Friday 15 September 2017

"KỶ LUẬT THÉP" CŨNG KHÔNG CỨU NỔI ĐẢNG CỘNG SẢN (Trung Nguyễn)




Trung Nguyễn
15/09/2017

Lại thêm một bài xã luận có tựa “Vấn đề đạo đức trong xây dựng Đảng hiện nay” trên tạp chí Cộng sản với nội dung kêu gọi các đảng viên cộng sản phải có “đạo đức”, phải học tập “tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh”, và thêm một cái là “kỷ luật thép”.

Mấy chục năm qua trên đất nước này, người dân như chúng tôi phải liên tục nghe các lãnh đạo đảng cộng sản rao giảng về đạo đức, vậy mà bây giờ tạp chí Cộng sản cho rằng “Xây dựng Đảng về đạo đức” là “tư duy mới trong xây dựng Đảng”. Có lẽ tác giả bài xã luận quan trọng này của đảng cộng sản được đăng vào ngày 2/9 là … Việt kiều mới về nước hay người nước ngoài mới học tiếng Việt, nên không biết gì về chuyện chính trị trên đất nước này mấy chục năm qua?

Dù không phải là một Giáo sư, Tiến sỹ ngành xây dựng đảng “hoành tráng” như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng của đảng cộng sản, tôi cũng xin góp ý vài lời với Hội đồng lý luận trung ương của đảng cộng sản nhằm xây dựng “đảng ta” “trong sạch”, “vững mạnh”.

Chất keo gắn kết một đảng là tư tưởng, ý thức hệ, “kỷ luật thép” là cái theo sau
Một đảng chính trị được định nghĩa là một nhóm người có chung mục tiêu và quan điểm chính trị, tập hợp lại với nhau một cách có tổ chức, tìm cách ảnh hưởng tới chính sách công bằng cách đưa ứng cử viên của đảng vào các vị trí dân cử.

Điểm đầu tiên quan trọng nhất của một đảng chính trị là tập hợp những người có cùng chung tư tưởng chính trị. Tư tưởng chính trị chính là chất keo giữ các đảng viên trung thành với đảng, cũng như các đảng viên trung thành với nhau. Vậy thì cái tư tưởng của đảng cộng sản có còn phù hợp và đúng đắn hay không? Chúng ta thử khảo sát nhanh một vài điểm rất mâu thuẫn và vô lý trong tư tưởng, lý luận của đảng cộng sản ngay trong bài xã luận quan trọng 2/9 trên.

Thứ nhất, việc nói đến “đạo đức cách mạng” hay “tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” để thực hiện thành công chủ nghĩa cộng sản là chuyện mâu thuẫn. Chủ nghĩa cộng sản xuất phát từ quan niệm “duy vật”, “vật chất quyết định ý thức”. Ở đây nếu phải dựa vào “đạo đức” hay “tâm” của cán bộ cộng sản để xây dựng chủ nghĩa cộng sản là chuyện mâu thuẫn với luận điểm căn bản nhất trong lý luận duy vật. Những nhà lý luận Mác xít, những lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam đã “tự diễn biến, tự chuyển hóa” để trở thành “duy tâm”, hay nói dễ hiểu hơn là “chủ quan, duy ý chí”.

Thứ hai, tư tưởng của Hồ Chí Minh là “quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, có nghĩa là cá nhân phải hy sinh cho một “nhân dân”, “tập thể” chung chung nào đó. Thế nhưng, “tập thể” nào cũng đều cấu thành từ những cá nhân, không có hai cá nhân nào giống nhau hoàn toàn và chỉ có cá nhân mới biết rõ điều gì làm họ hạnh phúc. Không có cá nhân thì không có tập thể. Không thể có chuyện một tập thể hạnh phúc nhưng các cá nhân trong tập thể đó lại bất hạnh vì phải “hy sinh” cho cái tập thể đó.

Tương tự, không thể nói cả dân tộc Việt Nam có độc lập, tự do khi từng cá nhân công dân Việt Nam còn chưa có quyền làm chủ đất nước. Công dân Việt Nam chưa có quyền trưng cầu dân ý, chưa có quyền phúc quyết hiến pháp, chưa có quyền tự do ứng cử, tự do bầu cử để bầu ra lãnh đạo quốc gia, chưa có quyền sở hữu đất đai, tài sản của mình.

Sự phát triển của các nước dân chủ, văn minh trên thế giới đều dựa trên sự tôn trọng cá nhân, tôn trọng quyền con người, không được phép nhân danh “tập thể”, “nhân dân”, hay “quốc gia” để chà đạp lên bất kỳ con người cá nhân nào. Nhiệm vụ của chính phủ là tạo điều kiện tối đa cho từng cá nhân, từng công dân có điều kiện tự nỗ lực để hoàn thành ước mơ, mục tiêu cuộc đời họ.

Ước mơ của những người muốn vào đảng cộng sản, theo như “quảng cáo” trong bài báo, là để “phục vụ nhân dân” chứ không phải để “làm quan phát tài”. Như vậy là việc các đảng viên có chức quyền được phục vụ nhân dân là hạnh phúc của họ chứ người dân Việt Nam chúng tôi hoàn toàn không cần các đảng viên đó phải đau khổ, phải “hy sinh quên mình” vì chúng tôi. Nếu họ không thích làm việc trong bộ máy nhà nước thì họ cứ làm những công việc đem lại hạnh phúc cho họ mà không vi phạm pháp luật là được. Việc quốc gia đại sự hãy để những người khác hoặc những đảng chính trị khác làm.

Thứ ba, việc đòi “quét sạch chủ nghĩa cá nhân” đi ngược với việc đòi “chuyên chính vô sản”, đòi độc quyền nhà nước. Đảng cộng sản thực ra là một tập hợp những cá nhân theo chủ nghĩa cộng sản. Khi đảng cộng sản đòi “chuyên chính”, tức là “độc tài”, nghĩa là đã tự cho tập hợp các cá nhân trong đảng được đặc quyền đặc lợi là cai trị người dân mà không cần do dân bầu ra. Việc đòi “chuyên chính vô sản”, đòi “độc quyền nhà nước” chính là chủ nghĩa cá nhân ở mức độ cao nhất, kinh khủng nhất vì nó ảnh hưởng tai hại đến toàn thể người dân, vi phạm tới “công bằng xã hội” là mục tiêu trên “quảng cáo” của đảng cộng sản.

Còn rất nhiều điều mâu thuẫn, vô lý trong tư tưởng, lý luận, mục tiêu của đảng cộng sản. Ở đây tôi chỉ nêu ba điểm nổi bật. Chính vì tư tưởng, mục tiêu mâu thuẫn nhau, lời nói mâu thuẫn với việc làm nên việc người dân và đảng viên cộng sản không tin vào đảng cộng sản nữa là chuyện bình thường. “Chất keo” gắn kết các đảng viên với nhau là tư tưởng đã tan rã thì việc tăng cường “kỷ luật thép” hay “đạo đức cách mạng” là vô ích. Nếu các lãnh đạo đảng cộng sản tiếp tục bám vào tư tưởng, lý luận như hiện nay thì chuyện sụp đổ là không thể tránh khỏi.

Tác phẩm LNK Infomedis của điêu khắc gia Gintaras Karosas, làm từ 3000 cái ti vi cũ mà dân Lithuania mà phải nghe CS tuyên truyền dối trá và lừa bịp, vừa được khánh thành năm 2001, thì bức tượng của Lenin đã bị giật sập. Nguồn: internet


Pháp luật chuẩn mực cho cả quốc gia mới là giải pháp chứ không phải là “đạo đức”, “kỷ luật” cho riêng một đảng nào
Việc hô hào đạo đức hay kỷ luật đảng cũng cho thấy một điều là hệ thống pháp luật hiện hành không áp dụng được vào thực tế, không áp dụng được cho các đảng viên cộng sản có chức có quyền. Đối với người dân thì đảng cộng sản áp dụng cái gọi là “pháp luật”, còn đối với các đảng viên cộng sản thì các lãnh đạo đảng áp dụng cái gọi là “kỷ luật thép” trong đảng.

