Th.S Nguyễn
Tiến Trung
Gửi cho
BBC từ Sài Gòn
21 tháng 2 2016
Gần đây trong giới hoạt động dân chủ
đã rộ lên phong trào động viên nhau tự ứng cử vào quốc hội.
Có thể nói đây là một bước tiến cả về nhận thức và phương
cách đấu tranh dân chủ.
Mọi người không thụ động tẩy chay bầu cử nữa mà chủ động
tham gia vào các thiết chế quyền lực nhà nước.
Song song với điều đó, những tiếng nói yêu cầu cho người
Việt Nam ở nước ngoài được thực hiện quyền ứng cử, bầu cử cũng vang lên.
Không phải chỉ giới hạn trong giới du học sinh hoặc lao động
Việt Nam tại nước ngoài, mà cả Việt
kiều, những người chưa từ bỏ quốc tịch Việt Nam cũng cần phải được thực
hiện quyền làm chủ của mình.
Bất công chính trị
Từ năm 1975 tới nay, mỗi lần đến kì bầu cử Quốc hội thì lại
rộ lên phong trào tẩy chay bầu cử.
Một lý do ai cũng biết, đó là trong một cuộc bầu cử độc đảng
thì đảng đó độc quyền đề cử ứng cử viên qua 'hiệp thương', chẳng hạn do Mặt trận
Tổ Quốc Việt Nam - cánh tay nối dài của đảng cộng sản tổ chức.
Rồi chính đảng đó, mà ở đây là đảng cộng sản Việt Nam, lại
thông qua Mặt trận ấy của họ để kiểm phiếu rồi thông báo kết quả.
Do đó, các lãnh đạo của đảng cộng sản có thể tùy tiện
thao túng kết quả bầu cử.
Đó cũng là lý do tại sao các lãnh đạo của đảng cộng sản có
thể thoải mái “cơ cấu", “quy hoạch” trước ai làm đại biểu quốc hội.
Cụ thể hơn, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
trình bày tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác bầu cử do Bộ Chính trị tổ
chức vào sáng thứ Ba 2/2/2016 cho biết “dự kiến" 80 ủy viên trung ương
tham gia Quốc hội, đại diện khối doanh nghiệp là bảy người, đại biểu ngoài đảng
cộng sản từ 25 đến 50 người, v.v…
Không có gì xâm phạm quyền làm chủ thiêng liêng của người
dân trắng trợn hơn thế!
Không có bất công xã hội nào lớn hơn bất công chính trị
khi lá phiếu của công dân chỉ là tờ giấy lộn để trang trí cho chế độ “cộng hòa
xã hội chủ nghĩa"!
Khao khát thay đổi
Đã biết bầu cử chỉ là màn kịch vụng về nhưng tại sao các
nhà hoạt động vẫn ra ứng cử?
Đó là vì phong trào dân chủ đã mạnh và đông hơn trước nhiều,
mạng xã hội cũng đã liên kết mọi người và phổ biến thông tin nhanh hơn, các
hành động “đấu tố" để loại các ứng cử viên độc lập trong các buổi hiệp
thương sẽ bị phơi bày rõ ràng hơn chỉ với chức năng ghi âm, ghi hình của điện
thoại.
Ngoài ra, việc rủ nhau tự ứng cử này cũng là một dấu hiệu
cho thấy sự bức xúc ngày càng tăng của người dân đối với một chế độ nói một đằng
làm một nẻo: chuyên hô hào “dân chủ, công bằng” nhưng thực tế thì “đảng chủ, bất
công”.
Cá nhân tôi rất ủng hộ các ứng cử viên độc lập vì họ đang
thực hiện quyền làm chủ đất nước của công dân.
Đó là một quyền hiển nhiên, chính đáng, thậm chí được ghi
nhận trong điều 27, 28 của Hiến pháp do các lãnh đạo cộng sản tự ban hành.
Cũng như phong trào ủng hộ cá nhân ông X, ông Y lên làm tổng
bí thư hay tổng thống (dù chưa phải do dân bầu), trong đó có cả những người
trong giới đấu tranh dân chủ, nó cho thấy người dân Việt Nam đang khao khát
thay đổi.
Đó là những tín hiệu rất mạnh mẽ của ý dân gửi tới nhà cầm
quyền.
Thắng cử mới chính danh
Cần khẳng định rằng bầu cử là sự lựa chọn. Ở Việt Nam người
dân đã có quyền lựa chọn cá nhân hoặc chính đảng lãnh đạo quốc gia qua lá phiếu
chưa?
Rõ ràng là chưa, với thể chế một đảng độc quyền nhà nước.
