Wednesday 10 February 2016

VUI BUỒN VỚI VIỆN ĐẠI HỌC HUẾ (Trần Bình Nam)





February 5, 2016 12:04 AM

Tháng 8 – 2015 vừa qua, các cựu sinh viên, giáo sư thuộc Viện Đại học Huế trước năm 1975 đã hội họp thăm viếng nhau tại Little Saigon, California để cùng nhớ lại một thời làm việc tại ngôi trường Đại học nằm êm ả bên bờ sông Hương của cố đô Huế.

Giáo sư Nguyễn Thanh Trang, nguyên Phụ tá Viện trưởng đặc trách ngoại vụ là Trưởng Ban Tổ chức. Buổi họp mặt có hơn 300 cựu sinh viên, nhân viên, giáo sư các khoa và cựu Viện trưởng, giáo sư Lê Thanh Minh Châu tham dự.

Quý vị trong Ban Tổ chức sau đó định thực hiện một Đặc San ghi lại những vui buồn với Viện Đại học Huế, và có mời tôi đóng góp.

Đại học Huế đối với tôi thật lạ mà cũng thật quen. Khi tôi rời Huế vào Saigòn theo học lớp cán sự vô tuyến điện, rồi năm sau – 1955 – vào trường đào tạo Kỹ sư cơ khí Hải quân tại Pháp thì Đại học Huế chưa ra đời. Cuối năm 1957 khi tôi trở về thì biết Viện Đại học Huế đã được tổng thống Ngô Đình Diệm khai sinh bằng một nghị định thành lập vào Tháng Ba. Nghe tin thấy mát lòng và thích thú như mẹ vừa sinh cho mình một đứa em gái.

Tôi cảm thấy vinh dự vì miền quê nhỏ bé của mình, nơi tôi đã sinh ra, lớn lên, trải qua những năm học trường làng, trường tiểu học rồi vào trường Trung học Khải Định – đi học với chiếc tơi cá và đôi guốc gỗ nghèo nàn – như xứ Huế vẫn nghèo nàn – bây giờ đã có một Viện Đại học uy nghi.

Khi tôi về nước Viện Đại học Huế đã có 5 phân khoa: Sư phạm, Văn khoa, Luật khoa, Hán học, và Khoa học. Trong niên khóa đầu có 358 sinh viên. Đến năm 1960 – 1 sĩ số nhanh chóng tăng lên 1431 sinh viên. Năm 1959 mở thêm chương trình dự bị y khoa.

Tôi theo dõi sự trưởng thành của Viện Đại học Huế như theo dõi sức khỏe của một cô em. Tôi nghĩ rằng theo binh nghiệp nay đây mai đó trên sông ngòi và biển cả chắc không có cơ hội nào gần gũi cô em gái thân thương.

Thế nhưng có duyên thì tới. Năm 1970 khi tôi đang làm giảng viên tại trường Sĩ quan Hải quân Nha Trang thì giáo sư Nguyễn Văn Hai, khoa trưởng Phân khoa Khoa học thuộc đại học Huế mở thêm các môn học về Tạo tác, Thủy lợi cho sinh viên khoa học và cần giảng viên các môn kỹ thuật. Thầy mời tôi làm giảng viên bán thời hai môn: Nhiệt Động học và Điện Lý thuyết cho lớp Tạo Tác và Thủy Lợi. Lúc thầy mời tôi do dự nghĩ mình chưa đủ tư cách dạy đại học. Nhưng thầy Hai nhấn mạnh thầy cần giáo sư có khả năng kỹ thuật, và môn Nhiệt động học hiện nay không có ai phụ trách. Nhiệt động học (Thermodynamics) là môn nghiên cứu về khả năng biến nhiệt thành lực và là lý thuyết căn bản để hiểu sự vận hành và chế tạo các loại máy nhiệt-động như máy chạy xăng, máy chạy bằng diesel, tur-bin hơi nước, máy phản lực của máy bay v.v… và đó là môn học chính trong chương trình đào tạo một kỹ sư cơ khí Hải quân.

Thầy Nguyễn Văn Hai là giáo sư Lý Hóa của tôi năm đệ tam (niên khóa 1952-1953) tại trường Khải Định. Lúc đó thầy vừa dạy vừa tự luyện để hoàn tất văn bằng Cử nhân Giáo khoa Khoa học. Tôi có thói học trước trong sách giáo khoa chương trình Pháp cũng là sách thầy dùng để gỉảng bài cho chúng tôi nên thầy trò rất tương đắc.

