Wednesday, 30 March 2022

ALEXANDER DUGIN, THẦY CỦA PUTIN, NÓI GÌ VỀ TƯ TƯỞNG ĐẠI NGA? (Nguyễn Đức Đại Vượng)

 



Alexander Dugin, thầy của Putin nói gì về tư tưởng Đại Nga?

Nguyễn Đức Đại Vượng

Tác giả hiện sống tại Hà Nội, VN

14 tháng 3 2022

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-60735734

 

VIDEO :

Ký hiệu Z – biểu tượng ủng hộ chiến tranh tại Ukraine của Nga

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-60735734

 

"Hãy cứ để cho chiến tranh xảy ra, bởi vì kết quả cuộc chiến mới quyết định ai là kẻ thống trị", Alexander Dugin, lý thuyết gia của ông Putin với tư tưởng Đại Nga.

 

Trong lịch sử nhân loại thì mọi đế chế, để thành hình, đều luôn phải được dẫn dắt bởi khát vọng bao trùm lên các vùng đất mà nó muốn chinh phục.

 

Lúc loài người đang còn mông muội, thì khát vọng đó thường là ý chí của cá nhân, ví dụ như dã tâm của một vị quân vương hay hoàng đế nào đó trong việc mở rộng lãnh thổ. Ở thời hiện đại thì ước muốn này lại được nâng đỡ bằng một hệ tư tưởng, nơi tổ hợp của các lập luận xuyên ngành và phức tạp.

 

Dạng lý thuyết này đóng vai trò như kim chỉ nam cho mục đích cuối cùng là ước vọng hình thành đế chế. Thiếu vắng nó, các hành động để cụ thể hoá việc trở thành đế chế sẽ có thể đi sai hướng, rời rạc, nặng tính tự phát và khó thành công.

 

Ukraine sau Cách mạng tháng 10 và vị Hetman cuối cùng

Toàn bộ diễn văn: Putin tuyên chiến với Ukraine, nói phương Tây 'dối trá'

Mỹ nói Nga 'kêu gọi Trung Quốc cung cấp vũ khí và viện trợ'

Huntington và Brzezinski nói về Nga, Ukraine: Tiên tri hay nhầm lẫn?

 

Alexander Dugin, cha đẻ của lý thuyết Á-Âu (Eurasianism), tác giả của quyển sách "Eurasian Mission: An introdution to Neo-Eurasianism" (Sứ mệnh của chủ nghĩa Tân Âu-Á, 2014), với trọng tâm là Đại Nga, có thể nói là đã vạch ra một hệ tư tưởng vô cùng nguy hiểm đối với hoà bình của thế giới và cho chính nước Nga của ông ta.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/FC4B/production/_123678546_17e3fb0d-e1f3-4d87-9429-eeee60df6c22.jpg.webp

Alexander Dugin

 

Sa đoạ trong lý thuyết này, nước Nga chắc chắn sẽ trở thành phát xít mới.

 

Alexander Dugin không lên kế hoạch chiến tranh cụ thể, không ra các mệnh lệnh trút bom đạn vào các dân tộc khác, nhưng ông ta định hình suy nghĩ một cách có hệ thống về Đại Nga cho những người Nga đang cầm quyền.

 

Theo truyền thông phương Tây thì ông Putin xem lý thuyết của Dugin là cẩm nang gối đầu, tức ông này là lý thuyết gia/chiến lược gia của người đứng đầu nhà nước Nga.

 

Lý thuyết của Dugin vừa đứng độc lập, vừa là sự trộn lẫn giữa 3 luồng tư tưởng lớn mà nhân loại đã chứng kiến trong các thế kỷ 19, 20 và 21 là Tự do, Cộng sản và Phát xít.

 

Theo lập luận của ông này thì chủ nghĩa Tự do chất chứa trong mình nó đầy rẫy những mâu thuẫn nội tại nên đã suy yếu, và hai chủ nghĩa còn lại là Cộng sản và Phát xít thì nhân loại đã đi qua.

 

Vì vậy chỉ còn lại luồng tư tưởng thứ 4 của ông ta là Eurasianism, và nó sẽ trở thành hình mẫu cho các cường quốc khác trên thế giới đi theo.

 

Dugin cho rằng nước Nga là tâm điểm của vòng tròn Slav, trải từ châu Âu sang châu Á. Và rằng, mọi dân tộc Slav khác phải nằm trong vòng tròn này là tất yếu, chịu lực hút từ tâm điểm là Nga.

 

Và vì sự vĩ đại đó, nước Nga của ông ta không thể chỉ là những cường quốc như Pháp, Đức, Anh, Ý ở châu Âu, bất chấp việc các cường quốc này đã từng là những đế chế rộng lớn trong lịch sử, mà Nga phải là nơi tập hợp các tộc chủng Slav với không gian sống mênh mông, hoặc chí ít ra cũng phải đạt tầm vóc của Trung Quốc và Ấn Độ khi xét về quy mô.

 

Hiển nhiên rằng, một dã tâm khủng khiếp như vậy thì phải kéo theo các hành động tương xứng để cụ thể hoá nó.

 

Và như vậy thì các cuộc chiến tranh của Nga trong 2 thập kỷ gần đây tại Chechnya, Gruzia, Crimea, Donbass và giờ đây là Ukraine cũng đã nhận được lời giải đáp tương đối rõ về nguyên nhân sâu xa nhất của nó.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/149AD/production/_123679348_7564de34-2017-4126-aff8-a85448302575.jpg.webp

Lâu nay có tồn tại quan niệm theo đó cho rằng vị trí và sứ mệnh Á-Âu đặc thù khiến Nga khác Phương Tây

 

Bỏ qua lịch sử, chỉ chọn đoạn mình thích

 

Lý thuyết của Dugin lờ đi tất cả những gì mà lịch sử Nga đã trải qua để có thể du nhập được văn minh phương Tây, điều hoàn toàn nằm ngoài thế giới Slav, mà góp phần quan trọng làm nên một nước Nga kỳ vĩ về mặt lãnh thổ như ngày hôm nay.

