Thursday 21 September 2017

BÁO CHÍ MỸ NÓI VỀ PHÁT BIỂU CỦA TRUMP TẠI LIÊN HIỆP QUỐC (Thanh Phương - RFI)




Đăng ngày 21-09-2017

Bài phát biểu đầu tiên của tổng thống Donald Trump tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ngày 19/09/2017 dĩ nhiên đã được báo chí Mỹ hôm qua đặc biệt chú ý, nhất là giọng điệu rất cứng rắn của ông đối với những quốc gia « côn đồ » như Bắc Triều Tiên và Iran, hai quốc gia đang và đã từng có tham vọng sở hữu vũ khí nguyên tử. Tùy theo xu hướng, các báo Mỹ đánh giá khác nhau về phát biểu của ông Trump.

Tổng thống Trump phát biểu tại Đại hội đồng LHQ ngày 19/09/2017. Reuters

Theo nhận định của tờ Washington Post, những ai vẫn lo ngại rằng tổng thống Trump từ bỏ những giá trị truyền thống của Mỹ, có thể thấy an tâm sau khi nghe bài phát biểu của tổng thống Hoa Kỳ ở LHQ. Nhưng đồng thời bài phát biểu lại gây lo ngại cho những người khác.

Theo Washington Post, ông Trump đã kịch liệt đả kích những chế độ tước hết quyền tự do của người dân như Bắc Triều Tiên hay Venezuela, nhưng ông cũng lên án những chính quyền chuyên chế muốn phá bỏ những giá trị, những hệ thống và những liên minh đã giúp tránh tái diễn xung đột và đưa thế giới đến tự do kể từ sau Thế chiến Thứ Hai. Khi bảo vệ chủ quyền của Ukraina và tự do hàng hải Biển Đông, ông Trump như vậy đã thách thức Trung Quốc và Nga.

Nhưng tổng thống Mỹ làm cho mọi người ít an tâm hơn khi đả kích « Rocket Man », biệt danh mà ông đặt cho lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong – Un và dọa « hủy diệt hoàn toàn » nước này. Lãnh đạo của một cường quốc tự mình tỏ ra vừa yếu thế vừa hiếu chiếu qua những lời lẽ dữ dằn như vậy. Và giữa hai thái cực đó, ông Trump lại liên tục nhấn mạnh đến chủ quyền và tỏ ý thán phục « những quốc gia độc lập và hùng mạnh ».

Và theo ông, « quốc gia – Nhà nước vẫn là phương tiện tốt nhất để nâng cao điều kiện sống của con người ». Chắc chắn là chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc và tổng thống Vladimir Putin của Nga sẽ hoan nghênh quan điểm này của ông Trump, vì hai lãnh đạo Nga Trung cũng đòi thế giới phải tôn trọng « chủ quyền » của đất nước họ và yêu cầu những nước khác đừng bảo họ tuân theo những giá trị phổ quát về nhân quyền và dân chủ.


Còn theo tờ The Atlantic, bài phát biểu đầu tiên của ông Donald Trump lại là bài phát biểu kém hiệu quả nhất, yếu kém nhất và do dự nhất của một vị tổng thống Mỹ tại diễn đàn LHQ. Tờ báo này đặc biệt chú ý đến hai hồ sơ mà ông Trump nên lên, đó là Iran và Bắc Triều Tiên.

Theo tờ báo này, tổng thống Trump được cho là sẽ từ chối chứng nhận  Iran tuân thủ hiệp định hạt nhân năm 2015, trái với lời khuyên từ nội các của ông. Lẽ ra trong bài phát biểu tại LHQ, tổng thống Mỹ nên giải thích tại sao Iran bị xem là không tuân thủ hiệp định hạt nhân và Teheran cần phải làm gì để được chứng nhận. Lẽ ra, ông nên đề ra chiến lược rõ ràng trong trường hợp rút khỏi hiệp định hạt nhân với Iran. Đằng này, ông Trump chỉ liệt kệ những hành động « khiêu khích » và « xâm lấn » của Iran ở Trung Đông và tuyên bố hiệp định hạt nhân ký với Iran là « một trong những hiệp định tệ hại nhất mà Hoa Kỳ tham gia cho tới nay ».

Cũng theo The Atlantic, những tuyên bố của tổng thống Trump về Bắc Triều Tiên thì còn tệ hại hơn. Lẽ ra, ông nên tranh thủ dịp này để giải thích cho cả thế giới tại sao chương trình tên lửa đạn đạo là một mối đe dọa cho hòa bình trên toàn cầu. Rằng chế độ họ Kim đã liên tục vi phạm những hiệp định trước đây và Kim Jong Un nay không chỉ tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân để tự vệ, mà còn muốn phá vỡ liên minh giữa Mỹ với Hàn Quốc và dùng vũ lực để thống nhất bán đảo Triều Tiên. Thế mà ông Trump lại chủ yếu nói về sự đàn áp của chế độ Bình Nhưỡng với người dân trong nước, trong khi đây không phải nguyên nhân chính gây ra khủng hoảng hiện nay.

Cũng theo The Atlantic, lẽ ra tổng thống Trump phải nói rằng nếu Bắc Triều Tiên tấn công Hoa Kỳ hay các đồng minh của Mỹ, Washington sẽ tiêu diệt chế độ họ Kim. Đằng này, ông Trump lại dọa sẽ « hủy diệt hoàn toàn » cả đất nước và người dân Bắc Triều Tiên, một điều hoàn toàn trái với chủ thuyết của Mỹ từ bao thập niên qua.

Như vậy thì người ta chỉ có thể kết luận rằng, tổng thống Trump chẳng biết phải đối phó như thế nào trước hiểm họa tên lửa đạn đạo Bắc Triều Tiên. Rõ ràng ông vẫn ấm ức về chuyện quân đội và bộ trưởng Quốc Phòng khuyên ông không nên mở tấn công ngăn ngừa vào Bắc Triều Tiên.

The Atlantic cũng lưu ý rằng trong bài phát biểu trước LHQ, ông Trump đã không đả động đến những tham vọng địa chính trị của Trung Quốc và Nga, có nhắc qua vấn đề Ukraina và Biển Đông, nhưng lại không nêu đích danh Nga và Trung Quốc.


Còn tờ Los Angeles Times thì đặt câu hỏi trong hàng tựa: « Liệu bài phát biểu về « Rocket Man » của Trump có sẽ dẫn chúng ta đến chiến tranh » ?

Theo tờ báo này, vấn đề đối với lời đe dọa của Trump không chỉ là ngôn từ trẻ con ( Rocket Man ) mà ông sử dụng, hoặc là nó làm cho người ta không còn chú ý đến những nội dung còn lại trong bài phát biểu, mà là lời đe dọa đó rất có thể sẽ phản tác dụng.

Tờ báo dẫn lời ông Richard Haass, Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho rằng cười nhạo Kim Jong –Un « rất có thể sẽ càng khiến Bắc Triều Tiên thêm quyết tâm phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa hơn là buộc họ hạn chế hoặc từ bỏ những vũ khí đó ».

Tờ báo nhắc lại trong thương lượng ngoại giao, muốn thành công thì bao giờ cũng phải dùng chính sách cây gậy và củ cà rốt. Trong khi đó, Trump lại không làm như vậy. Ông chỉ bảo rằng con đường duy nhất để Bắc Triều Tiên giải tỏa khủng hoảng là từ bỏ toàn bộ chương trình hạt nhân, nhưng lại không đưa ra một bảo đảm nào cho chế độ Bình Nhưỡng nếu họ chấp nhận giải pháp đó.

Theo Los Angeles Times, cách làm như thế thì có thể đạt kết quả trong chuyện buôn bán địa ốc ở New York, nhưng không thể nào thành công với một quốc gia có chủ quyền, đang nắm vũ khí hạt nhân trong tay, mà lại rất đa nghi.

Tổng thống Trump nay cũng dọa rút khỏi hiệp định hạt nhân Iran, mà người tiền nhiệm Obama đã ký kết và cũng nói thêm là nếu thay đổi được chế độ ở Teharan thì càng tốt. Los Angeles Times đặt câu hỏi : Vậy thì Bắc Triều Tiên làm sao mà hy vọng sẽ được đối xử tốt hơn. Những thông điệp trái ngược nhau đó sẽ không thúc đẩy Kim Jong Un ngồi vào bàn đàm phán.


