Thursday, 9 June 2016

TẤM LÒNG VÀNG CỦA NHỮNG "NGUYỄN THỊ NĂM" (Đoan Trang)





Tuesday, June 7, 2016

Có những ý kiến bi quan cho rằng người Việt Nam là một dân tộc không xứng đáng được dân chủ, bởi vì “tự do đâu cho một bầy súc vật” (thơ Pushkin).

Sau mỗi cuộc biểu tình, cũng có rất nhiều người buồn, nản, tủi thân, vì một số lý do chung: sự tàn ác và đểu cáng của an ninh, dân phòng, khiến anh em bỏ chạy tán loạn và quá nhanh khi mới chớm có mùi trấn áp. Nhưng có lẽ, trên tất cả, người ta buồn vì thấy số “quần chúng” vô cảm quá đông, sự vô cảm lan tràn trong xã hội, khiến phong trào dân chủ vốn đã yếu lại càng yếu và bị cô lập khỏi xã hội; những nhà hoạt động dân chủ chỉ như một thiểu số cô đơn.

Có thể tôi ngây thơ, nhưng tôi không buồn cũng không nản. Bởi vì tôi tin vào hai điều: 1. Mọi sự thay đổi lớn trong xã hội đều bắt đầu từ một thiểu số, cái thiểu số ấy ban đầu tất nhiên rất cô độc, cô đơn. 2. Người tốt ở Việt Nam chưa bao giờ hết cả, mặc dù rất hiếm. Suy cho cùng, xã hội của chúng ta tồn tại được cho đến ngày nay là nhờ sự lương thiện của một thiểu số vẫn là nền tảng.

Và tôi khẳng định, phong trào dân chủ ở Việt Nam hiện nay tồn tại được, bất chấp những yếu kém tự thân của nó và đàn áp của công an, là nhờ sự giúp đỡ thầm lặng của hàng trăm, hàng nghìn người - những người mà tôi gọi đùa là “Nguyễn Thị Năm” của các nhà dân chủ.

Nhưng chắc chắn họ sẽ không bao giờ phải chịu số phận bi thảm của Nguyễn Thị Năm, vì thể chế tương lai của Việt Nam không thể là một thể chế phi nhân như cộng sản.

Nó không như cộng sản, do đó sẽ không có chuyện “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn”; nói cách khác, sẽ không có chuyện chính quyền trích ngân sách nhà nước ra để “tri ân các chiến sĩ dân chủ”. Sẽ chẳng có chuyện “cộng điểm thi đại học” cho các con ông cháu cha của các nhà dân chủ, chẳng có chuyện tặng nhà, hiến đất, hay dành bất kỳ sự ưu tiên nào cho họ.

Nó không như cộng sản, do đó nó sẽ không trả thù, không bức hại, không cải tạo dư luận viên và những người ủng hộ chế độ cũ, thậm chí không bắt họ phải viết kiểm điểm kiểm thảo.

Nhưng nó không như cộng sản, do đó nó sẽ không tàn sát ai và sẽ không để xảy ra một thảm kịch Nguyễn Thị Năm nào nữa.

Riêng cá nhân tôi thì sẽ nhớ ơn những tấm lòng vàng như thế mãi mãi.

* * *

Tôi nhớ người đã đưa chúng tôi vào công trường xây dựng trong một đêm mưa vào tháng 4/2015, để trốn sự truy tìm và canh gác của công an, mai còn đi tuần hành cây xanh. Người đó, trước đó chỉ biết chúng tôi sơ sơ qua mạng, nhưng anh đã giao cả xe máy cho chúng tôi, thậm chí mời cả lũ một bữa ăn tối rất ngon, trong những ngày ngột ngạt.

Tôi nhớ người nhân viên thầm lặng ở một đại sứ quán nọ. Khi đó tôi đang phải phiên dịch cho thân nhân của hai tử tù Hồ Duy Hải và Nguyễn Văn Chưởng, trong tình trạng cả đêm trước không ngủ. Dịch tiếng Anh pháp lý rất khó, nhất là hệ thống pháp luật Việt Nam và phương Tây lại có nhiều khác biệt. Khi tôi gần như gục xuống vì quá mệt, tôi nhớ người nhân viên ấy đã nói nhỏ chỉ vừa đủ cho tôi nghe: “Để mình giúp”. Và đó đã là một cuộc chạy tiếp sức, khi người này muốn ngã xuống thì người kia bước tới. (Chắc những nhà hoạt động ít ai hiểu rằng nhân viên Việt Nam ở tất cả các đại sứ quán phương Tây đều chịu một sức ép đáng kể từ phía an ninh, nên chỉ như vậy thôi đã là một sự dũng cảm lớn).

Tôi nhớ những trí thức người Việt ở nước ngoài, đầu tóc bạc trắng mà hơn nửa đời vẫn mãi nghĩ về quê hương. Nhớ những người Việt ngày ngày đi làm nơi công sở, nhà hàng bên Cali, tối về vào facebook đọc tin Việt Nam và buồn bã, bất lực, thương xót dân trong nước. Họ gửi tiền về ủng hộ người trong nước nhiều tới mức tôi tưởng như họ đi làm, ngoài để trang trải những chi phí căn bản ra thì còn lại thu nhập là để nuôi “anh chị em ở quê nhà”.

Tôi nhớ những đồng nghiệp báo chí đã len lén đi theo tôi (và công an) trong một lần tôi “được” công an mời cafe, năm 2012, lý do là vì “anh em sợ ‘chúng nó’ đưa Trang đi mà không ai biết, nên anh em đứng ngoài tìm cách chụp ảnh, ghi lại”.

Tôi nhớ những buổi làm việc với công an xong, khi tôi bật máy điện thoại, thấy hàng chục cuộc gọi nhỡ của đồng nghiệp.

Tôi nhớ người bác sĩ đã mổ vết thương cho tôi, cũng như nhớ những người bạn trên mạng đã đến thăm tôi, dúi phong bì vào tay tôi mà nước mắt rân rấn.

Và hôm nay tôi viết những dòng này không phải là ngẫu nhiên. Tôi viết bởi vì tôi cũng đang rân rấn nước mắt, khi biết tin một vị bác sĩ - cũng là một “Nguyễn Thị Năm” của phong trào dân chủ - đã mắc bệnh hiểm nghèo.

Từ cách đây cả chục năm, khi còn chưa ai dám... chữa bệnh cho “phản động”, thì ông đã chữa miễn phí cho hàng chục người. Ông giúp tất cả, mà không một lời kể công.

Ông có nói với tôi rằng ông không sợ chết - thì có bác sĩ nào sợ chết? Nhưng ông muốn sống, bởi vì ông thấy mình cần phải sống qua ba chế độ: Việt Nam cộng hòa, Việt Nam cộng sản, và một thể chế nào đó sau này, nếu được là “sự tận cùng của lịch sử”, tức nền dân chủ, thì tuyệt vời.

Vì những con người đó, mà tôi thấy cuộc đời này đáng sống biết bao, và Việt Nam phải thay đổi.

Posted by Đoan Trang at 10:58 PM 




No comments:

Post a Comment

View My Stats