 

Ông ta đã cố tình quên đi việc dưới thời Pierre Đại đế và nữ hoàng Catherine, thì cả thế kỷ người Nga đi học văn minh Tây Âu để thoát khỏi cảnh quý tộc uống rượu bằng bát, để mà sau khi học xong thì xây nên cung điện Peterhof được mệnh danh Versailles thứ 2 của thế giới, để hình thành ra hải quân...

 

Hình ảnh minh hoạ là như vậy. Không có 100 năm đi học văn minh ngoài thế giới Slav đó, làm sao có Đại Nga để ông ta đang tự hào mà vạch ra Eurasianism hôm nay. Nếu chỉ có duy nhất văn minh Slav, không tiếp thu được văn minh của Anh, Pháp, Phổ, Hà Lan… thì nước Nga của ông ta ngày hôm nay đang ở đâu khi các cơ hội để mở rộng lãnh thổ bằng cách tranh hùng với các đế chế như Ottoman, Thuỵ Điển, Ba Lan… đã trôi đi.

 

Nhưng, điều quan nhất mà ông ta đã bỏ quên trong lý thuyết Á-Âu của mình là kinh tế - yếu tố sẽ quyết định cuối cùng việc thành hay bại của tư tưởng Đại Nga mà ông ta theo đuổi. Với một nền tảng kinh tế yếu ớt như vậy, Đại Nga sẽ chỉ là ảo vọng và gây đau khổ cho chính nước Nga qua các cuộc chiến tranh với các dân tộc Slav khác để hiện thực tham vọng.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/1515/production/_123679350_42b37052-88a7-44c3-a2ba-2b7af6edaed2.jpg.webp

Nga và Belarus là hai bộ phận quan trọng của liên minh Âu Á do Moscow phụ trách

 

Kinh tế sẽ quyết định mọi thiết chế thượng tầng nằm phía phía trên của nó, kể cả các tham vọng chính trị về lãnh thổ.

 

Xây dựng một lý thuyết để chỉ đường cho tham vọng lớn như vậy, nhưng cha đẻ của nó lại đóng băng, và/hoặc vứt bỏ các yếu tố quan trọng bậc nhất trong quá trình phân tích, không sụp đổ thì mới là chuyện kỳ lạ.

 

Để dự đoán về số phận của lý thuyết Dugin, chúng ta thử xem qua một ví dụ dễ hiểu là lịch sử vệ quốc của Việt Nam: Đại Hán, dân số gấp cả chục lần Đại Nga, văn minh Trung Hoa rực rỡ hơn nhiều lần so với văn minh Slav ngay từ thuở xa xưa, vậy mà đô hộ Việt Nam cả 1.000 năm cũng không đồng hoá nổi. Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Lê Hoàn, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… và nhiều vị anh hùng dân tộc khác, tất cả đều đưa Đại Hán về đúng điểm xuất phát như trước khi đến Việt Nam.

 

"Nước Nga vĩ đại", nhưng với Dugin và với những gì đã và đang diễn ra trong thực tế theo chỉ dẫn từ Eurasianism, làm người đọc buộc phải nhìn nhận lại câu này theo nghĩa: "Đó chỉ là sự vĩ đại nằm đơn thuần ở diện tích đất đai rộng lớn mà thôi"

 

--------------------

Bài đã đăng trên trang cá nhân của tác giả và thể hiện quan điểm riêng của người viết.

 

Xem thêm:

Nước Nga có định mệnh đi con đường Á-Âu?

 

Những người Nga lo sợ chiến tranh với phương Tây

 

Tổng bí thư Egon Krenz: 'Đông Đức là đứa con của Liên Xô'

 

.

================================================

.

.

Alexander Dugin nói về ‘sự cáo chung của lịch sử’ và cuộc chiến của Putin với trật tự tự do

End of history that has never happened and Russian war on the liberal order [1], The Fourth Political Theory.

Biên dịch: Lê Doãn Cường

Giới thiệu và hiệu đính: TS. Lê Tuấn Huy

29/03/2022

https://nghiencuuquocte.org/2022/03/29/alexander-dugin-noi-ve-su-cao-chung-cua-lich-su-va-cuoc-chien-cua-putin-voi-trat-tu-tu-do/

 

Độc giả Việt Nam đã biết đến Alexander Dugin qua bài giới thiệu sơ khởi về ông, đăng trên BBC Việt ngữ. Quả thật, để hiểu thêm về mặt địa chiến lược quanh cuộc chiến đang xảy ra tại Ukraine, không thể không biết đến Alexander Dugin và luận thuyết của ông, với tư cách nhà lý luận và nền tảng lý luận cho tư tưởng và đại chiến lược Đại Nga.

 

Với vai trò như vậy, mới đây, Alexander Dugin đã đáp trả Francis Fukuyama, sau khi học giả này công khai nhận định rằng Nga chuẩn bị thất trận. Với một tiểu luận không quá dài, Dugin một mặt thanh toán học thuật với Fukuyama nói riêng và chủ nghĩa tự do nói chung, một mặt tái xác định những luận điểm chính quanh đại chiến lược Đại Nga. Thậm chí, ông không úp mở về cuộc đấu hạt nhân như một cách để ngăn phương Tây can thiệp giúp Ukraine.

 

 Bản dịch này nhằm cung cấp thêm thông tin nguyên bản của một bên “tham chiến”, để bạn đọc, qua đó, truy tầm lại các vấn đề học thuật, và có nhận định cho riêng mình về những gì liên quan, cũng như về chính Alexander Dugin.

 

https://nghiencuuquocte.org/wp-content/uploads/2022/03/Alexander-Dugin.jpg

Alexander Dugin.

 

 

                                                         ***

 

Luận đề sự cáo chung của lịch sử

 

Nhìn từ quan điểm ý thức hệ, thế giới vẫn đang sống dưới cái bóng của cuộc tranh luận có từ những năm 1990, giữa Francis Fukuyama và Samuel Huntington. Bất kỳ phê phán nào nhắm vào các luận đề của hai tác giả đều không khiến cho tầm quan trọng của chúng suy suyển đi, khi mà thế lưỡng nan vẫn còn nguyên, và hơn thế, vẫn là nội dung chính yếu của bối cảnh chính trị và hệ tư tưởng trên thế giới này.

