12/12/2012
Ngày 9/12/2012 sẽ mãi mãi đi vào lịch sử như một sự kiện
oanh liệt của những người yêu nước Sài Gòn – Hà Nội. Cuôc biểu tình tuy bị dập
tắt nhanh chóng nhưng đã nổ ra, đầy mưu trí, dũng cảm. Họ bị bắt, bị đánh, bị
giam giữ khi cất lên những tiếng hô phản đối nhà cầm quyền Trung Cộng gây hấn ở
Biển Đông, khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Trong sự kiện này,
nhà cầm quyền đã đi thêm một bước vô cùng nguy hiểm trong việc chà đạp lên luật
pháp: đàn áp, bắt bớ, đánh đập, khám xét người bị bắt một cách hết sức trắng
trợn, thô bạo và hung dữ, không có một cơ sở pháp luật nào.
Ở Việt Nam, cũng giống như các nước khác là có hiến pháp,
có pháp luật, tuy còn nhiều điều bất cập. Thế nhưng, ngành công an, đươc coi là
bảo vệ pháp luật lại chà đạp lên pháp luật một cách ngang nhiên nhất. Điều đó
có nghĩa là, có những lực lượng đứng trên luật pháp. Khác với luật pháp được
thể hiện bằng lời văn, chúng hành xử theo ý muốn cá nhân hoặc nhóm lợi ích,
bằng chỉ thị miệng chứ không bao giờ bằng văn bản.
Có một điều chắc chắn là họ đã nhầm lẫn. Nhiều khi cuống
lên, cách xử lý vốn đã ngu dốt, lại càng ngu dốt hơn. Những thập niên cuối của
thế kỷ 19 và sang đầu thế kỷ 21 đã khác rất nhiều so với trước đó. Dù còn đau
khắp mình, tôi cố gắng gượng dậy để ghi lại những gì còn nhớ được trong cái
ngày gọi là oanh liệt, căm phẫn, hèn hạ, nhục nhã … tùy theo từng đối tượng,
tùy theo họ sắp xếp mình vào loại nào.
1. Cuộc biểu tình bị dập tắt nhanh chóng
Chuyện canh nhà và chuyện “mặt trận” đến vận động là
những việc đã trở thành bình thường mỗi khi có lời kêu gọi biểu tình. Chỉ khác
là lần này đoàn đến vận động tôi chỉ có mỗi một ông phó xóm và một ông phó cựu
chiến binh xã chứ không đông đảo như những lần trước. Có lẽ họ đã chán. Tôi chỉ
nói: Tôi biết các anh đến nhà tôi cho xong việc trên giao chứ các anh chẳng hy
vọng vận động được tôi.
Xuống xe bus mới hơn 8 giờ, tôi lang thang đến Vườn hoa
Lý Thái Tổ khá sớm. Nhìn quanh chỉ thấy bác Lê Hùng. Bác nói vừa ở Nhà hát lớn
đến, ở đấy không thấy ai. Bác Lê Hùng đang có một cậu bám sát, bác giới thiệu
với tôi đây là anh công an khu vực.
Vườn hoa Lý Thái Tổ đang có màn thể dục thể thao nào đó,
thấy đám thanh niên đang nhảy nhót theo lời hô, âm thanh được phóng hết công
suất nhức óc.
Tôi bảo bác Hùng quay lại Nhà Hát lớn. Chúng tôi đứng ở
vỉa hè góc ngã tư Ngô Quyền – Tràng Tiền phía Bờ Hồ. Trước thềm Nhà Hát Lớn lại
thêm cảnh ca nhạc ầm ỹ. Lướt qua, thấy một vài tốp biểu tình lẻ tẻ. Tôi đã gặp
được những người quen biết hoặc quen mặt. Công an chìm nổi rất nhiều. Một chiếc
xe cảnh sát bắc loa yêu cầu chúng tôi giải tán. Một tay công an vác loa chĩa
vào mặt mấy người bắt đi chỗ khác. Chúng tôi, người đi đi lại lại, người đứng
yên, người cãi cự lại công an và an ninh.
Tình hình căng thẳng ngay từ khi chưa nổ ra biểu tinh.
