Sunday 24 February 2019

NHÀ HOẠT ĐỘNG NGUYỄN HOÀNG QUỐC HÙNG RA TÙ (Đàn Chim Việt)




24/02/2019

Sau đúng 9 năm tù của nhà tù cộng sản, ngày hôm nay, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng đã mãn hạn tù và trở về trong vòng tay chào đón của gia đình bạn hữu. Nhiều người chưa từng gặp anh đã nhiệt liệt chúc mừng sự trở về của anh trên các trang mạng xã hội.

Xem Video

Trông Nguyễn Hoàng Quốc Hùng gầy hơn, nhưng rắn giỏi và rất vững vàng.

Nguyễn Hoàng Quốc Hùng (người cầm bánh), Đỗ Thị Minh Hạnh (áo xanh)

9 năm trước đây Hùng bị bắt và bị kết án cùng Đỗ Thị Minh Hạnh và Đoàn Huy Chương. Ba người tham gia nhóm công đoàn độc lập và tranh đấu cho các quyền của công nhân Việt Nam. Đây là tổ chức không được chính quyền thừa nhận.

Ba nhà hoạt động bị bắt tháng 2 năm 2010 (cách đây tròn 9 năm) và vào tháng 10 cùng năm, họ bị xử với tội danh “phá rối an ninh trật tự nhằm chống lại chính quyền nhân dân” theo điều 89 Bộ Luật Hình sự.

Nguyễn Hoàng Quốc Hùng bị án 9 năm tù giam, Đỗ Thị Minh Hạnh và Đoàn Huy Chương cùng bị 7 năm tù giam.

Cả ba người đã không yêu cầu có luật sư bào chữa, bởi không tin tưởng vào hệ thống pháp lý của Việt Nam.

Họ bị cáo buộc “xúi giục” công nhân của một công ty giày da tỉnh Trà Vinh tổ chức đình công.

Cả 3 bị cáo đều rất bất khuất trước tòa và giữ vững tinh thần kiên cường trong suốt những năm tháng bị giam giữ.

Đỗ thị Minh Hạnh là người được trả tự do sớm nhất do sức ép quốc tế mạnh mẽ và bà Trần Thị Minh, mẹ của Minh Hạnh đi qua nhiều quốc gia để vận động cho con gái.

Đoàn Huy Chương ra tù cách đây 2 năm và bây giờ là Quốc Hùng – thành viên cuối cùng của nhóm.

Cả 3 được cho là thành viên của công đoàn độc lập và được bảo trợ bởi Ủy ban Bảo vệ Người Lao Động được thành lập ở Warszawa, Ba Lan.

Một số hình ảnh của Nguyễn Hoàng Quốc Hùng ngày hôm nay :



(Ảnh Facebook Võ Hồng Ly)

----------------------------------------------

RFA
02-24-2019

Tù nhân Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, người bị Tòa án nhân dân tỉnh Trà Vinh tuyên 9 năm tù giam với cáo buộc tội danh “Phá rối an ninh trật tự nhằm chống lại chính quyền nhân dân theo Điều 89 Bộ Luật Hình cũ vừa mãn hạn tù và trở về với gia đình tại TPHCM vào sáng 24/2/2019. 

Ảnh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đỗ Thị Minh Hạnh chụp ngày 24/2/2019.  Facebook Trần Bang

Anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng bị bắt vào tháng 2/2010 sau khi cùng với 2 đồng sự là Đỗ Thị Minh Hạnh và Đoàn Huy Chương trong Phong trào Lao Động Việt rải truyền đơn kêu gọi công nhân công ty giày da Mỹ Phong ở Trà Vinh đình công.

Kết quả là khoảng 10 ngàn công nhân ở 2 chi nhánh của công ty ở Trà Vinh đình công trong nhiều ngày với lý do được báo trong nước cho là "Việc xét khen thưởng không công bằng trong tính toán tiền lương, tiền thưởng, nhiều công nhân khi ký hợp đồng lao động không biết được nội dung bản hợp đồng.”

Tối ngày 24/2, anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng qua điện thoại cho Đài Á Châu Tự Do biết, khi ra tù sức khỏe tốt nhưng nói thêm là ông phải cập nhật tình hình và tin tức ở bên ngoài trước khi trả lời phỏng vấn.

Còn cô Đỗ Thị Minh Hạnh, người bị tuyên 7 năm tù giam trong cùng vụ án, nhưng ra tù sớm hơn thời hạn vào năm 2014 cho hay, bà rất hạnh phúc khi thấy anh Hùng trở về lành lặn.

“Cảm xúc của mình rất là hạnh phúc vì một người cộng sự trở về sau 9 năm và cảm xúc của những người từng đồng cam cộng khổ chiến đấu với mình. Ngày hôm nay được xuất hiện trước mặt mình bằng da thịt, bằng một sức mạnh tinh thần kiên vững bền chí thì không có gì tuyệt vời hơn,” bà Đỗ Thị Minh Hạnh xúc động cho biết.

Anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, sinh năm 1981 tại Tiền Giang và sinh sống tại TPHCM làm  nghề sửa chữa máy vi tính.

Báo Công an Nhân dân hồi năm 2010 khi tường thuật về phiên tòa xử 3 nhà hoạt động công đoàn đã cho rằng, ông Hùng từng bị Công an TP HCM lập biên bản cảnh cáo về hành vi cấu kết với một số đối tượng chống đối chính trị, khiếu kiện cực đoan, gây rối trật tự công cộng.

Tờ báo là cơ quan ngôn luận của Bộ Công an quy kết ông Trần Ngọc Thành, người đứng đầu “Ủy ban bảo vệ người lao động Việt Nam” đưa Hùng, Hạnh sang Malaysia đào tạo, huấn luyện, rồi đưa về nước “thực hiện các vụ kích động biểu tình, rải truyền đơn ở Trà Vinh, Đồng Nai, TP HCM”

Theo đó, nội dung truyền đơn được miêu tả là kêu gọi người dân chống lại đảng Cộng sản, Nhà nước, kêu gọi “đấu tranh để đòi dân chủ”, lợi dụng các vấn đề còn thiếu sót trong chế độ lao động, tiền lương của công nhân ở một số  khu công nghiệp để tổ chức tuyên truyền, kích động công nhân đình công, biểu tình, phá hoại máy móc, nhà xưởng, tài sản của doanh nghiệp.

Hồi tháng 11/2018, Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP hay TPP-11) cùng các văn kiện liên quan trong đó có quy định chính quyền phải cho phép người lao động được tự do thành lập các tổ chức nghiệp đoàn tự do để tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, điều mà Việt Nam không cho phép hàng chục năm qua.




No comments:

Post a Comment

View My Stats