
Nhưng moi đâu ra bằng chứng?
“Phải đọc sách”.
Lần kế, thầy ra đề bài … bắt giảng ý câu “Tận tín thư bất như vô thư”.
Khổ chưa! Lại chữ nghĩa thánh hiền!
Thầy giảng: Cả lớp nghe đây ! Tận tín thư bất như vô thư là câu nói của Mạnh Tử, nghĩa là "Đọc sách mà tin sách đến cùng thì không bằng không đọc sách".
Chiều hôm ấy tôi lại phải cầu cứu bố.
Nghe bố giảng, tôi ù ù cạc cạc, có cảm tưởng như bố nói ngược lại lần trước. Bố kiên nhẫn giảng lại.
Nói có sách, mách có chứng nhưng phải kèm thêm điều kiện là sách viết đúng, chứng cớ không sai. Nếu mày cứ dựa vào một quyển sách viết sai mà gân cổ lên cãi thì còn tệ hơn là mày không đọc quyển sách ấy. Không biết còn hơn là biết sai, hiểu chưa?
Dạ hơi hiểu. Nhưng làm gì có sách viết sai ?
Có chứ. Cụ Nguyễn Du chỉ viết một bản Kiều, thế mà ngày nay lại có mấy bản khác nhau. Chinh phụ ngâm cũng vậy. Thậm chí người ta còn chưa biết chắc ai là tác giả của bản Chinh phụ ngâm mày đang học đây này. Cái tệ của người mình là hay sửa thơ văn của người khác. Cứ tự tiện cho rằng mình hiểu câu thơ, câu văn hơn chính tác giả.
Cuốn Đạo Đức Kinh của Lão Tử mỏng dính, thế mà khắp thế giới có tới cả trăm bản dịch khác nhau. Mỗi người hiểu một cách. Thế nào chả có người đúng, người sai.
Cùng một bài thơ mà được gán cho hai ba tác giả thì chắc chắn phải có người sai rồi.
Nhưng làm thế nào để biết là sai ?
Phải nghe nhiều người nói, phải xem nhiều sách thì mới thấy ai đúng ai sai.
Thế còn người đầu tiên thì sao?
Câu hỏi của mày khó trả lời. Muốn biết người đầu tiên nói đúng hay sai thì phải chờ thời gian mới biết được. Lâu ngày mà không có ai phản đối, nói khác thì có thể được coi là đúng. Đúng tới ngày nào có người vạch ra chỗ sai. Nguy hiểm nhất là người đầu tiên nói sai rồi người khác lặp lại như đàn vẹt. Đây cũng là Nói có sách, mách có chứng nhưng phải xếp vào loại nấp sau sách, sau cái bung xung để...nói bậy.

(hết trích)

*
Và khi nói chuyện chớ nên cả tin vào sách, xin trích đoạn sau đây của cụ Hoàng Văn Chí (tác giả Từ Thực dân đến Cộng sản, và , Tuyển tập Trăm Hoa Đua Nở về phong trào Nhân văn giai phẩm), đoạn này trích từ quyền Duy Văn Sử Quan của cụ.

TẬN TÍN THƯ

Như đã trình bày ở Chương trước, muốn nghiên cứu văn-hóa, phải đọc đủ loại sách, cổ - kim, đông - tây. Nhưng đọc bất cứ sách nào, người đọc cũng nên nhớ lời răn của Mạnh Tử. Ông nói: "Tận tín thư, bất như vô thư." Nghĩa là: "Thà không có sách, còn hơn (có sách để đọc rồi) nhắm mắt tin sách (Sách Mạnh Tử, Thiên Tận-Tâm).
Mạnh Tử đã phải cảnh cáo đệ tử của ông một cách gắt gao như vậy, là tại ngay từ thời ấy (thế kỷ 4 TTL) đã có bệnh "Tôn Sùng Kinh Điển", đã có nhiều người yên trí bất cứ điều gì đã chép vào sách là tất nhiên phải đúng. Họ không biết sách có thể chép sai vì vô tình hay hữu ý, có những chương, những mục hậu-thế ngụy tạo, và có những sách hoàn toàn giả mạo. Xin nêu lên một số trường hợp điển hình:

