Hãy
đứng lên, tự ứng cử!
Không
thể trông chờ vào một quốc hội chỉ biết “gật”, người dân hãy tự cứu mình bằng
quyền dân được hiến định.
Ngay
trước kỳ bầu cử tháng 5/2016, Quốc hội phải cải cách!
Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị
năm 1966, tại Điều 25 ghi rõ: Bầu cử và ứng cử trong các cuộc bầu cử định kỳ
chân thực, bằng phổ thông đầu phiếu, bình đẳng và bỏ phiếu kín nhằm đảm bảo cho
cử tri tự do bày tỏ ý nguyện của mình.
Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc năm 1948 nhấn
mạnh: Ý chí của nhân dân phải là cơ sở của quyền lực của nhà nước. Ý chí này thể
hiện qua các cuộc bầu cử định kỳ và chân thực, tổ chức theo nguyên tắc phổ
thông đầu phiếu, bình đẳng và bỏ phiếu kín hoặc bằng những tiến trình bầu cử tự
do tương đương.
Vào lúc Nhà nước Việt Nam đã là một thành viên của Hội
đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, tự ứng cử đã trở thành một trong những quyền
chính trị cơ bản và thiêng liêng nhất của một con người cần phải tôn trọng triệt
để. Cùng với quyền bầu cử, quyền ứng cử phải được thực hiện như một trong những
quyền cơ bản nhất của con người mà thể chế cần bảo đảm.
Bầu cử chỉ thực sự tự do và công bằng khi mọi công
dân thực thi quyền tự ứng cử mà không bị cản trở trong bất kỳ trường hợp nào.
Nhưng trong suốt 70 năm qua ở Việt Nam, quyền tự ứng
cử của công dân vẫn chỉ là một vật trang trí bị rẻ rúng, được mang ra bài trí
cho “dân chủ cơ sở”, nhưng thực chất là bóp nghẹt ngay tức khắc những ai muốn tự
mình cất lên tiếng nói lương tâm.
Một minh chứng rất rõ cho tình trạng bóp nghẹt đó là
hình thức ứng cử thông qua tổ chức, cơ quan, đơn vị giới thiệu luôn áp đảo so với
việc ứng cử của bất kỳ cá nhân nào. Cứ gần mỗi kỳ bầu cử, các cấp từ quận huyện,
tỉnh thành đến trung ương đều ra sức “vận động” và cả đe dọa những người tự ứng
cử, kể cả đảng viên, để ép họ phải rút tên.
Những kỳ bầu cử quốc hội trước đây, chỉ có rất ít ứng
cử viên độc lập tham dự. Kết quả ba cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội gần đây đã cho
ra những con số quá thấp về tự ứng cử. Quốc hội khóa XI cả nước có 67 người tự ứng
cử, kết quả chỉ có 2 người trúng cử. Quốc Hội khóa XII cả nước có 238 người tự ứng
cử, chỉ duy nhất 1 người trúng cử. Còn đến Khóa XIII, dù không khí phản biện đã
dâng cao trong dân chúng, công tác vận động của đảng vẫn “thành công” đến mức số
người tự ứng cử chỉ còn có 15, trúng cử chỉ 4 người.
Với rất nhiều lý do, trong đó tận dụng các tiểu xảo
về thủ tục ứng cử, cơ quan tổ chức bầu cử đã dùng những biện pháp tinh vi nhằm
loại ứng cử viên độc lập ngay từ vòng ngoài.
Tuy vậy, đó là dĩ vãng. Còn hiện tại, bầu không khí
sôi trào phản ứng xã hội cùng dư luận phản tỉnh của người dân cho thấy nếu một
cuộc bầu cử tự do được chấp thuận, các ứng cử viên độc lập và trên hết là người
có tinh thần yêu nước sẽ có thể chiến thắng.
Tại cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 5/2016, nếu đảng
cầm quyền dự kiến gần 900 ứng viên, trong đó có 80 ủy viên trung ương được cơ cấu
theo “luật của đảng”, thì Xã hội dân sự cũng có đến vài chục thành viên có thể
ra ứng cử độc lập.
Nhìn từ góc độ dân sinh và tất cả những gì thiết
thân nhất với người dân thấp cổ bé miệng, quyền bảo vệ đất đai và bảo vệ môi
trường sống là trên hết. Những năm qua, không phải 500 hội đoàn nhà nước cấp
trung ương mà chính những thành viên của Xã hội dân sự mới là những thành tố
năng nổ và nhiệt thành nhất trong phong trào bảo vệ dân oan đất đai.
Có nhiều cái tên đặc biệt có ý nghĩa trong phong
trào hoạt động nhân quyền về dân oan đất đai ở Hà Nội: Nguyễn Tường Thụy,
Trương Dũng, JB Nguyễn Hữu Vinh… Đó đều là những người hoàn toàn có tiếng nói mạnh
mẽ và chẳng thiếu lý lẽ trong Quốc hội Việt Nam nếu trúng cử.
Bên cạnh đó, giới trí thức độc lập có thể đóng vai
trò là nhân tố đại diện cho tầng lớp dân đen để gióng lên tiếng nói trong nghị
trường. Trường hợp những nhà đấu tranh dân chủ được nhiều người dân địa phương
biết đến và mến mộ như Nguyễn Quang A ở Hà Nội, Bùi Minh Quốc và Tiêu Dao Bảo Cự
ở Đà Lạt là điển hình.
Tuyên bố
Hội
nhà báo độc lập Việt Nam tuyên bố:
1. Yêu cầu các cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc Bầu cử Quốc hội
khóa XIV phải có trách nhiệm cao nhất trong việc tạo điều kiện thuận lợi nhất để
mọi công dân được thực hiện đầy đủ quyền bầu cử, ứng cử của mình.
Xóa bỏ cơ chế “Đảng cử, dân bầu” tồn tại từ nhiều
năm qua.
2. Yêu cầu truyền thông nhà nước không kỳ thị trong cách thông tin
tuyên truyền bầu cử đối với những người tự ứng cử, không phân biệt đối xử trong
vận động bầu cử của các ứng viên; cần thể hiện tối đa tính công bằng, khách
quan; nghiêm cấm các hành vi cản trở đối với những người tự ứng cử.
3. Yêu cầu tiếp tục bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện hơn nữa luật Bầu cử đại
biểu Quốc hội, quy định rõ quyền tự ứng cử của công dân; quy trình, thủ tục,
cách thức để công dân thực hiện quyền tự ứng cử của mình. Đặc biệt, bổ sung điều
luật quy định cụ thể điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục trong việc thực
hiện quyền tự ứng của công dân trong Luật bầu cử Quốc hội.
4. Yêu cầu xóa bỏ sự bất công hoặc làm rõ giá trị công bằng đối với
hai hình thức ứng cử trong văn bản luật Bầu cử Đại biểu Quốc Hội, cụ thể là điều
34, 35.
5. Ủng hộ việc hồ sơ ứng cử phải có lý lịch tư pháp, kê khai tài sản. Ủng
hộ người dân tự ứng cử để thể hiện thực chất ý chí nhân dân trong bầu cử.
6. Ủng hộ vai trò của các tổ chức xã hội dân sự độc lập và người dân về:
- Tự ứng cử và vận động những người có đủ tiêu chuẩn
ra ứng cử;
- Những người tự ứng cử (không phải do đảng Cộng sản
Việt Nam đề cử) hãy tập hợp thành Nhóm ứng viên ngay từ bây giờ cho đến
13-3-2016 để giúp nhau trong quá trình ứng cử; cho đến 22-5-2016 trong quá
trình chuẩn bị bầu cử và giám sát quá trình hiệp thương, quá trình bầu cử và
giám sát kiểm phiếu; cho đến ngày Quốc hội mới họp trong việc khiếu nại liên
quan đến ứng cử, bầu cử.
Đất nước đã bước vào thời khắc sinh tử. Quốc hội Việt
Nam không thể tái diễn đi ngược xu thế chung. Quốc hội và Bộ Chính trị đảng
không thể mãi lũng đoạn quyền tự ứng cử của công dân. Họ cần và phải tự thay đổi.
Nếu không muốn bị giải tán theo quá nhiều kinh nghiệm lịch sử ở các nước trên
thế giới, họ phải để cho người dân tự ứng cử, để nhân dân tự cứu mình và cứu
vãn đất nước mà không thể trông chờ vào một chế độ điều hành kinh tế xã hội quá
yếu kém, đầy rẫy tham nhũng và nô thuộc Trung Quốc.
Việt Nam, ngày 11 tháng 2 năm 2016
Hội Nhà báo độc lập Việt Nam
No comments:
Post a Comment