Linh cảm cho thấy cuộc biểu tình sẽ bị dập tắt.
Đám biểu tình đông dần. Đúng 9 giờ, đoàn người đột ngột
đông hẳn lên, các băng rôn, biểu ngữ đồng loạt tung ra. Đoàn người lập tức di
chuyển về phía Hàng Khay, những tiếng hô “Đả đảo Trung Quốc”, “Trường Sa –
Hoàng Sa – Việt Nam” vang dậy. Tới ngã tư Hàng Khay – Hàng Bài một đoàn dân oan
ém sẵn ào ra nhập đoàn. Mọi người đang hô chuyển sang vỗ tay vang dội. Trong
đoàn dân oan, đáng chú ý có một chị chống nạng, đi tập tễnh cầm một băng rôn
nhỏ bằng vải. Chị liên tục co vào giang ra, mỗi lần như thế, là một lần hô. Có
lúc, chị ngã xuống đường, lập tức mọi người xúm lại đỡ chị dậy. Từ đó có một
thanh niên luôn đi bên cạnh dìu chị.
Chúng tôi đi được hết Hàng Khay, vào Tràng Thi. Chúng tôi
đi được chừng gần nửa giờ, đến siêu thị Nguyễn Kim thì rất đông quân sắc phục
công an có, thường phục có ập vào bắt. Hẳn đây là vị trí chúng chọn sẵn Khi ấy,
tôi đang đi trên vỉa hè bên phải bỗng giật mình nghe tiếng: “Bắt người, bắt
người”. Nhìn sang trái thấy một chiếc xe bus trờ đến từ lúc nào, quang cảnh vô
cùng hỗn độn. Tiếng la hét, tiếng chửi, tiếng đe dọa ầm ỹ. Tôi băng sang hô:
“Phản đối bắt người”. Chợt nhớ ra chiếc máy điện thoại của tôi đang để ở túi
quần, liền quay lại cất vào chiếc cặp đeo trân người, kéo khóa lại. Xong, lại
xông vào giành người của mình ra tiếp tục la phản đối. Một tên nói: “Phản đối
thì cũng bắt luôn”. Tôi bảo: “Bắt thì không phải cưỡng bước, để tao tự lên xe
(sự “tự giác” này khác hẳn khi bi chúng khiêng đi thẩm vấn ở trại Lộc Hà mà tôi
sẽ kể sau). Tôi đến cửa xe thấy chật cứng. Loay hoay mãi không lên được vì
chúng đang mải giằng co với người chống lại. Một cháu gái (sau tôi mới biết
cháu là sinh viên năm thứ 3) đang bị đẩy lên xe. Cháu nói: “Cháu có làm gì đâu
mà các chú bắt”. Tôi bảo cháu: “Đừng sợ chúng nó, cứ lên xe đi cháu ạ”. Đợi
chúng đẩy cháu lên rồi, tôi lên theo cháu trông chừng. Gói thuốc vừa bóc, bỏ
vào túi áo ngực văng ra. Tôi quay lại định nhặt lên thì nó đã biến mất. Kịch
bản lặp lại đúng như hôm 17/7 năm ngoái.
Quang cảnh trên xe vẫn tiếp tục hỗn độn bởi giằng co, xô
xát, tiếng chửi bới giữa người bị bắt và cảnh sát, an ninh. Một giọng nói phẫn
nộ: “Chúng mày làm tay sai cho Trung Quốc. Sau này nó chiếm được Việt Nam chúng
mày đừng hy vọng được nó sử dụng. Không bao giờ Tàu Cộng nó lại sử dụng kẻ phản
bội nhân dân, phản bội đất nước mình đâu”.
Chúng tôi kéo cửa kính vẫy chào đồng đội còn lại. Tôi hét
to kêu tên nhà văn Thùy Linh: “Hãy thông tin ngay cho toàn thế giới biết nhé”.
Thùy Linh mỉm cười, vẫy tay chào.
Lúc ấy là 9 giờ 30 phút. Chúng tôi kiểm quân, đếm được 24
người tất cả.
2. Trại Lộc Hà:
Trại phục hồi nhân phẩm Lộc Hà là địa chỉ quen thuộc của
những người biểu tình. Xuống xe, chúng tôi đứng xếp hàng chụp ảnh lưu niệm.
Xong chúng lùa chúng tôi vào phòng mà những lần trước chúng tôi đã từng vào.
Phòng rộng mênh mông, ước chiều dài tên 20 m, chiều rộng trên 10 mét, treo biển
là “Phòng chờ xử lý vi phạm”.
Chúng để chúng tôi nghỉ ngơi uống nước chừng 30 phút rồi
kéo đến yêu cầu chúng tôi đi làm việc. Chúng tôi kiên quyết không đi, đấu lý
rất căng. Một tay cầm giấy bút gặp từng người hỏi tên. Không ai trả lời.
Chúng quay ra, chắc là bàn bạc. Lúc sau lại kéo đến. Lần
này chúng đổi chiến thuật. Khi nãy chỉ người hỏi tên, giờ thì gọi tên tìm
người:
- Ai là Nguyễn Văn Phương nhỉ:
Im lặng
- Ai là Hà Huy Sơn nhỉ?
Làm gì có luật sư Hà Huy Sơn ở đây. Từ sáng, tôi cũng
chẳng nhìn thấy anh đâu. Chắc là cái tên Hà Huy Sơn đã ám ảnh chúng.
Mọi người cười ồ:
- Về phát lệnh truy nã mà tìm.
Chiến thuật này thất bại. Chúng lại quay ra.
Chúng lại gọi cơm hộp như những lần trước. Thúy Hạnh động
viên mọi người ăn để lấy sức chiến đấu. Người thì ăn, người thì không. Xong
nghỉ ngơi, nói chuyện, động viên nhau. Tôi dành nhiều thời gian hơn nói chuyện
với cháu sinh viên cho cháu an lòng.
1 giờ, đám công an lại kéo đến. Hẳn là chúng xin được chỉ
thị của thượng cấp nên lần này cưỡng bức thẳng tay. Mỗi lần cưỡng bức một
người, chúng tôi lại xúm lại giằng co. Tiếng la hét, tiếng chửi náo loạn cả
phòng.
Nhưng chúng tôi làm sao chống lại được chúng nó khi quân
chúng đông hơn chúng tôi, và tất nhiên là cơ bắp chúng có thừa, chỉ thiếu nhân
tâm và trí não.
Thế là chúng tôi bị bắt đi từng tốp, từng tốp một.
Nhóm bị bắt có 3 nữ. Sau Dương Thị Xuân và cháu sinh viên
đi rồi còn lại mình Hạnh. Thấy có hai đứa nữ công an và thêm mấy đứa nam đi
theo để giúp sức. Hạnh đang nói chuyện với tôi và Ngô Nhật Đăng, biết đến lượt
mình, thanh thản đứng dậy:
- Thôi em đi đây.
Tôi thấy trong lời chào của Hạnh có cái gì đó vừa lạ lại
vừa quen, chợt liên hệ đến đoạn hồi ký “Anh Hoàng Văn Thụ ra pháp trường”. Sự
so sánh này tuy khác về mức độ nhưng có một cái gì đó rất giống nhau: thanh
thản và tự tin, không chút ân hận về việc mình đã làm.
Sau đó, Hạnh có tâm sự: “Lúc chào các anh em nghĩ đến
câu thơ trong bài Sóng Côn Đảo của Anh Ngọc “Các đồng chí ở lại, tôi đi Hàng
Dương”. Đấy là câu chào của người tù mỗi khi bị đem đi xử bắn.
Em hay khóc, nhưng không hiểu sao những lúc tranh đấu em
thấy mình thật mạnh mẽ, chẳng chút yếu đuối. Trước Đức Phật em không dám nói
dối, nếu lúc ấy chúng lôi em đi bắn em cũng không mảy may sợ hãi. Đời người ai
cũng chết một lần, được sống bằng ấy năm trên đời là một ân huệ rồi“.
