Tuesday, 9 February 2016

TẾT - VUI & KHỔ ! (Song Chi)





Mon, 02/08/2016 - 23:48 — songchi

Đối với người Việt, Tết là dịp lễ lớn nhất, quan trọng nhất, vui và nhiều ý nghĩa nhất. Điều đó khỏi phải bàn. Một dạo đã từng có những ý kiến đề xuất nên bỏ Tết ta, Tết Âm lịch, với lý do ăn hai cái Tết tốn kém, nhất là Tết Âm lịch; hơn nữa, Tết Nguyên đán của người Việt vốn là phiên bản Tết Nguyên đán của người Hoa, nếu muốn thoát Trung hãy bắt đầu từ những việc như thoát khỏi văn hóa, phong tục tập quán ảnh hưởng từ người Hoa, trong đó có cái Tết Âm lịch, một điều mà người Nhật đã dứt khoát từ bỏ. Nhưng đa số người Việt đều không bằng lòng.

Nghĩ cho cùng nếu thiếu Tết trong đời sống văn hóa tinh thần của người VN, thì cũng buồn thật. Với người Việt, Tết là một dịp để gia đình, họ hàng quây quần xum họp bên nhau, nhớ về cội nguồn tổ tiên, thắt chặt những mối yêu thương gắn bó mà nhiều khi cả năm quay cuồng với việc mưu sinh nên cũng có phần lơi là, lạnh nhạt. Người đi làm xa quê, người rời nước ra đi làm ăn sinh sống ở xứ người, cứ đến Tết là lại cố gắng để quay về nhà, quay về VN. Ai không về được thì ba ngày Tết cứ bần thần, nhớ quê hương, nhớ Tết.

Nhưng Tết Âm lịch cũng có nhiều nỗi khổ, nhọc, phiền toái quá.

Thứ nhất người Việt ăn Tết lớn quá. Người phương Tây có nhiều ngày lễ lớn trong năm, Tết Tây cũng là một trong những ngày lễ lớn đó, nhưng tôi có thể dám chắc rằng không có ngày/dịp lễ nào của họ mà lớn và ăn nhiều, ăn lâu như cái Tết Âm lịch của người Việt (hay người Hoa). Trước kia thời còn bao cấp nghèo khó, nhà cầm quyền chỉ cho phép người dân ăn Tết ba ngày, ba mươi, mùng Một, mùng Hai, cùng lắm là mùng Ba. Những năm sau này đời sống kinh tế đỡ hơn, nhà nước cho phép nghỉ tới 9, 10 ngày. Nhưng với tâm lý, thói quen của người Việt thì Tết Âm lịch đã được chuẩn bị từ trước Tết ít nhất cả tuần lễ, thậm chí, có những ngành nghề mà từ nửa tháng trước mọi ngưởi đã làm việc có nửa phần năng suất vì tâm trạng chờ Tết; sau khi hết Tết vào tâm lý uể oải vẫn còn kéo dài thêm chừng một tuần nữa, tổng cộng người Việt ăn Tết cả tháng.

Ai ở VN cũng biết, trước và sau Tết chừng hai tuần đi làm giấy tờ, liên hệ công việc gì ở các cơ quan nhà nước cũng bị chậm trễ, còn nếu ký kết hợp đồng làm ăn gì đó thì các đối tác thường khất chờ qua Tết. Một tháng trời là quá dài, bao nhiêu công việc bị trì trệ.

Thời bao cấp quanh năm ít khi có miếng ngon, nên Tết đến là dịp để ăn cho đỡ thèm (dù thời đó đa số người dân cũng chẳng có gì nhiều mà ăn, nhưng miếng thịt, cái bánh chưng, nồi cơm trắng không phải độn sắn, bo bo, cao lương đã là quý). Bây giờ đa số đời sống của người dân đã ở mức trung bình, không phải thèm khát món gì, nhưng đến Tết vẫn cứ ăn nhiều, ăn đủ món.

Lễ chính thì là cúng ông Táo 23 tháng Chạp, cúng Tất niên trưa 30, cúng Giao thừa tối 30, cúng mùng Một rước ông bà về, cúng mùng Ba tiễn ông bà đi, nhưng thật sự thì mấy ngày Tết ngày nào cũng bày bàn ăn uống, ăn nhà này xong đi sang nhà khác thăm viếng nhau lại ăn. Khổ nhất là cánh phụ nữ, các bà mẹ, các nàng dâu, tha hồ mà lo nấu nướng. Món ăn Việt vốn cầu kỳ, mất thì giờ. Dù bây giờ nhiều thứ có thể mua sẵn ngoài chợ, ngoài siêu thị từ bánh chưng bánh tét, dưa món củ kiệu, dưa hành, các loại mứt, rồi giò chả, lạp xưởng, khô bò…nhưng những món nóng thì vẫn phải nấu.

Nào miến lòng gà, chân giò lợn hầm măng, canh bóng thả, canh mọc, thịt đông, giò thủ, nem rán (tức chả giò)…nếu theo kiểu miền Bắc, chưa kể nếu nhà khá giả còn có chim hầm, gà tần, bào ngư, vi cá…Nếu theo kiểu miền Trung thì tôm rim, thịt kho Tàu, cuốn ram, thịt hon, gà rán, nem, tré, thịt ngâm nước mắm, mít trộn…và không thể thiếu các món cuốn từ thịt luộc cuốn bánh tráng, nem lụi cuốn bánh tráng, rồi cá hấp cũng có thể cuốn chung với bánh tráng và rau sống…Nếu theo kiểu miền Nam thì có thịt heo kho nước dừa với trứng, canh khổ qua nhồi thịt, các món nguội như gỏi ngó sen, tai heo ngâm dấm, tôm khô củ kiệu, giò heo nhồi, phá lấu, nem, lạp xưởng tươi…Chưa kể các món bánh mứt, chè đặc sắc riêng của từng miền, món nào cũng rất mất thì giờ, công phu.

Dọn ăn xong còn phải rửa chén. Nhà văn Trang Hạ vừa rồi có bài viết bị nhiều người “ném đá” khi nói đàn bà khổ nhục, đàn ông vô tâm trong dịp Tết, nhưng quả thật Tết, phụ nữ VN phải lo nhiều thứ, nấu nướng dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, tiếp đãi khách khứa… Nếu gặp được ông chồng biết điều, cùng chia sẻ việc nhà với vợ thì còn đỡ, nhiều ông vô tâm đến nhà ai cũng ngồi chiếu trên ăn uống, chén tạc chén thù hoặc ăn xong thì còn chầu trà bàn bạc chuyện xã hội chuyện đất nước, các bà cứ là bận túi bụi dưới bếp. Rồi lại kéo bạn về nhà bắt vợ làm món ngon đãi khách. Ở nông thôn nhiều gia đình vẫn còn phong kiến, ngày Tết mấy cô con dâu tha hồ lăn ra mà làm, mà phục dịch cả nhà chồng, họ hàng nhà chồng.
Nên Tết trở thành nỗi ám ảnh cho nhiều phụ nữ là vậy. Mệt quá. Mà người Việt vốn thích phô trương, dù bây giờ nhiều gia đình đâu còn thèm khát món gì nhưng Tết vẫn cứ phải bày biện nấu nướng đủ thứ, cứ như sợ người ta cho là mình không có tiền ăn Tết hoặc dâu, vợ nhà mình không khéo không đảm bằng dâu, vợ nhà người ta vậy. Giá mà chúng ta bớt câu nệ bớt khoa trương đi, làm đơn giản hơn, dành thì giờ đó để vui với gia đình, hoặc đi chơi, hưởng thụ những giây phút bên người thân, hưởng thụ cuộc sống cho đỡ cực, đỡ mệt thân.
Tết Việt còn là nỗi khổ của người nghèo.

Càng ngày sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội VN càng lớn. Ngay trong những người đi làm, có những ngành thưởng Tết hàng chục hàng trăm triệu đồng, nhưng có những ngành như nhà giáo, công nhân, nhất là ở tỉnh lẻ, vùng sâu vùng xa, nhiểu khi thưởng Tết chỉ vỏn vẹn năm chục ngàn đồng, hoặc cuốn lịch, gói bột ngọt. Có những gia đình khá giả Tết đến bỏ tiền săn lùng những món hàng độc làm quà hoặc trưng bày trong nhà như dưa lê thần tài giá năm sáu chục ngàn một quả, bưởi Hồ lô tài lộc có giá trên triệu đồng/cặp, rượu Tây đựng trong bình phong thủy được thiết kế theo hình tượng con khỉ giá vài triệu một bình, vàng miếng dập thành thỏi vàng đặt trong bao lì xì đỏ v.v…Cho tới chi hàng chục triệu đồng để mua chim quý, hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng để mua cây cảnh chơi Tết…Rồi tìm mua cho được những món ăn cho là quý, bổ thận, tráng dương gì đó để ăn và biếu người khác, chi tiền làm đẹp, trang hoàng nhà cửa, du lịch xa hoa…

Trong khi đó với người nghèo Tết là một nỗi ám ảnh. Đã thành cái lệ dù giàu dù nghèo vẫn phải có Tết. Nghèo đến đâu cũng phải cố chạy vạy xoay sở, thậm chí vay mượn cho có cái Tết với người ta, cho con cái đỡ tủi, rồi Tết ra cày trả nợ sau. Sống trong một xã hội chạy theo vật chất, chuộng hình thức, chuộng những giá trị bên ngoài từ áo quần, cái xe đang đi, cái nhà đang ở…, nghèo trở thành một cái tội, và Tết đến là dịp để khoảng cách giàu nghèo bộc lộ rõ nhất. Nếu cách suy nghĩ, cách sống cho tới những thang điểm giá trị trong cái nhìn của người Việt khác đi, thì nhiều người nghèo hoặc chỉ ở mức trung bình sẽ đỡ cảm thấy cái gánh nặng của đời sống vật chất nói chung và cái Tết nói riêng.

Tết đến đâu phải ai cũng có tiền đi máy bay về quê, đa số người lao động vẫn phải đi tàu đi xe, mua vé phải chen chúc chầu chực, xe đò thì ham tiền nhồi nhét khách như nêm, coi khách chả ra gì, rồi phóng nhanh phóng ẩu gây tai nạn. Mới máy ngày đầu năm mở báo ra đã đọc thấy nào xe khách lao xuống vực, nào tai nạn 21 người chết ngay ngày mùng Một tết, rồi ăn nhậu càng nhiều thì tai nạn càng dễ xảy ra… Vệ sinh thực phẩm bây giờ thì không bảo đảm an toàn, thực phẩm độc hại từ Trung Quốc tuồn qua đã đành, mà do chính người Việt vì ham lợi nhuận nên làm hại cho người mua cũng không ít; ngày Tết ăn nhiều, mua sắm nhiều càng dễ bị ngộ độc.

Người Việt vốn đã khổ nhiều thứ do phải sống dưới một chế độ độc tài độc đảng ở đó mọi tự do, dân chủ, quyền con người đều bị tước đoạt, nhưng chính người Việt cũng làm khổ mình, làm khổ nhau vì cái tính thích phô trương, chạy theo vật chất, chạy theo những tiêu chuẩn giá trị bị lệch lạc trong xã hội.

Mà không chỉ ngưởi dân. Chính nhà nước cộng sản là điển hình cho thói nghèo mà chơi sang, phô trương, sĩ diện hảo. Nước nghèo, thường xuyên đi vay, đi xin tiền các nước khác, nợ đầm đìa ra nhưng vô cùng hoang phí, tỉnh nào cũng tìm cách xây tượng đài, xây trụ sở chính quyền to hoành tráng, thậm chí tỉnh nghèo phải xin gạo cứu đói nhưng cũng cứ xây tượng đài, bắn pháo hoa ngày Tết…

Thay đổi một nếp nghĩ, một thói quen, một phong tục tập quán cho tới quan điểm sống, cách sống, đặt lại những tiêu chuẩn, giá trị là điều không dễ dàng gì, nhất là khi chính cái nhà nước này lại cổ súy cho lối sống phô trương giả dối đó.

Sự thay đổi tận gốc chắc chỉ có thể có khi VN đã chuyển sang một chế độ khác, ở đó con người phải tồn tại và vươn lên bằng năng lực thật của chính mình, đồng tiền và sự hào nhoáng không thể thay thế cho sự trống rỗng về tri thức và tâm hồn, ở đó mọi chi tiêu quốc gia cho tới tài sản của các quan chức luôn phải minh bạch, rõ ràng, bởi luôn bị pháp luật, truyền thông và con mắt của người dân soi xét… Nhưng trong khi chờ đợi cái ngày đó, có lẽ mỗi người chúng ta tự mình thay đổi chừng nào hay chừng đó-bắt đầu tự cởi bớt gánh nặng, đặt lại cho mình những tiêu chuẩn sống khác, không bị phụ thuộc vào cái nhìn chung của dư luận, ví dụ như ăn Tết chẳng hạn, tiết kiệm, đơn giản, văn minh, dành thì giờ cho gia đình, cho việc tận hưởng thiên nhiên và chia sẻ với những người nghèo hơn, bất hạnh hơn.








No comments:

Post a Comment

View My Stats