1. Sử Gia Bóp Méo Lịch Sử
Mạnh Tử nói ông đọc thiên Vũ Thành trong Chu Thư, tức là cuốn sử chính thống của nhà Chu, mà trong toàn thiên, ông chỉ thấy một đôi câu là đáng tin (còn tất cả đều là xuyên tạc). Kể chuyện vua Vũ nhà Chu mang quân sang đánh vua Trụ nhà Thương, sách Chu Thư chép: "Thoạt mới trông thấy đoàn quân của vua Vũ tiến đến, binh lính của vua Trụ trở giáo giết lẫn nhau, khiến máu chảy thành suối, làm trôi cả chày giã gạo."
Mạnh Tử phê bình là phi lý, không thể nào tin được. Ông không nói - hoặc giả có nói nhưng sách không chép - tại sao sử gia nhà Chu lại dựng đứng câu chuyện quân lính của vua Trụ "trở giáo giết lẫn nhau"? Cho rằng họ ghét vua Trụ vì vua Trụ độc ác như các sử gia sau này vẫn chép, nhưng ghét vua Trụ thì mang vua Trụ ra mà giết, tại sao lại chém giết lẫn nhau?
Ngẫm nghĩ một chút, chỉ một chút thôi, chúng ta cũng thừa biết sử gia nhà Chu xuyên tạc sự thực để kéo chính nghĩa về phe mình. Ý muốn nói: "Chúng tôi không chối cãi vụ tàn sát ghê gớm, làm máu chảy thành suối, nhưng vua Vũ của chúng tôi là một đấng minh quân, rất nhân từ đạo đức, chẳng hề ra lệnh cho quân lính của Ngài chém giết một cách quá dã man như vậy. Ngài chỉ mang quân đi hỏi tội vua Trụ gian ác, Ngài không có trách nhiệm gì về vụ tàn sát ấy. Hai bàn tay Ngài trắng tinh, chẳng dính một giọt máu."

Ngày nay chúng ta thừa hiểu đấy chỉ là cái thuật bóp méo lịch sử để "kéo chính nghĩa về phe mình." Theo giới nhân chủng học thì người Chu là một rợ du mục thuộc đại chủng tộc Arya. Thế kỷ 12 TTL, Thời Kỳ Băng Gía (Ice Ages) đã kết thúc, khí hậu ấm áp hơn, cỏ mọc tốt, hươu nai nhiều, và dân du mục trở thành hùng mạnh. Họ lại chế tạo được giáo mác và áo giáp bằng đồng, nuôi ngựa và dùng ngựa kéo chiến xa. Nhờ vậy, họ tràn xuống những vùng nông nghiệp, giết người cướp của. Trong khi người Arya từ các thảo mạc Đông Âu, tràn xuống Hy Lạp và Ấn Độ, thì người Chu ở Mông Cổ tràn xuống Thiểm Tây, Cam Túc, rồi tràn vào lưu vực sông Hoàng, là lãnh thổ của người Thương. Những người này - cũng gọi là người Ân - đã phát huy văn-hóa nông nghiệp, và đạt tới mức văn minh khá cao.
Không những người Chu chỉ chém giết người Ân làm cho "máu chảy thành suối, làm trôi cả chày giã gạo", mà vì họ là dân du mục, chỉ chăn nuôi, không biết làm ruộng, nên họ thả súc vật của họ tàn phá hết mùa màng của người Ân, đến nỗi người Ân phải bỏ nước chạy thoát thân. Có một nhóm sang đến Bắc Ninh, bị ông Phù Đổng Thiên Vương đánh đuổi.
Nói về cuộc đụng độ giữa đoàn quân của Vua Vũ nhà Chu và binh lính của vua Trụ nhà Thương, thì điều đáng tin hơn cả là: Vua Vũ là một nhân vật tàn bạo, chẳng kém Thành Cát Tư Hãn sau này, xua quân giết người Thương đến máu chảy thành suối, làm trôi cả chày giã gạo. Nhưng "được làm vua, thua làm giặc", kẻ chiến thắng bao giờ cũng tự nhận là "nhân nghĩa, đạo đức", đổ hết tội lỗi lên đầu kẻ chiến bại.

Nếu rõ tính chất phi lý của câu chuyện chép trong Chu Thư, Mạnh Tử đã cảnh cáo, không riêng gì đệ tử của Ông và người đương thời, mà còn nhắc nhở hậu thế phải coi chừng luận điệu tuyên truyền của bất cứ phe nào. Ngày nay chúng ta cần phải thận trọng hơn bao giờ hết, vì tuyên truyền đã trở thành một nghệ thuật tinh vi, và đã áp dụng kỹ thuật điện tử, làm cho nhiều người "chết đứng" vì nhẹ dạ mắc mưu tuyên truyền.

Xin kể hai trường hợp điển hình:

- Vào khoảng 1960, một Việt Kiều buôn bán giàu có ở Tân Thế Giới, tối ngày nghe đài phát thanh Hà Nội, nên quá tin, bán hết cơ nghiệp, mang gia đình về Bắc Việt. Về tới nơi mới biết dưới chế độ Cộng sản không có tự do kinh doanh. Tiêu dần hết tiền, bán xe hơi, bán đồ đạc, nhưng cuối cùng còn một cái radio không bán. Lấy búa đập tan. Vừa đập vừa rủa: "Chỉ vì mày mà tao khổ như thế này!"