 

Xin được nhắc lại, liên quan đến sự sụp đổ của khối Hiệp ước Warsaw và sau đó là Liên bang Xô viết, triết gia chính trị người Mỹ Francis Fukuyama đã đưa ra luận điểm về “sự cáo chung của lịch sử“. Nó đặt trên cơ sở cho rằng, trong thế kỷ 20 – và đặc biệt là sau thất bại của chủ nghĩa phát xít – logic của lịch sử đã được quy giản thành cuộc đối đầu giữa hai hệ tư tưởng: chủ nghĩa tự do phương Tây và chủ nghĩa cộng sản Xô Viết. Tương lai, và theo đó là ý nghĩa của lịch sử, phụ thuộc vào kết quả của cuộc đối đầu này.

 

Và nay, theo Fukuyama, tương lai ấy đã đến, ở thời điểm mà Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, và những người theo chủ nghĩa tự do, vốn thừa nhận uy quyền tối cao của ý thức hệ phương Tây sẽ lên nắm giữ quyền lực ở Moscow. Từ đấy mà có luận đề “sự cáo chung của lịch sử”. Theo Fukuyama, lịch sử là lịch sử của các cuộc chiến tranh (nóng và lạnh), đối đầu và xung đột. Trong nửa sau thế kỷ 20, tất cả các cuộc xung đột và chiến tranh được quy giản thành sự đối đầu giữa phương Tây tư bản và tự do chủ nghĩa, với phương Đông cộng sản. Khi phương Đông sụp đổ, các mâu thuẫn biến mất. Chiến tranh chấm dứt (theo cách Fukuyama nghĩ). Và theo đó, lịch sử kết thúc.

 

Xem thêm: Sự cáo chung của lịch sử?

 

 

Chỉ trì hoãn chứ không từ bỏ

 

Thực tế, luận thuyết “sự cáo chung của lịch sử” đã đặt nền tảng cho toàn bộ hệ tư tưởng và thực tiễn của chủ nghĩa toàn cầu và toàn cầu hóa. Nó vẫn là cẩm nang hướng dẫn cho giới tự do chủ nghĩa phương Tây cho đến ngày hôm nay. Nó là ý tưởng được ủng hộ bởi George Soros, Klaus Schwab, Bill Gates, Jeff Bezos, Mark Zuckerberg, Barack Obama, Bernard Henri Levy, Hillary Clinton và… Joe Biden.

 

Giới tự do thú nhận rằng, không phải mọi thứ đều diễn ra suôn sẻ từ những năm 1990. Chủ nghĩa tự do và phương Tây phải đối mặt với nhiều vấn đề khác nhau, cùng với những thách thức mới (một Hồi giáo chính trị hóa, sự trỗi dậy mới của nước Nga và Trung Quốc, chủ nghĩa dân túy – bao gồm chính nội tại nước Mỹ dưới dạng thức Trump và chủ nghĩa Trump, v.v…). Những kẻ chủ trương toàn cầu hóa được thuyết phục rằng, cáo chung của lịch sử phần nào bị trì hoãn, nhưng nó là tất yếu và sẽ sớm xảy ra. Joe Biden, kẻ tin theo chủ nghĩa toàn cầu, đã chiến thắng trong cuộc bầu cử (hẳn không thật sòng phẳng) với cái khẩu hiệu về một “nỗ lực sống còn mới”, nhằm biến sự cáo chung của lịch sử thành hiện thực. Nó mang ý nghĩa bảo đảm cho sự thắng lợi cuối cùng của chủ nghĩa tự do trên phạm vi toàn cầu (“Build Back Better” thì cũng giống như là “Trở lại toàn cầu hóa lần nữa, và lần này thành công hơn”). Chủ trương đó cũng được công bố bởi Klaus Schwab, người sáng lập Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos, với tôn chỉ là cuộc “Tái thiết vĩ đại” [Great Reset] của một chiến lược hành tinh.

 

Fukuyama, và luận đề của ông ta, không phải đã khấu trừ bớt sự cáo chung ấy, mà đơn giản là việc thực thi nó được hoãn lại, một cách hoàn hảo về tư tưởng theo cách nhìn tổng thể của thế giới quan tự do. Trong 30 năm qua, chủ nghĩa tự do tiếp tục ngấm vào xã hội: trong công nghệ, các quá trình văn hóa xã hội, sự lan rộng của chính trị về giới (LGBTB +), giáo dục, khoa học, nghệ thuật, truyền thông xã hội, văn hóa xóa sổ (cancel culture) v.v… Và điều này không chỉ đúng với các quốc gia phương Tây, mà ngay cả các xã hội “khép hờ” [semi-closed societies] như các quốc gia Hồi giáo, Trung Quốc hay Nga, cũng thế.

 

 

Tái xuất các nền văn minh

 

Cũng trong những năm 1990, một tác gia người Mỹ khác, Samuel Huntington, đã phản bác Fukuyama với một biện giải khác về thời khắc lịch sử đương thời. Fukuyama là đại diện trung thành của chủ nghĩa tự do, một người chủ trương chính phủ thế giới, phi quốc gia hóa và phi chủ quyền hóa các quốc gia dân tộc. Huntington, trái lại, tuân thủ truyền thống của chủ nghĩa hiện thực, tức là công nhận chủ quyền như là nguyên tắc cao nhất trong các quan hệ quốc tế. Nhưng khác với các nhà hiện thực chủ nghĩa khác, giải thích nền chính trị thế giới trong khuôn khổ các quốc gia-dân tộc, Huntington tin rằng, sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, với sự sụp đổ của khối phương Đông và Liên Xô, sẽ không là sự cáo chung của lịch sử, mà các tác nhân mới sẽ xuất hiện và cạnh tranh lẫn nhau trên phạm vi hành tinh. Ông gọi đó là “các nền văn minh” và tiên đoán về sự xung đột giữa chúng trong bài báo nổi tiếng của mình.

