Thursday 7 September 2023

CÔNG LUẬN CHÚ Ý ĐẾN NHÂN QUYỀN VIỆT NAM TRƯỚC CHUYẾN THĂM CỦA TỔNG THỐNG BIDEN (VOA Tiếng Việt)

 



NỘI DUNG :

Công luận chú ý đến nhân quyền Việt Nam trước chuyến thăm của TT Biden

VOA Tiếng Việt

.

USCIRF: Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về tôn giáo khi nâng cấp quan hệ với Mỹ

 VOA Tiếng Việt

.

Cơ hội cho Việt Nam từ chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden   

Lan Anh  -   Vietnamnet 

 

===================================================

.

.

Công luận chú ý đến nhân quyền Việt Nam trước chuyến thăm của TT Biden

VOA Tiếng Việt

07/09/2023

https://www.voatiengviet.com/a/cong-luan-chu-y-den-nhan-quyen-viet-nam-truoc-chuyen-tham-cua-tt-biden/7257419.html

 

Giới hoạt động trong và ngoài nước đang lo ngại về tình hình nhân quyền ngày càng tồi tệ tại Việt Nam. Hầu như mỗi chuyến đi của các nhà lãnh đạo hay các giới chức cao cấp Mỹ đến Việt Nam đều là những cơ hội để các nhà hoạt động yêu cầu các cấp thẩm quyền Mỹ khi tới Việt Nam chớ bỏ qua vấn đề nhân quyền tại quốc gia nằm dưới sự cai trị độc quyền của đảng Cộng sản trong nhiều thập niên. Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden từ ngày 10-11/9, mà qua đó quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ rất có thể sẽ được nâng lên thành ‘đối tác chiến lược’, cũng nằm trong thông lệ này.

 

Tờ Washington Post cách đây vài ngày đã đăng bài xã luận nhắc nhở chính quyền Biden về những công cụ đang có trong tay để khuyến khích Hà Nội cải thiện nhân quyền nhiều hơn nữa.

 

Bài báo nói kể từ năm 2016, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam đã tiến hành đàn áp trên diện rộng các nhà hoạt động, giới bất đồng chính kiến, xã hội dân sự và tự do tôn giáo bằng cách dùng các điều khoản mơ hồ trong luật cùng những lý do không thuyết phục như trốn thuế để đàn áp các tiếng nói phản kháng.

 

Hiện có 193 nhà hoạt động bị cầm tù tại Việt Nam, chưa kể tới những người bị buộc phải im lặng hoặc phải lưu vong.

 

Hai điều luật được sử dụng để bỏ tù những ai lên tiếng trái chiều với nhà cầm quyền là Điều 117 hình sự hóa việc “làm, tàng trữ, phổ biến hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, sản phẩm nhằm chống Nhà nước” hay Điều 331 về “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước.”

 

Một trong những ví dụ mà Washington Post liệt kê là trường hợp nhà báo Phạm Đoan Trang, người năm ngoái nhận Giải thưởng Phụ nữ Dũng cảm Quốc tế của Ngoại trưởng Hoa Kỳ nhưng hiện đang thụ án 9 năm tù vì bị cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam, và kêu gọi Tổng thống Biden khi tới Hà Nội hãy yêu cầu phóng thích Phạm Đoan Trang cùng tất cả các tù nhân chính trị khác.

 

Washington Post cũng nhắc tới các cuộc đàn áp của nhà cầm quyền Hà Nội dẫn đến việc giải thể các nhóm môi trường, các nhà xuất bản độc lập, hội các nhà báo độc lập và một tổ chức chống tham nhũng phi chính phủ. Những người không có lịch sử hoạt động có tổ chức, nhưng dùng mạng xã hội để lên tiếng bất bình về tham nhũng và nạn lạm dụng tài nguyên công thì phải đối mặt với việc bị truy tố, bài xã luận trên Washington Post nêu rõ.

