Monday, 28 March 2022

TẠI SAO NHỮNG TUYÊN BỐ NGOÀI VĂN BẢN của TỔNG THỐNG BIDEN LẠI QUÁ NGUY HIỂM (Anthony Zurcher – BBC News)

 



NỘI DUNG :

 

Câu nói của Biden về Putin

Đàn Chim Việt  (Theo Washington Post)

.

Tại sao những tuyên bố ngoài văn bản của Tổng thống Biden lại quá nguy hiểm?

Anthony Zurcher  -  BBC News

.

================================================

.

.

Câu nói của Biden về Putin

Đàn Chim Việt  (Theo Washington Post)

28/03/2022

http://www.danchimviet.info/cau-noi-cua-biden-ve-putin/03/2022/25729/

 

Các nhà phân tích cho rằng tuyên bố của Tổng thống Biden rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin “không thể tiếp tục nắm quyền” có nguy cơ đẩy mối quan hệ Mỹ-Nga đang căng thẳng đi đến chỗ sụp đổ, tác động nghiêm trọng đến khả năng Hoa Kỳ giúp cuộc chiến ở Ukraine kết thúc và khả năng tránh cho cuộc xung đột này lan rộng.

 

Lời tuyên bố – một câu nói ngẫu hứng gồm 9 từ được đưa ra ở Ba Lan hôm cuối tuần – có vẻ phản ánh một sự thù ghét cá nhân vượt xa các tuyên bố trước đó, khi Biden gọi Putin là “kẻ giết người”, “đồ tể” và “tội phạm chiến tranh”.

 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng tuyên bố của Biden không phù hợp với tất cả các nhà lãnh đạo ở châu Âu. Ông nói rằng nếu muốn đạt một giải pháp thành công về ngoại giao “chúng ta không được để cho tình hình leo thang bằng lời nói hay hành động.” 

 

Tại Washington, tuyên bố này cũng vấp phải sự chỉ trích của Đảng Cộng hòa. Thượng nghị sĩ James Risch, trưởng nhóm Cộng hòa trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, gọi đó là một “sự hớ hênh khủng khiếp”.

 

Ông này nói tiếp: “Tôi nghĩ rằng hầu hết những người không làm việc trong lĩnh vực quan hệ đối ngoại đều không nhận ra rằng 9 từ mà Tổng thống Biden thốt ra sẽ gây ra sức nổ lớn như thế nào. Bất cứ khi nào ta nói, hoặc chỉ gợi ý thôi, về chuyện thay đổi chế độ cho một quốc gia khác, nó sẽ gây ra một vấn đề lớn.”

 

Samuel Charap, một chuyên gia về Nga tại tổ chức nghiên cứu Rand, cho biết nỗ lực của Tòa Bạch Ốc nhằm chữa cháy hoặc làm dịu bớt tuyên bố của Biden sẽ không làm thay đổi quan điểm ở Moscow bởi vì Putin từ lâu vẫn tin rằng Hoa Kỳ sẽ thay thế ông và theo truyền thống, các tuyên bố của tổng thống được coi là chính sách chính thức. 

 

Ông nói: “Tuyên bố này làm trầm trọng thêm nhận thức của Nga về mối đe dọa hiện có. Nga có thể có những hành vi thù địch mạnh hơn những gì họ đang làm để đáp trả. Đó quả là một thách thức. ”

 

Nhưng cũng có người cho rằng phát biểu của Biden nhằm chuẩn bị tinh thần cho các đồng minh sẵn sàng cho một chiến dịch trừng phạt kinh tế Nga kéo dài, đòi hỏi đồng minh có các quyết định chính trị và tài chính khó khăn.

 

Bài phát biểu của Biden ở Warsaw, diễn ra vài giờ sau cuộc gặp gỡ đầy xúc động với những người tị nạn Ukraine, còn nhằm mục đích thông báo quyết tâm của phương Tây chống lại các hành động của Nga và xa hơn nữa, là các chế độ chuyên quyền trên toàn thế giới. Nó lặp lại những khoảnh khắc mà các tổng thống Hoa Kỳ đã đối đầu với Moscow bằng các lời lẽ gay gắt, trong đó có phát biểu năm 1983 của Tổng thống Ronald Reagan gọi Liên Xô là một “đế chế xấu xa”.