 

Huntington đã tiếp tục như sau: Phe tư bản chủ nghĩa và phe xã hội chủ nghĩa không được tạo ra từ khoảng không của các bản thiết kế ý thức hệ trừu tượng, mà chính trên nền tảng văn hóa và văn minh xác định của các dân tộc và vùng lãnh thổ khác nhau. Nền tảng này đã được hình thành từ rất lâu trước khi khởi sinh cái hiện đại tính phương Tây và các hệ tư tưởng giản hóa luận thái quá của nó (với những chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa dân tộc). Và khi cuộc tranh luận về các hệ tư tưởng hiện đại chấm dứt (như đã xảy ra với sự triệt tiêu một trong hai cái cuối: chủ nghĩa cộng sản), từ bên dưới lớp định dạng bề mặt, những đường nét sâu xa của các nền văn hóa, tôn giáo và văn minh cổ đại sẽ nổi lên.

 

Xem thêm: Sự va chạm giữa các nền văn minh?

 

 

Kẻ thù thật và giả của chủ nghĩa tự do toàn cầu

 

Tính đúng đắn của Huntington đặc biệt rõ ràng vào đầu thế kỷ 21, khi phương Tây đối đầu với chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Tại thời điểm đó, bản thân Huntington đã chết trước khi ông có thể tận hưởng chiến thắng lý thuyết của mình. Còn Fukuyama thì thừa nhận là đã vội vã khi tuyên bố về những kết thúc cuối cùng, và thậm chí còn thúc đẩy quan điểm về “chủ nghĩa phát xít Hồi giáo”, mà khi đánh bại nó sẽ thật sự dẫn đến “cáo chung của lịch sử”, chứ không phải là cái cáo chung trước kia. Với điều đó, ông ta đã sai một lần nữa.

 

Và không chỉ liên quan đến Hồi giáo chính trị hóa. Đạo Hồi đã chứng tỏ là họ quá đa dạng trên thực tế, đến mức không thể liên kết thành một lực lượng duy nhất đương đầu với phương Tây. Điều đó, trong chừng mực, đã giúp ích cho các chiến lược gia phương Tây thao túng hiểm họa Hồi giáo và yếu tố chính thống Hồi giáo, nhằm biện minh cho sự can thiệp của mình vào đời sống chính trị ở các xã hội Hồi giáo Trung Đông hay Trung Á. Nhưng “hiểm họa” đó không thể đại diện cho sự thách thức thật sự về ý thức hệ.

 

Còn nghiêm trọng hơn rất nhiều [so với “hiểm họa” Hồi giáo], là việc Nga và Trung Quốc theo đuổi một quyền tối thượng trên thực tế. Nhưng lần này cũng vậy, Moscow hay Bắc Kinh đều không đối lập với những kẻ tự do chủ nghĩa và toàn cầu chủ nghĩa, theo nghĩa của bất kỳ hệ tư tưởng cụ thể nào (đặc biệt, từ khi chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc công nhận chủ thuyết tự do kinh tế sau những cải cách của Đặng Tiểu Bình). Họ là hai nền văn minh đã phát triển lâu đời trước cái hiện đại tính. Chính Huntington đã gọi họ là văn minh Chính thống giáo (Cơ đốc giáo phương Đông) trong trường hợp Nga, và văn minh Khổng giáo trong trường hợp Trung Quốc. Ông hoàn toàn đúng đắn khi nhận ra sự gắn kết đến các văn hóa tâm linh thâm sâu ở Nga và Trung Quốc. Các nền văn hóa thâm sâu này đã nhận biết chính mình ngay khi cuộc đối đầu ý thức hệ giữa chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa cộng sản kết thúc với thắng lợi trên bề mặt, chứ không phải thắng lợi thực chất (!), cho giới chủ trương toàn cầu. Chủ nghĩa cộng sản mất đi nhưng văn minh phương Đông, văn minh Âu-Á thì không.

 

 

Thắng lợi ở thế giới ảo

 

Những kẻ ủng hộ cáo chung của lịch sử không dễ dàng chấp nhận thất bại của họ. Họ bị cuốn vào những mô hình ý-thức-hệ-cuồng-tín về toàn cầu hóa và chủ nghĩa tự do đến mức không thể thấy bất kỳ tương lai nào khác, ngoại trừ sự cáo chung của lịch sử. Vì vậy, họ đã càng ngày càng cố chấp hơn, gắn với phiên bản ảo của nó. Nếu điều gì không thật, hãy khiến cho nó trông như thật, và mọi người sẽ tin là thật. Về bản chất, một thứ chính trị kiểm soát tâm trí đang được đặt cược vào, thông qua các nguồn lực thông tin toàn cầu, công nghệ mạng, sự quảng bá những tiện ích mới và sự phát triển cố kết người-và-máy. Đây chính là công cuộc “Tái thiết vĩ đại” được công bố bởi kẻ tạo lập Diễn đàn Davos, Klaus Schwab, và được Đảng Dân chủ Hoa Kỳ cùng Joe Biden bám riết vào. Bản chất của chính sách này là: nếu những người chủ trương toàn cầu hóa không kiểm soát được thực tế, họ phải hoàn toàn thống trị thế giới ảo. Họ sở hữu tất cả các nền tảng công nghệ mạng, giao thức, máy chủ, v.v… Do đó, dựa vào ảo giác điện tử toàn cầu và sự kiểm soát toàn bộ đối với ý thức, họ đã bắt đầu tạo ra một hình ảnh về thế giới mà ở đó, lịch sử đã kết thúc. Chỉ là một hình ảnh, không gì hơn. Nhưng cái đuôi mới thực sự quyết định con chó có ve vẩy hay không.

 

Như thế, Fukuyama vẫn duy trì được vai trò quan trọng của mình, nhưng không còn là một chuyên gia phân tích, mà với tư cách của một tay quản lý về PR trên phạm vi toàn cầu, đang ngoan cố áp đặt những quan niệm bị bác bỏ bởi phần lớn nhân loại.

 

Lần này, chủ nghĩa tự do biến thành thứ gì đó thật sự hung hãn và quả thật cực quyền.

