Dịch giả: Trần Văn Minh
Posted by adminbasam
on 23/02/2016
.
Bà
Jacqueline Nguyen. Ảnh: Fusion
Jacqueline Nguyễn đã trải qua vài tháng đầu tiên sống ở Mỹ
trong một túp lều ở trại tị nạn, một trong hàng ngàn người đã chạy sang Hoa Kỳ
sau sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam.
Bốn thập niên sau đó, sau khi làm công tố liên bang và thẩm
phán, bà bây giờ có tên trong danh sách ngắn, cho một chức vụ trong Tối cao
Pháp viện. Sau cái chết của Chánh án Antonin Scalia hồi tuần trước, những
lời đồn đoán cho rằng bà có thể trở thành người Mỹ gốc Á và người tị nạn đầu
tiên của Tối cao Pháp viện.
Trong khi các nhà quan sát cho rằng Tổng thống Obama có
nhiều khả năng sẽ chọn các ứng cử viên khác, gồm chánh án tòa phúc thẩm Sri
Srinivasan, cũng là chánh án người Mỹ gốc Á đầu tiên – bà Nguyễn có một số chú
ý. Vào năm 2012, Thượng viện đã phê chuẩn bà vào Tòa Phúc thẩm Liên bang với số
phiếu 91-3, là điều có thể gây khó khăn cho các thành viên đảng Cộng hòa phải
giải thích tại sao họ không hỗ trợ lần nữa. Nếu bà được phê chuẩn, Tối cao Pháp
viện sẽ có số phụ nữ cao hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử. Và câu chuyện
gia đình của bà có sức thuyết phục không thể phủ nhận.
Bà Nguyễn đã từng làm chủ tọa hàng ngàn vụ án của tòa án
tiểu bang và liên bang, xử án tất cả mọi vụ, từ các vụ giết người tàn bạo và
buôn người, đến các vụ kiện bằng sáng chế phức tạp một cách ác hiểm. Giống như
nhiều người được đề cử, bà dường như không có xu hướng chính trị hay hồ sơ thực
sự về nhiều vấn đề nóng bỏng đang đối mặt với Tối cao Pháp viện, nhưng người ta
có thể thấy một xu hướng ủng hộ giới hành pháp trong một số quyết định.
Điều rõ ràng là bà Nguyễn đã có một lịch sử phá những rào
cản. Bà là người Mỹ gốc Việt đầu tiên trở thành chánh án liên bang khi bà được chấp
thuận vào chức vụ tòa phúc thẩm
khu vực vào năm 2009 và là nữ chánh án liên bang người Mỹ
gốc Á đầu tiên năm 2012. Sinh năm 1965, có tên
Nguyễn Thị Hồng Ngọc, bà Nguyễn lớn lên ở Đà Lạt, một thị trấn nhỏ phía bắc Sài
Gòn. Cha bà là một thiếu tá trong quân đội miền Nam Việt Nam, và bà nhớ lại một
tuổi thơ vui sướng với họ hàng thân thuộc bao quanh. Tất cả đã thay đổi từ
tháng 4 năm 1975, lúc 9 tuổi, khi chính phủ miền Nam sụp đổ vào giai đoạn cuối
của cuộc chiến tranh Việt Nam. Cha mẹ bà nhanh chóng mang bà Nguyễn và 5 anh chị
em còn bé của bà đến một căn cứ không quân của Mỹ ở thủ đô, để lại đằng sau tất
cả mọi thứ, bà kể lại trong một bài viết trên một tạp chí Tư pháp địa phương hồi
năm 2006.
Một người bạn Mỹ đã kiếm được cho họ một chỗ hiếm có trên
một chiếc máy bay chật cứng người, bay ra khỏi đất nước. Khi họ đến Mỹ, gia
đình bà đã trải qua vài tháng đầu sống trong trại tị nạn rộng lớn ở Camp
Pendleton, ở San Diego, chung lều với hai gia đình khác. Sau đó, họ dọn đến Los
Angeles, với 5 USD để bắt đầu một cuộc sống mới. Cha mẹ bà đã làm những công việc
lặt vặt, và bà Nguyễn phụ giúp mẹ làm việc tới khuya, gọt vỏ và cắt táo, và sau
này làm chủ một tiệm bánh donut nhỏ.
Bà Nguyễn lấy bằng cử nhân tại trường Đại học Occidental
với học bổng toàn phần (chỉ vài năm sau khi ông Obama học ở đó) và một bằng luật
ở Đại học UCLA. Bà tìm được việc làm tại công ty luật lớn L.A. – với một mức
lương nhiều hơn mức mà cha mẹ của bà đã từng kiếm được – nhưng chuyển sang làm
công tố viên liên bang hai năm sau. Bà nói trong một đoạn thu hình năm 2015:
“Tôi biết rằng [hành nghề tư nhân] không phải là niềm đam mê của tôi, đó không
phải là những gì tôi muốn làm mỗi buổi sáng thức dậy”.
Là một công tố viên, bà xử lý những vụ điều tra gian lận
lớn, tội phạm có tổ chức và buôn bán ma túy. Một vụ liên quan đến một chuyện
nghe lén điện thoại của một nhóm tội phạm có tổ chức của Nga buôn lậu nô lệ
tình dục từ Ukraine vào Mỹ. Năm 2000, bà truy tố trường hợp đầu tiên trên toàn
quốc, dẫn đến kết tội bị cáo vì cung cấp tài vật cho một tổ chức khủng bố – hiện
nay là một cáo buộc tiêu biểu đối với những người ủng hộ ISIS.
Một trong những chiến thắng lớn nhất của bà xảy ra vào
năm 1999, khi bà khởi tố các đầu đảng của tổ chức được gọi vào thời ấy, là hệ
thống buôn lậu lớn nhất thế giới, chưa từng bị buộc tội trong lịch sử Hoa Kỳ. Một
nhóm gồm các nhà nhập khẩu Trung Quốc đã trốn thuế hàng triệu đô la, bằng cách
che giấu vải vóc và hàng hóa khác. William Carter, một luật sư làm việc với bà
Nguyễn, kể lại cách thức bà hỏi người làm chứng và lý luận với bồi thẩm đoàn
trong lúc đang mang thai 8 tháng rưỡi. Ông nói, tại phiên tòa, bà nói nhẹ nhàng
và cương quyết, theo cách điều khiển sự chú tâm của bồi thẩm đoàn.
Ông Carter nói: “Bà là một luật sư xuất sắc, một luật sư
tranh tụng có tiếng, và một đồng nghiệp tuyệt vời. Bà nên được đứng đầu danh
sách ngắn đó”.
Bà Nguyễn đã trở thành chánh án tiểu bang năm 2002, chủ tọa
một phòng xử án mà đôi khi có tới hơn 100 vụ xử trong một ngày. Bà được cất nhắc
lên hàng chánh án liên bang ở Los Angeles vào năm 2009 sau khi Thượng viện phê
chuẩn bà với số phiếu 97-0. Ba năm sau, bà lên tới Tòa Phúc thẩm Liên bang với
số phiếu ở Thượng viện là 91-3.
Giống như nhiều chánh án, thật khó mà nói nếu bà Nguyễn
có bất kỳ xu hướng chính trị nào. Ông Carter cho biết, ông chưa bao giờ nghe bà
nói chuyện về chính trị. Bà chưa từng đóng góp cho bất kỳ chiến dịch vận động
liên bang nào, theo số liệu của FEC [Ủy ban Bầu cử Liên bang]. (bà Nguyễn từ chối
một yêu cầu phỏng vấn thông qua một phụ tá.)
Là một chánh án, bà đã xử lý các trường hợp bằng sáng chế
phức tạp liên quan tới tất cả mọi thứ, từ con quay tự do (gyroscope), đến máy đọc
thẻ tín dụng, cũng như truy tố hình sự và một loạt các chủ đề khác. Dưới đây là
một vài quyết định đáng chú ý mà bà đã làm những năm qua:
·
Năm 2011, một nhóm các
nhà hoạt động chống phá thai đã kiện trường đại học Los Angeles City College, với
lập luận rằng nhà trường đã ngăn cản họ thực hiện quyền của Tu Chính án thứ Nhất,
bằng cách ngăn chặn một cuộc biểu tình. Bà Nguyễn ra phán quyết về phía trường
đại học trong bản án tóm tắt, cho rằng khuôn viên trường đại học không phải là
diễn đàn công cộng và lệnh cấm được dùng cho mục đích hợp lý.
·
Hai cảnh sát Pasadena bắn
Leroy Barnes, một người đàn ông Mỹ gốc Phi, tại một điểm ngừng giao thông vào
tháng 2 năm 2009. Các sĩ quan cảnh sát cho biết, Barnes đã rút một khẩu súng ra
và chĩa vào họ; gia đình Barnes khẳng định cây súng được ngụy tạo và kiện thành
phố. Bà Nguyễn đã bác bỏ vụ kiện của họ vào năm 2011, đồng ý với thành phố rằng
vụ bắn [của cảnh sát] là chính đáng và gia đình [Barnes] thiếu chứng cớ để khởi
kiện.
·
Khi ở tòa phúc thẩm hồi
năm 2013, bà Nguyễn đã viết một sự bất đồng duy nhất trong quyết định về một
trường hợp tàn bạo của cảnh sát khác. Hai thẩm phán kia phán quyết có lợi cho
Donald Gravelet-Blondin, người bị cảnh sát Washington bắn súng điện, gọi sự kiện
này là sử dụng sức mạnh quá đáng và vi hiến. Bà Nguyễn cho rằng tòa nên bác bỏ
vụ kiện của Blondin chống lại cảnh sát, bà viết, “đa số bị sai lạc trầm trọng
vì họ không nhìn thấy bối cảnh cụ thể của vụ kiện này và sử dụng nhận thức chứ
không nhìn cảnh vật qua con mắt của một cảnh sát bình thường”.
Bà sống với chồng, ông Po Kim – một cựu trợ lý công tố
viên Hoa Kỳ, người đã làm việc trong cùng văn phòng với bà – và hai đứa con ở độ
tuổi thanh thiếu niên.
Bà Nguyễn đã từng lên tiếng về sự thiếu đa dạng trong hệ
thống tư pháp. Bà nói với một nhóm người Mỹ gốc Việt hồi năm 2010: “Trên
toàn quốc, người da màu chiếm một phần tư dân số, nhưng họ chỉ chiếm 10% số luật
sư và chỉ có 4% đối tác trong các công ty luật lớn. Hơn 70% số chánh án là da
trắng. Sự thiếu đa dạng này đã góp phần vào sự mất lòng tin sâu sắc đối
với hệ thống tư pháp ở nhiều cộng đồng thiểu số, trong đó có cộng đồng của
chúng ta“.
Trong trường luật, bà tình nguyện tham gia Trung tâm Luật
pháp châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ, một tổ chức bất vụ lợi giúp hướng dẫn người
di dân châu Á trong quá trình nhập quốc tịch hoặc nhận quyền công dân. Trên bục,
tại tòa tiểu bang, bà cũng tận tình giải thích với cách thức để các bị cáo người
di dân có thể hiểu được, bà nói.
Bà viết trong một bài bình luận năm ngoái, trên báo San
Jose Mercury-News: “Cũng giống như gia đình tôi, nhiều di dân nhìn nước Mỹ từ một
quan điểm có ưu thế độc đáo. Mặc dù hầu hết người Mỹ chia sẻ lịch sử di dân,
nhưng những người mà bản thân phải đối mặt với những khó khăn như chiến tranh,
nghèo đói, và đàn áp, mang tới sự trân trọng mới và đầy sức mạnh đối với các lý
tưởng tự do và công lý của Mỹ”.
.
No comments:
Post a Comment