Wednesday, 15 June 2016

CHUYỆN XUẤT KHẨU GẠO VÀ ĐỔI MỚI DOANH NGHIỆP (FB Vũ Kim Hạnh)






(Một số bạn inbox yêu cầu tôi nói kỹ hơn về báo cáo của GS Võ Tòng Xuân. Tôi đang bận nên nhờ biên tập trang www.tiepthithegioi.vn của BSA làm giúp. Bạn nào cần thì vào đó đọc nhé)

Đề tài họp mặt nhóm doanh nghiệp tiêu biểu và chuyên ngành chế biến nông sản của TP Cần Thơ tối 13/6/2016 khá mộc mạc: “Hàng Thái và sức cạnh tranh của hàng Việt”. Giáo sư tiến sĩ Võ Tòng Xuân không nói chuyện học thuật, ông chiếu phim do chính ông tự quay, làm powerpoint, viết lời bình về Hội Chợ Lương thực-thực phẩm-đồ uống mấy tuần qua ở Bangkok. 

Góc quay sành điệu và sắc sảo. Ông kể...(bài của tiepthithegioi.vn chi tiết hơn).

...Nông dân Thái làm ruộng theo sự dẫn dắt của doanh nghiệp. TS Võ Tòng Xuân nói vui, thực tế khiến ta bây giờ phải nói: “Quốc gia hưng vong, doanh nhân hữu trách”. Nước Thái tự nhận là “nhà bếp của thế giới”và cả nước Thái rung chuyển, vận hành rập ràng theo niềm tự hào đó. Nền giáo dục đào tạo đặt nền cho kiến thức vững, song song đó, nghiên cứu khoa học được nhà nước đầu tư tới nơi tới chốn. Không có tình cảnh giao cho Viện nghiên cứu lấy thu bù chi phải luôn chạy dự án kiếm thêm vì ngân sách quá hẻo. Doanh nghiệp tổ chức vùng nguyên liệu, nắm kỷ thuật chế biến và sau đó làm xúc tiến thương mại cho tốt, đưa sản phẩm ra được thị trường . 

Tôi thấy vui, cảm động khi xem những thước phim nóng hổi thời sự kinh doanh của nhà khoa học đã trên 70 tuổi mà toàn câu chuyện cho thấy ông hiểu sâu chuyên ngành cũng như thấu đáo chuyện kinh doanh nông sản thị trường toàn cầu . Ông nhấn mạnh, nông dân Thái biết rõ xu hướng nhập khẩu gạo của thế giới hiện nay là gạo có thương hiệu, đảm bảo an toàn, thân thiện môi trường và tốt cho sức khỏe. Nông dân mình có nắm chắc vậy không?

Trên đường về, tôi nghĩ tới câu chuyện nhà báo Hoàng Tuyên vừa nói. Do hạn mặn vừa qua, sản lượng mất nhiều, Cục trồng trọt đang chỉ đạo: để đạt chỉ tiêu 25 triệu tấn lúa/ năm nay phải tăng diện tích thu đông. Ngày 30/5, Cục trồng trọt đã ký với cơ quan đồng cấp Trung Quốc cho phép TQ (nức danh thế giới về làm hàng bẩn) vào tận ruộng, nhà máy kiểm tra quy trình sản xuất và chế biến gạo trước khi nhập khẩu. Bao nhiêu câu hỏi đặt ra: đóng gói tại Việt Nam để thương nhân TQ xuất sang nước thứ ba với nhãn hiệu TQ sẽ là vấn nạn cho gạo VN? Tại sao phải sống chết duy trì sản lượng? Tại sao cứ vắt kiệt sức ĐBSCLvà tiếp tục đến chừng nào? Bám giữ thành tích và sản lượng trong điều kiện biến đổi khí hậu sẽ còn đẩy nông nghiệp VN thụt lùi, lạc hậu đến đâu với thế giới? 

Đã có khá nhiều nhà khoa học can ngăn cơn say thành tích, sản lượng mà không ăn thua.Tiếng nói các nhà khoa học chân chính vẫn lọt thỏm đi đâu còn doanh nhân thì đang quá lao đao. 

“Quốc gia hưng vong, doanh nhân hữu trách”. Tôi lại nghĩ đến chuyện làm ăn của doanh nghiệp. Mấy hôm nay, đọc tiểu sử ông PCT Trịnh Xuân Thanh của tỉnh Hậu Giang ĐBSCL tôi cứ nghẹn đắng ở chi tiết ông là Vụ trưởng Vụ đổi mói doanh nghiệp-Bộ Công Thương trước khi luân chuyển về tỉnh. Trước đó nữa là cú lỗ 3000 tỉ ở PVC. Và sau đó là cú được Đảng tin tưởng cử để dân bầu là Đại biểu quốc hội.

Chẳng ai để ý cái chức danh quèn vụ trưởng vụ đổi mới doanh nghiệp. Vậy mà tôi cứ bị ám ảnh mãi. Ông ta đổi mới gì nhỉ? Hô biến khỏi vụ lỗ khủng. Và đổi biển xe trắng thành xanh chỉ trong một ngày. Còn nhiều thứ đổi mới nữa nên lên vù vù vậy? Tự dưng chuyện bảng số giả xe Lexus lại tự thú kiểu quan niệm và điều khiển cuộc đổi mới doanh nghiệp của Bộ Công Thương. Tội nghiệp cho tiến trình đổi mới doanh nghiệp !







No comments:

Post a Comment

View My Stats