Friday 15 September 2023

VỤ CHÁY KHƯƠNG HẠ : XÃ HỘI VIỆT NAM CẦN THAY ĐỔI TƯ DUY và HÀNH VI (Hoàng Hùng / BBC News)

 



Vụ cháy Khương Hạ: Xã hội Việt Nam cần thay đổi tư duy và hành vi

Hoàng Hùng

Bài đã đăng trên Facebook cá nhân

14 tháng 9 năm 2023

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-66805290

 

Theo con số thống kê của Công an Hà Nội, cho đến thời điểm hiện nay đã có 56 người chết trong vụ cháy chung cư mini tại ngõ 29/70, phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Còn số nạn nhân đó chưa phải là con số cuối cùng, vụ cháy đó cũng không phải là vụ cháy đầu tiên và chắc chắn cũng không phải là vụ cháy cuối cùng.

 

Ông chủ chung cư mini đã bị bắt khẩn cấp. Liệu những kẻ cấp phép xây chung cư mini trong hẻm mà xe cứu hỏa không vào được có bị bắt hay không?

 

Liệu các cơ quan chính quyền quận Thanh Xuân có bị truy tố hay không? Khi mà để một chung cư có giấy phép 6 tầng, được xây thành 9 tầng.

 

Thảm họa cháy chung cư ở Khương Hạ, Hà Nội: Số người chết đã lên tới 56

Về dự án chung cư cao cấp 58 Tây Hồ và chỉ đạo của TP Hà Nội

Nhà hát Opera Hà Nội: Ý kiến phản biện quanh dự án 'nhiều bất cập' - Bài 1

Tượng cảnh sát giao thông ở Hà Nội: 'Ý tưởng cạn cho một chủ đề lớn'

 

Liệu lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy có bị truy tố hay không khi để cho một chung cư có hàng loạt vi phạm về phòng cháy như vậy tồn tại bao năm nay?

 

Cho dù tất cả có bị truy tố, thì 56 nạn nhân đã chết cũng không thể sống lại được.

Đầu tiên, tôi xin được chia buồn với gia đình các nạn nhân.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/16721/production/_131073919_222c4c46b79062ce3b81.jpg

NGUỒN HÌNH ẢNH,ANH TUẤN

 

Sau đến là thêm một lần nữa cảnh tỉnh về công tác phòng cháy, chữa cháy, thoát hiểm ở Việt Nam. Hy vọng sau vụ cháy thương tâm này công tác phòng cháy sẽ được chấn chỉnh lại, tư duy và hành vi của xã hội Việt Nam sẽ thay đổi.

 

Vấn đề phòng cháy, chữa cháy, thoát hiểm ở Việt Nam là vấn đề đáng báo động ở Việt Nam, đặc biệt là các khu dân cư, các khu phố có mật độ đông người như các thành phố lớn.

 

Nhiều căn nhà rất hoành tráng ở Việt Nam, người dân không quan tâm đến vấn đề thoát hiểm. Đến thăm một gia đình người thân ở Hà Nội, một căn nhà 5 tầng, khang trang, trên phố.

 

Tầng 1 để ô tô, xe máy, bếp, phòng ăn và một phòng cho người giúp việc ở, tầng 2 trở lên là phòng khách, phòng ngủ cho gia đình. Cả ba phía là nhà, chỉ có mặt tiền ngoài phố là có cửa sổ, nhưng các cửa đều bị hàn chặt bằng sắt.

 

Toàn bộ ngôi nhà không có lối thoát hiểm, nếu tầng 1 chẳng may cháy, hoặc có thiên tai là không ai thoát được.

 

Vì là người thân cho nên tôi góp ý là cửa sổ các tầng phải có lối thoát hiểm, được chốt bên trong và trang bị thang dây. Bà vợ có vẻ khó chịu nhưng ông chồng thì nghe thấy hợp lý, sau đó cho thợ thiết kế một cửa thoát hiểm ở tầng 2.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/3289/production/_131073921_7693de3325e5f0bba9f4.jpg

NGUỒN HÌNH ẢNH,ANH TUẤN

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/CEC9/production/_131073925_26bb689dce4b1b15425a.jpg

 

Đó là nhà riêng, còn các khu chung cư, hay các điểm kinh doanh càng đáng báo động hơn. Các công trình, bị nhà thầu cắt xén rất nhiều, đặc biệt là các trang thiết bị cứu hộ, cứu hoả, bên kiểm tra thì cứ phong bì là kiểm tra chiếu lệ, không phong bì thì có đủ trang bị cũng bị làm khó.

 

Người dân thì chỉ quan tâm đến trong chỗ mình ở, chứ không quan tâm bên ngoài. Khả năng cứu hộ, cứu nạn, chữa cháy của Việt Nam như thế nào thì ai cũng biết.

