Sat,
01/30/2016 - 11:20 — nguyenvubinh
Trong
thời gian gần đây, việc luân chuyển cán bộ công an sang lãnh đạo đảng, chính
quyền ở các địa phương diễn ra tương đối phổ biến. Điển hình là mới gần đây,
giám đốc công an thành phố Hà Nội đã được bầu (cơ cấu) làm chủ tịch thành phố
Hà Nội. Những thông tin được tiết lộ từ Hội nghị trung ương 14 (khóa XI) và Đại
hội toàn quốc ĐCS Việt Nam lần thứ XII vừa qua, bộ trưởng công an Trần Đại
Quang có thể sẽ được cơ cấu làm chủ tịch nước. Các địa phương tỉnh, huyện trong
cả nước cũng có tình trạng tương tự. Như vậy, rõ ràng có xu hướng tăng cường
cán bộ công an trong hệ thống lãnh đạo đảng và chính quyền.
Trước hết, trong hệ thống cơ cấu quyền lực của các chế độ cộng sản nói chung,
và chế độ cộng sản Việt Nam nói riêng, ngành công an có một vị thế đặc biệt. Có
thể nói, chế độ cộng sản, chế độ toàn trị xây dựng và vận hành được cơ chế triệt
tiêu sự phản kháng của người dân có sự đóng góp rất lớn của ngành công an. Đồng
thời, việc duy trì và bảo vệ chế độ cộng sản trước những sóng gió của thời cuộc
cũng một tay ngành công an tham mưu và lo liệu. Chính vì vậy, quyền lực của
ngành công an, so với tất cả các ngành nghề khác là vượt trội và bao trùm. Việc
điều chuyển cán bộ ngành công an sang lãnh đạo đảng và chính quyền từ trước tới
nay vẫn thường xảy ra, tuy nhiên tỷ lệ không nhiều và chưa trở thành xu hướng
như thời gian gần đây.
Giải thích về xu hướng tăng cường công an trong hệ thống lãnh đạo đảng, chính
quyền cũng không có gì khó khăn. Trong xã hội Việt Nam hiện nay, việc cơ cấu
cán bộ, luật bất thành văn là vấn đề tiền quyết định rất lớn cho các đương sự.
Ngành công an, với quyền lực bao trùm, tiếp xúc và quyết định vận mệnh của rất
nhiều tầng lớp, trên nhiều khía cạnh nhất của đời sống người dân đương nhiên
thu về nhiều bổng lộc nhất. Vì vậy, trong cuộc đua tiền với các ngành nghề
khác, các cán bộ ngành công an hầu như không bao giờ chịu lép vế. Đó là vấn đề
“thực lực” của các ứng viên ngành công an. Mặt khác, với mạng lưới an ninh,
tình báo, đặc tình rộng khắp và sử dụng lý do nghiệp vụ, các cán bộ ngành công
an thường có trong tay những tỳ vết của các ứng cử viên các ngành nghề khác, thậm
chí các lãnh đạo cao cấp, các địa phương. Việc sử dụng các tỳ vết của các ứng
viên đối thủ để chiếm ưu thế trong các cuộc bầu bán là việc thường xuyên hiện
nay.
Tuy nhiên, một lý do quan trọng bao trùm lên tất cả, giải thích cho xu hướng trọng
dụng cán bộ công an trong hệ thống lãnh đạo đảng, chính quyền hiện nay đó chính
là xu thế tăng cường việc duy trì và bảo vệ chế độ độc tài toàn trị cộng sản
trong giai đoạn cuối chu kỳ tồn tại của nó. Có thể nói, việc suy sụp của nền
kinh tế và những dồn nén xã hội, cùng với ứng xử nhu nhược của nhà cầm quyền Việt
Nam trước sự ngang ngược của Trung Quốc, kết hợp với ảnh hưởng của hệ thống
Internet và mạng xã hội, phần lớn người dân đã thức tỉnh, đã thấy được và hiểu
ra bản chất thật sự của chế độ toàn trị. Sự phản kháng của người dân đã lan rộng
khắp nơi, ở tất cả các địa phương, ngành nghề và các lĩnh vực, đủ các tầng lớp,
thành phần và độ tuổi. Việc tham mưu và triển khai chiến lược, kế hoạch đối phó
với những sự nổi dậy, phản kháng của người dân đã làm tăng vị thế của ngành
công an một cách tự nhiên. Để thống nhất và thuận lợi trong việc triển khai các
kế hoạch đối phó, đàn áp dân chúng nhằm duy trì sự độc tài không gì bằng những
lãnh đạo đảng, chính quyền đã từng trải qua hoạt động của ngành công an. Chính
vì vậy, xu thế tăng cường công an trong hệ thống lãnh đạo đảng, chính quyền là
một xu thế tất yếu.
Có nhiều người băn khoăn, thậm chí lo lắng cho việc cán bộ công an chuyển sang
lãnh đạo đảng, chính quyền sẽ làm gia tăng sự ngột ngạt, đàn áp người dân hoặc
phong trào dân chủ. Tuy nhiên, xã hội Việt Nam hiện nay như một chiếc lò xo đã
hết độ nén, như một nồi áp suất sắp nổ tung, nếu có những tác động gia tăng sự
dồn nén thì đó là điều đáng mừng chứ không còn là điều đáng lo, bởi vì người
dân hiện nay cũng chỉ còn mất xiềng xích nữa mà thôi./.
Hà
Nội, ngày 30/01/2016
N.V.B
No comments:
Post a Comment