 

Một ngày sau bài phát biểu, các quan chức Mỹ cho biết rằng họ không nghĩ Nga sẽ trả đũa, họ tìm cách làm giảm nhẹ tầm quan trọng của lời tuyên bố. Ngoại trưởng Antony Blinken đã giải nhiệt khi nói rằng Hoa Kỳ ‘không có kế hoạch thay đổi chế độ ở Nga’, mặc dù vào tuần lễ trước đó, ông Blinken có nói Hoa Kỳ đang đánh giá chuyện quân dội Nga đang phạm “tội ác chiến tranh” tại Ukraine.

 

Phản ứng trước mắt của Nga trước tuyên bố của Biden tương đối yên lặng, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói về tương lai chế độ của Nga: “Chuyện đó không phải do Biden quyết định. Tổng thống Nga do người Nga bầu ra ”.

 

Nhưng tuyên bố của Tổng thống Mỹ chắc chắn sẽ củng cố thêm niềm tin từ lâu của Putin là Hoa Kỳ muốn loại ông khỏi quyền lực. Niềm tin đó ít nhất đã có từ năm 2011, khi Ngoại trưởng Hillary Clinton cho rằng các cuộc bầu cử ở Nga là gian lận và Putin, đang giữ chức thủ tướng vào thời điểm đó, cáo buộc Hoa Kỳ kích động các cuộc biểu tình chống lại cuộc bầu cử.

 

Michael McFaul, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Moscow dưới thời Obama, cho biết: “Trong một thời gian dài, Putin gặp hoang tưởng về việc phương Tây đang tìm cách thay đổi chế độ chống lại chính phủ của ông ta.”

 

Biden đã không nói chuyện với Putin kể từ Nga tiến hành cuộc xâm lược vào ngày 24 tháng 2, Ngoại trưởng Blinken cũng không nói chuyện với Ngoại trưởng Lavrov, và nỗ lực gần đây để bộ trưởng quốc phòng hai nước gặp nhau cũng bất thành.

 

Nga cũng có thể phản ứng kiểu khác. Tòa Bạch Ốc đã đưa ra thêm cảnh báo về khả năng Nga sẽ có các cuộc tấn công mạng nhắm vào các cơ quan chính quyền hoặc các công ty lớn của Hoa Kỳ. 

 

Dù sao, tuyên bố của Biden cũng đặt ra câu hỏi sâu sắc, liệu Hoa Kỳ có còn đóng vai trò quan trọng nào để cuộc xung đột kết thúc một cách hòa bình, vốn đã làm hơn 3 triệu người tị nạn và chưa biết chính xác cái giá phải trả đối với những người còn ở lại Ukraine.

 

Hiện nay Hoa Kỳ không có vai trò trung gian trực tiếp giữa Kyiv và Matxcơva – trong khi Pháp, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước khác tìm cách thu xếp ngoại giao – nhưng Hoa Kỳ  là thành viên quyền lực nhất của NATO và là người dẫn đầu các lệnh trừng phạt của phương Tây. 

 

Điều đó có nghĩa là nếu quan hệ Mỹ – Nga sụp đổ, sẽ có những ảnh hưởng sâu rộng khó lường. 

 

==========================================

.

Tại sao những tuyên bố ngoài văn bản của Tổng thống Biden lại quá nguy hiểm?

Anthony Zurcher

Phóng viên Bắc Mỹ

28 tháng 3 2022, 11:38 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/world-60892450

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/65EA/production/_123909062_gettyimages-1387857628.jpg.webp

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Warsaw, Ba Lan vào ngày 26/03

 

Trong tuần qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có một loạt những tuyên bố không được soạn sẵn trong văn bản và điều này đã khiến mối quan hệ Nga-Mỹ tăng nhiệt, gần chạm ngưỡng nguy hiểm.

 

Tuy nhiên, dòng tuyên bố không được chuẩn bị trước, được bổ sung vào phần cuối của bài phát biểu quan trọng tại Ba Lan vào ngày thứ Bảy 26/03 - dường như kêu gọi lật đổ Tổng thống Nga Vladimir Putin - có lẽ đã gây khó khăn nhất.

