Sunday, 20 March 2022

CHIẾN TRANH UKRAINE : TỔNG THỐNG NGA PUTIN ĐANG SUY TÍNH GÌ? (Gordon Coera - BBC News)

 



Chiến tranh Ukraine: Tổng thống Nga Putin đang suy tính gì?

Gordon Corera

Phóng viên an ninh, BBC News

20 tháng 3 2022, 12:08 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/world-60810997

 

Tổng thống Nga Vladmir Putin bị mắc kẹt trong thế giới khép kín do chính mình tạo nên, theo các điệp viên phương Tây. Và điều này đã khiến họ lo ngại.

 

Trong nhiều năm qua, họ đã cố gắng tìm hiểu xem Tổng thống Putin có tính toán gì để hiểu về các ý định của ông ta.

 

Trong bối cảnh quân đội Nga có vẻ đang bị sa lầy tại Ukraine, thì việc tìm hiểu về điều này càng trở nên cần thiết để đoán được Putin sẽ phản ứng ra sao trước sức ép.

 

Hiểu được Putin đang suy nghĩ gì sẽ vô cùng quan trọng nhằm giúp cuộc khủng hoảng không bị leo thang lên nấc nguy hiểm hơn.

 

Đã có những đồn đoán rằng nhà lãnh đạo Điện Kremlin bị bệnh nhưng nhiều nhà phân tích tin rằng thật sự ông Putin tách lập và không đón chào những quan điểm khác biệt.

 

Sự tách biệt của ông ta có thể thấy rõ trong những bức ảnh họp với những nguyên thủ thế giới, như khi ông gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thì hai người đã ngồi ở hai đầu một chiếc bàn dài. Và hình ảnh này cũng thấy rõ trong cuộc họp của Putin với đội ngũ an ninh quốc gia một ngày trước khi Nga xâm lược Ukraine.

 

Kế hoạch quân sự ban đầu của Putin trông giống như kế hoạch của một sĩ quan KGB, một quan chức tình báo phương Tây nhận định.

 

Một nhóm nhỏ bí mật đã lên kế hoạch này, với tính bảo mật được đặt lên trên hết, giới tình báo phương Tây nhận định. Nhưng kết quả là sự hỗn loạn. Tướng lĩnh quân đội Nga thì chưa sẵn sàng, một số binh sĩ Nga qua biên giới Ukraine mà không biết mình sẽ làm gì.

 

Một đại tá VN ca ngợi TT Putin và tin vào thắng lợi của Nga ở Ukraine

Bài phát biểu đầy giận dữ của Putin viết lại lịch sử Ukraine

 

Người quyết định duy nhất

 

Thông qua các nguồn tin không được đề cập, các điệp viên phương Tây biết nhiều về những kế hoạch này hơn cả những người trong nội bộ lãnh đạo Nga. Thế nhưng giờ đây họ phải đối mặt với thử thách mới đó là hiểu nhà lãnh đạo Nga sẽ làm gì tiếp theo. Và điều này không hề dễ dàng.

 

"Thách thức để hiểu bước đi tiếp theo của Kremlin ở chỗ Putin là người duy nhất đưa ra quyết định tại Moscow," John Sipher, người từng làm việc cho CIA liên quan đến các chiến dịch quân sự của Nga nhận định. Và mặc dù quan điểm của Putin đã được nêu rõ thông quan các tuyên bố công khai nhưng hiểu ông ta sẽ hành động như thế nào đối với những tuyên bố này là một thách thức tình báo không hề dễ dàng.

 

"Cực kỳ khó khăn trong một hệ thống được bảo vệ như nước Nga có thể tìm ra những thông tin tình báo tốt về những gì hiện hữu trong đầu của người lãnh đạo quốc gia, đặc biệt khi nhiều người của chính ông ta còn không biết chuyện gì đang diễn ra," Sir John Sawers, cựu lãnh đạo Cơ quan tình báo Anh (MI6) nói với BBC.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/181E2/production/_123768789_gettyimages-1238829553--976.jpg.webp

Tổng thống Putin chủ trì một cuộc họp vào ngày 28/02/2022

 

Giới chức tình báo nói rằng ông Putin tách biệt trong bong bóng do chính mình tạo nên, vốn có rất ít thông tin bên ngoài có thể lọt vào, đặc biệt đối với bất kỳ điều gì thách thức suy nghĩ của ông ta.

 

"Ông ta là nạn nhân của chính nền tuyên truyền của mình theo nghĩa là ông chỉ lắng nghe một số lượng người nhất định và ngăn chặn tất cả mọi điều khác. Điều này mang đến cho ông ta cái nhìn lạ lẫm về thế giới," Adrian Furnham, Giáo sư Tâm lý học và đồng tác giả quyển sách sắp ra mắt mang tên 'The Psychology of Spies and Spying'.

 

Rủi ro là điều gọi là "suy nghĩ theo nhóm" khi mọi người cùng ủng hộ quan điểm của ông ta. "Nếu ông ta là nạn nhân của suy nghĩ theo nhóm thì chúng ta cần biết nhóm đó là gì," Giáo sư Furnham nói.

 

Vòng tròn mà Putin nói chuyện không bao giờ rộng nhưng đối với quyết định xâm lược Ukraine thì chỉ giới hạn ở một số người. Giới chức tình báo phương Tây tin rằng tất cả những người này đều là "những người có lòng tin thật sự" cùng chia sẻ chung tư duy và những ám ảnh của Putin.

 

Có thể thấy vòng tròn của Putin nhỏ như thế nào khi ông có màn trao đổi gay gắt với Sergei Naryshkin, Giám đốc Cơ quan tình báo của Nga trong cuộc họp an ninh quốc gia trước ngày Nga xâm lược Ukraine, điều này dường như đã khiến ông Sergei cảm thấy bị hạ bệ. Vài giờ sau ông Putin đã có bài phát biểu dài cho thấy một người đang giận dữ và ám ảnh về Ukraine và phương Tây.

 

Những người từng quan sát Putin nói rằng nhà lãnh đạo Nga bị thôi thúc bởi mong muốn vượt qua nỗi ô nhục về sự yếu kém của Nga vào những năm 1990 cùng với cáo buộc rằng phương Tây có ý đồ hạ bệ nước Nga và lật đổ ông ta. Một người từng gặp ông Putin nhớ lại nỗi ám ảnh của ông ấy khi xem các video về cựu lãnh đạo Libya, Đại tá Gaddafi bị giết chết sau khi bị lật đổ vào năm 2011.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/9B6A/production/_123768793_gettyimages-56707956.jpg.webp

 

Khi được hỏi về đánh giá tình trạng tinh thần của Putin thì Giám đốc CIA, William Burns nói Putin đã "nung nấu một hỗn hợp có thể bùng cháy bất kỳ lúc nào gồm sự đau khổ và tham vọng trong nhiều năm qua" và mô tả quan điểm của Putin là "cứng rắn" và rằng ông ấy "rất tách biệt" đối với những quan điểm khác.

 

Liệu Tổng thống Nga có bị điên không? Đây là câu hỏi mà nhiều người tại phương Tây đã đặt ra. Thế nhưng ít chuyên gia xem trọng ý kiến này. Một nhà tâm lý học chuyên lĩnh vực này nói rằng là một sai lầm nếu đặt ra giả thuyết khi không hiểu lý do như xâm lược Ukraine, và cho rằng người đưa ra quyết định đó bị "điên".

 

CIA có một đội ngũ thực hiện "phân tích lãnh đạo" đối với những người đưa ra quyết định ở nước ngoài, và sử dụng một nguyên tắc truyền thống đã dùng để hiểu Hitler. Họ đã nghiên cứu tiểu sử, mối quan hệ, sức khỏe, sử dụng thông tin tình báo mật.

 

Một nguồn tin khác là từ người có tiếp xúc trực tiếp với những lãnh đạo này. Vào năm 2014, cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel theo thông tin đã nói với cựu Tổng thống Mỹ Obama rằng ông Putin đang sống "trong một thế giới khác". Trong khi đó, Tổng thống Macron lúc ngồi với ông Putin gần đây được cho đã phát hiện nhà lãnh đạo Nga "khắt khe, cô lập hơn" so với những cuộc gặp trước đây.

 

Vì sao các tướng tá Nga bị giết liên tiếp ở Ukraine?

Lý giải sai lầm quân sự của Nga trên chiến trường Ukraine

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/15AD2/production/_123768788_gettyimages-1238273353-976.jpg.webp

Cuộc họp giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào ngày 07/02/2022 tại Moscow, Nga

 

Có phải điều gì đó đã thay đổi? Một số người suy đoán mà không có nhiều bằng chứng, rằng sức khỏe kém cùng tác dụng của thuốc. Số khác thì chỉ ra những tác nhân tâm lý như thời gian của ông đang cạn dần để thực thi điều mà ông xem là định mệnh của mình trong việc bảo vệ nước Nga và phục hồi sự vĩ đại của quốc gia. Có thể thấy Putin đã cách ly mình với người khác trong suốt thời gian đại dịch Covid và điều này có thể đã có tác động về tâm lý.