Lần này có hai điều khác so với lần trước. Một là chúng
cho xe phá sóng áp sát phòng nhốt chúng tôi nên suốt thời gian trong trại,
chúng tôi không liên lạc được với ai. Thông tin trong ra và ngoài vào bị bưng
kín. Trong trại, tôi không làm sao biết được sau khi chúng tôi bị bắt thì cuộc
biểu tình có tiếp tục được không. Cuộc biểu tình của đồng bào Sài Gòn như thế
nào, có nổ ra được không.
Hai là chúng thẩm vấn xong ai thì không cho quay lại
phòng chờ mà đuổi thẳng ra ngoài cổng, muốn đi đâu thì đi nên chúng tôi không
biết được chúng đã làm gì, với những ai.
Sau khi ra hết, chúng tôi mới biết được là với tất cả,
chúng khám xét rất kỹ, bắt lăn tay. Ai chịu lăn tay? Ai ký vào biên bản lấy lời
khai? ai ký vào biên bản xử phạt hành chính? Những điều này chưa hỏi từng người
được.
Được biết, khi bắt ở Tràng Thi, Nguyễn Văn Dũng và Nguyễn
Văn Phương bị đánh. Trương Văn Dũng sau khi làm việc xong, chúng đã thả ra
nhưng rồi bắt lại. Hai lần, lần nào anh cũng bị đánh. Trường hợp bị đánh tôi
chưa nắm được hết.
(Còn tiếp)
11/12/2012
Nguyễn Tường Thụy.
13/12/2012
3. Đến lượt mình
Tôi nằm trong nhóm bị đưa đi thẩm vấn cuối cùng. Lúc này
chỉ còn ba anh em.
Tôi dặn Ngô Nhật Đăng và Nguyễn Việt Hưng:
- Anh sẽ không tự nguyện đi đâu để tỏ thái độ phản đối
bắt người phi pháp. Tất nhiên chúng sẽ cưỡng chế. Khi chúng khiêng anh đi, các
em hãy nhớ lấy tất cả những hình ảnh ấy, sau này còn kể cho mọi người biết.
Vài phút sau, chừng 5,6 đứa tiến vào, đến trước tôi:
- Mời bác đi làm việc.
Tôi thản nhiên:
- Tôi không có nhu cầu được mời.
Không cần dài dòng, chúng ào đến xốc nách tôi đi. Tôi
ngồi thụp xuống. Thêm hai thằng xông vào để trợ giúp đồng bọn.
Ngô Nhật Đăng bảo:
- Bác ấy là thương binh đấy. Nhẹ tay thôi nhá.
Chúng chẳng thèm đếm xỉa đến lời của Đăng. Cứ thế, khi bị
áp đi thì tôi co hai chân lên không chịu đi. Tôi bám chặt tay vào cột sắt, tất
nhiên chúng gỡ ra được. Có lúc chúng kéo rê tôi đi, hai chân quẹt xuống đất.
Tôi chống lại. Cuối cùng thì chúng túm tứ chi tôi khiêng bổng lên. Tôi vừa giãy
giụa, vừa hô lớn:
- Đả đảo tay sai Trung Quốc.
- Đả đảo cưỡng bức.
Đoạn đường khiêng tôi đi khá dài. Từ chỗ tôi ngồi ra đến
cửa chừng 15 mét, lại khiêng qua một con đường nhỏ, qua một cái sân rồi khiêng
lên tầng 2. Lên tầng 2, chúng khiêng sang trái, không đúng chỗ lại khiêng sang
phải.
Tôi mắng, đầy phẫn nộ. Đây là lần đầu tiên, tôi sử dụng
ngôn ngữ mà tôi không quen dùng:
- Chúng nó trả cho chúng mày được bao nhiêu mà chúng mày
đê tiện và hèn hạ như thế này. Trái tim chúng mày là trái tim thú à.
Chúng nhét tôi vào một phòng. Một tên có lẽ là chỉ huy
bảo để lại hai người trợ giúp (trợ giúp đứa sẽ thẩm vấn tôi), còn đi ra.
Một thằng nhận ra tôi:
- Ông này vào đây lần thứ hai rồi.