 

Trong bài phát biểu trước giới chức trong chính phủ và những nhân vật cấp cao của Ba Lan tại Lâu đài Hoàng gia ở Warsaw, thì Tổng thống Mỹ một lần nữa cảnh báo thế giới đang rơi vào cuộc xung đột mang tính định hình kỷ nguyên giữa các nền dân chủ và độc tài.

 

Ông cũng cam kết Nato sẽ bảo vệ "mỗi inch" lãnh thổ của các quốc gia thành viên trong liên minh. Ông cũng cam kết tiếp tục hậu thuẫn Ukraine, mặc dù lưu ý rằng sẽ không đưa quân đội Mỹ giao chiến trực tiếp với quân đội Nga tại Ukraine.

 

Đây là một bài phát biểu mang tính đối đầu nhưng được 'đo ni đóng giày' thống nhất với những tuyên bố của giới chức Mỹ từ Ngoại trưởng Antony Blinken trong hàng tháng qua.

Sau đó, ngay trước khi nói lời "cảm ơn" và "tạm biệt" thì ông Biden đã thêm phần đề cập đến người đồng cấp Nga: "Ơn Chúa, người đàn ông này [Putin] không thể nắm quyền."

 

Biden hăng quá nói nhầm, làm dư luận tưởng Mỹ đòi lật đổ Putin ở Nga?

Nga đánh Ukraine: Putin có lặp lại sai lầm 'sa lầy' như Mỹ ở Việt Nam?

 

Chuẩn bị bắn pháo hoa.

 

"Bài phát biểu - và những lộ trình liên quan đến Nga - thật sự gây sốc, nếu dùng ngôn từ lịch sự," người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói. "Ông ta [Biden] không hiểu là thế giới không chỉ có nước Mỹ và phần lớn châu Âu."

 

Và Mỹ lùi bước.

 

"Quan điểm của Tổng thống là Putin không được phép thực thi quyền lực đối với các nước láng giềng hoặc khu vực. Ông ấy không nói về quyền lực của Putin ở Nga, hay sự thay đổi chế độ", một quan chức Nhà Trắng giải thích sau bài phát biểu của Biden tại Warsaw.

 

Tốc độ nước Mỹ phát đi thông tin "làm rõ" - sau đó theo tuyên bố của Ngoại trưởng Blinken - cho thấy Mỹ hiểu rõ sự nguy hiểm tiềm tàng trong từ ngữ mà ông Biden đã sử dụng.

 

Trước đó thì Tổng thống Mỹ đã gọi ông Putin là một "tên đồ tể". Tuần rồi thì ông Biden dường như đi trước tiến trình ngoại giao trong chính quyền của mình khi cáo buộc nhà lãnh đạo Nga phạm tội ác chiến tranh.

 

Trong cả hai trường hợp thì bài phát biểu của ông Biden đã bị phía Moscow lên án và cảnh báo rằng mối quan hệ ngoại giao Nga-Mỹ đang bị chệch sang mức có thể bị đổ vỡ.

 

Có một lằn ranh giữa việc lên án lãnh đạo một quốc gia - thông thường là khi ngôn từ ngoại giao tăng nhiệt quá mức - và kêu gọi sự lật đổ. Cũng có một lằn ranh mà cả người Mỹ và người Liên Xô đều tôn trọng thậm chí vào cao điểm Chiến tranh Lạnh. Và đó là lằn ranh mà Tổng thống Mỹ Joe Biden rõ ràng đã vượt qua.

 

"Thay đổi chế độ" là điều gì đó mà các quốc gia quyền lực bị cáo buộc áp đặt lên quốc gia yếu thế hơn - không phải là điều một quốc gia có vũ khí hạt nhân yêu cầu nước khác.

 

Trước ngày Chủ nhật 27/03, thậm chí một số đồng minh của Mỹ đã cố gắng tạo khoảng cách với những tuyên bố của ông Biden.

 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo người đồng cấp Mỹ đang khiến các cuộc đàm phán Nga và Ukraine về một lệnh ngừng bắn trở nên rủi ro.

 

"Chúng ta muốn chấm dứt cuộc chiến tranh của Nga tại Ukraine mà không khiến tình hình thêm leo thang," ông nói. "Nếu đây là điều chúng ta muốn làm, chúng ta không nên khiến tình hình leo thang - không bằng ngôn từ hay hành động."