 

Tại Cộng hòa Séc, nơi tôi đang sống, công tác phòng cháy, được qui định rất nghiêm ngặt. Các căn nhà trước khi xây phải được xét duyệt của bên phòng cháy, chữa cháy (PCCC).

 

Các bản vẽ ngôi nhà được lưu trữ tại PCCC và không được tự ý thay đổi thiết kế, nếu bị phát hiện sẽ phạt nặng, nếu cháy, mà cảnh sát phát hiện ra căn nhà khác với bản vẽ, có thể bị truy tố và không được bảo hiểm đền bù.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/80A9/production/_131073923_82126faac27c17224e6d.jpg

NGUỒN HÌNH ẢNH,ANH TUẤN

 

Tại các cơ sở kinh doanh, chung cư,… các trang thiết bị báo cháy thường xuyên được kiểm tra. Nếu phát hiện vi phạm sẽ bị phạt nặng.

 

Nhân viên, người quản lý chung cư, được trang bị các kiến thức về phòng cháy, chữa cháy và sử dụng các thiết bị chữa cháy.

 

Học sinh từ lớp 5 trở đi đã được học về các biện pháp cứu người, các kỹ năng sinh tồn, phòng cháy,… .

 

Ngoài lực lượng cứu hỏa chuyên nghiệp ra, tại các khu vực dân cư luôn luôn có một lực lượng cứu hỏa không ăn lương, nhưng họ được đào tạo bài bản như lực lượng chuyên nghiệp. Họ được đeo một con chíp đặc biệt, khi có cháy, lực lượng chuyên nghiệp sẽ gọi họ. Cho dù đang làm bất cứ việc gì, phải có mặt tại cơ sở cứu hỏa đã đăng ký để cứu hoả.

 

Trung tâm thương mại SaPa của người Việt ở Praha, đã xảy ra 2 vụ cháy lớn, vụ cháy tháng 11 năm 2008, lực lượng chữa cháy phải dùng cả máy bay trực thăng để chữa cháy. Các vụ cháy đều là ở các khu vực xây dựng trái phép và sau đó đã không được bảo hiểm đền bù, chủ doanh nghiệp bị phạt nặng. Sau vụ cháy đó phía Trung tâm thương mại Sapa đã phải chấn chỉnh công tác phòng cháy, chữa cháy.

 

Cho nên xã hội Việt Nam cần phải thay đổi tư duy và hành vi, trước khi đợi người khác cứu mình thì mình hãy tự cứu mình và quan tâm đến các thứ xung quanh mình.

 

Trong các nhà riêng, cũng nên trang bị bình cứu hỏa và kiểm tra thời hạn xử dụng. Mỗi căn nhà phải có ít nhất một lối thoát hiểm. Các nhà trên 3 tầng, tại lối thoát hiểm phải có thang dây. Hàng năm lên tập dượt một lần cho các thành viên gia đình hoặc ít nhất là hướng dẫn cách thoát hiểm.

 

Các chung cư, khu vực kinh doanh, phải cử người do dân bầu ra giám sát các cuộc kiểm tra, yêu cầu phải có người của dân đi cùng. Mọi người phải quan tâm lối thoát hiểm, phòng cháy, các thiết bị cứu hộ, cứu nạn.

 

Nạp điện cho ô tô điện, xe điện phải được đặc biệt chú ý và nên cấm dùng tầng hầm để nạp điện qua đêm.

 

Thiên tai, hỏa hoạn, là điều không ai muốn xảy ra nhưng vẫn phải chuẩn bị tinh thần cho các tình huống đó.

 

Học sinh Việt Nam phải học từ sáng, đến tối nhưng các kỹ năng sinh tồn, các biện pháp cứu mình, cứu người là không được học. Người lớn thì phần lớn không quan tâm đến những gì mà họ cho rằng không ảnh hưởng đến gia đình mình. Hệ quả là hễ xảy ra thiên tai, hỏa hoạn là xảy ra những cái chết không đáng có.

 

Cho nên muốn thay đổi cái xã hội này, mỗi người hãy thay đổi mình, thay đổi gia đình mình. Các kỹ năng sinh tồn, các biện pháp cứu mình, cứu người là phải tự học, để khi xảy ra chuyện không bị cuống. Hãy quan tâm đến các thứ khác ngoài gia đình mình.

 

Người Việt thích làm chính trị, thích có một chức vụ nào đó nhưng lại không quan tâm đến chính trị, không biết ai là đại biểu cho mình, không cần biết họ có bảo vệ quyền lợi của mình hay không. Đó mới là căn nguyên để xảy ra những tệ nạn trong một xã hội hiện nay.

 

Nếu nhiều người thực hiện cái quyền "Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra", người dân thực sự được bầu lên chính quyền, phế truất chính quyền, thì tệ nạn sẽ được giảm đến mức tối đa và các vụ thương tâm như vụ cháy hôm nay sẽ giảm tối thiểu.

 

----------------

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả Hoàng Hùng từ Prague, Cộng hòa Séc

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats