Monday, 10 December 2012

BẢN TUYÊN NGÔN QUỐC TẾ NHÂN QUYỀN : MỘT CHUẨN MỰC CỦA THỜI ĐẠI VĂN MINH (Văn Chu)




Văn Chu
Cập nhật: 8/12/2012

Ngày 10 tháng 12 năm 1948 Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã phê chuẩn Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (TNQTNQ) tại Palais de Chaillot ở Paris, nước Pháp. Đây là văn bản chung đầu tiên trên thế giới quy định các quyền cơ bản mà mỗi người trên thế giới phải được hưởng. Bản Tuyên ngôn đã được dịch ra ít nhất 375 ngôn ngữ. Nó bao gồm 30 điều về sau được quảng diễn, áp dụng trong các Thỏa ước quốc tế, thỏa ước nhân quyền khu vực, hiến pháp và luật pháp quốc gia. Năm 1966, Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua thêm hai Công ước quốc tế một là Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa, hai là Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị. Đến năm 1976 sau khi đã đủ túc số các nước phê chuẩn, Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền cùng hai Công Ước Quốc Tế trên cùng hai nghị định thư khác không có tính bắt buộc, cấu tạo nên Bộ Luật Nhân quyền Quốc tế mà các nước phải tuân theo.

Bản TNQTNQ có được là cả một quá trình lâu dài tích lũy từ những khái niệm của nhiều hiền triết từ nhiều thế kỷ trước. Tiền thân gần nhất của nó là 4 quyền tự do căn bản mà phe đồng minh theo đuổi trong thế chiến thứ 2: đó là quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do khỏi sự sợ hãi (có nghĩa là không nước nào tấn công bắt nạt nước khác), tự do được hưởng cuộc sống thanh bình. Người ta sau đó rút kinh nghiệm từ sự hoang tàn, tàn nhẫn của đệ nhị thế chiến, nên các quyền tự do trên được nâng cấp bổ sung đưa đến sự ra đời của bản TNQTNQ do Ủy Hội Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc soạn thảo. Ủy hội này gồm đại diện 17 nước tham gia là Úc, Anh, Mỹ, Pháp, Xô Viết, Trung Hoa, Ấn Độ, Phi Luật Tân, Cộng Hòa Belarus, Chí Lợi, Uruguay, Iran, Lebanon, Ai Cập, Panama,Yugoslavia, Bỉ. Đến lúc phê chuẩn thông qua tại Đại Hội Đồng, thì có 48 nước thuận, từ khắp năm châu, 0 nước chống, 7 nước thuộc khối Sô Viết cộng Sản và Ả Rập Saudi thì bỏ phiếu trắng. Nhiều người cho rằng các nước CS này bỏ phiếu trắng vì điều 13 quy định quyền của người dân được bỏ nước ra đi và Ả Rập Saudi thì cho rằng có những điều khoản không hợp với luật Hồi Giáo. Trong khi đó những nước hồi giáo khác như Ai Cập, Pakistan v.v... thì bỏ phiếu thuận.

Đến năm 1993, từ hội nghị các bộ trưởng Á Châu, bản Tuyên Ngôn Bangkok được công bố, nói chung tái khẳng định giá trị chung của bản TNQTNQ nhưng đồng thời nhấn mạnh hơn các quyền về kinh tế, văn hóa xã hội, đặc biệt các quyền phát triển kinh tế ưu tiên hơn các quyền tự do cá nhân về dân sự, chính tri. Tuyên Ngôn Bangkok được cho là phản ảnh góc nhìn của khối ASIAN, qua đó kêu gọi không dùng danh nghĩa nhân quyền để can thiệp vào nội bộ nhau. Điều này đã đưa tới "Hội Nghị Quốc Tế về nhân quyền" cùng năm của Liên Hiệp Quốc, đại đa số thành viên Liên Hiệp Quốc đã bác bỏ ngoại lệ Á Châu này.

Đúng thế, vì quyền của con người có tính cách phổ quát phải được tôn trọng và áp dụng đồng đều bình đẳng cho mỗi con người trên trái đất mà không có ngoại lệ. Đây là tiêu chuẩn quy ước chung đánh dấu mức tiến hóa của văn minh nhân loại, chỉ có thể được nâng cấp thăng tiến, bổ sung thêm thay vì xuống cấp, bị giới hạn hơn. Mọi sự hạn chế nhân danh bất cứ gì, như văn hóa địa phương, nội bộ chính trị v.v... là biểu hiệu của sự tụt hậu về chuẩn mức văn minh, kéo con người trở ngược lại thời lạc hậu, khi mà tình trạng con người áp bức, bóc lột, tra tấn hành hạ dã man con người còn là điều trên thế giới.