 

Tại Washington, các lãnh đạo trong Quốc hội Mỹ cũng bày tỏ quan ngại. Idaho Republican và Jim Risch, các nghị sĩ Đảng Cộng Hòa trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã gọi phát biểu của Biden là một "lỗi lớn".

 

"Tôi ước gì họ đã khiến ông ta đọc theo văn bản," ông nói. "Bất cứ khi nào nói hoặc thậm chí làm, đề cập đến chính sách thay đổi chế đó thì điều đó sẽ gây nên một vấn đề lớn. Chính quyền Biden đã làm mọi điều để ngăn chặn tình hình leo thang. Và không có chuyện gì khiến tình hình leo thang căng thẳng hơn lời kêu gọi thay đổi chế độ cả."

 

Lịch sử những phát biểu ngoài văn bản

 

Tổng thống Biden được biết đến với một thói quen không tốt đó là phát biểu ngoài văn bản, và khiến ông rơi vào những tình huống nguy hiểm. Những phát biểu đó đã đi chệch với các tuyên bố của tổng thống và đôi khi khiến giới chức trong chính quyền Tổng thống Obama nản lòng thời ông Biden còn giữ chức Phó Tổng thống Mỹ. Và tuy nhiên những tuyên bố đó hoàn toàn không phải vô tình. Chúng có thể để lộ trái tim hay thậm chí đầu của ông Biden nằm ở đâu - và cả những cái đầu xung quanh ông muốn Biden nên kín miệng hơn.

 

Đôi khi đây là một sức mạnh chính trị, theo Tom Nichols, một nhà báo từ The Atlantic nhận định, điều này cho phép ông Biden kết nối thật sự với cảm xúc của người dân Mỹ. Nhưng trong thời khắc khủng hoảng ngoại giao hiện nay thì ngôn từ không khéo chọn có thể dẫn đến hậu quả - và đó là điểm yếu.

 

"Thật khó để trách ông Biden đã nhượng bộ tâm trạng của mình sau khi nói chuyện với những người dân đã thống khổ vì sự dã man của Putin," nhà báo Nichols viết. "Nhưng ngôn từ của mọi nhà lãnh đạo thế giới đều rất quan trọng lúc này và của vị Tổng thống Mỹ là quan trọng nhất."

 

Ông Biden có thể rin rằng mối quan hệ Mỹ-Nga đã bị tổn hại đến mức sẽ không được cứu vãn nếu Putin còn nắm quyền. Nói rõ ra như vậy, tuy vậy có thể khiến mục tiêu cấp bách của Mỹ là chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine trong khi giữ vững được tính toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine trở nên khó khăn hơn.

 

Cuộc chiến tại Ukraine sẽ không đi theo cách mà ông Putin đã dự tính. Quân đội bị sa lầy trong cuộc chiến cay đắng và thương vong gia tăng. Nền kinh tế bị bóp nghẹt dưới sức ép của các lệnh trừng phạt quốc tế. Nước Nga đang ngày càng trở nên bị cô lập với phần còn lại của thế giới.

 

Tình trạng này có khả năng dẫn đến việc giảm leo thang căng thẳng mà Mỹ và các đồng minh đã kêu gọi - nhưng cũng có thể khiến ông Putin bị dồn vào thế bí. Và nếu nhà lãnh đạo Nga cho rằng quyền lực của mình đang gặp nguy hiểm và tin rằng nước Mỹ đang thực hiện mục tiêu đó một cách không che giấu thì cuộc khủng hoảng Ukraine có thể không được xoay chuyển sang một nền hòa bình.

 

*

Nhà Trắng nói Tổng thống Biden không kêu gọi thay đổi chế độ ở Nga

27 tháng 3 năm 2022

 

------------

Xem thêm:

Biden hăng quá nói nhầm, làm dư luận tưởng Mỹ đòi lật đổ Putin ở Nga?

 

Nga đánh Ukraine: Putin có lặp lại sai lầm 'sa lầy' như Mỹ ở Việt Nam?

 

Nga đang thừa nhận cuộc xâm lược Ukraine diễn ra không theo kế hoạch?

 

Người tị nạn Ukraine trở thành 'mồi ngon' của tội phạm tình dục




No comments:

Post a Comment

View My Stats