Cá nhân tôi mong muốn các công dân Việt Nam tự tin ra ứng
cử ngay tại địa bàn của các ủy viên bộ chính trị đảng cộng sản, đặc biệt là của
“tứ trụ triều đình" dự kiến trong tương lai.
Tôi tin người dân mong muốn nghe kế hoạch hành động,
cương lĩnh cụ thể của “tứ trụ” để so sánh với những ứng cử viên khác.
Đảng cộng sản Việt Nam cướp được chính quyền là “bên thắng
cuộc", nhưng thắng cuộc không có nghĩa là thắng cử.
Có thắng cử thì cầm quyền mới chính danh. Việc có nhiều
cá nhân độc lập ra ứng cử giúp cho đảng cộng sản phần nào đó có vẻ mang tính
chính danh hơn khi người dân và cộng đồng quốc tế nhìn vào.
Do đó, các lãnh đạo cộng sản không nên sợ đối lập mà cần
hiểu đúng đắn là sự có mặt của các đảng đối lập trong cuộc bầu cử tự do và công
bằng là điều kiện bắt buộc để đảng cộng sản nắm quyền một cách chính danh.
Đã có người ngoài đảng cộng sản ra ứng cử thì công tác tổ
chức bầu cử không thể chỉ do Mặt trận Tổ quốc là cánh tay nối dài của đảng cộng
sản độc quyền.
Cơ quan tổ chức bầu cử phải gồm nhiều thành phần trong xã
hội để đảm bảo đây là một cuộc bầu cử “phổ thông, bình đẳng" như điều 7 hiến
pháp do đảng cộng sản ban hành đã quy định.
Nếu không làm được như vậy thì Mặt trận Tổ quốc đã trở
thành “Mặt trận phản quốc", vi phạm Hiến pháp, khuynh loát quyền làm chủ tối
thượng của nhân dân.
Cần chính trị gia đích thực
Hiển nhiên các cá nhân độc lập ứng cử, dù có đông cũng
không thể thách thức sự độc quyền chính trị của một đảng cầm quyền như đảng cộng
sản.
Cá nhân không thể gây ảnh hưởng lên một quốc hội hàng
trăm người.
Khi các lãnh đạo đảng cộng sản gặp gỡ các tướng lãnh quân
đội, công an, họ không dặn “tuyệt đối không để hình thành các cá nhân đối lập"
hoặc “các tổ chức xã hội dân sự đối lập", mà họ dặn “tuyệt đối không để
hình thành các tổ chức chính trị đối lập".
Vấn đề gốc rễ của Việt Nam là vấn đề chính trị: sự độc
quyền chính trị của một đảng.
Để giải quyết vấn đề chính trị thì cần phải có các chính
trị gia (politician) chứ không phải các nhà hoạt động xã hội (activist).
Nói đến chính trị là nói đến quyền lực nhà nước, để có được
quyền lực thì phải có đảng chính trị để hỗ trợ nhau ứng cử vào quốc hội, chính
phủ và nắm quyền hoạch định, thực thi chính sách.
Nan đề chính trị
Là một đảng cầm quyền hơn 70 năm, lãnh đạo đảng cộng sản
thừa hiểu chỉ có các tổ chức chính trị đối lập, tức là các đảng đối lập, mới có
đủ sức mạnh tranh cử với họ, buộc họ ngồi xuống bàn đàm phán để tiến tới dân chủ
hóa.
Đó cũng là lý do tại sao trong bộ luật Hình sự không hề
có điều luật nào cấm công dân lập đảng để ra ứng cử, nhưng hễ có công dân nào lập
đảng thì đảng cầm quyền sẽ đàn áp, bắt bớ bằng cách quy chụp vào các điều luật
khác, chẳng hạn như điều 79 bộ luật hình sự “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền
nhân dân".
Như thế, bài toán mà các chính trị gia dân chủ phải giải
là chỉ có một chính đảng mới có thể nói chuyện, tranh cử sòng phẳng với một
chính đảng như đảng cộng sản, nhưng hễ lập đảng là sẽ bị dập tắt ngay từ trong
trứng nước.
Tập thể nào giải được bài toán này, tập thể đó sẽ đóng
vai trò như đảng Đại hội quốc gia dân tộc Phi (ANC - National African Congress)
ở Nam Phi, hoặc như đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD - National League
for Democracy) ở Miến Điện.
--------------------------
Bài viết thể hiện lối hành văn và phản
ánh quan điểm riêng của tác giả, cựu tù nhân chính trị, nhà hoạt động dân chủ
hóa và nhân quyền đang sinh sống tại Việt Nam.
No comments:
Post a Comment