Saturday, 13 February 2016

KHI HỔ VỀ RỪNG (Ngọc Việt)





Ngọc Việt
12/02/16 14:27
.
Những liên minh chống lực lượng Hồi giáo quá khích

Cuộc chiến chống khủng bố quốc tế, mà trực tiếp là tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) do Nga và Mỹ dẫn đầu có vẻ lắng xuống trong thời gian gần đây, sau một thời gian liên tục tấn công với cường độ mạnh và mức độ dồn dập. Điều đó khiến cho dư luận có lúc có cảm giác rằng, lực lượng IS tại Syria và Iraq sắp bị kết liễu đến nơi.

Nguyên nhân của việc lắng xuống thì có nhiều, có thể do sự thiếu thống nhất giữa các bên tham gia cuộc chiến, hay chi phí quá lớn cho cuộc chiến mà không có sự chia sẻ của quốc tế,… nhưng quan trọng nhất vẫn là lợi ích của các bên tham gia không đạt được theo kế hoạch mà họ đặt ra. 

Và cũng không loại trừ khả năng các bên đang củng cố lại lực lượng để chuẩn bị một cuộc tổng tiến công vào sào huyệt của IS nhằm kết thúc sự tồn tại của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Nhưng có thể thấy, dù cuộc chiến có lắng xuống hay chuyển hướng tác chiến thì chắc chắn IS cũng hiểu sự tồn tại của chúng tại Syria và Iraq là không thể dài lâu.

Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani tuyên bố sẽ tấn công tiêu diệt IS, nhưng chính phủ của ông không dẽ dàng làm được điều đó. Ảnh : BBC.

Vì vậy, trong thời gian cuộc chiến giảm mức độ ác liệt này, một mặt chúng tổ chức các cuộc tấn công khủng bố tại tất cả những điểm, những nơi nào có thể thực hiện được, và mặt khác chắc chắn chúng đang ráo riết củng cố lực lượng, thay đổi chiến lược mà quan trọng nhất là tìm "đất cắm dùi" cho kế sách lâu dài.

Thời gian qua truyền thông quốc tế đưa tin IS chuyển hướng mạnh về khu vực Đông Nam Á, hay chuyển sang Libya, thậm chí còn mở rộng sang cả khu vực tự trị Tây Tạng, Trung Quốc. Tuy nhiên theo người viết, có một khu vực, một lãnh thổ mà nếu IS chuyển hướng đóng đô tại đó thì việc tiêu diệt IS sẽ phải tính đến hàng trăm năm.

Đó chính là Afghanistan. Nếu để IS chuyển tới mảnh đất ấy thì đó là sai lầm, thậm chí đó chính là thất bại của lực lượng quốc tế chống IS. Nhưng rất tiếc điều đó đã trở thành hiện thực. Việc IS xác định và đang tìm cách "dời đô" về Afghanistan được xem như "hổ về rừng" và sức mạnh cũng như khả năng tác oai tác quái của chúng sẽ dữ dội hơn nhiều.

Đất nước của những bộ lạc

Afghanistan mang tính chất một nhà nước trung ương phân quyền rõ nét nhất hiện nay. Dù không hoàn toàn bị phân chia bởi tính cát cứ, nhưng quyền uy và sức mạnh chính quyền trung ương tại quốc gia này đối với các bộ tộc rất hạn chế. Tất cả những chính sách của chính quyền Kabul đều không được thực thi tại một khu vực nào đó nều bộ tộc tại đó không cho phép thực thi.

Vì vậy, chính quyền trung ương tại Afghanistan thường không có sức mạnh thật sự. Và chính phủ nào muốn khẳng định sức mạnh của mình mà bỏ qua sức mạnh của của các bộ tộc thì đều không thể thành công, thể chế luôn trong sự chông chênh và chế độ có thể sụp đổ hoặc bị lật đổ bất cứ lúc nào, theo Le Monde ngày 24/10/2001.

Đây có thể xem là một hạn chế trong quan điểm chính trị của Liên Xô trước đây khi đưa quân vào Afghanistan thực hiện mưu đồ chính trị của mình. Mười năm trời đồn trú tại đất nước này, quân đội Liên Xô đã chịu tổn thất vô cùng nặng nề, mà khi đó ngoài việc đối chọi với lực lượng Mujahideen, quân đội Liên Xô còn phải đối mặt với sức mạnh của các bộ tộc.
Liên Xô đã không hiểu tính phân quyền hình thành một cách tự nhiên tại xứ A-phú-hãn này nên họ quyết tâm xây dựng một chính quyền trung ương hùng mạnh tại Kabul, song không thể làm được điều ấy.

Kết quả là sự sụp độ nhanh chóng của chính quyền Afghanistan sau khi Liên Xô rút quân và chấm dứt bằng cái chết cực kỳ thê thảm của vị Tổng thống trẻ tuổi Mohammad Najibullah, theo BBC ngày 27/9/1996.

Cố thủ lĩnh Mullah Omar và lực lượng Taliban nắm quyền ở Kabul, năm 1996. Ảnh : Youtube.

Người ta cho rằng, chính phủ của cựu Thủ tướng Gulbuddin Hekmatyar nắm quyền sau khi lật đổ chính quyền do Liên Xô dựng lên - thuộc lực lượng Mujahideen chống Liên Xô - sẽ tồn tại lâu dài, vì họ là lực lượng du kích, hoạt động bao năm trong lòng các bộ lạc, cùng các bộ tộc chống lại Liên Xô nên họ có thể nhận được sự hậu thuẫn của các bộ tộc nếu tính phân quyền được thực thi hợp lý.

Tuy nhiên vì quá tham vọng quyền lực nên chính phủ của Gulbuddin Hekmatyar đã quên nguyên tắc phân chia quyền lực giữa chính phủ trung ương với các các bộ tộc. Cuối cùng họ đã nhanh chóng bị lật đổ bởi lực lượng Taliban cực đoan.

Có thể thấy, gần 40 năm kể từ khi Liên Xô chiếm đóng cho đến nay, thì chính quyền Taliban mới là chính quyền có quyền lực nhất tại đất nước Afghanistan. Nhiều người cho rằng điều đó là do Taliban hà khắc nên gây ra sự sợ hãi cho dân chúng Afghanistan chứ không phải chính quyền trung ương của Taliban mạnh.

Song thật sự thì Taliban có sức mạnh của một chính quyền, một nhà nước và điều đó được hình thành từ sự phân chia và phối hợp quyền lợi giữa chính quyền trung ương và các các bộ tộc. Và đây mới là nguyên nhân chính của việc Taliban không thể bị tiêu diệt tại Afghanistan sau hơn chục năm bị quân đội Mỹ lật đổ và tìm diệt.

Có thể nói rằng, chính quyền Taliban bị xóa sổ bởi bom đạn của Mỹ và NATO nhưng lực lượng Taliban không thể bị tiêu diệt bằng những thứ vũ khí ấy, bởi chúng có một thứ lá chắn rất lợi hại - đó là sự ủng hộ, che chở của các bộ tộc tại Afghanistan. 

Liên Xô đã sai lầm nhưng đến lượt Mỹ cũng không rút ra bài học cho mình trong việc xây dựng chính quyền thân Mỹ tại Afghanistan. Có thể nói rằng trong hàng chục năm trời, chính quyền Tổng thống Hamid Karzai chỉ nắm được Kabul và những vùng lân cận.

Còn các bộ tộc ở những vùng xa xôi, hẻo lánh thì quyền lực của chính phủ Hamid Karzai không có chỗ đứng, mà đó là đất sống của Taliban. Và khi Mỹ rút thì Taliban trỗi dậy.

Tiếp sức cho Taliban còn có al-Qaeda - lực lượng khủng bố đã chọn Afghanistan làm nơi đóng đô. Mỹ và Afghanistan đã dùng bom đạn cày xới Afghanistan để tìm diệt cả Taliban và al-Qaeda nhưng chúng vẫn tồn tại và khi Mỹ rút quân thì cũng là lúc chúng thể hiện sức mạnh.

Bom đạn Mỹ càng cày xới bao nhiêu thì càng làm cho lòng hận thù của các bộ tộc với quân đội Mỹ lớn bấy nhiêu. Chính điều đó càng khiến họ ngả về lực lượng khủng bố.

Vì vậy, việc để cho IS có thể "dời đô" về Afghanistan chẳng khác nào như "thả hổ về rừng". IS cùng với Taliban và al-Qaeda tạo nên bộ ba "đồ tể" chẳng khác nào bộ ba phát xít Đức - Ý - Nhật trong thời Đệ nhị thế chiến. Nhưng mức độ nguy hiểm của bộ ba IS - Taliban - al-Qaeda còn nguy hiểm hơn nhiều, bởi tiến bộ trong ứng dụng của công nghệ thông tin.

Mặc dù gần đây tân Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani tuyên bố sẽ tấn công tiêu diệt IS bằng tất cả mọi sức mạnh của nhà nước Afghanistan, theo BBC ngày 24/1. Tuy nhiên, đó chỉ là nói miệng, chứ chính quyền Kabul không có bất cứ một khả năng nào để làm được điều ấy. 

Thế chân vạc IS - Taliban - al-Qaeda trong hoạt động tấn công khủng bố

Đã có rất nhiều ý kiến cho rằng, al-Qaeda sẽ bị IS tiêu diệt hoặc thôn tính và khi IS tiến về Afghanistan thì Taliban cũng sẽ hết đường sống. Có lẽ điều đó sẽ xảy ra, nhưng phải tới khi cả nhân loại phải xem sự tồn tại của bộ ba đồ tể này là một phần của lịch sử. Nghĩa là chúng sẽ không bao giờ triệt tiêu nhau bởi chúng tồn tại cùng nhau, vì chúng là điều kiện tồn tại của nhau.

Lực lượng khủng bố IS tại Iraq. Ảnh : The Huffington Post.

Điều kiện đầu tiên nhất là chúng có thể phân tán mặt trận chống khủng bố quốc tế hướng về chúng. Thay vì tập trung vào IS hoặc Taliban thì mặt trận phải dàn trải tấn công với cùng một lúc cả ba mục tiêu, ba kẻ thù nguy hiểm không thua kém gì nhau.

Như thế là chúng có thể tạo ra nhiều kế hoãn binh, động binh mà thực ra là nghi binh để có thể tạo những bất ngờ cho lực lượng chống khủng bố quốc tế.

Nếu chỉ một mình IS tồn tại tách biệt thì chúng sẽ rất khó có thể thực hiện những chiêu trò nhằm làm chuyển hướng mũi tên chĩa vào chúng. Nhưng nay có sự "trợ giúp" của đồng bọn, tạo thế cho chúng thực hiện điều ấy. Còn Taliban và al-Qaeda có thêm sự chia lửa của IS nên sẽ có điều kiện củng cố và tăng cường sức mạnh.

Mặt khác, IS, Taliban hay al-Qaeda, mỗi kẻ có triết lý và thế mạnh khác nhau trong vạch kế hoạch và thực hiện các hoạt động tấn công khủng bố, nên chúng cần ở nhau như sự bổ khuyết cho nhau một cách tự nhiên. 

Taliban đã từng nắm chính quyền và thậm chí hiện nay còn đang được tạo cơ hội tham gia chính quyền mới tại Afghanistan nên có nhiều kinh nghiệm trong quản lý hành chính nhà nước, có nhiều kinh nghiệm trong việc luật pháp hóa giáo luật. Điều này IS đang rất cần nhưng thiếu kinh nghiệm. Như vậy Taliban là lực lượng giữ đất sống cho IS và al-Qaeda.

Tuy nhiên, Taliban chỉ có mỗi Afghanistan và địa bàn giáp ranh giữa nước này với Pakistan là đất dụng võ nên lực yếu - mà nhất là nguồn tài chính hạn hẹp - nên có thể phải ngả về chính quyền Afghanistan.

Trong khi đây lại là lợi thế của IS - lực lượng khủng bố kiếm tiền giỏi nhất từ trước đến nay, theo AFP ngày 24/10/2014. Thế là "hai gã đồ tể" đã cần đến nhau.

Song IS đang bị bủa vây tứ phía, và chúng chỉ mạnh và giỏi trong việc tấn công các địa bàn cố định, còn việc tấn công vào "thế giới văn minh" thì chủ yếu là gây nhiễu bằng học thuyết, chứ hoạt động tấn công của chúng chỉ là những vụ "lẻ tẻ", mà hiệu ứng của nó đối với nhân dân thế giới chỉ là hoảng sợ chứ không phải là khiếp sợ.

Trong khi đó lại là ưu điểm lớn nhất của al-Qaeda đã được chứng minh qua vụ 11/9 tại Mỹ và người ta đang rất lo lắng một vụ "11/9" nữa có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Song al-Qaeda lại kém về lực, yếu về thế nên để thực hiện việc ấy thì chỉ có "thừa" kinh nghiệm mà thôi. Nếu IS có được cái kinh nghiệm ấy của al-Qaeda thì vụ "11/9" thứ hai có nguy cơ trở thành hiện thực.

Như vậy, khi IS "dời đô" về Afghanistan thì chúng không cùng với Taliban và al-Qaeda tạo nên sự cộng hưởng, nhưng chúng tạo ra một sự cộng sinh hình thành nên thế chân vạc chống đỡ lực lượng chống khủng bố quốc tế.

Mỗi lực lượng khủng bố đều có một thế mạnh riêng nên chúng sẽ bổ khuyết cho nhau để cùng tồn tại và tác oai tác quái với những hàng động vô luân.

Có thể thấy rằng vì những sự thiếu thống nhất, thậm chí mâu thuẫn của lực lượng chống khủng bố quốc tế đã tạo cơ hội cho những kẻ khát máu tụ lại với nhau tại một vùng đất mà có thể hình thành nên "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" cho chúng. 

Cuộc chiến chống khủng bố đã có nhiều bước ngoặc, và đặc biệt sau mỗi vụ tấn công khủng bố thì lại có thêm những bước ngoặc mới được tạo ra, nhưng thật ra cho đến giờ này chưa có một bước ngoặt nào được tạo ra để nhân dân thế giới có niềm tin vững chắc vào chiến thắng chủ nghĩa khủng bố trong tương lai.

Song với sai lầm mang tính chiến lược khi để cho IS tìm đường đến với vùng "đất hứa" của chúng - Afghanistan - đã tạo ra bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố. Hậu quả là tạo nên sức sống mãnh liệt hơn cho chúng, làm tăng khả năng hoành hành của chúng và làm cho cuộc chiến chống khủng bố ngày càng cam go và quyết liệt hơn nhiều.

Ngọc Việt






 

No comments:

Post a Comment

View My Stats