- Hai anh em người Việt ở vùng Đông Bắc Thái Lan cũng trong tình trạng tương tự, nhưng thận trọng hơn một chút. Người em về trước, hẹn sẽ viết thư sang, kể rõ tình hình làm ăn sinh sống. Nếu quả tốt đẹp, thì người anh sẽ mang vợ con về sau.
Ít lâu sau, người em viết thư sang, nói: "Tình hình tốt đẹp vô cùng. Sau khi anh chị làm lễ cưới cho cháu, thì nên thu xếp về ngay." Người anh hiểu ý, không về nữa, vì đứa cháu nói trong thư mới lên ba.
(hết trích)

*
Nhân đây, tưởng cũng nên đọc thêm trích dẫn thư của 1 cựu Thiếu tá TQLC/VNCH “được” đề cập đến trong qyển sách này:

Thưa tác giả Huy Đức,
Được nghe,đọc nhiều quảng cáo trên internet về tác phẩm Bên Thắng Cuộc của ông . Cho nên tôi cũng tò mò tìm đọc cho biết. Trong chươngII, tiểu mục Ngụy Quân trang 52,tình cờ tôi đọc những điều người vợ cũ của tôi (theo sách là gia đình "Cách mạng") và được Phan Xuân Huy phỏng vấn(?), viết về chuyến đi thăm tôi ở trại tù tháng 9/1975 và được đăng tải trên báo Tia Sáng năm 1975.Tôi rất ngạc nhiên và ghê tởm, sau gần 40 năm mới hay, về những điều mà nhà báo Phan Xuân Huy đã viết ra và gán ghép cho kẻ vắng mặt vì những lý lẽ sau đây:
(1)trại tù như một trại Hè,
(2)ca tụng về cuộc sống lành mạnh ở trại tù,
(3)" đã bị tên tướng ngụy Bùi Thế Lân bỏ kẹt tại cửa Thuận An và đã cùng toàn bộ binh lính trong TĐ 7 đầu hàng quân đội giải phóng..."
Thật ra toàn bộ anh em TQLC đã bị bắt,nếu anh em chúng tôi ra hàng thì đã được hưởng qui chế đãi ngộ hàng binh như Phạm Văn Đính và một số đồng bọn thuộc Trung Đoàn 56 .Vả lại, đơn vị chúng tôi lúc đó thuộc quyền của BTL/TP QĐ I. Ở đây ,vị Tư lịnhTQLC không có trách nhiệm nào hết.Người chịu trách nhiệm là Trung Tướng Lâm Quang Thi mới đúng nghĩa hơn. Khi viết toàn bộ ra hàng là điều cố tình hạ nhục anh em chúng tôi khi thất thế!!
Nếu ông Huy Đức biết rõ thêm về tôi là người tù cuối cùng của LĐ147 TQLC ra khỏi trại tù ngày 12/2/1988 sau gần 13 năm tù ngục với 4 năm 7 tháng 24 ngày bị "kiên giam" còng tay,chân,bị đánh gãy xương sườn vì những chống đối tập thể trong trại tù Bình Điền ,Thừa Thiên thì phần trích dẫn từ bài viết của tên nhà báo PXHuy là thiếu trách nhiệm.
Tôi biết PXHuy là thành phần đối lập cơ hội với chế độ VNCH trước năm 1975 mà tôi tận trung phục vụ. Có lẽ trong những ngày tháng đầu sau ngày 30/4/1975,Phan Xuân Huy-cũng như một số người nhẹ dạ - vì muốn tìm chỗ đứng an toàn trong lòng chế độ mới bằng những bài viết,những câu nói ,với những nhận thức "sâu sắc của mình" về cái hay ,cái đẹp của chế độ XHCN.
Một nhà báo chân chính phải viết cho sự thật,vì lương tâm thì đừng bao giờ gán ,chụp cho những người vắng mặt những gì vì lợi ích cho bản thân,phe nhóm.
Tôi gửi đến tác giả Huy Đức những nhận xét của tôi về phần trích dẫn trong sách và mong được hoàn chỉnh sự chính xác cũng như trách nhiệm của người viết.
Trân trọng, Lê Quang Liễn

Và đây là thư trả lời mới nhất của Huy Đức, qua trang facebook:

Sách Bên Thắng Cuộc shared a link via Vu Thi Phuong Anh.
2 hours ago
Ước chi tôi có thể gặp được ông Lê Quang Liễn trước khi viết cuốn sách này. Như tôi đã nói trong cuốn sách, phần lớn những bài báo viết về tù cải tạo hồi tháng 9-1975 đều là sản phẩm tuyên truyền. Việc Bên Thắng Cuộc trích đăng những bài viết mà báo chí lúc đó viết về quân đội Việt Nam Cộng hoà là để cho thấy họ không chỉ bị giam cầm mà còn bị tra tấn bởi cả công luận. Ông Lê Quang Liễn đúng là hiểu lầm, nhưng nhờ thế tôi mới có thể tìm thấy nhân vật của mình. Xin lỗi và xin cám ơn ông. Hy vọng việc xuất bản sách sẽ giúp tác giả gặp thêm những nhân chứng như ông Liễn để phỏng vấn thêm và để bổ sung tư liệu cho lần xuất bản tới.

Xin để tùy độc giả lượng định thế nào là “nói có sách, mách có chứng” và “Tận tín thư tắc bất như vô thư”!

Phạm Thạch Hồng





No comments:

Post a Comment

View My Stats