"Putin có thể không bị bệnh tâm thần, hay ông ta cũng không thay đổi, mặc dù ông ta vội vã hơn và có thể tách biệt hơn trong những năm gần đây," Ken Dekleva, cựu bác sĩ chính phủ và nhà ngoại giao Mỹ, hiện là nghiên cứu cấp cao tại Quỹ George HW Bush Foundation for US-China Relations cho biết.

 

Thế nhưng mối quan ngại là thông tin đáng tin cậy vẫn có thể không thể đến được được vòng tròn khép kín của Putin. Các cơ quan tình báo của ông ta đã chần chừ trước cuộc xâm lược trong việc nói những điều mà Putin không muốn nghe, đưa ra những ước tính màu hồng về diễn tiến của cuộc xâm lược và binh sĩ Nga sẽ được đón nhận như thế nào trước cuộc chiến tranh. Vào tuần này một quan chức phương Tây nói rằng Putin có thể không có những phân tích về tình hình bất lợi cho quân đội Nga ra sao như giới tình báo phương Tây có được. Điều này dẫn đến quan ngại rằng ông ta có thể phản ứng như thế nào khi phải đối mặt với tình hình xấu đi cho phía Nga tại Ukraine.

 

‘Ghét phương Tây phản bội, đạo đức giả’ khiến Putin xâm lược Ukraine?

71% dân TQ mến Ukraine còn VN có không ít người 'cuồng Putin'?

 

Thuyết người điên

 

Ông Putin chính mình đã kể lại câu chuyện đuổi bắt một con chuột khi còn nhỏ. Khi dồn con chuột đến góc tường thì con chuột ấy phản ứng bằng cách tấn công ông ta, khiến cậu bé Vladimir phải bỏ chạy. Câu hỏi đặt ra cho giới hoạch định chính sách phương Tây đó là liệu Putin có đang bị dồn vào chân tường hay không?

 

"Câu hỏi thật sự là liệu ông ta có tiếp tục thẳng tay và khiến tình hình leo thang hơn nữa về các hệ thống vũ khí ông ta sẽ sử dụng," một quan chức phương Tây nói. Và cũng có mối quan ngại rằng ông ta có thể sử dụng các vũ khí hóa học hoặc thậm chí vũ khí hạt nhân chiến lược.

 

"Lo ngại hiện nay là ông ta có thể làm chuyện không thể tin được đó là bấm chiếc nút [hạt nhân] tàn ác đó", Giáo sư Adrian Furnham nói.

 

Chính Putin cũng tự mình tạo nên cảm nhận rằng ông ta nguy hiểm và thậm chí phi lý - đây là một chiêu thức phổ biến (thường được gọi là Thuyết "người điên") theo đó người nào có vũ khí hạt nhân thì sẽ tìm cách khiến kẻ thù chùn bước bằng cách cho thấy là người này đủ điên để sử dụng chúng bất chấp khả năng là tất cả cùng chết.

 

Đối với giới tình báo và các nhà làm chính sách phương Tây, việc hiểu ý đồ và tư duy của Putin là quan trọng nhất. Việc tiên đoán phản ứng của ông ta là mang tính sống còn trong việc tìm cách không để ông ta kích hoạt một phản ứng nguy hiểm.

 

"Cảm nhận của chính Putin không cho phép thất bại hay yếu kém. Ông ta ghét những điều này" Ken Dekleva nói. "Một Putin yếu kém, bị dồn vào chân tường là một Putin nguy hiểm hơn. Đôi khi nên để một con gấu chạy khỏi chuồng và trở về rừng."

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/1109A/production/_123768796_gettyimages-94984802.jpg.webp

 

===============================

 

CÁC TIN KHÁC

 

'Không thể so sánh Chiến tranh Biên giới Việt-Trung 1979 và Nga xâm lược Ukraine'

20 tháng 3 năm 2022

 

Vì sao các tướng tá Nga bị giết liên tiếp ở Ukraine?

19 tháng 3 năm 2022

 

Lý giải sai lầm quân sự của Nga trên chiến trường Ukraine

19 tháng 3 năm 2022

 

Trong đầu Putin là tư tưởng gì? Các nhà bình luận Âu Mỹ thử tìm hiểu

18 tháng 3 năm 2022





No comments:

Post a Comment

View My Stats