Thursday, 18 February 2016

QUYỀN LỰC TỔNG THỐNG HOA KỲ (Nguyên Lam & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA)





Nguyên Lam & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA
2016-02-17

Cuộc tranh cử Tổng thống tại Hoa Kỳ năm nay đang đi vào hồi ráo riết với các ứng cử viên của hai đảng chính là Cộng Hòa và Dân Chủ gay gắt trao đổi quan điểm về những gì họ sẽ thi hành nếu đắc cử. Đấy là một sinh hoạt cần thiết cho cử tri chọn người sẽ lên lãnh đạo cường quốc kinh tế số một của thế giới, nhưng thật ra, nhân vật này không có nhiều thực quyền như dư luận bên ngoài có thể nghĩ.

Sự tuyệt vời của nền dân chủ

Nguyên Lam: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, cuộc tranh cử Tổng thống tại Hoa Kỳ đang vào hồi náo nhiệt với viễn ảnh là hai tuần tới có Ngày Thứ Ba Đặc Biệt, là mùng một Tháng Ba này, khi 13 tiểu bang bỏ phiếu vòng sơ bộ để chọn các đại biểu sẽ đề cử ứng viên của hai đảng chính là Dân Chủ và Cộng Hòa. Khi theo dõi cuộc tranh luận của chuyện bầu cử, ông nghĩ sao về hồ sơ kinh tế của nước Mỹ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Câu hỏi này thú vị vì cho thấy vài sự thật đáng chú ý về nền dân chủ Hoa Kỳ. Nói về hồ sơ kinh tế của nước Mỹ, chúng ta được biết tình trạng bất trắc chung là khi các thị trường cổ phiếu tăng và sụt giá đột ngột căn cứ trên giá dầu thô hay lãi suất quá thấp tại nhiều quốc gia trên thế giới. Trong khung cảnh bất trắc ấy, người ta tự hỏi là kinh tế có lại bị suy trầm nữa chăng, liệu ngân hàng trung ương Mỹ có thể tăng hay hạ lãi suất, hoặc Hoa Kỳ xử trí ra sao với gánh nợ mấp mé 19 ngàn tỷ đô la, trong khi lợi tức của giới trung lưu vẫn chưa đạt được mức cũ? Khi nhìn lại thì người ta thấy các ứng cử viên của hai đảng chính chẳng đề cập gì tới chuyện quốc kế dân sinh mà ráo riết mạt sát nhau trước sự bất mãn và giận dữ của dư luận và cử tri. Tôi nghĩ rằng đây là sự tuyệt vời của nền dân chủ!

Nguyên Lam: Ông vừa nêu ra một nghịch lý là khi thị trường có vẻ hoang mang về tình hình kinh tế thì các ứng cử viên lại tranh luận về chuyện khác trên chính trường và ông gọi đó là sự tuyệt vời của nền dân chủ Hoa Kỳ! Ông giải thích thế nào về mâu thuẫn này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Không riêng gì Hoa Kỳ, lãnh đạo các quốc gia lớn trên thế giới, từ Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc tới Tổng thống Vladimir Putin của Liên bang Nga, Thủ tướng Angela Merkel của Đức, Tổng thống François Hollande của Pháp, Tổng thống Dilma Roussef của Brazil, v.v…. đều đang gặp khủng hoảng. Tình trạng ấy thật ra khởi đầu từ năm 2008 mà nay vẫn chưa dứt và thế giới còn rất ít lãnh tụ mà uy tín không bị sứt mẻ vì những bất cập của chính sách kinh tế. Cách đây bốn năm, chương trình của chúng ta đã đề cập tới cái mà tôi gọi là “cuộc khủng hoảng niềm tin” của nhiều quốc gia trên thế giới.
Bây giờ, nhờ cuộc tranh cử Tổng thống tại Hoa Kỳ, chúng ta đang thấy dân Mỹ công khai diễn tả sự bất mãn của họ về các chính khách chuyên nghiệp và còn tỏ vẻ ủng hộ một nhân vật cực tả bên đảng Dân Chủ là Nghị sĩ Bernie Sanders hoặc một nhân vật vừa tả vừa hữu mà chẳng giống ai là tỷ phú Donald Trump bên đảng Cộng Hòa. Ông Trump còn có lối phát biểu sống sượng về mọi đối thủ chính trị mà vẫn được nhiều người biểu đồng tình.
Thế giới có thể nghĩ là nước Mỹ đang phát rồ vì phơi bày các khía cạnh bất cập của tầng lớp chính trị đang có tham vọng lãnh đạo quốc gia, nhưng đấy mới là ưu điểm của nền dân chủ Hoa Kỳ vì mặc nhiên lật đổ mọi thần tượng và ồn ào tìm người lên thay. Hãy tưởng tượng xem, chuyện như vậy khó xảy ra trong các nước dân chủ Âu Châu hay độc tài bên Nga, bên Tầu!