Đối với tờ The National Interest, bài phát biểu của ông Trump tại LHQ thể hiện một thay đổi lớn, nhưng đây không phải là một sự thay đổi mà các nhà quan sát chờ đợi.

Theo The National Interest, sau hơn sáu tháng nhà tỷ phú New York ở Nhà Trắng, người ta vẫn chưa biết nhiều về « hai ông Trump ». Một « Trump Trình Diễn », chuyên viết tin nhắn Twitter và đưa ra những bình luận vừa phẫn nộ từ những người chống đối ông, nhưng lại gây hào hứng cho những người ủng hộ ông. Và một « Trump Nghiêm Chỉnh », một người ra quyết định với quyết tâm và suy nghĩ chín chắn.

Chính ông « Trump Nghiêm Chỉnh » đã đưa ra quyết định về chính sách Afghanistan và loan báo một hành động mới trong một bài phát biểu chừng mực. Nhưng ông « Trump Nghiêm Chỉnh » lại không được thể hiện trong những bài diễn văn về chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Mỹ. Bài diễn văn tại thượng đỉnh NATO đầu tiên của tân tổng thống Mỹ lại vô cùng thảm hại, vì trong đó ông lại dùng những ngôn từ như vào lúc còn tranh cử và có những phát biểu thiếu chín chắn.

Nhưng theo The National Interest, tại LHQ, ông Donald Trump đã thể hiện là một nhà lãnh đạo tầm cỡ thế giới. Theo nhãn quan của ông Trump, nền tảng của trật tự thế giới chính là những quốc gia hùng mạnh. Các định chế đa quốc gia và định chế quốc tế chỉ là những « siêu cấu trúc » nằm bên trên. Và nếu những định chế đó không phục vụ đúng nhu cầu của các quốc gia, thì ông không cần đến họ.

Theo The National Interest, nhãn quan này đối lập với nhãn quan cho rằng chính các tổ chức quốc tế phải áp đặt trật tự thế giới thông qua một cơ chế lãnh đạo toàn cầu. Và để được như thế, các quốc gia phải trao thêm quyền cho các tổ chức đó. Nhưng cũng có một nhãn quan khác của những nước như Nga và Trung Quốc. Hai nước này không muốn thế giới bị áp đặt toàn bộ các chuẩn mực mà chỉ lấy những gì họ muốn và sửa đổi lại theo đứng yêu cầu của họ.

The National Interest khẳng định, tuy trong bài diễn văn tại LHQ tổng thống Trump đã không chỉ đích danh Matxcơva và Bắc Kinh trong danh sách những « bad boy » phá hoại trật tự thế giới như Kim Jong Un, nhưng chắc chắn là chính quyền Trump vẫn xem Nga và Trung Quốc là hai chế độ đối nghịch.

Khi gia tăng ủng hộ Ukraina và tiến hành các chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông, tổng thống Trump muốn cảnh báo Matxcơva và Bắc Kinh rằng nếu họ đụng đến Mỹ thì Mỹ sẽ không để yên.

--------------------------------

Đăng ngày 20-09-2017

Ai cũng biết rằng ông Donald Trump không phải là một nhân vật ôn hòa, nhưng hôm qua cả thế giới đã sững sờ khi nghe tổng thống Hoa Kỳ lên tiếng đe dọa « hủy diệt  hoàn toàn » Bắc Triều Tiên. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một vị tổng thống Mỹ đưa ra lời đe dọa tiêu diệt một quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc. Cho tới nay, người ta chỉ nghe những lời đe dọa như vậy từ chế độ như Bình Nhưỡng.

