21.02.2016
Mới
đây, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày tờ trình của Chính phủ xin
rút dự án Luật biểu tình ra khỏi chương trình nghị sự trong kỳ họp tới của Quốc
hội. Không ít người theo dõi quá trình xem xét và thiết lập luật biểu tình tại
Việt Nam nghe tin này mà cảm thấy thất vọng, hụt hẫng ít nhiều.
Không
làm được hay không chịu làm?
Luật
biểu tình là cụm từ người dân Việt Nam đã được nghe từ nhiều năm trước, nhưng đến
nay vẫn chưa thành hiện thực. Có người bảo các ngành chức năng liên quan giống
như đang chơi trò cù cưa, tức đưa vào rồi lại rút ra khỏi các kỳ họp Quốc hội
mà không cho biết vì sao, họa chăng cũng có nêu lý do này lý do kia nhưng
tất cả nghe qua đều thấy không mấy thuyết phục, trong khi nhu cầu từ thực tế là
có thật. Báo chí Việt Nam dẫn lại cho biết nhiều thành viên của Ủy ban Thường vụ
Quốc hội không đồng tình với đề nghị rút dự luật biểu tình. Chính Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện
khẳng định rằng cần đảm bảo thời gian trình Luật biểu tình. “Quyền biểu tình là quyền cơ bản của công
dân, đã được đề cập từ năm 1945 rồi, cứ lùi đi lùi lại mãi, bây giờ lùi đến bao
giờ? Đây là vấn đề, nếu chúng ta cứ lùi mãi thì hoàn toàn không có lợi về mặt
chính trị”, vị này bày tỏ bức xúc.
Còn
nhớ dự án Luật biểu tình từng được nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị ban hành,
trong đó có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, một trong những đại biểu tỏ ra cương quyết
và nhiều lần nhắc đến luật này. Hồi tháng 12 năm ngoái, tại phiên họp thường kỳ
của Chính phủ Việt Nam, đích thân Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố không đồng tình với đề nghị rút dự án Luật biểu
tình ra khỏi chương trình nghị sự của Quốc hội.
Cả
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lẫn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, sau khi nghe
Bộ trưởng Hà Hùng Cường xin rút dự án Luật biểu tình, đã thẳng thắn chỉ trích rằng
việc xin rút như thế là “việc làm thiếu nghiêm túc”. Ông Hùng hoàn toàn có lý
khi nói thẳng rằng “Tại sao cứ lùi đi lùi lại mãi, do làm không được hay không
chịu làm? Chương trình là Quốc hội quyết định, Bộ Chính trị cũng đã quyết định
đưa vào chương trình rồi, nhưng Chính phủ cứ xin lùi mãi”.
Không
quyết liệt thì chỉ bàn lùi
Trình
bày lý do tại sao cứ xin lùi hoài, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết phía Bộ
Công an đã tiến hành tổng kết pháp luật về lĩnh vực này, tiến hành khảo sát,
nghiên cứu, biên dịch tài liệu nước ngoài. Nhưng tại phiên họp thường kỳ tháng
1-2016, khi thảo luận vấn đề này, ý kiến của các thành viên Chính phủ còn rất
khác nhau về nội dung của dự thảo luật. Thế nên cần có thêm thời gian nghiên cứu,
chỉnh lý Luật biểu tình để đảm bảo chất lượng, và vì đó xin dời sang đến cuối
năm 2016.
Nghe
qua phần lý do thì thấy có vẻ như đơn vị chịu trách nhiệm soạn dự thảo không
làm nổi, hay chí ít là chưa làm được. Tuy nhiên, dự luật vẫn chỉ là dự thảo,
nghĩa là chưa phải luật chính thức thì cần gì phải hoàn thiện, hay cần gì phải
thống nhất rồi mới trình ra Quốc hội – cơ quan đại diện của dân. Nói như ông Nguyễn Sinh Hùng không phải không
có lý: “Thường vụ Quốc hội không đồng ý với
việc lùi. Chính phủ chưa trình dự luật này ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chúng
tôi đã biết nội dung như thế nào đâu mà bảo là cho lùi?”
