Tuesday, 25 April 2017

VIỆC CHÍNH PHỦ DƯƠNG VĂN MINH ĐẦU HÀNG (Tạ Văn Tài)




April 19, 2017 12:16 AM

Thưa Đại tá Giao Chỉ Vũ Văn Lộc,
Viet Museum, San Jose, California

Vì Đại tá bcc: cho tôi các lời bàn về bài viết “Gửi vòng hoa tang cho Đại tướng Dương Văn Minh”, tôi xin góp chuyện ngắn ngủi với vài chi tiết xác thực về những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng Hoà cuối tháng 4, 1975 kết thúc bằng việc chính phủ Dương Văn Minh đầu hàng – vì cũng gần đến ngày giỗ kỵ 41 của ngày 30 tháng 4, 1975 nó kết thúc quãng đời đáng ghi nhớ trong nước trứơc 1975 của nhiều người Việt Nam, mà Đại Tá đã có nhiều công gây dựng đài kỷ niệm vật chất (museum) và tinh thần (các tác phẩm) mà chúng tôi có nhiều thiện cảm và ngưỡng mộ. Tôi nghiệm thấy các bài của Đại tá đầy sự bao dung trong sự vun sới tình đồng bào và tình huynh đệ chi binh, muốn tặng vòng hoa cho vị quân nhân đàn anh, vì thế tôi cũng muốn góp vài chi tiết cho việc hiểu thêm những nỗ lực vì chiến sĩ và đồng bào Việt Nam của Đại Tướng Minh và chính phủ của ông, trả lại công lý cho họ mà không oán trách họ, đi đến thông cảm và đoàn kết hơn trong sự chiêm nghiệm lịch sử (Ở đây, tôi không bàn đến những chuyện khác trong đời binh nghiệp và chính trị trước đó của ông, thì dụ có phải Đại tướng đã kín đáo để hai ngón tay trên thắt lưng khi đứng trên bao lan trong Tổng Tham Mưu—như một tin đồn nói, không biết đúng hay sai—là để ra lệnh, có thể là lệnh của cả mấy tướng kia nữa, là đòan công tác đi rước Tổng thống Ngô Đình Diệm và ông Nhu tại Chợ Lớn về Tổng Tham Mưu trong vụ đảo chánh 1963 cứ việc thanh tóan cả hai người, cho tránh bị lật ngược thế cờ như đảo chánh 1960. Đây là lời Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, ổng nói với tôi—nhân lúc tâm sự khi làm việc chung phòng ở Harvard–là các cuộc đảo chánh ở Việt Nam đều có mặt các sĩ quan Đảng Đại Việt của ông, kể cả trong Đảo Chánh 1963 thì có các đại tá Nhan Minh Trang và Huỳnh văn Tồn).

Trước sự tiến quân vũ bão của quân đội Bắc Việt lấn chiếm mỗi ngày một tỉnh Miền Nam Việt Nam vào tháng 4, 1975, trên xe bọc thép chạy nối đuôi nhau (bumper-to-bumper, theo không ảnh của Mỹ chụp và có người trong Tòa Đại Sữ Mỹ tả với tôi lúc đó), kèm với xe tăng và trọng pháo do Liên Sô và Trung Quốc giúp, trong khi người Mỹ đã quyết định không viện trợ quân sự cho Việt Nam nữa (Tổng Thống Thiệu lên TV chửi Mỹ kỳ kèo 700 triệu xuống 300 triệu gì đó, rồi đập bàn tuyên bố từ chức, làm quân và dân hoang mang), thì Đại tướng Minh và các người trong chính phủ ông đã được Mỹ và Pháp (qua hai đại sứ Martin và Merillon) bày kế cho Tổng Thống Trần Văn Hương (mà Hà nội không ưa vì cho là chống họ quyết liệt), là mời Đại Tướng Minh làm Tổng Thống với sự uỷ nhiệm của quốc hội, thì mới có thể thương lượng lập chính phủ ba thành phần mà có giải pháp hoà bình. Đại Tuớng Minh và các người cộng sự trong chính phủ của ông, và cả các Đại sứ Mỹ và Pháp, cũng đã ước tính là Miền Nam không còn có đủ sức mạnh quân sự để chống cự, và nếu chống cự thì Saigon sẽ tan tành, một cảnh mà chính Tổng thống Hương cũng nói với đại tướng Minh là phải tránh, cho nên phải tìm giải pháp thương luợng. Đại sứ Merillon lúc đó nghĩ rằng có thể tin vào lời nói của Lê Đức Thọ về chính phủ 3 thành phần là một lối thóat, cho nên hỏi Giáo sư Vũ Văn Mầu là “ông đã sẵn sàng cầm quyền (assumer le pouvoir) chưa?” (nghị sĩ Bùi Tường Huân kể lại cho tôi vào hôm đó), tức là làm thủ tướng cho chính phủ D V Minh, để tiến hành kế họach hòa bình như Pháp đà bàn với Lê Đức Thọ. Mỹ cũng chỉ mong rút nốt quân đội còn trong nhóm tuỳ viên quân sự Defense Attaché Office/DAO, và đúng thế, ngay sau khi cầm quyền Thủ Tướng V. V. Mẫu yêu cầu Mỹ rút phái bộ DAO.

Thiết nghĩ Mỹ lúc đó đã rút hết mọi ý định can dự vào Việt Nam và chỉ cần có lời mời của Việt Nam rút nốt sự hiện diện, là có cớ rút hết sự hiện diện của Mỹ và tổ chức di tản người Mỹ khỏi Việt Nam, mà không xấu hổ vì đơn phương bỏ chạy, thì do đó Mỹ cũng chỉ mong nhờ cậy vào Pháp thương lượng gìùm một giai dọan hòa bình cho Việt Nam. Còn Pháp thì muốn tái lập lại vai trò quan trọng hơn cho mình tại Việt Nam trong một giai đọan hòa bình, sau khi Mỹ rút, cho nên ông Merillon mới hăng hái như vậy.

Còn đại tướng D. V. Minh và các cộng sự trong chính phủ của ông, theo lời một thành viên trong nội các của tướng Minh nói vói tôi lúc đó, thì cũng chỉ mong tạo được một giai đọan chuyển tiếp hòa bình, trong đó đồng bào Việt Nam nào không thấy mình sống nổi trong chế độ cộng sản sắp tới, thì có một thời gian thu xếp ra đi khỏi nước mà được đón tiếp tại các nước từng là thân thiện với Việt Nam Cộng Hòa—y như thời gian 100 ngày cho đồng bào Bắc Việt có được, nhờ Hiệp Định Geneva 1954, để di tản trong hòa bình trật tự, từ Bắc vô Nam Việt Nam–như vậy là cưú đồng bào hay chiến sĩ nào tại Miền Nam nghĩ mình, sau khi Cộng sản chiếm ưu thế, sẽ bị tù đầy, thủ tiêu, nếu ở lại, có con đường sống còn ở bên ngòai Việt Nam. Họ nghĩ muốn giúp đồng bào và chiến sĩ nhiều hơn là chỉ có một điểm cứu Saigon mà thôi, mà cụ Trần Văn Hương nghĩ tới, vì cụ Hương chỉ nói, cũng như các lãnh đạo Phật giáo và Công giáo đã khuyên thêm, là mong sao cho Đại Tướng tránh cho Saigon không thành biển máu. Việc Cộng Sản Bắc Việt thắng quân sự là điều không tránh nổi, vì quân đội VN Cộng Hoà đã tan hàng như ai cũng biết và như lời Trưởng Phòng 5/Hành Quân của Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực VNCH là Đại Tá Nguyễn Mộng Hùng nói với tôi, giọng thều thào nản chí, vào cuối tháng 4 là: “Tài ơi! Lính nó không đánh nữa, mà về nhà bồng bế vợ con chạy, sau khi thấy cấp trên bỏ chạy!”. Cho nên không ai nên nghĩ là gỉai pháp tìm một nền hòa bình tạm thời trong một thời gian sau, là gỉai pháp mà chỉ có các lực lượng phản chiến Phật giáo nghĩ tới, và lực lưọng Phật giáo xúi Tướng Minh đầu hàng, vì như trên trình bày, đó lá cả một diễn tiến suy tư và kế họach, từ đồng minh Mỹ, nước bạn Pháp, đến các lực lương tôn gíáo lớn có quần chúng và lo cho dân, họ đều tìm cách cứu dân khỏi chết vô ích, bằng một nền hòa bình trong sự nhẫn nhục không tránh nổi—nên nhớ là có nhiều đại diện Công gíáo, thí dụ đại diện liên danh nghị sĩ thân Công giáo là cụ Nguyễn Văn Huyền, trong chính phủ Dương Văn Minh, trong một cái mà ta có thể gọi là chính phủ đại đoàn kết quốc gia (government of national union), rất đẹp lòng người trong thời điểm nguy khốn của Miền Nam.

Chính phủ này cũng không dùng chữ đầu hàng quân đội Bắc Việt mà muốn bàn giao trong nghi thức tối thiểu. Sự kiêu căng bắt đầu hàng là do phiá Việt Cộng, khi họ thấy họ có thể lấn lướt đè bẹp luôn VN Cộng Hòa, sự kiêu căng này—khác hẳn nét lịch sự trong cuộc gặp gỡ của hai Tướng Grant và Lee kết thúc cuộc Nội Chiến Mỹ—sự kiêu căng đã lộ rõ trong ngôn ngữ kém ngọai giao, mà hung bạo, của Lê Đức Thọ dùng khi nói với đại sứ Pháp Merillon, mà ông Thọ đã lừa dối khi bàn gỉải pháp có thể chấp nhận là chính phủ 3 thành phần rồi nuốt lời, và cũng rõ ra trong lời và thái độ viên sĩ quan đầu tiên đi lên lầu hai dinh Độc Lập gặp Tướng Minh, ông Minh nói “tôi đang đợi để bàn giao” thì viên sĩ quan này bất lịch sự nói: “đầu hàng chứ không có gì mà bàn giao”, và Đại tướng không sợ và không mất tư cách mà dằn giọng, nói đại khái “Tôi là đại tướng đứng đầu chính phủ, yêu cầu giữ ngôn ngữ…” và có viên đại tá phải ra lệnh cho tên sĩ quan cấp dưới đi ra chỗ khác. (Đại tá Bùi Thế Dung, thứ trưởng quốc phòng trong chính phủ Dương Văn Minh, hiện ở Massachusetts, kể với tôi như vậy—Đại tá Dung trước đó, trước khi những bộ đội Bắc Việt đi lên lầu 2, đã phải gỡ quả lựu đạn trong tay một chiến sĩ VNCH, người này tức quá, dọa là sẽ ném cho nổ tan xác các Việt Công đi tới, dụ dỗ người chiến sĩ là “ném lựu đạn thì tất cả mọi ngươi trong chính phủ sẽ bị tấn công chết hết”).

Đại tướng Minh đã cứu Saigon khỏi tan tác, và dân Saigon khỏi tắm máu, nhưng sau cái công đức hiển nhiên đó –mà có người ví với Thống Chế Pétain đã cứu Paris muôn thuở và văn minh Pháp lâu dài khỏi bị thiêu rụì vì hành quân chớp nhóang blitzkrieg của Hitler– thì còn có cái lòng nhân từ thương chiến sĩ và dân chúng Việt Nam nói chung, muốn tìm đường sống cho họ, của Đaị tướng và của các cộng sự viên đủ thành phần và tôn gíao trong nội các của ông.

Ai trách sao Đại Tướng D.V. Minh không đánh nhau đến cùng mà lại đầu hàng vào 30 tháng 4, 1975, mà không tìm hiểu cặn kẽ lẽ hơn thiệt và hòan cảnh lúc đó, thì nên tự trách mình sao can đảm thì lại không ở lại Việt Nam mà đánh nhau đến sinh mạng cuối cùng của người Miền Nam và của chính người đó luôn, mà lại hành xử hơi giống Nguyễn Cao Kỳ, hôm trước tuyên bố ở lại Việt Nam chiến đấu cùng các chiến sĩ đến cùng, hôm sau lén lên máy bay chạy ra hạm đội Mỹ và tại đó, bị bảo hãy bỏ khí giới và lột lon, vì hạm đội không là lãnh thổ Việt Nam (tôi không trách ông Kỳ di tản, mà trách tư cách ăn tục nói phét của ông, nói trước quên sau, như giáo sư Trần Như Tráng, trưởng phòng báo chí phủ thủ tướng của ông Kỳ đã phải nhiều lần biên mảnh giấy nói “Hôm qua ông chủ tịch nói cái này rồi nhé…” để hôm nay ông không nói ngược lại).

Tôi viết bài này với lòng thương mến dân tộc Việt Nam, mong sự đòan kết của mọi thành phần lành mạnh, đòan kết của các tôn giáo khác nhau (tôi thân thiện với cả Phật giáo—như ai cũng biết– lẫn Công giáo, là học trò cưng tại Trường Trần Lục, Phát Diệm, của cha hiệu trưởng Trần Văn Kiệm mà cha có nói tới “trò Tài” trong hồi ký của cha, cha là bạn TT Ngô Đình Diệm, tại Hoa Kỳ và tại Nhà Chung Phát Diệm, Saigon, trước 1975) và đòan kết của các anh em trong hàng ngũ chiến sĩ VNCH (trong đó tôi có các anh em ruột và bạn bè tôi).

Tôi gửi tặng Đại Tá Vũ V. Lộc và các bạn một bài nhạc của Đại tá Nguyễn Văn Đông, ca tụng chiến sĩ VNCH, do chị vợ tôi là Hà Thanh hát, giọng hát rất đưọc ưa chuộng bởi Đại Tá Vũ Quang của Trường Cao Đẳng Quốc phòng (nơi đó, tôi làm quen ông khi đến diễn giảng). Trong câu này, binh nhì khóa giáo chức Tạ Văn Tài của Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung muốn nói là “thấy sang nên bắc quàng làm họ” với nhiều đại tá Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà—trong tinh thần huynh đệ chi binh mà Đại Tá Lộc thường nêu cao. Đại Tá Nguyễn Mộng Hùng, khóa Nam Định, Trưởng Phòng 5 Bộ Tổng Tham Mưu- mà tôi nói ở trên–là cousin-in-law của tôi.

Tạ Văn Tài

Chiều Mưa Biên Giới – Nguyễn Văn Đông – Hà Thanh – NBC

Thân gửi giáo sư Tạ Văn Tài
1) Rất cảm ơn về sự quan tâm và đóng góp ý kiến rất đầy đủ.
2) Quyết định giết ông Diệm có thể các vị cầm đầu đã có bàn nhau, thực sự không ai biết rõ chuyện bên trong. Tuy nhiên chuyện ông Minh giơ hai ngón tay, tôi nghĩ là chuyện bịa đặt.
3) Hà Nội thực sự có dự trù sẽ nói chuyện với chính quyền Dương Văn Minh nếu VNCH vẫn còn giữ vững được các quân khu. Phật giáo hay Pháp đều có mối liên hệ để điều đình thành lập chính phủ hòa giải.
Ngay cả Hoa Kỳ và Uỷ hội quốc tế cũng vẫn còn khả năng thu xếp giải pháp chính trị sau khi ông Thiệu ra đi. Nhưng với điều kiện là VNCH không rút quân. Vẫn cố giữ được Huế và Pleku. Nhưng sau khi thấy VNCH rút 2 quân đòan và tự động tan hàng thì Hà Nội họp hội nghị trung ương đảng quyết định dứt điểm trên mọi mặt trận, không đề cập đến giải pháp chính trị nữa.
4) Tôi đã nghe lại mấy bản nhạc.
Tiếng ca của bà chị Hà Thanh rất xuất sắc
Xin cảm ơn đã chuyển đến.
VVLỘC





No comments:

Post a Comment

View My Stats