 

 

“Cuộc chiến của Putin với trật tự tự do”

 

Đánh giá của Fukuyama về chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vì thế có vài điểm hay ho. Thoạt nhìn, dường như trong trường hợp này, phân tích của ông ta hoàn toàn không liên quan khi chỉ đơn giản lặp lại những luận điệu chống Nga sáo rỗng thường thấy của phương Tây, vốn chẳng có gì mới mẻ hay đủ thuyết phục chính họ – chỉ là thứ báo chí bài Nga. Nhưng xem xét kỹ hơn, bức tranh sẽ thay đổi phần nào, dù có lờ đi những cái đặc sắc nhất – lòng căm thù Nga, căm thù Putin đến điên cuồng, và tất cả những lực lượng nào đối đầu với cáo chung của lịch sử hay nhận biết giải thuật tư duy của ông ta – phản ánh dòng chính của lối tư duy phổ biến của giới tinh hoa toàn cầu chủ nghĩa.

 

Ở bài báo đăng trên Financial Times, Fukuyama nêu ra luận điểm chính, ở ngay tiêu đề “Cuộc chiến của Putin với trật tự tự do”.[2] Và luận đề này, tự nó, đã hoàn toàn chính xác.

Chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine là động lực quyết định để thiết lập nước Nga như một nền văn minh, như một cực tối thượng của một thế giới đa cực. Nó vừa vặn đến hoàn hảo với luận thuyết của Huntington, nhưng hoàn toàn trái ngược với “cáo chung của lịch sử” của Fukuyama (hay “xã hội mở” của Popper và Soros – đó là lý do tại sao cụ Soros lúc này đang vô cùng điên tiết).

 

Vâng, đây chính xác là “cuộc chiến với trật tự tự do”.

 

 

Tầm quan trọng then chốt của Ukraine

 

Tầm quan trọng của Ukraine đối với việc phục sinh nước Nga, với tư cách một quyền lực hoàn toàn độc lập của thế giới, đã được xác lập rõ ràng bởi các thế hệ các nhà địa chính trị Anglo-Saxon, từ nhà sáng lập khoa học này, là Mackinder, đến Brzezinski. Sớm hơn, nó được phát biểu như sau: không có Ukraine – Nga không là một đế chế, có Ukraine – nó là một đế chế. Nếu thay thế thuật từ “nền văn minh” hay “cực của thế giới đa cực” cho “đế chế”, thì ý nghĩa sẽ còn minh bạch hơn.

 

Phương Tây đã đánh cược vào Ukraine như là một lực lượng chống Nga, và vì mục đích này, đã bật đèn xanh và trao công cụ cho chủ nghĩa quốc xã và chủ nghĩa bài Nga cực đoan ở Ukraine. Bất kỳ phương tiện nào cũng tốt đẹp để chống lại nền văn minh Chính thống giáo và thế giới đa cực. Song, Putin đã không nhẫn nhịn, và bước vào trận chiến, không phải với Ukraine, mà với chủ nghĩa toàn cầu, với giới đầu sỏ thế giới, với cuộc Tái thiết vĩ đại, với chủ nghĩa tự do, với cáo chung của lịch sử.

 

Chính là ở đây, điều quan trọng nhất đã bộc lộ. Chiến dịch quân sự đặc biệt này không chỉ nhắm vào chủ nghĩa quốc xã bài Nga của Ukraine (phi phát xít hóa – cùng với phi quân sự hóa – là mục đích chính) mà còn hơn thế, là chống lại chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa toàn cầu. Rốt cuộc, đó chính là giới tự do chủ nghĩa phương Tây, những kẻ đã biến chủ nghĩa quốc xã ở Ukraine thành hiện thực, ủng hộ nó, vũ trang cho nó và dựng nó chống lại Nga – như một cực mới của thế giới đa cực. Thậm chí Mackinder đã gọi các vùng đất của Nga là “trục địa lý của lịch sử” (cũng là tiêu đề bài báo nổi tiếng của ông). Để lịch sử kết thúc (luận điểm toàn cầu chủ nghĩa, mục tiêu của cuộc “Tái thiết vĩ đại”), trục lịch sử cần phải bị phá vỡ, bị hủy diệtNga – với tư cách là một cực, với tư cách là một chủ thể tối thượng, với tư cách là một nền văn minh – đơn giản là không được tồn tại. Thủ đoạn quỷ quyệt của giới toàn cầu chủ nghĩa là làm xói mòn nước Nga theo cái cách đau đớn nhất, ly gián các dân tộc Slav phương Đông (mà thực chất, đều cùng là người Nga), để họ chống lại nhau, và thậm chí, chia rẽ Giáo hội Chính thống Nga, nơi gắn kết họ trong khuôn khổ của cùng một nền văn minh. Vì mục đích này, người Ukraine cần được đặt vào trong ma trận toàn cầu chủ nghĩa. Giới toàn cầu chủ nghĩa đã cố gắng giành quyền kiểm soát ý thức của xã hội với sự hỗ trợ của thông tin tuyên truyền, các mạng xã hội, và một chiến dịch khổng lồ để định hướng tâm lý và ý thức. Hàng triệu người Ukraine đã trở thành nạn nhân của nó trong những thập kỷ qua, và còn theo cách trầm trọng hơn từ sau Maidan năm 2014 và sự trỗi dậy công khai của chủ nghĩa quốc xã giả tạo ở Ukraine. Người Ukraine đã được thuyết phục rằng, họ là một phần của thế giới phương Tây (toàn cầu), và rằng: “Người Nga không phải là anh em, mà là kẻ thù cay nghiệt”. Và chủ nghĩa quốc xã Ukraine, trong một chiến lược như vậy, đã cộng sinh một cách hoàn hảo với chủ nghĩa tự do mà về bản chất, được nó dùng như một công cụ.

 

 

Cuộc chiến vì đa cực

 

Đây chính xác là những gì Putin muốn khi dấn vào một cuộc tranh đấu quyết định. Không phải chống lại Ukraine, mà vì Ukraine. Fukuyama hoàn toàn đúng trong trường hợp này. Những gì đang diễn ra hôm nay ở Ukraine là “cuộc chiến của Putin với trật tự tự do”. Đó là cuộc chiến với bản thân Fukuyama, với Soros và Schwab, với “cáo chung của lịch sử” và với chủ nghĩa toàn cầu, với bá quyền ở thế giới thực và thế giới ảo, với cuộc “Tái thiết vĩ đại”.