 

Vẫn theo bài báo, các biện pháp kiểm soát đối với xã hội dân sự đã trở nên nghiêm ngặt hơn, bao gồm các hạn chế đối với giới học thuật và các hội nghị quốc tế, tăng cường giám sát các tổ chức trong nước dựa vào nguồn tài trợ nước ngoài và kiểm duyệt truyền thông xã hội.

 

Về mặt tôn giáo, Washington Post trích dẫn phát hiện của Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế USCIRF về ‘những vi phạm tự do tôn giáo nghiêm trọng đang diễn ra và có hệ thống’ ở Việt Nam khiến USCIRF kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại danh sách ‘quốc gia cần quan tâm đặc biệt’ theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 1998.

 

Việt-Mỹ thiết lập quan hệ song phương vào năm 1995. Tổng thống Barack Obama vào năm 2013 lập ‘quan hệ đối tác toàn diện’ với Hà Nội và việc chính quyền Biden muốn nâng cấp lên thành ‘quan hệ đối tác chiến lược’ là dựa trên căn bản về thương mại và địa chính trị. Việc này, vẫn theo bài xã luận trên Washington Post, sẽ cho phép Việt Nam tiếp cận các điều kiện thương mại ưu đãi và hợp tác quân sự sâu rộng hơn. Tuy nhiên, tác giả bài báo nhấn mạnh, ông Biden không thể làm ngơ trước tình hình nhân quyền ngày càng leo thang tại Việt Nam.

 

Tác giả bài xã luận thúc giục Tổng thống Biden nên một lần nữa thúc đẩy sự thay đổi - và sẵn sàng hơn nữa để đạt các thỏa thuận thương mại quan trọng vừa mang đến sự thịnh vượng lại vừa cải thiện các điều kiện về nhân quyền cho những nơi như Việt Nam.

 

Bài xã luận của Washington Post nhấn mạnh: “Như các tổng thống khác đã làm, ông Biden chắc chắn sẽ thể hiện sự tôn trọng đối với hệ thống chính trị khác biệt của Việt Nam. Nhưng ông cũng nên nói sự thật với các nhà lãnh đạo Việt Nam rằng: Không một kẻ cai trị nào hay một hệ thống nào trở nên mạnh mẽ hơn khi hủy hoại quyền và phẩm giá của chính người dân mình.”

 

Khi được hỏi về hồ sơ nhân quyền của Việt Nam, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Jean-Pierre nói với báo giới hôm 28/8 rằng Tổng thống Biden ‘không bao giờ né tránh’ chuyện nêu vấn đề nhân quyền với bất kỳ lãnh đạo nào.

 

Hà Nội lâu nay bác các tố cáo vi phạm nhân quyền và một mực nói rằng không có tù nhân chính trị tại Việt Nam mà chỉ có những người phạm pháp bị xử lý theo quy định của pháp luật.

 

================================================

..

.

USCIRF: Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về tôn giáo khi nâng cấp quan hệ với Mỹ

VOA Tiếng Việt

07/09/2023

https://www.voatiengviet.com/a/uscirf-viet-nam-phai-dap-ung-cac-tieu-chuan-quoc-te-ve-ton-giao-khi-nang-cap-quan-he-voi-my/7258411.html

 

Hôm 7/9, Uỷ hội Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) tổ chức điều trần về tình hình vi phạm tự do tôn giáo Việt Nam, gửi một thông điệp mạnh mẽ đến Nhà Trắng và Hà Nội ngay trước chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-7cd5-08dbafb8f716_w650_r1_s.jpg

Phiên điều trần của USCIRF ngày 7/9/2023

 

Ông Frederick A. Davie, Phó Chủ tịch USCIRF, người chủ trì phiên điều trần, cho VOA biết qua email: “Thông điệp của chúng tôi rất rõ ràng: để Việt Nam tiếp tục ổn định và phát triển kinh tế, cũng như để mối quan hệ đối tác Hoa Kỳ-Việt Nam tiếp tục sâu sắc, Việt Nam phải ưu tiên đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về tự do tôn giáo và các quyền con người thiết yếu khác”.

