Wednesday, 15 June 2016

THƯ NGỎ GỬI BÀ TÔN NỮ THỊ NINH (Thu Phong - Da Màu)





15/6/2016

Cựu Thượng nghị sĩ Bob Kerrey, Chủ tịch Hội đồng Tín thác Đại học Fulbright Việt Nam, trong buổi lễ trao giấy phép thành lập trường ngày 25 tháng 5, 2016, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.  (Photo credit: Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ)

Thưa bà,

Tôi là người Việt Nam, quan tâm đến đại học Fulbright vì biết đây là đại học đầu tiên ở Việt Nam không vì lợi nhuận.

Tôi viết thư này cho bà vì thấy mình có trong số những người bà gởi. Lá thư bà phổ biến trên internet, viết “Gửi người Việt Nam…”.

Tôi nghĩ ngoài tôi, có nhiều người gởi thư cho bà nên hy vọng bà bỏ chút thì giờ đọc thư này. Cám ơn bà.

Trong thư của bà, bà đánh số từng ý; tôi xin phép dùng cách ấy cho rõ ý tôi đối với từng ý của bà.

2
Về nguồn gốc số tiền 20 triệu USD vốn ban đầu cho việc xây dựng Đại học Fulbright Việt Nam đã được Đại học Fulbright làm rõ, không như bà viết trong thư ngỏ, chắc bà đã biết?

3, 4
Bà viết bà không đồng tình với ý kiến muốn trấn áp sự phản đối việc bổ nhiệm ông Bob Kerrey.

Trước tiên xin bà nghĩ lại việc dùng từ “trấn áp”. Bà là quan chức cấp cao của nhà nước, từng là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, đương nhiệm Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TPHCM nên tôi không muốn mắc tội trấn áp bà. Cám ơn bà.

Thưa bà,

Bà cho rằng việc bổ nhiệm ông Bob Kerrey sẽ gây tranh cãi, mở lại quá khứ đau buồn, đi ngược với định hướng chủ đạo của chuyến thăm là đồng thuận hướng về tương lai.

Tôi không đồng tình với bà. Tôi đoán những người bổ nhiệm ông Bob Kerrey có 2 mục đích:

Thứ nhất: Để xem nhà nước CHXHCNVN có thực sự quên đi quá khứ, hướng tới tương lai; nhân dân Việt Nam có thực sự “tha thứ”?( Theo tôi, ông Bob Kerrey đáng được tha thứ vì đã nhìn nhận lỗi lầm và xin lỗi; nhất là bằng hành động cụ thể góp phần thúc đẩy quan hệ Mỹ – Việt vì lợi ích nhân dân hai nước).

Thứ hai: Tạo điều kiện cho ông đóng góp cho nhân dân Việt Nam nhiều hơn nữa, cụ thể để ông dùng trí tuệ tài năng của mình giúp phát triển nền đại học Việt Nam.

Thiển nghĩ ông Bob Kerrey hiểu văn hóa Việt Nam mới hăng hái đảm đương công việc khó nhọc, trách nhiệm nặng nề ấy. Có câu “đoái công chuộc tội”. Có thể đoán chính ông Bob Kerrey có suy nghĩ như vậy, vì ông rất ân hận về tội ác mình phạm phải. Lẽ thường lỗi càng nặng thì càng hành động nhiều mới có thể “chuộc” được lỗi?

Tôi không hiểu tại sao là người học cao, có nhiều kinh nghiệm hoạt động đối ngoại như bà; vậy mà bà lại viết “Ủng hộ hòa giải, hướng về tương lai không phải là độc quyền của những ai ủng hộ Bob Kerrey làm Chủ tịch BOT/FUV”. Xin lỗi, bà có hồ đồ không?

Có ai tranh giành độc quyền “hòa giải”đâu, thưa bà? Tôi là người ủng hộ ông Bob Kerrey làm Chủ tịch BOT/FUV và tôi không hề “độc quyền”. Tôi ủng hộ ông vì biết ông có tài, thấy ông có thiện chí muốn mang khả năng của mình để xây dựng Đại học Fulbright Việt Nam. Tôi thấy không có vần đề “hòa giải” trong việc bổ nhiệm này.

Chắc là bà thừa biết người lớn tiếng nhất trong vấn đề “hòa giải” chính là Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà nước CHXHCNVN.

Tôi cũng chắc bà biết có nhiều người phản đối nghị quyết 36.

Không, tôi không nhầm lẫn ý bà muốn nói là hòa giải giữa người Mỹ và “nhân dân Việt Nam” chứ không phải giữa người Việt Nam với nhau theo nghị quyết 36. Không, tôi không nhầm, tôi chỉ nghĩ rằng giữa Mỹ và Việt Nam chỉ cần bỏ qua quá khứ, hướng đến tương lai là đủ. Tôi thiển nghĩ người Mỹ không thù hằn gì người Việt, họ đánh nhau với người Cộng sản Việt Nam vì họ sợ Cộng sản (như TT Obama đã nói), họ muốn ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa Cộng sản, họ lo xa sẽ có ngày người Cộng sản cắm ngọn cờ hồng trên toàn thế giới, dĩ nhiên là có nước họ.

Tuy nhiên nếu bà cứ một mực đòi hòa giải với người Mỹ thì đó là quyền của bà; tôi chỉ xin được hỏi: tại sao bà không kêu gọi hành động thực sự để hòa giải giữa đảng Cộng sản và quân dân miền Nam ( là 2 phía cùng màu da tiếng nói đã đánh nhau hơn 20 năm?).

Còn về phía người Mỹ; tổng thống Bill Clinton đã chấm dứt cấm vận Việt Nam, tổng thống Barack Obama vừa bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Bao nhiêu đó chưa đủ để Mỹ “hòa giải” với Việt Nam sao? Hay bà muốn nói rằng Mỹ muốn “hòa giải”nhưng Việt Nam thì chưa “chấp thuận”? Hoặc bà có ý cho rằng việc 2 nước tuyên bố bình thường hóa quan hệ chỉ là giả vờ?

Bà viết: “Nếu người được bổ nhiệm là cựu chiến binh như cựu Hạ nghị sĩ, Đại sứ đầu tiên của Hoa Kỳ tại Việt Nam Pete Peterson hoặc là chính ông Thomas Vallely, cũng là cựu chiến binh, là người có công lớn nhất trong việc thành lập FUV thì không ai sẽ có ý kiến gì.”

Xin cho tôi hỏi: Sao bà lại biết chắc như vậy? Tôi học ít hơn bà, nếu là bà tôi sẽ viết “có lẽ không ai sẽ có ý kiến gì”; nhưng vì tôi không phải là bà nên tôi nghĩ nếu vậy vẫn có người có ý kiến, trừ phi người được bổ nhiệm là người từng phản chiến, chống lại sự can dự của nước Mỹ vào chiến tranh Việt Nam.

5
Bà viết “Chắc chắn Fulbright có thể tìm được lãnh đạo tốt hơn những người như BK, một biểu tượng của quá khứ đen tối. Lẽ nào người Việt Nam chúng ta tỏ ra bình thản hơn cả người Mỹ đối với một biểu tượng của quá khứ đen tối?”

Theo tôi ông Bob Kerrey không phải là “một biểu tượng của quá khứ đen tối” vì cụm từ ấy mông lung, chung chung quá. Nói ông là “biểu tượng cho tội ác chiến tranh”thì đúng hơn; tuy nhiên cũng chưa đúng nhiều lắm; đúng hơn nữa là “biểu tượng cho tội ác chiến tranh của lính Mỹ”(vì không chỉ có lính Mỹ mới phạm tội ác chiến tranh); Nhưng tôi ngờ ngay cả sửa lại như vậy vẫn có người tranh cãi. ( Còn trung úy William L.Calley thì sao?) Vì vậy, tốt hơn hết đừng gán cho ông biểu tượng gì cả!

Và nếu thực sự là người cao thượng sẽ dễ “tha thứ” cho ông, vì ông chỉ là sĩ quan cấp thấp. Tôi trộm nghĩ lính và sĩ quan cấp thấp trong bất cứ cuộc chiến tranh nào cũng không có tội; họ chỉ có lỗi mà thôi.

Về câu bà viết “Lẽ nào người Việt Nam chúng ta tỏ ra bình thản hơn cả người Mỹ đối với một biểu tượng của quá khứ đen tối?”

Tôi ít học không thực sự hiểu ý bà. Có phải bà muốn nói rằng nếu người Việt nào không quan tâm đến việc bổ nhiệm ông Bob Kerrey vào vị ấy thì người ấy “bình thản hơn cả người Mỹ”? Nếu vậy, những người ủng hộ ông Bob Kerrey thì bà dùng từ gì để “đánh giá” họ, thưa bà?

6
Bà viết đúng, rằng “Việc tha thứ hay không tha thứ cho vai trò của BK trong vụ thảm sát ở thôn Thạnh Phong là quyền của mỗi cá nhân”

Nhưng tôi không tán thành câu tiếp theo. “Tuy nhiên, có thể tha thứ nhưng đồng thời không tán thành việc BK giữ vị trí lãnh đạo một trường ĐH tại Việt Nam (việc ông lãnh đạo một ĐH của Mỹ bên Mỹ là chuyện khác)”. Vì nếu đã tha thứ cho ông Bob Kerrey sao lại không tán thành việc ông giữ vị trí lãnh đạo một trường đại học tại Việt Nam? Ông là người có khả năng, từng góp phần thúc đẩy quan hệ Mỹ – Việt vì lợi ích nhân dân hai nước và rất nhiệt tình, muốn đóng góp nhiều hơn nữa.

Tôi không tin điều bà khẳng định rằng bà “phản đối không phải vì chỉ xuất phát từ cảm xúc, cảm tính, không phải vì thiếu “lý trí tỉnh táo và sáng suốt”.

7
Bà viết bà “nhớ đến lời của một người ở Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, nơi đang trưng bày chứng tích về vụ thảm sát ở Thạnh Phong, thương xót cho các nạn nhân chưa hề được người có tội trở về thắp cho họ một nén hương.  

Sao lại ngạc nhiên khi không thấy “người có tội trở về thắp cho họ một nén hương”? Người có tội là người Mỹ cơ mà! Phần đông họ theo Thiên chúa giáo. Họ có cách bày tỏ lòng hối tiếc của họ khác với đa số người Việt chúng ta. Chẳng lẽ bà lại muốn sự giả dối?

Bà viết rằng “ không thể tưởng tượng cảnh hàng trăm hàng ngàn sinh viên Việt Nam Đại học Fulbright sẽ gọi ông BK một cách tôn kính là “Thầy” theo phong tục Á Đông và đặc biệt ở Việt Nam. Và tôi lại nghĩ, đến một ngày nào đó, ảnh của ông BK sẽ được treo tại ĐH Fulbright ở vị trí trang trọng nhất dành cho các vị sáng lập của Trường!”

Tôi nghĩ nếu ông Bob Kerrey thành công trong sứ mệnh, vai trò của mình, ông xứng đáng gọi là “thầy”(theo tập quán người Việt , hiệu trưởng, giám thị, các nhân viên trong ban giám hiệu tuy không trực tiếp giảng dạy cũng được gọi là “thày”)

Còn về viễn cảnh “đến một ngày nào đó, ảnh của ông BK sẽ được treo tại ĐH Fulbright ở vị trí trang trọng nhất dành cho các vị sáng lập của Trường!” tôi nghĩ không sao hết! Nếu ông thực sự có công.

Tôi thiển nghĩ hành vi trong quá khứ của một con người không quan trọng bằng việc làm hiện tại và ước muốn, dự tính tương lai; ngay cả thầy giáo cũng vậy.

8
Bà viết : “Hiện giờ quả bóng đang nằm về phía nhóm sáng lập Đại học Fulbright”.
Tôi không nghĩ như bà; mà ngược lại, tôi nghĩ quả bóng đang ở về phía nhà nước Việt Nam (có thề gồm cả bà và những ai có cùng quan điểm với bà ).

Hơn 40 năm rồi, tiếng súng không còn nổ trên quê hương chúng ta nhưng hận thù vẫn tiếp diễn; chắc bà cũng buồn phải không bà? Chắc bà đã biết tại sao nhiều người Việt vẫn ôm ấp hận thù? Và chắc bà nhận ra hận thù không chỉ ở một phía?

Kính chào bà.

Thu Phong








No comments:

Post a Comment

View My Stats