Chúng xúm ngay vào lục soát người và đồ dùng của tôi rất
thô bạo. Có lẽ chúng cay cú vì tôi bắt chúng khiêng khá vất vả.
Chúng giật túi tôi đeo trên người mở ra khám. Chúng móc
cái áo khoác ra sờ nắn các túi. Dưới chiếc áo là chiếc điện thoại. Chúng tháo
ra kiểm tra. Tôi giễu:
- Cái nokia của tao mua có 400 nghìn. Chúng mày tiêu tốn
bao nhiêu tiền thuế của dân mà không biết nó không thể chụp ảnh, ghi âm được à?
Một đứa thò tay vào túi ngực móc gói thuốc lá, mở ra, Tôi
nói: “Thèm thuốc à, tao cho đấy”. Nó kiểm tra không thấy gì liền ném lên bàn.
Một đứa thọc tay vào túi hậu, sấn xổ cởi cúc túi. Tôi bảo: Móc túi hả?. Nó moi
tiền ra, chắc không thấy gì nên gí cả xấp tiền vào tay tôi. Tôi cũng chẳng biết
gói thuốc lá có bao nhiêu điếu, tiền có bao nhiêu nên không biết được sau khi
chúng khám xét có bị mất điếu thuốc hoặc mất tờ bạc nào không.
Đứa thẩm vấn tôi tên là Ngọc (tôi chỉ nhớ được tên). Tôi
tỏ thái độ bất hợp tác. Tôi lớn tiếng phản đối việc bắt tôi lên đây và cưỡng
bức tôi vào đây.
Nó nói:
- Nhưng cháu có bắt chú đâu. Chú nên giúp cháu hoàn thành
nhiệm vụ
Tôi bảo:
- Cậu không bắt tôi nhưng những tên bắt tôi là đồng bọn
của cậu. Thế bọn cậu tha hồ làm những điều bậy bạ rồi đưa một người không làm
gì chúng tôi ra hỏi, chúng tôi cũng hợp tác được sao.
Thấy tôi căng, cậu ta áp dụng bài quen thuộc:
- Cháu cũng như con, cháu chú. Chú hãy giúp cháu hoàn
thành nhiệm vụ.
- Các cậu không ai lạ gì tôi. Tại sao lại phải hỏi thêm
làm gì. Cậu không nghe có thằng nhận ra tôi nó bảo tôi vào đây lần này là lần
thứ hai sao?
- Nhưng cháu không biết. Lần trước người khác hỏi chú chứ
không phải cháu. Cháu chưa biết gì về chú cả.
- Vậy các cậu về lục hồ sơ ra mà tìm. Hoặc là đến đơn vị
cũ của tôi hay địa phương khi tôi đi bộ đội mà hỏi. Không phải các cậu cứ bắt
bừa tôi vào đây rồi lần nào cũng hỏi tôi về những điều mà không hỏi các cậu
cũng biết.
Tôi nghĩ một lát, bảo:
- Thôi được, tôi là ai, tôi cũng muốn nói cho cậu biết,
vì những điều về tôi cũng rất đáng tự hào. Không nói thì các cậu bảo giấu giếm.
Nhưng tôi không trả lời theo kiểu hỏi cung. Tôi có thể nói chuyện với cậu thôi,
biết đâu ra được những điều vượt quá yêu cầu của đấy.
Cậu ta bảo: “Vâng”, rồi úp tờ biên bản lấy lời khai xuống
mặt bàn.
Tôi nói vắn tắt, tên, năm sinh, địa chỉ, đi bộ đội từ năm
nào, năm nào về hưu. Thế thôi.
Hỏi về vợ con, cha mẹ, tôi nhất định không nói
- Tôi làm gì, tôi chịu trách nhiệm cá nhân. Vợ con, bố mẹ
tôi chẳng liên quan gì và chẳng phải chịu trách nhiệm gì đến việc tôi làm cả.
Một đứa con gái ngứa nghề hỏi:
- Bác có là đảng viên không?
- Đảng đoàn như thế nào chúng mày không cần biết. Chỉ
biết tao là một công dân Việt Nam là đủ.
Nó đi ra.