Các sự kiện kịch tính trong những ngày này ở Ukraine thể hiện thế lưỡng nan chính yếu của nhân loại. Qua đó, số phận của trật tự thế giới sắp đến sẽ được quyết định. Liệu thế giới có trở thành đa cực đích thực, nghĩa là dân chủ và đa tâm, nơi các nền văn minh khác nhau sẽ có quyền tự do lựa chọn số phận của chính họ (và chúng ta hy vọng rằng đây chính xác là những gì sẽ xảy ra – trong trường hợp chiến thắng sắp đến thuộc về ta), hoặc (lạy Chúa) thế giới cuối cùng sẽ đắm chìm trong vực thẳm của chủ nghĩa toàn cầu. Tuy nhiên, lần này, chủ nghĩa tự do sẽ không còn đối lập với chủ nghĩa quốc xã và phân biệt chủng tộc, mà trở nên gắn kết bất phân ly với chúng (như trường hợp ở Ukraine). Chủ nghĩa tự do hiện đại – sẵn sàng khai thác và ngó lơ cho chủ nghĩa quốc xã, nhằm đáp ứng các lợi ích của mình – là cái ác đích thực – một cái ác tuyệt đối. Đây chính là mục tiêu mà cuộc chiến hiện tại đang nhắm đến để xóa bỏ.

 

 

12 luận điểm của Gauleiter Fukuyama dựa trên tiền đề sai [3]

 

Một bài viết gần đây khác của Fukuyama được in ở tạp chí American Purpose,[4] một ấn phẩm của giới tân bảo thủ Mỹ (chính xác là những đại diện sáng giá nhất của chủ nghĩa quốc xã tự do), rất đáng quan tâm. Trong đó, Fukuyama đưa ra 12 luận điểm về những gì mà cuộc xung đột ở Ukraine sẽ bộc lộ. Chúng tôi sẽ trình bày toàn bộ ra đây. Cần lưu ý rằng, đó hoàn toàn là thông tin sai lệch và tuyên truyền của kẻ địch, và chúng tôi trình bày văn bản này với tư cách là tin giả.

 

1. “Nga đang hướng tới một thất bại hoàn toàn trước Ukraine. Kế hoạch của người Nga là kém cỏi, dựa trên một giả định sai lầm rằng, người dân Ukraine sẽ đứng về phía Nga, và quân đội của họ sẽ sụp đổ chóng vánh ngay sau cuộc xâm lược. Rõ ràng lính Nga đã mang theo quân phục cho lễ duyệt binh chiến thắng ở Kyiv, chứ không phải thêm đạn dược và lương thực. Putin lúc này đã tập trung phần lớn toàn bộ quân lực của mình vào chiến dịch – và không còn lực lượng dự bị lớn nào để có thể chi viện cho chiến trường. Quân đội Nga bị dồn tắc lại bên ngoài nhiều thành phố khác nhau của Ukraine, và phải đối diện với các vấn đề lớn về tiếp tế hậu cần cũng như những đợt tấn công liên tục từ Ukraine.”

 

Câu đầu tiên là quan trọng nhất. “Nga đang hướng tới một thất bại hoàn toàn trước Ukraine”. Mọi thứ khác đều được xây dựng trên sự kiện là câu này biểu diễn một “chân lý tuyệt đối”, và không thể không hoài nghi. Nếu chúng ta xử lý các phân tích thực tế, nó sẽ bắt đầu bằng một nan đề: nếu người Nga thắng thì…, nếu người Nga thua thì… Nhưng không có gì như vậy ở đây cả. “Người Nga sẽ thất bại bởi vì người Nga không tránh khỏi thất bại, điều đó nghĩa là người Nga đã thất bại. Và không có lựa chọn khác được xem xét, như thể chúng là tuyên truyền của chính người Nga.” Cái gì ở đây vậy? Là một chủ nghĩa quốc xã tự do đến độ hiển nhiên. Luận điệu tuyên truyền toàn cầu hóa ý thức hệ thuần túy, ngay từ đầu đạ đặt độc giả vô một thế giới ảo mà ở đó “lịch sử đã kết thúc”.

 

Sau đó, mọi thứ đều trở nên dễ đoán trong phạm vi của ảo giác được công cụ hóa. Chúng ta đang xử lý một mẫu psy-op.[5]

 

2. “Ưu thế của người Nga có thể sụp đổ đột ngột và thảm khốc, thay vì từ từ qua một cuộc chiến tiêu hao. Đến thời điểm nào đó quân đội trên chiến trường, vừa không được chi viện vừa chẳng thể thoái lui, sẽ suy sụp tinh thần. Điều này ít nhất đúng ở hướng bắc; người Nga đang làm tốt hơn ở hướng nam, nhưng khó mà duy trì những ưu thế này nếu phía bắc sụp đổ.”

 

Không chứng minh, mơ tưởng thuần túy. “Người Nga phải là kẻ thất trận vì họ là kẻ thất trận”. Và điều này chúng tôi nghe được là từ miệng của kẻ thất trận mẫu mực Fukuyama, kẻ mà tất cả các tiên đoán của hắn đều hiển nhiên bị bác bỏ như những thất bại mang tính sử thi.

 

Toàn bộ lập luận được xây dựng dựa trên giả định rằng, Moscow đã chuẩn bị cho một chiến dịch diễn ra hai hoặc ba ngày, sau đó là một lễ mít tinh mừng chiến thắng với hoa của người dân được giải phóng. Như thể người Nga là những kẻ ngu ngốc đến nỗi không nhận biết ba mươi năm tuyên truyền bài Nga, sự huấn luyện của phương Tây với lực lượng tân quốc xã và một quân đội có tầm mức châu Âu, được trang bị nhiều vũ khí (cũng bởi phương Tây) và được huấn luyện (nhìn ngược về thời Xô Viết, công tác huấn luyện khi ấy vốn đã bài bản), đang thay mặt phương Tây để phát động chiến tranh tại Donbass, và sau đó là Crimea. Nếu cuộc chiến không kết thúc được trong hai tuần, đó đã là “thất bại”. Lại là một ảo giác.