Nguyên Lam: Thính giả của chúng ta đã quen với lối phát biểu đầy nghịch lý của ông mà nghĩ lại thì cũng có gì đó hợp lý! Nhưng, thưa ông, như ông vừa nêu ra về khoảng cách giữa thực tế kinh tế với chủ trương của các ứng viên, nếu họ không nêu ra chương trình hành động thì làm sao người dân có cơ sở chọn người đại biểu lên cầm đầu Hành pháp trong bốn năm tới?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Đấy lại là một nghịch lý tuyệt vời khác về nền dân chủ Hoa Kỳ!
Chúng ta vừa thấy ra vài ba chuyện then chốt về kinh tế, như giá dầu hay lãi suất đang làm các thị trường thương phẩm hay tài chính của thế giới biến động mạnh. Nhưng các yếu tố ấy lại không thuộc thẩm quyền quyết định của Tổng thống Mỹ. Giá dầu là do thị trường, hay do các nước sản xuất và xuất khẩu như Saudi Arabia, Liên bang Nga hay Iran quyết định như ta đang thấy tuần này. Lãi suất ngân hàng tại Hoa Kỳ là do một định chế độc lập chi phối, là hệ thống Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ, hay phân lời của trái phiếu có lên hay xuống thì cũng do thị trường có cả triệu người quyết định. Khoản công trái hay nợ công của nước Mỹ có tăng hay giảm thì lại chủ yếu là phần vụ của Hạ viện trong Quốc hội Mỹ. Nghịch lý ở đây là ngay từ thời lập quốc, Hiến pháp Hoa Kỳ đã cho Tổng thống Mỹ rất ít quyền hạn.

Nguyên Lam: Nguyên Lam xin ông giải thích nghịch lý này cho quý thính giả của chúng ta.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Sau khi giành lại độc lập từ năm 1776, bậc tổ phụ của Hoa Kỳ đã soạn ra một bản Hiến pháp ban hành năm 1789 với chủ đích giới hạn quyền lực của Nhà nước.
Thứ nhất là theo nguyên tắc “Tam quyền Phân lập”, lãnh đạo Hành pháp là Tổng thống Mỹ phải dung hòa quan điểm với Lập pháp là Lưỡng viện Quốc hội. Được bầu lại hai năm một lần, Hạ viện có thẩm quyền rất lớn về ngân sách quốc gia. Được bầu lại một phần ba sau nhiệm kỳ sáu năm, Thượng viện có thẩm quyền về cả luật pháp lẫn nhân sự do Tổng thống bổ nhiệm. Hai viện này có thế lực rất mạnh qua thủ tục nhiêu khê rắc rối mà Tổng thống chỉ vượt nổi - mà không dễ - bằng quyền phủ quyết. Nhiều khi, Tổng thống thuộc về một đảng lại phải sống chung với Quốc hội nằm trong tay một đảng đối lập, như hiện nay. Một thí dụ là Tổng thống Obama có hai chủ đích lớn là kế hoạch cải tổ chế độ bảo dưỡng y tế và chương trình phát huy năng lượng sạch, nhưng luật lệ ban hành lại có nhiều thay đổi vì sức ép của Quốc hội.
Thứ hai, Tổng thống còn gặp sức cản của quyền thứ ba là Tư pháp, với biểu hiện nổi bật và cao nhất là Tối cao Pháp viện gồm chín Thẩm phán. Việc Thẩm phán Antonin Scalia vừa tạ thế cho thấy vai trò quan trọng của Tối cao Pháp viện, với Thẩm phán do Tổng thống đề cử, nhưng không có giới hạn nhiệm kỳ và phải được Thượng viện phê chuẩn. Tuần qua, Tối cao Pháp viện bác bỏ việc áp dụng kế hoạch hạn chế khí thải do Tổng thống Obama ban hành, tức là gạt qua một bên một chủ điểm của chính sách cải tạo mà ông theo đuổi từ lâu!
Đã vậy về kinh tế, chính sách của Tổng thống chỉ có tác dụng sau khi được Quốc hội đồng ý mà chẳng thể chi phối thẩm quyền về tiền tệ và tín dụng của hệ thống Ngân hàng Trung ương. Đấy là định chế độc lập, với giới chức lãnh đạo nằm ngoài ảnh hưởng của Hành pháp và chỉ có nhiệm vụ tường trình cho Lập pháp chứ cũng không phải xin phép ai khi tăng hay hạ lãi suất.
Sau cùng, Tổng thống còn phải chú ý đến quan điểm và hành động của Thống đốc Tiểu bang chứ không phải muốn làm gì cũng được, thí dụ là việc mấy chục tiểu bang đã phản đối đạo luật ObamaCare về chế độ bảo dưỡng y tế. Những chi tiết rắc rối ấy cho thấy đặc tính của nền dân chủ Hoa Kỳ, là giàng bộ máy công quyền vào những mâu thuẫn chằng chịt khiến Nhà nước không thể thu hẹp không gian tự do của người dân và của các tiểu bang. Tôi ngờ rằng các nhà lập quốc của Mỹ muốn Chính quyền bị tê liệt để khỏi chi phối người dân và các doanh nghiệp!

Quyền hạn Tổng thống

Nguyên Lam: Quả thật là nhiều khi ta thắc mắc về tình trạng tê liệt của bộ máy chính quyền nhưng trong khi ấy, hoàn cảnh tự do của xã hội vẫn giúp dân Mỹ tìm ra các giải pháp kinh tế và khoa học kỹ thuật chứ không làm Hoa Kỳ bị tê liệt hay lụn bại như nhiều người vẫn dự báo. Tuy nhiên, thưa ông Nghĩa, còn về đối sách ngoại giao hay an ninh thì sao? Hình như Tổng thống Hoa Kỳ vẫn còn nhiều quyền hạn trong lĩnh vực này, có phải không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: So sánh với nội chính thì Tổng thống Mỹ quả là có nhiều quyền hạn hơn về ngoại giao, nhưng vẫn phải vượt qua rào cản ngân sách của Hạ viện. Quan trọng nhất, Tổng thống được Hiến pháp trao cho cái quyền làm Tổng tư lệnh Quân đội và trong phạm vi ấy thì có quyền tham chiến sau khi được Quốc hội đồng ý. Về thực tế thì sự thể lại khác. Thứ nhất, Tổng thống Mỹ phải đối phó với các cường quốc khác chứ không thể một mình lãnh đạo thế giới như người ta vẫn lầm tưởng, kể cả cách chính trị gia khi họ đi tranh cử. Thứ hai, nếu đắc cử, Tổng thống còn gặp nhiều vấn đề bất ngờ do các vị tiềm nhiệm để lại mà nhiều khi họ không hề biết khi đi tranh cử. Thí dụ nóng hổi là Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP mà Chính quyền Obama đã mất bảy năm thương thuyết và sau khi hoàn tất vào ngày năm Tháng 10 năm ngoái thì vẫn chưa có hy vọng phê chuẩn trong năm nay. Người lên kế nhiệm có thể sẽ phải cân nhắc và xin Quốc hội điều chỉnh lại thì mới hy vọng áp dụng.
Thứ ba, từ hậu bán thế kỷ 20, thế giới còn có loại võ khí hủy diệt tuyệt đối là hạch tâm, hay nuclear nên Tổng tư lệnh Quân đội phải vô cùng thận trọng khi nhậm thức và tiếp nhận hệ thống mật mã sử dụng loại võ khí ghê rợn này. Không thể nào có chuyện Tổng thống khơi khơi đòi xóa bỏ một quốc gia nào đó trên mặt địa cầu như ta thường nghe thấy từ nhiều lãnh tụ của xứ khác! Cũng chính vì vậy mà từ vài chục năm nay, Hoa Kỳ tham chiến ở nhiều nơi mà không có đạo luật cho phép của Quốc hội. Đấy là khía cạnh nổi bật của Hiến pháp, là cho Tổng thống nhiều quyền hạn về đối ngoại, nhưng nguy cơ hủy diệt vì chiến tranh hạch tâm cũng chi phối chính sách ngoại giao của Tổng thống Hoa Kỳ.

Nguyên Lam: Trở lại cuộc tranh cử Tổng thống khá ồn ào huyên náo hiện nay tại Hoa Kỳ, người ta thấy các ứng cử viên tranh luận về mọi đề tài nhưng dường như là chưa nêu ra một chương trình hành động cụ thể nào. Thí dụ như có người đòi thực hiện mọi kế hoạch hấp dẫn về kinh tế hay xã hội mà không cho biết là lấy tiền ở đâu ra, trừ nguyên tắc chung chung là sẽ đánh thuế người giàu. Thuần về kinh tế thì ông nghĩ sao về những luận cứ ấy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thuần về kinh tế thì người giàu là người có tài sản đầu tư và sẽ tạo ra việc làm cho người khác. Thành phần này có biệt tài là biết về biệt tài của các chính khách là ưa hứa cuội nên họ không sợ, có khi còn phát biểu theo tinh thần tiến bộ là thương dân nghèo!
Thực tế thì theo định nghĩa, các chương trình hành động đều chỉ là nội dung lý thuyết nhằm đắc cử chứ rất khó áp dụng khi nhậm chức. Lý do là thực tế lại khác hẳn nhận thức bên lề của người đi tranh cử. Khi tranh cử năm 2000, Thống đốc George W. Bush chống việc can thiệp vào xứ khác như Chính quyền Bill Clinton đã làm và ông chuẩn bị chương trình cải cách xã hội và kinh tế nhưng sau khi nhậm chức thì vụ khủng bố 9-11 khiến ông đưa nước Mỹ vào một cuộc chiến lâu dài nhất lịch sử Hoa Kỳ. Khi tranh cử năm 2008, Nghị sĩ Obama đòi rút quân khỏi hai chiến trường Iraq và Afghanistan và tiến hành cải tạo xã hội. Kết cuộc thì chiến sự chưa dứt, còn lan rộng trong khi nhiều kế hoạch cải tạo của ông lại bị chặn và không thành.
Nói chung thì ai cũng có thể hứa nhưng biết chắc là sẽ khó thực hiện và mong cử tri bỏ phiếu cho mình vì tiêu chuẩn khác, như cá tánh, nhân cách hay kinh nghiệm và sự quả cảm nếu cần lấy loại quyết định bất ngờ mà cần thiết. Trong khi ấy, cử tri được tự do vặn hỏi và phơi bày sự thật khác về từng ứng cử viên, và họ cũng ý thức được rằng Tổng thống không có nhiều quyền hành và khả năng áp dụng điều hứa hẹn. Nền dân chủ Hoa Kỳ lý thú ở chỗ đó!

Nguyên Lam: Xin cảm tạ ông Nghĩa về bài phân tích ly kỳ này





No comments:

Post a Comment

View My Stats