Thằng Ngọc hỏi tôi những câu rất vớ vẩn như chú đi bằng
gì, đến nơi mấy giờ, chú quen ai, chú hô khẩu hiệu gì. Tôi nói:
- Cậu hỏi những điều ấy để làm gì, có tác dụng gì với các
cậu?
Thực ra, tất cả những điều chúng nó hỏi mà tôi có trả lời
đầy đủ cũng chẳng có tác dụng gì với chúng nó. Mà tất cả việc tôi làm, các mối
quan hệ của tôi, tôi có nói hết cũng chẳng mang lại điều gì cho chúng nó. Chẳng
hỏi thì sau đó, tôi cũng kể ra rông rốc trên mạng bằng cả trăm lần những gì tôi
cho chúng nó biết.
Tôi chợt nhận ra nó lật tờ biên bản lại và ghi chép từ
lúc nào. Tôi nói:
- Tôi nói cho cậu biết, cậu ghi thế nào tùy cậu nhưng tôi
không ký vào cái gì đâu đấy.
Số bắt lên trại Lộc Hà hôm nay phần lớn là đã bị bắt
nhiều lần, chúng chẳng lạ gì. Nếu có cần hỏi thì hỏi mấy người bị bắt lần đầu
còn có thể hiểu được. Tất nhiên, việc bắt người biểu tình vào đây rồi hỏi là
việc làm phi pháp vì hoạt động biểu tình hoàn toàn đúng pháp luật.
Ấy vậy mà chúng bày ra đủ trò, nào chụp ảnh, nào lăn tay,
nào biên bản. Vô nghĩa hết. Hay là chúng bày ra thế cho thêm phần nghiêm trọng,
khủng bố tinh thần chúng tôi. Nếu thế thì chúng quá nhầm.
Thằng Ngọc bảo:
- Chú đã vi phạm nghị định 73 nên phải xử phạt phạt hành
chính.
Thằng này không hiểu. Nghị định 73 là hướng dẫn xử lý vi
phạm hành chính, vi phạm thế nào thì xử phạt thế nào. Còn như thế nào là vi
phạm nó lại nằm ở văn bản khác. Trong trường hợp này mà nó cho là vi phạm là
phải dẫn nghị định 38.
Tôi bảo:
- Vi phạm cái gì?
- Nghị định 38 cấm tụ tập biểu tình.
- Ai bảo nghị định 38 cấm tụ tập biểu tình?
Biết nói nhỡ, nó chữa:
- Cấm tụ tập đông người
- Nghị định 38 là văn bản dưới dưới luật. Không thể dùng
nghị định của Chính phủ để điều chỉnh Hiến pháp, ở đây là quyền biểu tình của
công dân trong điều 69. Tôi hỏi cậu, biểu tình có cần đông người không, có cần
giương biểu ngữ không, có cần hô khẩu hiệu không? Thiếu 3 yếu tố ấy sao gọi là
biểu tình? Chẳng lẽ khi quốc hội ra luật biểu tình, lại cấm 3 yếu tố ấy.
Nó tóm lấy câu ấy bảo:
- Nhưng chưa có luật biểu tình thì các chú không được
biểu tình.
- Tôi hỏi cậu, thế điều 4 Hiến pháp qui định Đảng là lực
lượng lãnh đạo xã hội. Vậy Luật về Đảng đâu? Chưa có chứ gì? Chưa có sao ĐCSVN
vẫn cứ thực hiện sự lãnh đạo của mình mà không cần chờ luật. Chúng tôi cũng
thế, chưa có luật biểu tình thì cứ biểu tình. Khi nào có Luật thì làm theo
luật.
Như trên tôi đã nói, tôi chấp nhận nói chuyện chứ không
chấp nhận khai báo. Mà đã nói chuyện, tôi có quyền nói, quyền hỏi. Tôi tranh
thủ nói cho nó biết, tình hình Biển Đông ra sao, ngư dân ta bị Trung Cộng bắt,
bị đánh đập, cướp cá và ngư cụ như thế nào. Các cậu không biết những chuyện đó
sao.
Tôi nói, tôi kịch liệt phản đối công an quận Hoàn Kiếm về
tất cả những lần bắt bớ, đánh đập người biểu tình trái luật.
