Wednesday 6 September 2023

PHÁ MỘT ÍT! (Lê Huyền Ái Mỹ)

 



Phá một ít!   

Lê Huyền Ái Mỹ

5-9-2023  11:25   

https://www.facebook.com/huyenaimy.le.9/posts/pfbid0TVoS3773qB6vBH4SgeKwhbjnPHkEHoqPgHcYiBEDGwfa1R2qrp1fwWZjCFCBhuddl

 

Xin thưa…

 

1.

Năm 2018, trong chuyên đề “Trả sông về lại cho sông” (báo Phụ Nữ TP.HCM), tiến sĩ Vũ Ngọc Long – Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Sinh thái học Việt Nam nói: “Với kinh nghiệm ngồi hội đồng khoa học của mình, tôi xin nói thẳng rằng, độ chính xác và trung thực của các báo cáo tác động môi trường hiện nay rất thấp. Đó chỉ là sự sao chép vụng về, cẩu thả từ những công trình khác mà không có sự đầu tư xứng đáng cho phương án bảo vệ môi trường. Hầu hết đều chỉ mang tính hình thức.

 

Sai lầm nhất là báo cáo tác động môi trường của các dự án lại do chủ đầu tư bỏ tiền thuê đơn vị tư vấn thực hiện. Rốt cuộc, hầu hết chỉ nhận được những sản phẩm đánh giá tác động môi trường đã “bôi trơn”. Hậu quả, báo cáo tác động môi trường lại “chung sức” hủy hoại môi trường.

 

… Cần phải công khai tất cả các dự án và Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của công trình đó cho công chúng, cộng đồng và tổ chức giám sát. Không giấu giấu giếm giếm như hiện nay, người dân không thể tiếp cận được báo cáo ĐTM. Báo cáo này cần phải được phổ biến trên mạng, được công bố cho bất kỳ ai cũng có thể tham khảo, đọc được và góp ý. Trong trường hợp công chúng, công luận đã xem, góp ý, đánh giá thì giải pháp để giảm thiểu tác động môi trường sẽ rất tốt vì đã có sự giám sát của nhân dân”.

 

Năm 2019, khi thực hiện loạt bài về “ông trời ở hạ giới”, xoay quanh cái ĐTM của các dự án tác động lên lõi rừng Tam Đảo 2 cũng lắm chuyện cười ra nước mắt.

 

2.

Tại Hội nghị cấp cao COP26 diễn ra ở Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh, tháng 11.2021, thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết, “Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050“.

 

Trong khi đó, bên cạnh ngăn chặn nạn phá rừng thì việc “tái phát triển rừng nhiệt đới sẽ giúp cô lập khoảng 6 giga tấn khí carbon dioxite mỗi năm. Con số này tương đương với 11% lượng khí thải nhà kính thường niên trên toàn thế giới” – nhận định của chuyên gia thuộc nhóm dự án giải pháp ngăn chặn thảm họa từ biến đổi khí hậu (New York Times).

 

Với 600 ha đất rừng sẽ “hiến tế” làm hồ chứa nước, chúng ta đang và sẽ thực hiện cam kết nói trên ra sao?

 

3.

Trong bài nói chuyện với Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An, ngày 8.12.1961, khi đề cập đến việc trồng cây gây rừng, Hồ Chủ tịch đã nói: “Trồng cây gây rừng là rất quan trọng. Bây giờ dân chưa thấy đâu. Có khi các chú cũng chưa thấy… Đã trồng thì phải chăm bón. Trồng cây nào sống cây ấy, chứ trồng 19 triệu mà chết hết nửa thì vô ích”.

 

Ngày 31.8.1963, tại Hội nghị tuyên giáo miền núi, Hồ Chủ tịch đã nhắc nhở về nhiệm vụ bảo vệ rừng: “Nếu cứ để tình trạng đồng bào phá một ít, nông trường phá một ít, công trường phá một ít, thậm chí đoàn thăm dò địa chất cũng phá một ít thì rất tai hại. Phá rừng thì dễ, nhưng gây lại rừng thì phải mất hàng chục năm…”.

 

Xin hết.

 

.

17 BÌNH LUẬN  






No comments:

Post a Comment

View My Stats