 

Ông Davie nói thêm rằng qua buổi điều trần sẽ giúp nêu bật những thông tin và các đánh giá của USCIRF sau chuyến đi thực tế tại Việt Nam vào tháng 5, cũng như những diễn biến đã diễn ra sau đó.

 

Ông nêu ra các mặt yếu kém về tự do tôn giáo ở Việt Nam: “Những trở ngại này bao gồm việc buộc các dân tộc và tôn giáo thiểu số phải từ bỏ đức tin, việc thực thi Luật Tín ngưỡng và Tôn giáo một cách bừa bãi, và giam giữ các nhà hoạt động và lãnh đạo tôn giáo”.

 

Tại buổi điều trần trực tuyến hôm 7/9, USCIRF mời các dân biểu, chuyên gia, nhân chứng từ các tôn giáo khác nhau trong bối cảnh tôn giáo đa dạng của Việt Nam để nêu bật những lĩnh vực chính cần cải thiện.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-26a6-08dbafb73beb_w650_r1_s.jpg

Dân biểu Zoe Lofgren phát biểu tại phiên điều trần ngày 7/9/2023.

 

Dân biểu Liên bang Zoe Lofgren, đồng chủ tịch Uỷ ban Việt Nam tại Hạ viện Mỹ, phát biểu khai mạc phiên điều trần:

 

“Cá nhân tôi biết và những người bạn tôi phải trải qua sự tra tấn, tủi nhục và ngược đãi mà chính quyền cộng sản gây ra cho người dân của mình. Thật không may, chính quyền cộng sản Việt Nam tiếp tục phủ nhận các quyền tự do cơ bản, trong đó có quyền tự do tôn giáo cho công dân của mình”.

 

Nữ dân biểu đại diện cho một khu vực bầu cử ở bang California, nơi có đông đảo người gốc Việt sinh sống, cho biết thêm: “Ngoài ra, với tư cách là thành viên của Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos, tôi đã nhận bảo trợ nhiều tù nhân lương tâm ở Việt Nam thông qua việc bảo vệ quyền tự do của họ. Tôi sẽ tiếp tục vận động để thu hút sự chú ý đến những đau khổ ở Việt Nam và khuyến khích thả tù nhân”.

 

Nhà sư Khmer Trương Thạch Dhomma ở Toronto, Canada, từng tị nạn ở Thái Lan sau các vụ đàn áp Phật giáo Nam tông ở Nam Bộ, tham dự buổi điều trần của USCIRF với tư cách như là một nhân chứng, chia sẻ với VOA về các kiến nghị của ông:

 

“Yêu cầu chính phủ Việt Nam tôn trọng quyền tự do tôn giáo của dân bản địa người Khmer Krom trong đó cho phép họ thành lập một tổ chức Phật giáo Theravada hay còn gọi là Phật giáo Nguyên thủy riêng của mình mà không có sự can thiệp của nhà nước để họ có thể thực hành tôn giáo của mình một cách ôn hòa, hòa bình và không sợ hãi.

 

“Mong rằng chính phủ Việt Nam sửa đổi Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo vì nó không chính đáng để bảo vệ quyền tự do tôn giáo đích thực bằng cách loại bỏ những quy định rườm rà; chấm dứt việc đe dọa, phá bỏ chánh điện ở ấp Tân Hưng, xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long và tôn trọng ý nghĩa của ngôi giảng đường đó”.

 

“Cho phép các nhà sư Phật giáo Khmer Krom dạy tiếng Khmer mà không có sự can thiệp của chính phủ. Chấm dứt việc sử dụng bạo lực đối với nhà sư Khmer Krom khi họ bảo vệ các quyền tự do hoặc các địa điểm linh thiêng của họ. Cũng xin nhắc chính quyền Hà Nội rằng sinh hoạt tôn giáo là quyền chứ không phải là đặc ân vì vậy người Khmer Krom không cần phải xin phép khi họ tu tập theo phái Theravada”.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-df45-08dbafb6ad11_w650_r1_s.jpg

USCIRF tổ chức phiên điều trần trực tuyến về tự do tôn giáo Việt Nam, ngày 7/9/2023.

 

Khi được hỏi liệu USCIRF có yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do cho tù nhân tôn giáo nào hay không trước chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden, dự kiến diễn ra vào ngày 10/9, ông Davie cho biết:

 

“USCIRF tiếp tục kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ sử dụng mối quan hệ ngày càng thân thiết với chính phủ Việt Nam để trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm tôn giáo, đặc biệt là những người tên có trong Cơ sở dữ liệu Danh sách Nạn nhân của chúng tôi”.

 

Trong danh sách của USCIRF hiện có 77 người Việt Nam là nạn nhân vì tự do tôn giáo hay niền tin, trong đó có 57 người đang bị chính quyền giam cầm.

 

“Điển hình là trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 5 vừa qua, chúng tôi đã gặp ông Thạch Cường và ông Tô Hoàng Chương, đại diện của cộng đồng Phật giáo Khmer Krom, những người bị chính quyền sau đó bắt giữ với cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự dân chủ”, ông Davie cho biết thêm.

 

“Chúng tôi tiếp tục kêu gọi trả tự do các trường hợp khác, chẳng hạn như tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Nguyễn Bắc Truyền. Trong tất cả các trường hợp liên quan đến các tù nhân lương tâm tôn giáo cũng như việc buộc phải từ bỏ đức tin, chúng tôi kêu gọi chính quyền chấm dứt việc lạm dụng quyền tự do tôn giáo, hãy xét xử minh bạch và công bằng”.

 

Trong số các diễn giả phát biểu tại phiên điều trần có bà Trần Quỳnh Vi, Giám đốc điều hành của tổ chức Sáng kiến Pháp lý Việt Nam (LIV), cơ quan chủ quản của Luật Khoa tạp chí; Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Boat People SOS; Bác sĩ Trần Quốc Hưng, Giám đốc Truyền thông Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và Trưởng phòng Đối ngoại.

 

VIDEO :

USCIRF điều trần về tự do tôn giáo Việt Nam trước chuyến thăm ccủa TT Biden

 

Uỷ viên USCIRF Eric Euland, người cùng ông Davie đi thực địa Việt Nam vào tháng 5, nêu ý kiến:

 

“Phiên điều trần hôm nay sẽ tạo cơ hội cho nhiều cộng đồng và chuyên gia chia sẻ về thực trạng tự do tôn giáo hiện nay ở Việt Nam. Phiên điều trần này cũng sẽ xem xét hệ thống pháp luật hiện tại của Việt Nam đang thiếu các nghĩa vụ quốc tế như thế nào và chính phủ Hoa Kỳ, với tư cách là đối tác ngày càng khăng khít với Việt Nam, có thể khuyến khích chính quyền Việt Nam như thế nào trong việc cải cách một cách hiệu quả hệ thống pháp luật đó để bảo vệ tốt hơn quyền tự do tôn giáo, thúc đẩy sự ổn định và chứng minh giá trị thực sự của mối quan hệ đối tác này với Hoa Kỳ”.

 

Uỷ viên Euland đưa ra nhận định này chỉ vài ngày trước chuyến công du Việt Nam của Tổng thống Biden, theo đó dự kiến Hà Nội và Washington sẽ chính thức nâng cấp quan hệ song phương lên tầm Quan hệ Đối tác Chiến lược.

 

Trong một báo cáo công bố hôm 5/9, USCIRF nói rằng kể từ khi Washington đưa Hà Nội ra khỏi danh sách “các quốc gia cần quan tâm đặc biệt” (CPC) về tự do tôn giáo vào năm 2006, chính quyền Việt Nam đã tạo ra “nhiều không gian hơn trong một số lĩnh vực” cho việc thể hiện niềm tin tôn giáo.

 

Tuy nhiên, USCIRF nhận đình rằng “cuộc đàn áp gần đây đối với xã hội dân sự, áp lực gia tăng đối với các cộng đồng tôn giáo độc lập, các báo cáo đáng báo động về việc cưỡng bức từ bỏ đức tin và các vi phạm tự do tôn giáo ngày càng gia tăng khác đã tạo nên một sự đảo ngược rõ ràng trong quỹ đạo từng tích cực đó”.

 

Bộ Ngoại giao Việt Nam, cơ quan từng nói rằng một số nội dung trong các báo cáo của USCIRF trước đây “thiếu khách quan và trích dẫn những thông tin sai lệch, chưa được kiểm chứng”, vẫn chưa lên tiếng về phiên trần của USCIRF.

 

Trong một phản hồi gửi VOA vào năm ngoái, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng “Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và thực hiện nhất quán chính sách bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo hoặc không theo tôn giáo của người dân, đảm bảo sự bình đằng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng, bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật”.

 

==================================================

.

..

Cơ hội cho Việt Nam từ chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden   

Lan Anh  -   Vietnamnet 

Thứ tư, 06/09/2023 - 05:30

https://vietnamnet.vn/co-hoi-cho-viet-nam-tu-chuyen-tham-cua-tong-thong-joe-biden-2185753.html

 

Sự kiện: Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Việt Nam

Giới học giả Mỹ nhận định, Hoa Kỳ là quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ và đổi mới. Lợi thế về khả năng tiếp cận các trung tâm đổi mới và công nghệ của Mỹ sẽ mang lại lợi ích to lớn cho Việt Nam qua chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden.

 

 

Tiếp cận nhiều hơn với đổi mới và công nghệ Mỹ

 

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thăm Việt Nam vào ngày 10-11/9 theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Thúc đẩy tăng trưởng tập trung vào công nghệ và đổi mới, mở rộng quan hệ giữa nhân dân hai nước thông qua trao đổi giáo dục và các chương trình phát triển lực lượng lao động, chống biến đổi khí hậu, tăng cường hòa bình, thịnh vượng và ổn định trong khu vực là những điểm nổi bật trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ đến Việt Nam.

 

Trả lời phỏng vấn VietNamNet, Giáo sư Chính sách công trường Đại học Harvard ông Thomas Patterson cho biết, chuyến thăm của Tổng thống Biden sẽ tập trung vào các vấn đề kinh tế, và biến đổi khí hậu. Trong số những vấn đề này, vấn đề kinh tế là quan trọng nhất. Hoa Kỳ tìm cách tăng cường kết nối kinh tế với Việt Nam. Việt Nam cũng có phần trong mối liên hệ đó. Từ lịch sử và từ các nghiên cứu cho thấy, các mối quan hệ kinh tế chặt chẽ cũng có xu hướng gắn kết các quốc gia lại với nhau theo những cách khác. Việc tăng cường quan hệ kinh tế là vì lợi ích quốc gia của cả hai nước.

 

GS Thomas Patterson, người đồng sáng lập Diễn đàn Toàn cầu Boston, nhận định, Hoa Kỳ là quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ và đổi mới. Lợi thế về khả năng tiếp cận nhiều hơn với các trung tâm đổi mới và công nghệ của Mỹ sẽ mang lại lợi ích to lớn cho Việt Nam qua chuyến thăm này.

 

https://static-images.vnncdn.net/files/publish/2023/9/5/hoc-gia-my-1507.jpg

GS Thomas Patterson (ảnh trái) và GS Alex Sandy Pentland (ảnh phải).

 

Điểm mạnh của Việt Nam là người Việt Nam rất cần cù và có tư cách tốt, đặc biệt người dân Việt Nam rất có tinh thần kinh doanh. Hơn nữa, Việt Nam là thị trường có mức lương thấp so với Hoa Kỳ, điều này rất hấp dẫn đối với các công ty, doanh nghiệp Hoa Kỳ. Sự kết hợp sức mạnh của hai nước có thể mang lại lợi ích to lớn cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam.

 

Ông Patterson nhấn mạnh, yếu tố đủ điều kiện để hai nước hợp tác là chính sách của chính phủ Việt Nam. Các công ty Hoa Kỳ đã quen với việc hoạt động trong một hệ thống ít có các rào cản hành chính và luôn đổi mới. Những thay đổi trong chính sách kinh doanh của Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy tác động của sự hợp tác sâu rộng hơn giữa hai nước về công nghệ và đổi mới.

 

Giáo sư khoa học dữ liệu máy tính trường Đại học MIT, Hoa Kỳ Alex Sandy Pentland nhận định Hoa Kỳ có nguồn trí tuệ chất xám dồi dào trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, dữ liệu trong khi Việt Nam có nền kinh tế kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng và có nguồn nhân lực gồm các kỹ sư và nhà khoa học dữ liệu.

 

Ông Pentland, người được Forbes vinh danh là một trong bảy nhà khoa học dữ liệu xuất sắc nhất thế giới, thành viên Hội đồng lãnh đạo Viện Michael Dukakis về Lãnh đạo và Đổi mới – Sáng tạo và Diễn đàn Toàn cầu Boston, cho rằng con đường thành công nhất là để các kỹ sư trẻ của Việt Nam dành thời gian làm việc tại các phòng thí nghiệm nghiên cứu tiên tiến như MIT. Bằng cách đó, họ không chỉ có thể học được những phương pháp thực hành tốt nhất mà còn có thể học được những gì mà nhiều quốc gia khác đang làm, cũng như xây dựng mối quan hệ với các kỹ sư ở những quốc gia đó.

 

 

Từ cuộc điện đàm của Tổng Bí thư

 

Chuyến thăm Việt Nam tới đây của Tổng thống Biden ghi nhận dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam và Mỹ, kỷ niệm 10 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện (25/7/2013 - 25/7/2023).

 

Ngày 25/7/2013, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên quan hệ đối tác toàn diện. Thỏa thuận này liệt kê các lĩnh vực hợp tác: chính trị và ngoại giao quan hệ thương mại và kinh tế, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, môi trường và sức khỏe, các vấn đề di sản chiến tranh, quốc phòng và an ninh, bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền, văn hóa, thể thao và du lịch.

 

Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh các nguyên tắc trong quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, trong đó có tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.

 

Trong cuộc điện đàm cấp cao ngày 29/3 năm nay của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden, hai nhà Lãnh đạo bày tỏ vui mừng có dịp trao đổi trong dịp kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, đánh giá cao sự phát triển tích cực, toàn diện của quan hệ hai nước thời gian qua và nhất trí thúc đẩy, phát triển, làm sâu sắc hơn quan hệ song phương, vì lợi ích của hai nước, hòa bình, hợp tác và phát triển, đề nghị giao các cơ quan chức năng của hai bên trao đổi các nội hàm cụ thể nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ trong thời gian tới.

 

https://static-images.vnncdn.net/files/publish/2023/9/5/tong-bi-thu-1508.jpeg

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden tối 29-3/2023. Ảnh: TTXVN

 

Giáo sư người Úc Carl Thayer, một học giả am hiểu tình hình của Việt Nam, nhận xét, Chính quyền của Tổng thống Biden đặt mục tiêu xây dựng nền tảng cho quan hệ đối tác toàn diện kéo dài một thập kỷ. Phó Tổng thống Kamala Harris và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam để bắt đầu thảo luận về việc nâng cao năng lực song phương quan hệ đối tác chiến lược.