Tôi có duyên với thầy Hai. Năm 1956 nhân kỳ nghĩ lễ Phục sinh, bạn trung học Lưu Văn Thăng đang học tại trường Không quân ở Salon, Provence ở miền nam nước Pháp và tôi hẹn gặp nhau ở Paris. Hồi đó cái thú của sinh viên Việt Nam ở Paris ngoài việc đi thăm các thắng cảnh của thủ đô hoa lệ là thú đi ăn cơm Việt ở những tiệm ăn còn rất hiếm hoi. Một hôm tôi và Thăng đang ăn cơm ở một tiệm cơm Việt ở quận 5, cạnh trường đại học Sorbonne và đang nói về thầy Hai mà tôi nghe tin thời gian đó cũng đang ở Paris. Thì kìa, cửa tiệm ăn sịch mở và thầy Hai bước vào. Hú vía, hai đứa nhìn nhau không biết có nói lén gì Thầy không?

Lúc Viện thành lập, khách sạn Morin ở số 2 đường Duy Tân (nay là Khách sạn Sài Gòn Morin ở ngã tư Hùng Vương – Lê Lợi), cạnh chân cầu Trường Tiền đã được chọn làm trụ sở cho 3 trường là Ðại học Khoa học, Ðại học Văn khoa và Ðại học Sư phạm. Ðến năm 1964 trường Ðại học Sư phạm xây dựng xong cơ sở 32-34 Lê Lợi và dời về đó, nên ở khu Morin chỉ còn hai trường Ðại học Khoa học và Ðại học Văn khoa.

Các lớp Tạo Tác – Thủy Lợi thuộc Khoa học đại học học trong vòng thành khách sạn Morin, đi vào bằng cửa sau, mỗi lớp chừng 30 sinh viên. Trong hai niên khóa 1970-71 và 1971-72 mỗi năm tôi về thỉnh giảng 3 lần, mỗi lần 5 ngày. Nhờ ở trong ban giảng huấn của trường Sĩ quan Hải quân tôi được sự rộng rãi của vị Chỉ huy trưởng trong việc đi lại khỏi đơn vị. Hãng vận tải hàng không Air Việt Nam không có đường bay Nha Trang – Huế. Phòng lo di chuyển của Đại học Huế gởi vé máy bay Nha-Trang-Sài gòn-Huế cho tôi. Từ Sài gòn tôi hay đi cùng chuyến bay với các giáo sư thỉnh giảng khác như giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, bác sĩ Bùi Duy Tâm, Kiến trúc sư Tôn Thất Cảnh… Ở Huế chúng tôi được đại học Huế sắp xếp tạm trú tại nhà khách dành cho các giáo sư thỉnh giảng. Cơm nước ngày ba lần do hai vợ chồng bác Bỉnh phụ trách. Thực đơn cơm trưa và tối hai bác luôn thay đổi thật ngon miệng nhưng tôi không nhớ nổi là những món gì. Nhưng buổi sáng thì không quên được. Ngày nào cũng như ngày nào. Cơm Tây: bánh mì, trứng gà ốp la (oeuf sur plat), xì dầu hảo hạng và cà phê lọc rỉ rả.

Thời gian chờ mấy giọt cà phê rơi tôi được nghe những câu chuyện của bác sĩ Bùi Duy Tâm và giáo sư Nguyễn Ngọc Huy. Giáo sư Huy lúc đó là một trong những nhân vật lãnh đạo Phong trào Quốc gia Cấp tiến thường nói chuyện chính trị. Nhưng bác sĩ Tâm lúc đó giữ chức vụ Khoa trưởng Đại học Y khoa Huế thì thuần nói đến chương trình cải tổ ngành y ông ấp ủ. Thời gian này vừa sau trận Mậu Thân, các bác sĩ Đức bị giết, các bác sĩ Việt rút về Sài gòn chỉ ra thỉnh giảng. Và sự đóng góp của bác sĩ Tâm để giữ cho Đại học Y khoa Huế còn thoi thóp hoạt động thật là lớn lao mặc dù vì công việc khác ông cũng không thường trú tại Huế. Ông đã có dịp thực hiện các hoài bảo của ông là tiếp tay đào tạo nên một lớp bác sĩ đầy đủ kiến thức y khoa Đông – Tây với khả năng chuyên môn phong phú phục vụ sức khỏe cho đồng bào và quân đội trên mọi nẽo đường đất nước. Nói đến đại học Huế nhất là trường Y khoa mà không nhắc đến bác sĩ Bùi Duy Tâm thì không khác gì nói đến trận Điện Biên Phủ mà không nói đến ông tướng Võ Nguyên Giáp, câu chuyện trở nên nhếch nhác như một đám cưới không có cô dâu. Tôi thích những câu chuyện dí dõm của bác sĩ Tâm và những ý tưởng luôn khác người và lập dị của ông. Tính lập dị của bác sĩ Bùi Duy Tâm đã tạo nên nhiều hiểu lầm đáng tiếc về lập trường chính trị của ông.

Khu tạm trú của giáo sư thỉnh giảng nằm trong khu cư xá giáo sư đại học bên bờ sông An cựu góc cầu ga trên đường Lê Lợi. Bên kia là khu hành chánh của Viện Đại học. Thời Pháp thuộc cho đến năm 1947 Viện là Ty Công chánh Thừa Thiên. Dưới thời quốc trưởng Bảo Đại từ 1949, ông Phan Văn Giáo làm thủ hiến Trung phần nơi này là trung tâm hành chánh của phủ thủ hiến. Đây là nơi năm 1950, một người Đức thuộc đoàn quân Lê Dương của Pháp bị Việt Minh bắt, sau theo Cộng được bố trí về ám sát ông Gíáo. May ông Giáo hôm đó không có mặt ở văn phòng, ông Hà Văn Lan, phó thủ hiến tiếp khách thay bị bắn chết tại chỗ. Trớ trêu của cuộc chiến “nồi da xáo thịt” lúc đó ông Thiếu Tá Hà Văn Lâu, em ruột ông Lan đang chỉ huy một Tiểu đoàn Việt Minh đánh nhau với quân đội Pháp trên con đường từ Quảng Trị dẫn vào Huế, những trận đánh một ký giả Pháp ông Bernard Fall đã ghi laị trong cuốn sách nổi tiếng “La Rue Sans Joie” (Con Đường Không Vui) của ông. Tiếp tục phóng sự chiến trường, ông Bernard Fall đã đạp mìn chết trên con đường đó.

Hằng ngày theo lịch trình bác Chương tài xế đưa đón đi về đều đặn. Thường là những đoạn đường ngắn, bác Chương ít nói chăm chú công việc đúng giờ đúng giấc nên các giáo sư thỉnh giảng ai cũng mến bác. Chỉ có một lần trời xấu máy bay không đáp được xuống sân bay Phú Bài, bác Chương lái xe đưa cả đòan giáo sư thỉnh giảng vào Đà Nẵng đáp máy bay trở về Saigòn. Vào mùa gió Đông Bắc, bầu trời phía bắc đèo Hải Vân mây phủ, nhưng sau khi vượt qua đỉnh đèo thì trước mắt bầu trời xứ Quảng tạnh ráo sáng trưng. Qua đoạn đường dài bác Chương kể chuyện đại học Huế và trong câu chuyện tôi chỉ còn nhớ bác rất tự hào miền Trung “của bác, của tôi,” đã có một đại học.

Vào năm 1981, tại hải ngoại giáo sư Nguyễn Thanh Trang đang giữ chức vụ “Senior Manager” cho công ty Broadway Department Store ở Los Angeles có sáng kiến thành lập Hội Thân hữu Đại học Huế. Một buổi họp gồm 40 cựu giáo sư gồm ông bà Viện Trưởng Lê Thanh Minh Châu, ông bà giáo sư Lê Văn cựu Khoa trưởng Sư phạm Huế, giáo sư Âu Ngọc Hồ, và nhiều giáo sư khác tham dự được triệu tập tại thành phố Mission Viejo và Hội Thân Hữu Đại Học Huế đã được thành lập. Giáo sư Nguyễn Thanh Trang là vị Chủ tịch đầu tiên. Tôi được tham dự sinh hoạt với hội qua các kỳ họp năm 1982, và năm 1983. Kỳ họp năm 1982 có linh mục Cao Văn Luận, vị viện trưởng sáng lập Viện tham dự.

Năm 1984, giáo sư Âu Ngọc Hồ làm chủ tịch hội thay giáo sư Nguyễn Thanh Trang. Sau đó vì những lý do ngoài ý muốn hội gần như ngưng hoạt động … cho mãi đến gần đây nhờ sinh hoạt hằng năm của các cựu sinh viên Y khoa Huế, Hội lại tái hoạt động.

Đối với tôi còn một kỷ niệm không trọn vẹn với Đại học Huế đáng ghi nhớ. Năm 1999 tôi về thăm Việt Nam lần đầu tiên. Một người cháu rể làm việc tại Ty Thể Thao cho biết nhiều sinh viên lớp Xây Dựng & Tạo Tác tôi dạy hiện đang là những cán bộ then chốt tại các Ty Công Chánh, Kiến Thiết … của thành phố Huế ngỏ ý tổ chức một buổi hội ngộ thầy trò gặp nhau. Vì một lý do nào đó buổi hội ngộ bất thành, nhưng tôi không bao giờ quên cái tình nghĩa trong đẹp đó.

Những kỷ niệm vui buồn của tôi đối với Đại học Huế là vậy. Dù chỉ là khách thoáng qua, nhưng ấn tượng thì không bao giờ phai mờ.

Trần Văn Sơn
(bút hiệu: Trần Bình Nam)
Feb. 4, 2016
binhnam@sbcglobal.net
www.tranbinhnam.com







No comments:

Post a Comment

View My Stats