Lê
Mạnh Hùng
April 11, 2017
Nhưng năm gần đây, tôi thường sang Mỹ, ít nhất là một
lần một năm. Và mỗi lần đi như vậy tôi vẫn có tránh không đi máy bay của hãng Mỹ.
Không phải vì tôi có thành kiến gì với nước Mỹ – trái lại là khác, tôi vẫn còn
cảm ơn nước Mỹ đã cho tôi một cơ hội học vấn tại một trong những trung tâm kích
thích trí tuệ nhất của thế giới cũng như kinh nghiệm sống tại một đất nước dân
chủ tự do – mà là vì trong những năm gần đây, các hãng máy bay Mỹ càng ngày
càng đối xử với hành khách tệ hại hơn so với các hãng máy bay Âu Châu hoặc Á
Châu.
Thành ra khi vụ hãng hàng không United Airlines trở
thành trung tâm của một cơn bão truyền thông xã hội vào tuần này với một video
được truyền đi cho thấy một hành khách bị hành hung cưỡng bách đuổi ra khỏi chỗ
của mình trong một chuyến bay của United từ Chicago đi Louisville thì tuy rằng
tôi cảm thấy ghê tởm, nhưng không thấy ngạc nhiên.
Một trong những điều mà những băng video như vậy trở
thành “viral” và được phổ biến đi trên khắp thế giới là vì chúng đã thể hiện được
một cái gì đó về cuộc sống của chúng ta hiện nay. Có quá nhiều chuyện làm chúng
ta cảm thấy bất lực, cả về chính trị và kinh tế. Và điều này đặc biệt là đúng tại
Mỹ mà dân chúng vốn được truyền thụ sâu đậm ý thức hệ tự lập. Một cuộc khảo sát
của Gallup năm 2015 cho thấy một đa số rất nhiều người Mỹ đồng ý với những câu
như “Quốc Hội thì tách rời với những người Mỹ bình thường” và “tập trung vào
nhu cầu của những quyền lợi đặc biệt.”
Thế nhưng cảm giác đó dính líu gì đến sự kiện
United? Tuy rằng hầu hết người dân – ngoại trừ ở những nước Cộng Sản độc tài –
không thường xuyên có quan hệ với nhà nước, nhưng hầu như tất cả chúng ta đều
là những người tiêu thụ. Và việc chúng ta càng bị đối xử một cách khinh thị đã
phản ảnh rõ tình trạng phân hóa xã hội một ngày một gia tăng trên khắp thế giới,
đặc biệt là ở Mỹ nơi mà phân hóa giầu nghèo gay gắt hơn nhiều so với Âu Châu.
Và tình trạng phân biệt đối xử này được thấy một
cách rõ ràng hơn cả khi chúng ta đi máy bay. Các công ty hàng không càng ngày
càng nghĩ cách tìm ra những hình thức mới mẻ hơn để o bế chiều chuộng một số nhỏ
hành khách trong lúc đối xử với đa số hành khách một cách ngày càng khinh miệt.
United Airlines chỉ là một trường hợp điển hình. Ðầu năm nay, United thay thế
ghế ngồi của các hành khách đi “Business Class” bằng những ghế giường nằm đầy đủ
với đèn có thể điều chỉnh sáng tối, và chăn mền đệm trải giường của Saks Fifth
Avenue. Thế nhưng hành khách đi vé “Coach” thì phải hài lòng với chật chội và
phải trả thêm tiền nếu muốn có thêm chỗ để chân. Hành khách đi loại ghế mới của
United, “Basic Economy” thì còn không được chọn ghế và không được mang theo người
quá một tấm hành lý xách tay.
Những phản ứng đầu tiên của United về vụ này chỉ làm
người ta thấy rõ thêm thái độ coi thường của họ đối với những khách hàng bình
thường. Theo nhật báo New York Times, một phát ngôn nhân của United đã biện
minh với tòa báo rằng “chúng tôi đã mấy lần lễ độ yêu cầu ông ấy rời chỗ.” Làm
như là như vậy là đủ để biện minh cho việc hành hung sau đó. Ông Oscar Munoz, tổng
giám đốc United, viết trong một email gởi cho nhân viên đã không những không
xin lỗi mà còn tỏ ra ủng hộ cho nhân viên của mình vì những hành động này. Và
chỉ khi thấy bị áp lực quá lớn và với giá cổ phần của United tại Wall Street đi
xuống mất $600 triệu mới chịu lên tiếng xin lỗi tuy rằng vẫn còn ngượng nghịu.
Vào năm 2017 này, có vẻ như ít nhất là tại Mỹ khách
hàng là thành phần ít quan trọng nhất trong mọi chuyện giao dịch, trừ phi ông
(hay bà) đó trả tiền thật cao. Lấy thí dụ như chăm sóc sức khỏe. Trong lúc những
nhà giầu có thể, qua việc trả thêm vài ngàn đô la, có một bác sĩ riêng luôn luôn
sẵn sàng phục vụ cho mình thì các bệnh nhân bình thường càng ngày càng phải hài
lòng với những giới hạn mà các HMO đặt cho.
Nhưng sự kiện United này còn có một loạt những cái
khác đáng làm chúng ta suy nghĩ. Tại đây, chúng ta có thể thấy sự kiện bạo lực
hóa gia tăng trong xã hội Mỹ với các quan chức càng ngày càng phản ứng với những
tranh chấp bình thường bằng những hành động bạo hành gia tăng. Tuy nhiên, cũng
có một khía cạnh làm chúng ta lạc quan hơn là người ta nay có những khả năng
gia tăng để đưa những hành động này ra trước công luận – qua các phương tiện
truyền thông xã hội – với hy vọng rằng công lý sẽ được thực hiện. Sau cùng là sự
kiện nạn nhân là một người Á Châu, một người Mỹ gốc Việt và một bác sĩ cũng làm
chúng ta suy nghĩ. Có nhiều người chỉ ra rằng vụ này có thể sẽ không lôi kéo
nhiều chú ý đến như vậy nếu nạn nhân là một người da đen hay là người Mexico. Một
số khác thì chỉ ra rằng nạn nhân có thể được cảnh sát và nhân viên hãng hàng
không đối xử khác, nếu ông là da trắng. Nó có thể là một cú sốc cho nhiều người
trong cộng đồng người Việt tại Mỹ vốn không nghĩ rằng mình có thể bị đối xử như
một công dân hạng nhì.
No comments:
Post a Comment