 

Tổng thống Biden và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã nói chuyện qua điện thoại và đồng ý mở rộng quan hệ song phương.

 

Kể từ sau cuộc điện thoại đó, đã có 3 thành viên Nội các Hoa Kỳ sang Việt Nam đàm phán chi tiết – Bộ trưởng Ngoại giao Anthony Blinken, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và Đại diện Thương mại Katherine Tai.

 

“Các chuyến thăm của Tổng thống Obama và Biden minh họa cho sự tiếp tục lâu dài trong chính sách của Mỹ là hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cải cách pháp lý và kinh tế cần thiết để hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu”, GS Thayer nhận xét.

 

Cũng trong cuộc điện đàm ngày 29/3 năm nay với Tổng thống Biden, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị hai bên tiếp tục mở rộng và đưa hợp tác kinh tế, khoa học, công nghệ là trọng tâm và động lực cho quan hệ, thực hiện các thỏa thuận hợp tác quốc phòng-an ninh, coi trọng việc thúc đẩy thương mại hài hòa, bền vững, hợp tác bảo đảm chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực mới như logistics, kinh tế số, chuyển đổi xanh, y tế. Đồng thời, hai bên đẩy mạnh hợp tác trong khắc phục hậu quả chiến tranh, gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, trao đổi thông tin, phòng, chống tội phạm và các lĩnh vực khác.

 

https://static-images.vnncdn.net/files/publish/2023/9/5/joe-biden-1-1509.jpg

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt tay ông Joe Biden khi đó đang là Phó Tổng thống Mỹ trong chuyến thăm Mỹ năm 2015 - Ảnh: Bộ Ngoại giao Việt Nam

 

Tổng Bí thư đề nghị Hoa Kỳ tiếp tục tạo thuận lợi để tăng số lượng du học sinh Việt Nam tại Hoa Kỳ, hoan nghênh việc xây dựng Đại học Fulbright Việt Nam trở thành trung tâm đào tạo chất lượng cao ở khu vực; cảm ơn sự hỗ trợ của Hoa Kỳ dành cho Việt Nam trong phòng, chống dịch COVID-19, đề nghị Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam.

 

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng, ủng hộ một Việt Nam “độc lập, tự cường và thịnh vượng”, tái khẳng định tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của Việt Nam, nhất trí rằng sự tôn trọng là một nền tảng quan trọng của quan hệ hai nước.

 

Sau 28 năm kể từ khi chính thức xác lập quan hệ ngoại giao và tròn 10 năm kể từ khi xác lập quan hệ Đối tác toàn diện, hai nước đã đạt được những bước phát triển toàn diện, thực chất, ngày càng đi vào chiều sâu, đóng góp tích cực cho an ninh, hòa bình, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới.

 

Tính từ năm 1995, khi hai nước bình thường hóa quan hệ, thương mại song phương đã tăng hơn 300 lần, từ 450 triệu USD năm 1995 lên mức gần 140 tỷ USD vào năm 2022. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ và là quốc gia thành viên ASEAN xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ.

 

Qua 10 năm, kim ngạch thương mại hai chiều tăng hơn 5 lần, từ 25 tỷ USD năm 2012 lên gần 139 tỷ USD vào năm 2022. Mỹ trở thành thị trường duy nhất và đầu tiên vượt ngưỡng 100 tỷ USD trong xuất khẩu của Việt Nam. Việt Nam đã vươn lên vị trí đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ.

 

Mỗi năm có từ 23.000 - 25.000 sinh viên Việt Nam theo học tại Mỹ. Khách du lịch Mỹ duy trì ở tốp 5 về số lượt khách quốc tế đến Việt Nam, đạt trung bình 800.000 lượt/năm trước đại dịch.

Lan Anh






No comments:

Post a Comment

View My Stats