Thật ra thì cuối cùng cái gọi là “pháp luật” hay “kỷ luật đảng” đó cũng chỉ là do ý chí của các lãnh đạo đảng cộng sản muốn áp dụng đến đâu mà thôi. Ví dụ điển hình nhất là các đại án tham nhũng do Tổng bí thư đảng cộng sản chỉ đạo trực tiếp. Nếu một quốc gia có pháp luật chuẩn mực thì thẩm phán chỉ việc xét xử theo luật chứ không cần chỉ đạo từ ai cả. Do đó, các lãnh đạo đảng cộng sản đang hết sức “duy tâm”, phản bội lại quan niệm “duy vật” của chủ nghĩa cộng sản.

Kinh tế thị trường không phải là thủ phạm, pháp luật tùy tiện mới là thủ phạm
Một điểm vô lý nữa trong luận điểm của các nhà lý luận cộng sản là đổ thừa việc đảng viên cộng sản tham nhũng, hủ bại là do “kinh tế thị trường”. Các quốc gia khác đều có kinh tế thị trường nhưng các đảng chính trị ở đó không hủ bại, tham nhũng tệ như đảng cộng sản Việt Nam. Tổ chức Minh bạch Quốc tế cho biết, chỉ số cảm nhận tham nhũng của Việt Nam năm 2016 đứng thứ 113/176.

Các nước dân chủ, văn minh chống tham nhũng bằng cách có nhiều đảng chính trị để giám sát lẫn nhau, tạo thành hệ thống kiểm soát và cân bằng quyền lực. Thêm vào đó là có báo chí tự do để người dân có thể lên tiếng khi có tiêu cực xã hội, và tòa án độc lập để xét xử bất kỳ ai tham nhũng mà không phải e ngại “đánh chuột đừng để vỡ bình”. Ngoài ra còn nhiều hội đoàn, tổ chức xã hội dân sự để giám sát việc thực thi pháp luật của chính quyền.

Các lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam cũng biết vậy và hô hào “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” nhưng dân hoàn toàn không có quyền gì trên thực tế vì các quyền nào của dân cũng không được cụ thể qua các đạo luật. Rút cuộc, chủ trương, chính sách của giới lãnh đạo cộng sản nghe rất kêu trên lý thuyết nhưng không thể đưa vào cuộc sống vì không cụ thể được qua pháp luật chuẩn mực.

Cục trưởng Cục chống Tham nhũng Phạm Trọng Đạt từng thú nhận: “Tham nhũng là những người có chức vụ quyền hạn, chống lại cơ chế xin cho. Chúng tôi chống lại có khi chết trước”. Ngay cả quan còn không dám chống tham nhũng thì người dân như chúng tôi chống tham nhũng làm sao?

Hãy “dân chủ thực chất” đi!
Do đó, để đảng cộng sản cũng như cả đất nước tránh sụp đổ chính là giải pháp thứ sáu trong bài viết:
“Thứ sáu, thực hiện dân chủ thực chất trong Đảng và trong xã hội. Đây là giải pháp và điều kiện không thể thiếu để giáo dục, rèn luyện đạo đức cho cán bộ, đảng viên. Chế độ ta là chế độ dân chủ. Mọi quyền lực của chế độ đều thuộc về nhân dân”.

Khi tác giả bài báo phải kêu gọi thực hiện “dân chủ thực chất” có nghĩa là “dân chủ” từ trước tới nay ở Việt Nam là dân chủ hình thức, giả tạo. Điểm đầu tiên để bắt đầu một nền “dân chủ thực chất” chính là một bản hiến pháp chuẩn mực được toàn dân phúc quyết. Không làm được điều này thì mọi biện pháp, hô hào của giới lãnh đạo cộng sản chỉ là giả dối.

Lãnh đạo không chính trực thì tương lai đất nước tối đen như mực. “Dân quyền hiện thực, pháp quyền chuẩn mực, chính quyền chính trực” chính là giải pháp cho Việt Nam, giải pháp cho đoàn kết dân tộc, và cũng là giải pháp để cứu đảng cộng sản khỏi sụp đổ.

© Copyright Tiếng Dân







No comments:

Post a Comment

View My Stats