Nó bảo:
- Chú đã nói thế, cháu cũng phải tiết lộ là hôm nay lực
lượng bắt các chú không phải là công an Hoàn Kiếm mà là bộ phận khác.
- Ừ, thì cứ cho là hôm nay CA Hoàn Kiếm không bắt đi.
Nhưng dù bộ phận nào cũng là công an Hà Nội, hoặc là Bộ Công an, tóm lại đều là
ngành công an cả. Nhưng những lần trước, có phải là công an Hoàn Kiếm ra quyết
định cảnh cáo nhiều người biểu tình không?
Tôi nói đến đây lại sực nhớ đến chuyện của tôi. Tôi bảo:
- Như tôi đây này. Hôm 5/8 bị bắt về trại này. Không có
biên bản tại chỗ, mang lên đây hỏi, tôi không ký. Thế mà công an Hoàn Kiếm vẫn
lén lút ra quyết định xử vi phạm hành chính bằng hình thức cảnh cáo. Rồi đưa
bản phô tô về địa phương. Khi ông cụm trưởng dân cư thập thò cái văn bản ấy ra,
dọa đưa tôi ra đấu tố, dọa đưa đi cải tạo, tôi yêu cầu chụp hay phô tô lại thì
không cho. Sau đó, thỉnh thoảng tôi gọi điện yêu cầu thì bảo tôi trả lại họ
rồi. Làm ăn chính đáng, sao lại thậm thụt, lén lút như thế.
Tất nhiên, những gì tôi tuyên truyền, tôi tố cáo, nó đều
tảng lờ vì biết trả lời sao.
Khi chẳng thể hỏi thêm điều gì được ở tôi, có một thằng
mang đồ nghề vào để lăn tay (lần trước chúng đưa tôi vào phòng lăn tay ở tầng
1, tôi bỏ đi).
Tôi bảo:
- Tôi nói trước, không lăn tay lăn chân gì đâu đấy.
Lại một thằng vào, dí máy ảnh vào mặt tôi. Tôi xua tay:
- Chúng mày chụp từ sáng đến giờ chưa đủ sao. Ảnh tao lại
còn đầy trên mạng. Định làm gì?
- Cháu lấy ảnh viết báo.
- Viết thế nào mặc chúng mày. Mày không dừng thì tao cũng
không làm việc nữa.
Nó bỏ đi.
Thằng Ngọc cố thuyết phục tôi ký biên bản:
- Nếu chú không ký biên bản xử phạt vi phạm hành chính
thì ký vào biên bản làm việc vậy. Chú nên giúp cháu hoàn thành nhiệm vụ.
Tôi nói:
- Nếu việc riêng của cậu, tôi có thể giúp. Nhưng lúc này,
cậu làm việc cho công an nên tôi không thể giúp được.
Nó vồ lấy:
- Vâng, cháu là công an, đại diện cho pháp luật làm việc
với chú thì chú phải chấp hành …
- Bất kể ai, đại diện cho cái gì, tôi chỉ chấp hành cái
đúng. Các cậu sai, sao tôi phải chấp hành.
Tay có vẻ là sếp vào:
- Sắp xong chưa?
- Sắp xong rồi ạ, có điều là chú ấy không ký biên bản,
không chịu lăn tay.
- Thôi được, không ký thì sẽ có người ký làm chứng.
Chẳng biết đứa nào làm chứng và làm chứng cái gì. Toàn
chúng bày trò ra cả.
Tôi nhắc:
- Như tôi đã nói từ đâu là khi tôi đã hợp tác với các anh
dù ít nhiều thì các anh cũng phải biết điều. Yêu cầu các anh đã bắt tôi lên đây
thì phải trả chúng tôi về nơi bị bắt.
Thằng Ngọc bảo, vâng, chú đi theo anh này sẽ có xe chở
chú về.
Tất nhiên, tôi chẳng lạ gì cái trò lưu manh của chúng.
Hẳn là nó sợ tôi không chịu ra. Tên dẫn tôi đi chỉ tôi ra cổng giục:
- Anh ra đi.