Thực thế ở thời kỳ bán khai phong kiến, ở bất cứ nơi nào từ Âu, sang Á, Mỹ, Úc, Phi, con người cùng có những tư duy và hành xử về cơ bản phần lớn là giống nhau. Cũng là chế độ trọng nam khinh nữ, quan hệ vua tôi, chủ tớ, với giai cấp thống trị coi sinh mạng của giai cấp bị trị thật rẻ rúng, tha hồ bắt bớ, cấm đóan, hành hạ, hay ban phát ân huệ cho được sống an toàn. Thời đó không có khái niệm nhân quyền kiểu Tây Phương hay Á Đông vì đông hay tây đều như thế cả!

Cho nên khi có những biện luận cho rằng bảnTNQTNQ là ảnh hưởng của văn hóa giá trị Tây Phương, không hoàn toàn phù hợp với văn hóa Hồi Giáo hay văn hóa Á Đông, thì những biện luận này đã quên rằng có những nước Hồi Giáo cũng như Á Châu đã nằm trong Ủy Hội Nhân Quyền của LHQ để cùng đóng góp soạn thảo bản TNQTNQ, và bản tuyên ngôn đó đã được đa số các nước khắp năm châu phê chuẩn. Các chỉ trích này vô hình chung tạo hình ảnh một văn hóa Á châu hay hồi giáo bị tụt hậu đằng sau những tiêu chuẩn văn minh thời đại về giá trị con người được thể hiện qua bản Tuyên Ngôn đó. Thực tế cho thấy là không có nước nào chống lại bản TNQTNQ, cùng lắm là bỏ phiếu trắng nếu không tán thành, vì lẽ không nước nào muốn mang tiếng là phản động đi ngược lại trào lưu văn minh thế giới sau Đệ Nhị Thế Chiến.

Ngày 18-11 vừa qua, tại Phnom Penh, Căm Bốt, 10 nước trong khối ASEAN đã công bố một bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền ASEAN; trong đó, mặc dù có tham chiếu và xác nhận tuân thủ bộ Luật quốc Tế về Nhân Quyền, nhưng lại có thêm những điều khoản gò bó quyền con người trong một "bối cảnh khu vực và quốc gia" và trong "những bối cảnh chính trị, kinh tế, luật pháp, xã hội, văn hóa, lịch sử và tôn giáo khác nhau" (Đoạn 7), và nhấn mạnh đến các nguyên tắc "không đối đầu, tránh tiêu chuẩn nước đôi và chính trị hóa nhân quyền" (Đoạn 9). Đây là nỗ lực làm hồi sinh lại tinh thần bản Tuyên Ngôn Bangkok năm 1993 đã từng bị đa số các nước trong Liên Hiệp Quốc bác bỏ tại Hội Nghị Quốc Tế về Nhân Quyền cũng năm 1993. Nhìn lại người ta không ngạc nhiên khi thấy nhiều nước trong khối ASEAN vẫn còn ở trình độ thấp kém về nhân quyền như Việt Nam, Miến Điện, Lào, Cam Bốt, v.v... Và tất nhiên các nước độc tài thiếu dân chủ đều muốn nhân quyền phải uốn theo chế độ chính trị thay vì các thể chế chính trị phải đáp ứng cho phù hợp với tính phổ quát của nhân quyền.

Sự công khai bộc lộ tính chất tụt hậu so với văn minh thế giới đằng sau những lời lẽ hoa mỹ của Tuyên Ngôn Nhân Quyền ASEAN dù sao cũng còn đỡ hơn việc ký cam kết tuân thủ những điều trong bản TNQTNQ và các Công Ước Quốc Tế trong Bộ Luật Quốc Tế về Nhân Quyền nhưng rồi lại trắng trợn vi phạm những gì mình ký kết. Đó là thái độ tráo trở gian dối, chuyên nói một đàng làm một nẻo. Nhà cầm quyền ở Việt Nam là một thí dụ điển hình, và bản cáo trạng về những vi phạm nhân quyền của họ rất dài, đang được người Việt và thân hữu trên thế giới thu thập để đệ trình lên Liên Hiệp Quốc vào ngày 10-12 tới đây, nhân kỷ niệm 64 năm ngày công bố TNQTNQ, qua chiến dịch Triệu Con Tim Một Tìếng Nói cho Nhân Quyền Việt Nam do nhạc sĩ Trúc Hồ và SBTN khởi xướng.






No comments:

Post a Comment

View My Stats