Quang cảnh phiên họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 72 tại New York ngày 19/09/2017. REUTERS/Brendan McDermid

Khi phát biểu như trên, ông Donald Trump có lẽ muốn thể hiện quyết tâm của Washington bằng mọi giá ngăn chận Bắc Triều Tiên trang bị vũ khí hủy diệt hàng loạt, cho dù chính quyền Hoa Kỳ hiện nay biết rằng họ không thể chọn ngay giải pháp quân sự với chế độ Bình Nhưỡng. Bởi vì, mọi can thiệp quân sự nhằm tiêu diệt kho vũ khí tên lửa và hạt nhân của Bắc Triều Tiên đều chứa đựng nhiều nguy cơ đối với các đồng minh của Mỹ trong khu vực, đặc biệt là Hàn Quốc và Nhật Bản, những nơi hoàn toàn nằm trong tầm bắn của tên lửa Bắc Triều Tiên.

Bộ trưởng Quốc Phòng Jim Mattis, khi được hỏi về bài phát biểu của tổng thống Trump hôm qua, đã tuyên bố rằng chính quyền Hoa Kỳ vẫn muốn giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên « thông qua các phương tiện ngoại giao ».

Các biện pháp trừng phạt ngày càng nặng nề của Liên Hiệp Quốc nhắm vào chế độ Bình Nhưỡng cho tới nay hầu như không có tác dụng, trong khi mà chính quyền Mỹ vẫn chưa vạch ra được chiến lược nào khác một cách rõ ràng. Nga và Trung Quốc, tuy bỏ phiếu thông qua các biện pháp trừng phạt mới của Liên Hiệp Quốc, vẫn thúc giục Hoa Kỳ tìm cách đối thoại với Bắc Triều Tiên. Nhưng phía Mỹ cho rằng hiện chưa phải là lúc mở lại đàm phán chính thức với chế độ Kim Jong-Un.

Trong khi đó, tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, bài phát biểu của tổng thống Trump có giọng điệu ngày càng hiếu chiến với Bắc Triều Tiên. Tệ hại hơn, tổng thống Mỹ còn đặt hai chế độ Bình Nhưỡng và Teheran vào chung một rọ mang tên là « quốc gia côn đồ ». Bất chấp việc Iran đã chấp nhận ký với các cường quốc một hiệp định về ngưng chương trình hạt nhân của nước này cách đây hai năm, nhưng tổng thống Trump lại dọa sẽ rút khỏi hoặc sửa đổi hiệp định này.

Theo nhận định của chuyên gia Mark Fitzpatrick, thuộc Viện Quốc tế Nghiên Cứu Chiến Lược, IISS, việc ông Trump so sánh Bình Nhưỡng với Teheran có thể khiến cho Kim Jong-Un càng thấy cần phải trang bị vũ khí nguyên tử và tên lửa đạn đạo để đối đầu với Hoa Kỳ, và không thể nào thương lượng một hiệp định tương tự với Mỹ để rồi cũng sẽ có chung số phận như Iran.

Khi thương lượng hiệp định hạt nhân Iran năm 2015, chính quyền Obama vẫn luôn nhấn mạnh rằng thỏa thuận này nhằm chứng tỏ Washington sẵn sàng thương lượng với bất cứ đối thủ nào có thiện chí, ám chỉ đến những quốc gia như Bắc Triều Tiên.

Với những vụ bắn tên lửa và thử hạt nhân khiêu khích cộng đồng quốc tế, Bình Nhưỡng coi như đã loại trừ khả năng đạt thương lượng ngoại giao. Nhưng các đồng minh của Mỹ vẫn không muốn tổng thống Trump từ bỏ hẳn giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên.

Hôm qua, phát biểu trước ông Trump, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi chọn con đường ngoại giao. Một sự mong đợi không được đáp trả. Vài phút sau, tổng thống Mỹ đã dọa « hủy diệt hoàn toàn » Bắc Triều Tiên và như vậy ông đã khép chặt hơn nữa cánh cửa đối thoại với Bình Nhưỡng.

Nếu Kim Jong Un tiếp tục cho bắn tên lửa và thử hạt nhân mà chính quyền Trump vẫn không có hành động quân sự nào để « hủy diệt hoàn toàn », thì lúc đó còn gì là uy tín của Hoa Kỳ ?

-------------------------

LIÊN QUAN :





No comments:

Post a Comment

View My Stats