 

 

Phương Tây hiến sinh người Ukraine

 

Và Fukuyama tiếp tục một điều khá quan trọng:

 

3. “Không có giải pháp ngoại giao nào khả dĩ cho cuộc chiến trước khi nó xảy ra. Không có thỏa hiệp nào có thể nghĩ ra để cả hai phía Nga và Ukraine đều có thể chấp nhận với những tổn thất mà họ đã hứng chịu tính đến thời điểm này.”

 

Điều này có nghĩa là phương Tây vẫn tin tưởng vào luận điệu tuyên truyền ảo của chính họ, không chuẩn bị cho thỏa hiệp với Nga, và viện đến các kiểm chứng thực tế. Nếu phương Tây đợi đến khi Nga thất bại mới khởi động các đàm phán, thì đàm phán sẽ không bao giờ được khởi đầu.

 

4. “Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc một lần nữa đã chứng minh, họ vô dụng. Điều hữu ích duy nhất là cuộc bỏ phiếu của Đại Hội Đồng đã giúp nhận diện những vai ác và vai cơ hội của sân khấu chính trị thế giới.”

 

Ở luận điểm này, Fukuyama đang ám chỉ đến sự cần thiết phải giải tán Liên Hiệp Quốc và thay thế bằng Liên minh các nền Dân chủ, tức là tổ chức của các quốc gia chư hầu toàn diện cho Washington, sẵn sàng sống dưới ảo tưởng của “cáo chung của lịch sử”. Dự án này được đề xướng bởi McCain, một kẻ tự do chủ nghĩa quốc xã bài Nga khác, và đã bắt đầu được thực thi bởi Joe Biden. Mọi thứ đang diễn ra theo đúng cái kế hoạch “Tái thiết vĩ đại”.

 

5. “Các quyết định của chính quyền Biden – không tuyên bố vùng cấm bay hoặc hỗ trợ chuyển giao máy bay MiG của Ba Lan – đều là những quyết định đúng đắn; họ đã giữ được cái đầu lạnh trong thời khắc nhạy cảm. Tốt hơn nhiều hãy để người Ukraine tự mình đánh bại người Nga, tước bỏ cáo buộc của Moscow rằng NATO đã tấn công họ, cũng như tránh mọi khả năng leo thang hiển hiện của cuộc chiến. Chỉ riêng mấy chiếc MiG của Ba Lan sẽ chẳng thể gia tăng nhiều sức mạnh cho Ukraine. Quan trọng hơn hẳn là tiếp tục cung cấp tên lửa Javelins, Stingers, máy bay không người lái TB-2, vật tư y tế, thiết bị liên lạc, và chia sẻ thông tin tình báo. Tôi giả định rằng, các lực lượng Ukraine đang được điều hướng và hỗ trợ bởi tình báo NATO hoạt động từ bên ngoài Ukraine.”

 

Dù sao, về điểm đầu tiên, chúng ta có thể đồng ý với Fukuyama. Biden chưa sẵn sàng cho một cuộc đọ sức hạt nhân, điều sẽ đến ngay lập tức khi tuyên bố vùng cấm bay và các động thái tiếp theo sẽ đẩy NATO vào cuộc chiến. Cụm từ “người Ukraine tự mình đánh bại người Nga” nghe ích kỷ và tàn nhẫn nhưng tác giả không hiểu mình đang nói gì: đầu tiên, phương Tây đẩy người Ukraine chống lại Nga, rồi sau đó bỏ mặc họ đơn độc với chúng ta bằng cách kiềm chế sự hỗ trợ hiệu quả. Người Ukraine hầu như đang chiến thắng trong một thế giới mà lịch sử đã kết thúc. Và họ, trong tâm trí của Fukuyama, nên vui vì điều đó. Việc người Nga bị thất trận chỉ là vấn đề thời gian. Thực tiễn lại hoàn toàn khác, nhưng ai mà quan tâm đến chứ…

 

6. “Cái giá mà người Ukraine đang phải gánh chịu là rất kinh khủng, tất nhiên. Nhưng thiệt hại lớn nhất đến từ tên lửa và pháo kích, điều mà cả MiG lẫn vùng cấm bay đều không thể ngăn chặn. Điều duy nhất để chấm dứt sự tàn phá là đánh bại quân đội Nga trên thực địa.”

Khi Fukuyama nói từ “kinh khủng”, rõ ràng, nét mặt lãnh đạm của ông ta cho thấy ông ta không biết mình đang nói về cái gì.

 

 

Putin sẽ tồn tại. Sự khởi đầu mới của chủ nghĩa dân túy

 

Fukuyama bắt đầu cân nhắc về số phận của Putin. Trong cùng một chuỗi của những giấc mơ “cáo chung của lịch sử”. Một cách lãnh đạm, ông ta xác quyết:

 

7. “Putin sẽ không sống sót sau thất bại của quân đội. Hắn được ủng hộ bởi vì người ta coi hắn là một lãnh đạo tài trí, mạnh mẽ. Còn gì thể hiện nữa khi đã bộc lộ sự bất tài, yếu kém và bị tước bỏ khỏi quyền lực cưỡng chế của mình?”

 

Một luận điểm khác dựa hoàn toàn trên tiền đề đầu tiên. Sự thất bại của người Nga là không thể tránh khỏi, nghĩa là Putin cũng sẽ bị kết liễu. Còn nếu người Nga giành chiến thắng, thì đó chính là lúc Putin thực sự khởi đầu. Giờ, điều này mới quan trọng, không phải với một Fukuyama ảo tưởng, mà là với chúng ta.

 

Nếu Putin chết thì những nhà dân túy – kẻ thù quốc nội của giới toàn cầu chủ nghĩa phương Tây – cũng sẽ chết. Đã chết rồi đó.