Cần
lưu ý rằng, luật biểu tình là dùng để đảm bảo quyền con người, quyền công dân
được quy định trong Hiến pháp chứ không phải là để thay đổi hay làm mới nền
chính trị. Và nếu như Việt Nam tiếp tục áp dụng Nghị định 38 để hạn chế quyền
công dân, thì đó là một việc làm trái Hiến pháp. Điều này bất cứ ai quan tâm đến
luật biểu tình đều biết cả, thậm chí bản thân Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An
ninh Nguyễn Kim Khoa cũng thừa nhận như vậy.
Luật
biểu tình có gây ra loạn lạc xã hội?
Khi
bàn đến luật biểu tình, nhiều người cho rằng tình hình xã hội, an ninh hiện nay
chưa thuận lợi để hoạch định và ban hành. Có người còn bảo làm như vậy là vẽ đường
cho hưu chạy, tạo điều kiện để những thành phần không tốt trong xã hội có điều
kiện lợi dụng cơ hội để làm loạn, hễ chút là kéo nhau đi biểu tình. Thế nên, có
ý kiến nói rằng để khi nào tình hình an ninh trật tự đảm bảo thì mới làm luật
này. Tuy nhiên, nhiều người không đồng ý với quan điểm cũ kỹ và phòng ngừa
không chính đáng như vậy. Bởi lẽ bất kỳ quốc gia nào khi làm luật biểu tình đểu
là để đảm bảo an ninh trật tự xã hội. Nói nôm na “vẽ đường cho hưu chạy” sẽ hay
hơn để hưu chạy lung tung, khó nắm bắt phương hướng và có thể mất khả năng kiểm
soát hành vi của chúng.
Vài
năm gần đây Việt Nam tuyên bố tiến hành cải cách mạnh mẽ nhiều lĩnh vực, trong
đó có ngành tư pháp bao gồm cả vấn đề luật biểu tình. Thật ra nếu làm tốt, đây
sẽ là chỉ số cho thấy quyền con người của Việt Nam được cải thiện hữu hiệu. Nếu
nhìn tiêu cực theo kiểu nhà nước không đủ khả năng kiểm soát những người biểu
tình thì đó là cách nhìn tiêu cực, yếu đuối vì chưa có những tính toán chu đáo.
Nhìn sang các quốc gia khác ở Mỹ lẫn châu Âu, nơi mà luật biểu tình đã được
ban hành từ lâu, dân được quyền xuống đường, phải chăng đã gây loạn lạc?
Các
nước khác tại châu Á cũng đã ban hành luật biểu tình rất rộng rãi. Họ xem đó là
một biểu hiện của quyền con người được thể hiện và bày tỏ sự bất đồng ý kiến với
chính phủ - không phải để lật đổ hay đả kích, mà là để bày tỏ quan điểm trên cơ
sở xây dựng một chính phủ tốt hơn, như khẩu hiệu do dân và vì dân. Đó cũng là một
cách để chính phủ thấu hiểu được tình hình dân chúng, phát hiện ra những tiêu cực
mà đôi khi chính bản thân các vị quan chức cấp cao và thanh liêm cũng không bao
quát hết để có thể phát hiện ra. Luật biểu tình sẽ điều chỉnh hành động của các
quan chức bởi khi đó sự giám sát và trao đổi hai chiều giữa dân chúng và nhà nước
trở nên cởi mở hơn, đa chiều hơn, khách quan hơn, và hiệu quả hơn.
Còn
nhớ năm 2014, khi Trung Quốc kéo giàn khoan HD-981 vào vùng biển Việt Nam, rất
nhiều người Việt ở nước ngoài xuống đường để phản đối, góp phần gia tăng áp lực
lên chính phủ Trung Quốc cũng như thể hiện ý chí và quyết tâm của dân tộc Việt
Nam ở mọi miền. Tuy nhiên ngay tại Việt Nam, hoạt động biểu tình lại không diễn
ra (thật ra là có xuống đường nhưng không gọi là biểu tình). Hơn nữa là vì chưa
có luật nên người dân cũng ngại xuống đường vì sợ vi phạm luật pháp, điều đó ít
nhiều cũng làm giảm đáng kể khả năng thể hiện ý chí của dân tộc.
---------------------------
*Các
bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm
hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment