Tuesday, 7 June 2016

GIẢI QUYẾT NỢ TRONG MỘT THẾ GIỚI NGẬP NỢ (Michael Spence - Project Syndicate)





Michael Spence, Project Syndicate
TS Đỗ Kim Thêm dịch, CTV Phía Trước
Posted on Jun 8, 2016

Những gì đã xảy ra đối với việc làm giảm nợ? Trong những năm kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008, các biện pháp khắc khổ và điều chỉnh ngân sách đã được xem là khẩu hiệu của nền kinh tế toàn cầu. Và hiện nay, hơn bao giờ hết, nợ làm tăng thêm mối lo ngại về triển vọng tăng trưởng toàn cầu.

Trong một tài liệu nghiên cứu về các xu hướng của nợ sau cuộc khủng hoảng, Viện McKinsey Global lưu ý rằng kể từ năm 2008 tổng số nợ đã tăng lên khoảng 60 nghìn tỷ hay 75% GDP toàn cầu. Lấy ví dụ như nợ của Trung Quốc đã tăng gấp bốn lần kể từ năm 2007, và tỷ lệ nợ so với GDP là 282%, cao hơn so với nhiều nền kinh tế lớn khác, trong đó có cả Hoa Kỳ. (Trong năm 2015 có nhiều cách ước lượng về tình trạng nợ công của Việt Nam, thấp nhất là chiếm 62,2%, cao nhất là chiếm 110% so với GDP. Các sai lầm trong đối sách về nợ công của Việt Nam là giống Trung Quốc, ND.)

Trong khi không thể tạo ra đủ tổng số cầu để đạt được tiềm năng tăng trưởng, nền kinh tế toàn cầu đang ngập nợ và ở trên con đường nguy hiểm. Nhưng để đánh giá rủi ro, phải xem xét một số yếu tố.

Yếu tố đầu tiên, người ta phải xem các thành phần của nợ giữa các khu vực (gia đình, chính phủ, doanh nghiệp phi tài chính và các lĩnh vực tài chính). Sau rốt, tình cảnh khốn đốn trong các lĩnh vực này có tác dụng khác nhau cho toàn nền nền kinh tế.

Như người ta nhận ra, nền kinh tế với tổng số nợ có mức độ tương đương và tương đối cao so với GDP biểu hiện sự khác biệt rõ rệt khi nói đến các thành phần của món nợ. Nợ quá mức trong gia đình là nguy hiểm đặc biệt, vì một cú sốc về giá tài sản (đặc biệt là bất động sản) làm thay đổi nhanh việc giảm tiêu thụ, làm suy yếu tăng trưởng, mất việc làm và kém đầu tư. Phục hồi từ một cú sốc như vậy là một tiến trình dài.

Yếu tố thứ hai để xem xét là tăng trưởng theo danh nghĩa – đó là loại tăng trưởng thực tế cộng với lạm phát. Hiện nay, mức tăng trưởng đích thực giảm nhẹ và thậm chí có thể còn trì trệ, trong khi ở hầu hết các nơi mức lạm phát thấp hơn mục tiêu, với một số nền kinh tế còn phải đối mặt với nguy cơ giảm phát. Bởi vì nợ là một trách nhiệm phải hoàn trả đối với khách vay và là khối tài sản cho các chủ nợ, những xu hướng này có tác dụng khác nhau, vì nó làm tăng giá trị cho bên giữ tài sản, đồng thời tăng trách nhiệm của các con nợ. Trong một môi trường tăng trưởng thấp, vấn đề là xác suất của một số hình thức vỡ nợ tăng đáng kể. Trong trường hợp đó, không ai thắng.

Yếu tố quan trọng thứ ba để đánh giá rủi ro của nợ đang gia tăng là chính sách tiền tệ và mức lãi suất. Dù không ai biết chính xác về tình hình lãi suất “bình thường” như thế nào trong thế giới sau khủng hoảng, điều hợp lý là nên giả định rằng chính sách sẽ không giống như hiện nay, khi nhiều nền kinh tế đang giữ mức lãi suất gần bằng không và một số nền kinh tế thậm chí còn vào phạm vi lãi suất âm.

Hiện nay, đứng trước một chính sách tiền tệ công hãm thích hợp, mức nợ công còn cao và/hoặc đang tăng có thể duy trì. Thật không may, mặc dù thích nghi như vậy, nhưng không thể duy trì mãi được, điều kiện ngày nay thường được xem như bán thường trực, tạo ảo tưởng ổn định và làm giảm động cơ khích lệ để thực hiện cải cách khó khăn nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai.

Yếu tố cuối cùng, và có lẽ quan trọng nhất, để định hình cho nguy cơ của nợ có liên quan đến đầu tư. Tăng nợ để duy trì mức tiêu thụ hiện tại, cho dù trong gia đình hoặc cho chính phủ, được xem như là một yếu tố không bền vững của một mô hình tăng trưởng. Ở đây, trường hợp của Trung Quốc là một bài học.

Trong một ý nghĩa nào đó, nợ của Trung Quốc đang đứng trên một con đường không bền vững, điệp khúc thường xuyên này là sự thật. Sau cùng, tăng nợ với mức độ cao dễ bị tổn thương trước những cú sốc tác hại. Nhưng, theo một ý khác, điều này có điểm thiếu sót.
Nhiều chính phủ hiện nay đang dồn nợ để hỗ trợ cho tiêu dùng công cộng hay tư nhân. Cách này, nếu lạm dụng, có thể tăng nhu cầu đi vay trong tương lai; trong trường hợp đó, rõ ràng là cách không bền vững. Nhưng, nếu được sử dụng như một biện pháp chuyển tiếp để khởi động cho nền kinh tế hoặc để tạo điểm tựa từ cú sốc cầu tác hại, những nỗ lực như vậy có thể rất có lợi.

Hơn nữa, trong một nền kinh tế tăng trưởng tương đối cao, mức nợ bề ngoài có vẻ cao thì không nhất thiết phải là một vấn đề, miễn là món nợ mà nó đang được sử dụng là để tài trợ cho các khoản đầu tư hoặc là nó mang lại lợi nhuận cao hoặc tạo tài sản trị giá hơn nợ. Trong trường hợp của nợ công, số doanh thu từ các khoản đầu tư có thể được xem như là số thặng dư cho tăng trưởng trong tương lai.

Các tin tốt ở Trung Quốc phần lớn là các nợ tích lũy đã thực sự được sử dụng để tài trợ cho đầu tư, mà trên nguyên tắc tạo ra tài sản, nó sẽ làm tăng trưởng trong tương lai. (Liệu quyết định mới đây của chính phủ làm tăng thâm thủng ngân sách để kích thích nền kinh tế theo mô hình nâng cao tăng trưởng lâu dài này có kết quả hay không, ta vẫn còn phải chờ xem).

Tin xấu đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng cấp phát tín dụng theo chỉ đạo và nới lỏng các tiêu chuẩn cấp phát ở Trung Quốc đã dẫn đến đầu tư vào các bất động sản và công nghiệp nặng với một giá trị thấp hơn nhiều so với chi phí của việc tạo ra. Các khoản thu trong vấn đề đầu tư này là không có.

Do đó, cái gọi là vấn đề nợ của Trung Quốc không thực sự là vấn đề nợ, nhưng là vấn đề đầu tư. Để giải quyết, Trung Quốc phải cải cách hệ thống đầu tư và tài chính, để cho các khoản thu thấp hoặc thất thu trong các chương trình đầu tư được sàng lọc cho đáng tin cậy hơn. Điều đó có nghĩa là giải quyết các đánh giá lệch lạc về các rủi ro mà kết quả đem lại hỗ trợ của chính phủ trong các ngân hành quốc doanh (trong đó chắc chắn là họ không được phép thất bại).

Nhiều nước phát triển cũng thất bại trong việc đầu tư vào các tài sản có doanh thu cao, nhưng vì một lý do khác: ngân sách eo hẹp và các khoản nợ tăng cao ngăn ngừa họ đầu tư nhiều hơn. Khi tình hình này làm suy yếu tăng trưởng và giảm lạm phát, mức độ của nợ công có thể được giảm đáng kể.

Để thúc đẩy tăng trưởng và nhân dụng, các nền kinh tế phải bắt đầu quan tâm hơn với các loại nợ tích lũy. Nếu các khoản nợ được tài trợ đầu tư thúc đẩy tăng trưởng, nó có thể là một ý tưởng tốt. Tuy nhiên, nếu nó tài trợ cho “các hoạt động nghiệp vụ hiện tại” và nâng tổng cầu ngắn hạn, đó là chuyện hiểm nghèo.

Tất nhiên, tình hình không đơn giàn như là chuyện trắng và đen và không thể thay đổi. Số doanh thu do đầu tư công bị ảnh hưởng bởi các cải cách bổ sung có thực hiện được hay không, việc này thay đổi tùy theo từng nước. Và có một số khả năng lạm dụng khi mức công chi được phân loại sai là các khoản đầu tư.

Tuy nhiên, trong một môi trường lãi suất thấp trong dài hạn và tổng số cầu trong ngắn hạn còn thiếu hụt (có nghĩa là có rất ít nguy cơ lấn át sang khu vực tư nhân) nếu không tháo gở các cưỡng chế ngân sách cho đầu tư, đó là một sai lầm. Trong thực tế, đầu tư công đúng loại có thể sẽ thúc đẩy hơn nữa đầu tư trong khu vực tư nhân. Xác định được loại đầu tư như thế là điều mà các cuộc thảo luận về nợ công hiện nay phải được đặt ra.
________

Michael Spence đoạt giải Nobel Kinh tế, Giáo sư Kinh Tế học tại NYU Stern School of Business, tác giả cuốn The Next Convergence – The Future of Economic Growth in Multispeed World.






No comments:

Post a Comment

View My Stats