4. Vòng tay đồng đội
Tôi nhìn ra cổng lưỡng lự. Nhưng rồi mọi người ngoài cổng
trông thấy tôi liền reo hò ầm ỹ. Những vòng tay giơ ra. Tôi không đắn đo gì nữa
chạy ào ra cổng ôm lấy từng người. Cánh cổng sau lưng tôi lập tức khép lại.
Thì ra, tất cả từ người bị thẩm vấn đầu tiên cho trước
tôi chưa ai về cả mà ở lại chờ nhau cho đủ mới chịu về.
Lúc này, mắt tôi bắt đầu rưng rưng chứ không ráo hoảnh
như khi đối diện với chúng nó. Cháu Đào Lê Tiến Sĩ con trai Thạc sĩ Đào Tiến
Thi chạy đến chào:
- Bác
Tôi nghẹn ngào:
- Con trai của bác.
Bà Lê Hiền Dức ôm tôi hỏi dồn dập:
- Con có làm sao không? Sao con ra muộn thế. Chúng có
đánh con không?
Tôi cười:
- Không mẹ ạ. Nó chỉ khiêng con hơi vất vả tí thôi.
- Con gọi điện về ngay cho con gái mẹ nhé (bà nhận vợ tôi
là con gái – nghĩa là tôi chỉ là con rể của bà). Nó không gọi được cho con nên
nó gọi cho mẹ.
Tôi bảo:
- Lát nữa con gọi cũng được. Bây giờ con phải quan tâm
đến việc cần hơn.
Mọi người lần lượt đến chúc mừng. Phương Bích bảo:
- Anh thấy không, tình cảm như thế này chúng nó không bao
giờ có được.
Vẫn còn Trương Văn Dũng. Dũng đi thẩm vấn trước tôi nhiều
nhưng anh vẫn chưa được ra vì chúng đã thả anh rồi, lại bắt lại. Chúng tôi tiếp
tục đứng ở cổng, không ai chịu về. Một chiếc xe hơi màu trắng trong cổng đi ra,
chúng tôi chặn lại hô:
- Yêu cầu trả người!
- Trả người! Trả người.
Không thể đi được, chiếc xe này lùi trở lại.
Cuối cùng, lại thêm chừng 1 giờ nữa kể từ khi tôi là
người áp cuối được thả, Trương Dũng cũng xuất hiện. Lại reo hò ấm ỹ. Lại ôm lấy
nhau xoắn xuýt, mừng mưng, tủi tủi.
Sau đó, chúng tôi tự giải tán. Tôi và Dũng đang đi bộ ra
bến xe bus thì Lã Việt Dũng rà sát lại bảo hai chúng tôi lên. Trong xe đã có Lê
Dũng, bà Lê Hiền Đức, Người Buôn Gió. Nói chuyện, trả lời phỏng vấn, hỏi han
nhau, câu chuyện râm ran cho đến khi về Hà Nội.
Xin tạm kết thúc ghi chép này bằng câu chuyện của Nguyễn
Thúy Hạnh với tôi trước khi cô đi thẩm vấn.
Trong khi chờ đến lượt mình, cô nói:
- Dù không sợ gì cả nhưng em buồn quá. Như thế này thì
nước mình sẽ mất thật sao. Có phải là không còn gì nghi ngờ nữa phải không anh?
Nếu vậy, em thà chết chứ không chịu sống mà nhìn dân ta rơi vào vòng Bắc thuộc
một lần nữa. Kìa, anh nói cái gì đi chứ.
Tôi an ủi cô mà cũng không tin vào chính lời mình:
- Còn em, còn anh, còn những người bị bắt hôm nay, còn
những người làm nên cuộc biểu tình này, anh tin rằng đất nước ta không thể mất
được.
Tôi biết, lời nói của tôi chẳng có gì mới, lại có vẻ xáo
mòn nữa. Có lẽ Hạnh cũng nhận ra điều đó nhưng mắt cô vẫn ánh lên một niềm tin
khó giải thích vô cùng.
Tạm hết
12/12/2012
Nguyễn Tường Thụy
No comments:
Post a Comment