 

8. “Cuộc xâm lược đã gây tổn thất to lớn cho giới dân túy toàn cầu, những người mà trước cuộc tấn công đã đồng loạt bày tỏ thiện cảm với Putin. Họ gồm Matteo Salvini, Jair Bolsonaro, Éric Zemmour, Marine Le Pen, Viktor Orbán và tất nhiên là Donald Trump. Chính trị của cuộc chiến đã phơi bày khuynh hướng độc đoán công khai của họ.”

 

Một kiểm chứng nhỏ: không phải tất cả những nhà dân túy đều bị ảnh hưởng trực tiếp bởi Nga. Matteo Salvini, chịu ảnh hưởng từ những thuộc cấp theo chủ nghĩa quốc xã tự do và chủ nghĩa liên Đại Tây Dương [Atlanticism], đã thay đổi thái độ thân thiện trước đây của mình đối với Nga. Những thiện cảm thân Nga của những người khác cũng không cần phóng đại thêm.

 

Ở đây, lần nữa có một điểm thú vị. Nếu một người chấp nhận quan điểm của Fukuyama rằng, các nhà dân túy hướng về Putin, họ thua nếu “người Nga bị đánh bại”. Còn trong trường hợp chiến thắng? Xét cho cùng, đây là “cuộc chiến của Putin với trật tự tự do”, và nếu ông ấy thắng, tất cả những nhà dân túy sẽ chiến thắng cùng với Moscow… Và khi đó, sự cáo chung của chế độ đầu sỏ toàn cầu cùng giới tinh hoa “Tái thiết vĩ đại” là không thể đảo ngược.

 

 

Bài học cho Trung Quốc và sự cáo chung của trật tự thế giới đơn cực

 

Cuối cùng, Fukuyama hướng sang số phận của Trung Quốc, đối thủ thứ hai muốn thành một cực trong trật tự thế giới đa cực.

 

9. “Cuộc chiến đến điểm này là bài học thích đáng cho Trung Quốc. Giống Nga, Trung Quốc đã xây dựng lực lượng quân sự ra vẻ công nghệ cao trong suốt thập niên qua nhưng không có kinh nghiệm thực chiến. Màn trình diễn tệ hại của Không lực Nga có thể được lặp lại bởi chính Không quân Quân Giải phóng Nhân dân, vốn cũng thiếu kinh nghiệm tác chiến trong các chiến dịch không chiến phức tạp. Chúng ta có thể hy vọng giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ không tự huyễn hoặc về sức mạnh quân sự, như cách người Nga đã thể hiện, khi dự mưu thôn tính Đài Loan.”

 

Lại lần nữa, cái chân lý toàn phần: nếu “người Nga đã thua”. Còn nếu họ đã thắng? Khi đó, ý nghĩa bài học cho Trung Quốc chính là sự đảo ngược. Nghĩa là, Đài Loan sẽ trở về bến cảng quê hương nhanh hơn người ta có thể nghĩ.

 

10. “Hy vọng Đài Loan sẽ thức tỉnh để chuẩn bị cho cuộc chiến như cách người Ukraine đã làm được, và khôi phục chế độ quân dịch bắt buộc. Hãy đừng là kẻ sớm bại trận.”

 

Sẽ đúng đắn hơn nếu biết tư duy thực tế và nhìn nhận mọi thứ như bản chất của nó, tính toán tất cả mọi yếu tố. Nhưng có vẻ sự thật đã cân nhắc đứng về phía chúng ta khi phương Tây, với những lý luận gia viễn vông kiểu Fukuyama, bị thôi miên bởi ảo giác của chính mình? Nếu họ trở thành nạn nhân của chính họ bởi chính những ảo tưởng đang ngoan cố áp đặt lên các nền văn minh khác rồi tự bẫy chính mình, thì họ, thực sự, rất đáng thương hại khi cố bám víu lấy nó cùng những lời tiên tri tự nghiệm của đế chế tin giả.

 

11. “Phi cơ tự hành Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở thành món hàng bestsellers.”

 

Hiện tại, mảnh vỡ của những bestseller kia đang được thu gom bởi những kẻ vô công rồi nghề, đầu trộm đuôi cướp tại các bãi rác ở Ukarine.

 

12. “Một thất bại của Nga sẽ ươm một “mầm sống mới của tự do” có thể xảy ra, và đưa chúng ta vượt thoát nỗi sợ hãi về tình trạng suy thoái của nền dân chủ toàn cầu. Tinh thần của năm 1989 sẽ sống mãi, nhờ vào hàng loạt những người Ukraine dũng cảm.”

 

Đây là một kết luận xuất sắc. Fukuyama đã biết về “sự thất bại của nước Nga”, cũng như ông ta đã biết về “sự cáo chung của lịch sử”. Và thế, chủ nghĩa toàn cầu sẽ được cứu vớt.

Còn nếu không?

 

Sẽ không còn chủ nghĩa toàn cầu nữa.

 

Và sau đó, chào mừng trở lại thế giới thực, thế giới của các dân tộc và các nền văn minh, các nền văn hóa và tôn giáo, thế giới của thực tại và tự do, thoát khỏi trại tập trung của chủ nghĩa tự do cực quyền.

———————

 

Chú thích của người dịch:

 

[1] Bản nguồn không có ngày xuất bản. Căn cứ vào nội dung, nó có thể được công bố không lâu sau bài Preparing for Defeat của Francis Fukuyama.

 

[2] Dugin nhắc đến bài Putin’s war on the liberal order, tại https://www.ft.com/content/d0331b51-5d0e-4132-9f97-c3f41c7d75b3

 

[3] Gauleiter: Hàm lãnh đạo cấp vùng của đảng viên Quốc xã Đức. Gauleiter cũng mang nghĩa một quan chức thấp nhưng hành xử kiểu độc tài.

 

[4] Dugin đề cập đến bài Preparing for Defeat https://www.americanpurpose.com/articles/preparing-for-defeat/.

Bản dịch tham khảo tại đây  https://nghiencuuquocte.org/2022/03/14/francis-fukuyama-nga-nen-chuan-bi-cho-that-bai-o-ukraine/

 

[5] Psy-op: Psychological operation: chiến dịch tâm lý.

 

 

Nguồn:

End of history that has never happened and Russian war on the liberal order [1], The Fourth Political Theory.

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats