Nguyễn Quang Dy
1-2-2016
Một tuần rét đậm (thậm chí có tuyết rơi tại một số
nơi) cũng không làm cho không khí chính trị tại Hà Nội kém nóng bỏng vì họp Đại
hội Đảng (20-28/1/2016). Cụ rùa hồ Hoàn kiếm chết chắc không phải vì thời tiết
Hà Nội quá lạnh, hay vì không khí chính trị quá nóng, mà có lẽ vì cụ quá già,
hoặc nguồn nước quá ô nhiễm. Nhưng dù sao người ta vẫn tin rằng đó là một “điềm
xấu”.
Đại hội Đảng đã kết thúc như một vở bi hài kịch hạ
màn, làm nhiều người hẫng hụt, không hẳn vì phe họ ủng hộ bị thua, mà vì vở kịch
kết thúc hơi đột ngột, làm người xem vẫn còn thòm thèm. Những bình luận viên và
cổ động viên đã góp phần làm không khí chính trị ồn ào và nóng lên (như trong một
trận chung kết bóng đá), nay dường như hết hứng thú khi trận đấu kết
thúc.
Đối với những khán giả thực sự quan tâm đến tương
lai đất nước thì vấn đề không phải là theo dõi diễn biến trận đấu xem đội nào
thắng hay thua, mà là phải bình tĩnh tìm hiểu thực chất trò chơi quyền lực, và
những hệ quả của nó đối với vận mệnh quốc gia. Trong bối cảnh hiện nay, mọi
chia rẽ và xung đột nội bộ (vì lợi ích cá nhân hay phe nhóm) chỉ có lợi cho
Trung Quốc và có hại cho dân tộc.
Ai
thắng ai thua
Cuối cùng Nguyễn Phú Trọng đã thắng và Nguyễn Tấn
Dũng đã thua. Lý do thua khá rõ: Thứ nhất, Nguyễn Phú Trọng đã thay đổi luật
chơi, áp đặt được Quyết định 244 để dồn Nguyễn Tấn Dũng vào ngõ cụt và cuối
cùng đã trói được đối thủ (sau 3 lần bị thua cay đắng trong 5 năm qua). Tuy còn
nhiều người ủng hộ và bỏ phiếu cho Nguyễn Tấn Dũng tại Đại hội, nhưng vẫn không
đủ phiếu (theo luật chơi mới). Bằng cách này, Nguyễn Phú Trọng đã kiểm soát được
cả Bộ Chính Trị lẫn Ban Chấp Hành Trung Ương cũng như Đại hội. Không biết Tô
Huy Rứa hay ai đã nghĩ ra kế sách này, nhưng nó rất giống “cờ vây” của Trung Quốc.
Thứ hai, Nguyễn Phú Trọng đã lôi kéo được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch
Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và nhiều người khác cùng vây hãm và cô lập Nguyễn Tấn
Dũng (ba đánh một chẳng chột cũng què). Nguyễn Phú Trọng đã vô hiệu hóa được ý
đồ của cựu Chủ tịch nước Lê Đức Anh, muốn Nguyễn Tấn Dũng và Trương Tấn Sang hợp
lực để cùng ở lại.
Nhưng vấn đề còn chưa rõ là tại sao Nguyễn Tấn Dũng
lại xin rút và chấp nhận để bị trói bằng Quyết Định 244, mà không dám làm liều
để lật ngược bàn cờ bằng một hành động táo bạo, có thể biến bại thành thắng
(như nhiều người mong đợi). Có giả thuyết cho rằng đã có một sức ép rất lớn buộc
Nguyễn Tấn Dũng chấp nhận phải nghỉ, bằng một sự dàn xếp ngầm (như có một bàn
tay vô hình). Sức ép này còn lớn hơn cả sức ép của Lê Đức Anh (với bức thư ngỏ)
phản đối việc thay đổi luật chơi, cho rằng Quyết Định 244 vi phạm điều lệ Đảng.
Có lẽ điều này liên quan đến chuyến thăm Trung Quốc bất thường của Nguyễn Sinh
Hùng và những động thái mới của Trung Quốc vào đúng dịp này, như thông qua luật
chống khủng bố (cho phép Giải Phóng Quân Trung Quốc can thiệp vào nước khác),
cho máy bay liên tiếp vi phạm không phận Việt Nam, và điều dàn khoan HD 981 đến
cửa Vịnh Bắc Bộ. Trong khi đó, lãnh đạo Việt Nam đã điều động hơn 5000 quân thiện
chiến bảo vệ Đại hội, như một sự răn đe bất thường.
Nếu đúng là có sự dàn xếp nào đó, thì chưa chắc đã
có phe nào thực sự thua (hoặc chỉ là thua tương đối). Nguyễn Tấn Dũng tuy không
được làm Tổng Bí Thư (như mong muốn) và phải nghỉ, nhưng vẫn còn thế lực. Con của
Nguyễn Tấn Dũng vẫn trúng Ủy Viên Trung Ương khóa này, và phe cánh trong Bộ
Chính Trị và Ban Chấp Hành Trung Ương mới vẫn còn mạnh. Có người nói Nguyễn Tấn
Dũng “thua trong danh dự” và “hy sinh đời bố để củng cố đời con”. Nhưng
có người lại đoán (hay mong đợi) Nguyễn Tấn Dũng và phe cánh sẽ trở thành nạn
nhân của chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” (như bên Trung Quốc). Nhưng lấy ai để “đả
hổ”? Dù Nguyễn Bá Thanh có sống lại thì cũng không làm gì được, vì đánh chuột lại
sợ “vỡ bình”. Nói cách khác, tham nhũng đã trở thành hệ thống và thể chế hóa,
như nồi cơm chung.
Nguyễn Tấn Dũng thua vì bị cô lập trong Bộ Chính Trị,
do quá tham vọng, muốn đứng đầu cả Đảng và Nhà nước. Nguyễn Tấn Dũng đã gây ra
nhiều “ân oán giang hồ” bằng những đòn hiểm như “Chân dung Quyền lực”, nên đã tạo
ra nhiều kẻ thù, và làm nhiều người lo ngại. Những người ủng hộ Nguyễn Tấn Dũng
có hai loại: một là cùng nhóm lợi ích, hai là những người muốn thay đổi, hy vọng
Nguyễn Tấn Dũng sẽ mạnh tay cải cách thể chế và “thoát Trung” (mặc dù đó chỉ là
giả định và hy vọng). Những người cùng nhóm lợi ích nay có thể phải trả giá vì
là bên thua cuộc (nếu không “trở cờ’ nhanh). Còn những người hy vọng Nguyễn Tấn
Dũng thắng, sẽ bị hẫng hụt vì điều đó không xẩy ra, do Nguyễn Phú Trọng thắng
cuộc hoặc do Nguyễn Tấn Dũng bỏ cuộc, phản bội mong muốn của họ.
Một số chuyên gia (như Alexander Vuving) lại cho rằng
Nguyễn Tấn Dũng ra đi đã tháo gỡ được “một cản trở lớn đối với cải cách thể chế”,
và không nên nhầm lẫn tưởng rằng Nguyễn Tấn Dũng chống Trung Quốc, mà chính
Nguyễn Tấn Dũng có vai “chủ đạo” (instrumental) làm Việt Nam phụ thuộc chặt chẽ
vào Trung Quốc. Các chuyên gia này còn cho rằng việc Nguyễn Tấn Dũng ra đi chứng
tỏ khả năng Trung Quốc tác động đến chính trường Việt Nam bị hạn chế. Dù đúng
hay sai, thì Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Phú Trọng (và những lãnh đạo khác) đều
thực dụng, và chính trường Việt Nam phức tạp hơn nhiều người tưởng.
Khủng
hoảng lãnh đạo
Nếu có ai đó thua cuộc tại Đại hội này, thì đó chính
là Đảng Cộng Sản Việt Nam. Trước đây lãnh đạo Đảng đã từng tranh giành quyền lực
quyết liệt và đầy kịch tính (như tại Đại hội 6 và Đại hội 9), nhưng lần này
lãnh đạo Đảng phân hóa và mâu thuẫn sâu sắc hơn, cả về đường lối lẫn xung đột lợi
ích, tới mức “một mất một còn”. Tuy Việt Nam chưa có đa đảng, nhưng chính trị
Việt Nam đã phân cực thành đa nguyên trong đảng cầm quyền, gần giống như chính
trị đảng phái (factional politics) ở các nước khác. Nói cách khác, khủng hoảng
lãnh đạo Việt Nam là hệ quả không định trước của tranh giành quyền lực trong Đảng.
Tiến tới Đại hội lần này, Đảng đã công khai bộc lộ hết
mặt trái (tự vạch áo cho người xem lưng), làm Đảng mất hết chính danh. Từ trang
mạng “Chân dung quyền lực” (đầu năm nay) đến các rò rỉ thông tin nội bộ (gần
đây), đã làm Đảng mất uy tín và mất đoàn kết nghiêm trọng, dù bộ máy tuyên truyền
cố bưng bít và phủ nhận. Chính các phe nhóm đối địch đã sử dụng truyền thông “lề
trái” để choảng nhau. Không có “lực lượng phản động và thù địch” nào phá hoại
được Đảng, trừ phi nội bộ Đảng tranh giành quyền lực. Còn nhớ, chính ông Mao đã
từng phá tan Đảng Cộng Sản Trung Quốc bằng “Cách mạng Văn hóa”, để giành quyền
lực, làm hàng triệu người mất mạng, và đưa Trung Quốc đến bên bờ vực thẳm.
Thành công lớn nhất của Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội
XII là đã hạ bệ được Nguyễn Tấn Dũng sau ba lần thất bại (quá tam ba bận). Khủng
hoảng lãnh đạo lần này càng làm bộc lộ nhiều điểm yếu của Đảng, đặc biệt là khoảng
cách thế hệ lãnh đạo kế cận (leadership gaps), cả về chất lượng lẫn số lượng.
Chưa bao giờ số lượng nhân sự lãnh đạo được thay thế nhiều như lần này (12/19 ủy
viên Bộ Chính trị mới) và 14/23 bộ trưởng cũ), vì vậy việc chuyển giao quyền lực
trong mấy tháng tới không đơn giản. Trước và sau Đại hội thường là khoảng thời
gian dễ phân liệt (dysfunctional), như có khoảng trống quyền lực, rất khó làm
việc. Trong khi lãnh đạo cũ còn tranh thủ vơ vét thì lãnh đạo mới còn phải thăm
dò. Đường dây quyền lực (cả nổi lẫn chìm) thường bị đảo lộn (do thay đổi nhóm lợi
ích), nên hợp tác chỉ là khẩu hiệu
suông.
Đổi
mới thể chế chính trị
Điểm sáng duy nhất trong Đại hội lần này có lẽ là
bài phát biểu của Bộ trưởng Kế Hoạch & Đấu Tư Bùi Quang Vinh (22/1/2016) chứ
không phải báo cáo của Tổng Bí Thư. Ông Vinh đã đề cập đến vấn đề cốt lõi của đất
nước lúc này là đổi mới chính trị, nên đã được dư luận đánh giá cao. Có người
nói vấn đề ông Vinh đề cập không có gì mới, tại sao ông ấy phải đợi đến lúc sắp
nghỉ hưu mới dám nói ra. Đúng là vấn đề ông Vinh đề cập không mới, vì trước đây
có những người quyền lực còn cao hơn (như Trần Xuân Bách, Nguyễn Cơ Thạch, Võ
Văn Kiệt) đã từng đề cập rồi, nhưng cũng không thực hiện được (mà còn bị mất chức).
Ông Vinh có muốn thực hiện cũng không được, trong thể chế bất cập hiện nay.
Nhưng điều đáng lưu ý là bài phát biểu của ông Vinh
không phải là ý kiến cá nhân, mà là tóm tắt nội dung chính của báo cáo “Vietnam
2035 Report”, được Bộ Kế Hoạch & Đấu Tư và World Bank bảo trợ, có nhiều
chuyên gia hàng đầu trong nước và ngoài nước tham gia. Ông Vinh chọn diễn đàn Đại
hội XII để nói là đúng lúc, đúng chỗ. Chỉ đáng tiếc, nội dung này không được phản
ánh vào Báo cáo của Tổng Bí Thư, nên “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”. (Nếu
được Tổng Bí Thư đưa vào Báo cáo thì chắc ông Vinh đã ở lại).
Đổi mới thể chế là cấp bách, nhưng thật trớ trêu là
Việt Nam vẫn chưa hội đủ điều kiện để đổi mới như vậy (nên ông Vinh mới phải
nghỉ). Có ba điều kiện cơ bản (mang tính quy luật). Một là, muốn thay đổi thực
sự, Việt Nam phải bị dồn đến chân tường (hay bên bờ vực thẳm), đứng trước sống
hay chết (như năm 1986). Hai là, phải có thực lực (cả nội lực lẫn ngoại lực) để
giúp phe đổi mới áp đảo được phe bảo thủ từ trên xuống (top down), trong khi tầng
lớp trung lưu phải đủ mạnh, dân trí phải đủ cao, để tạo ra đủ áp lực từ dưới
lên (bottom up). Ba là, Trung Quốc chưa chịu đổi mới thể chế chính trị, thì Việt
Nam rất khó thực hiện. Đây là “nghiệp chướng” (karma) muốn thoát phải chờ cơ hội
Trung Quốc suy yếu (như thời Cách Mạng Văn Hóa), hoặc Việt Nam phải quyết
“thoát Trung” và dân chủ hóa, trở thành đối tác chiến lược của Mỹ.
Bức
tranh kinh tế vĩ mô
Bức tranh kinh tế đầy ảm đạm, đáng báo động. Tuy Việt
Nam đã quyết định tham gia TPP, nhưng vẫn phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc (cả
kinh tế lẫn chính trị). Riêng nhập siêu từ Trung Quốc năm 2015 đã tới 32,3 tỷ
USD (chưa tính tiểu ngạch vào khoảng 20 tỷ USD). Việt Nam thâm hụt ngân sách
quá lớn vì bội chi, nên chỉ đủ để trả nợ nước ngoài đến hạn. Nợ công của Việt
Nam đã tới 93 tỷ USD (tính đến cuối 10/2015). Theo Bộ Tài Chính nợ công chiếm
61,3% GDP (nhưng theo Bộ Kế Hoạch & Đầu Tư là 66,4% GDP). Riêng nợ nước
ngoài là 65,46 tỷ USD (bằng 41,5% GDP). Các doanh nghiệp nhà nước vay đến 1,6
triệu tỷ VNĐ, nhưng sử dụng vốn không hiệu quả, và có thể mất khả năng thanh
toán. Trong khi đó, nguồn vay ưu đãi ODA đang cạn dần, nên ngân sách có thể trống
rỗng. Hy vọng quốc tế xóa nợ cho Việt Nam là rất khó, vì không ai muốn xóa nợ
cho một đất nước “không chịu phát triển”. Đây là sức ép rất lớn để Việt Nam phải
đổi mới thể chế. Lãnh đạo Việt Nam có quyền lựa chọn cải cách thế nào, nhưng
không thể trì hoãn cải cách, và không thể thiếu sự hợp tác của cộng đồng quốc tế,
đặc biệt là các nhà tài trợ. Vừa rồi, Giám đốc World Bank tại Việt Nam
(Victoria Kwakwa) đã hỏi thẳng Thủ tướng, “Chính phủ Việt Nam lấy tiền đâu để
phát triển nhanh và bền vững?”
Nếu khủng hoảng tài chính xảy ra thì ai sẽ giải cứu
Việt Nam? Nếu dựa vào Trung Quốc thì cái giá phải trả là gì? Đây là một bài
toán đố chưa có lời giải. Ngân sách trống rỗng là một khoảng trống quyền lực
còn kinh khủng hơn cả "vực thẳm tài khoá" (fiscal cliff). Nếu phương
án giải cứu từ bên ngoài không khả thi, thì phương án giật gấu vá vai từ bên
trong có thể dẫn đến những hệ quả xấu. Ví dụ, quyết định tăng gấp đôi mức đóng
Bảo hiểm Xã hội và Bảo hiểm Y tế để tận thu ngân sách là một đòn chí mạng giáng
vào các doanh nghiệp còn sống sót sau cơn bão khủng hoảng, làm thui chột cơ hội
phục hồi của khu vực tư nhân, là hy vọng sống còn của nền kinh tế. Các chính
sách tận thu ngân sách có thể trở thành con dao hai lưỡi.
TPP là một cơ hội tốt để Việt Nam đổi mới (vòng hai)
và “thoát Trung”, nhưng còn quá sớm để TPP được triển khai và phát huy tác dụng.
Trung Quốc sẽ tìm mọi cách lách qua các quy định của TPP để vô hiệu hóa nó (như
thông qua những người Việt Nam hám lợi). Tuy lãnh đạo Việt Nam ủng hộ TPP,
nhưng muốn “thoát Trung” về kinh tế, trước hết phải “thoát Trung” về chính trị
tư tưởng. Dư luận cho rằng sau Đại hội Đảng (ít nhất trong mấy năm tới), có lẽ
Việt Nam chưa hội đủ điều kiện để đổi mới chính trị. Đó là tin xấu (bad news).
Truyền
thông và dân chủ
Đại hội Đảng là một dịp để truyền thông “lề trái”
phát triển. Vì truyền thông “lề phải” bị kiểm duyệt chặt, nên các phe phái phải
sử dụng truyền thông “lề trái” để rò rỉ thông tin và choảng nhau. Báo chí quốc
tế cũng qua truyền thông “lề trái” để có thông tin về bức tranh toàn cảnh.
Chính quyền không thể bưng bít thông tin và thuyết phục dư luận là mọi chuyện đều
tốt đẹp, vì càng nói dối càng phản tác dụng. Nhưng truyền thông “lề trái” (và
những người đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền) cũng bị thao túng và phân hóa
thành phe nhóm chống đối nhau quyết liệt. Vì vậy, người dân dễ bị hoang mang,
ngộ nhận về bản chất của các phe nhóm (hay nhân vật). Môt số nhà báo (bloggers)
có xu hướng dân chủ và cấp tiến cũng bị lôi cuốn vào trò chơi quyền lực, trở
thành công cụ của các phe nhóm chống đối nhau.
Xoay
trục và Thoát Trung
Trong tam giác chiến lược Mỹ-Trung-Việt, Việt Nam vẫn
cố giữ thế cân bằng, vừa muốn chơi với Mỹ, nhưng lại sợ mất lòng Trung Quốc. Vì
vậy, trước mắt Việt Nam vẫn theo đuổi chính sách “ba không”. Nhưng sự kiện dàn
khoan HD 981 (5/2014) là một bước ngoặt lớn, làm quan hệ Viêt-Trung khủng hoảng,
và làm quan hệ Việt-Mỹ có những bước tiến đáng kể, nhất là sau chuyến thăm
chính thức của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (25/7/2013) và của Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng (7/7/2015), qua đó Mỹ và Việt Nam đã trở thành “đối tác toàn
diện”, với “Tầm nhìn Chung”. Tuy Việt Nam đã ký thỏa thuận tham gia TPP, và Mỹ
đã bỏ dần lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, nhưng hai nước vẫn
chưa trở thành đối tác chiến lược. Đây là một điểm yếu lớn của Việt Nam (so với
Philippines) trong việc đối phó với Trung Quốc bành trướng tại Biển Đông.
Trở ngại chính cho quan hệ Mỹ-Việt là vấn đề nhân
quyền và dân chủ hóa. Sau Đại hội Đảng khả năng này càng khó, có thể chững lại.
Việt Nam có thể tiếp tục bị mắc kẹt trong thế tiến thoái lưỡng nan (trong quan
hệ Mỹ-Trung-Việt), và tiếp tục bị sa lầy tại ngã ba đường (vì cái bẫy ý thức hệ).
Việt Nam muốn gần Mỹ nhưng không dám quá gần, muốn tách xa Trung Quốc, nhưng
không dám quá xa. Việt Nam tuy có quan hệ đối tác chiến lược với nhiều nước,
nhưng chẳng thực sự gắn bó với ai, và chẳng ai có thể bảo vệ được Việt Nam nếu
bị Trung Quốc tấn công. Nói cách khác là “lắm mối tối nằm không”.
Chủ
quyền Biển Đông
Trung Quốc từ lâu muốn độc chiếm Biển Đông, nhưng có
hai trở ngại chính. Thứ nhất, Mỹ là siêu cường có lợi ích chiến lược và cam kết
đồng minh tại Đông Á và Thái Bình Dương, trong đó Biển Đông có tầm quan trọng đặc
biệt. Thứ hai, Việt Nam là nước láng giềng án ngữ cửa ngõ ra Biển Đông, tuy
cùng hệ tư tưởng với Trung Quốc, nhưng Việt Nam có truyền thống chống “Bắc thuộc”.
Đến nay Trung Quốc đã san lấp 7 đảo và xây dựng 3 sân bay có đường băng dài gần
3000m và các công trình quân sự trên các đảo nhân tạo này, để khống chế vùng biển
và vùng trời tại Biển Đông, từng bước biến “đường lưỡi bò” thành chuyện đã rồi.
Mỹ đã xoay trục sang Châu Á và tăng cường hợp tác với
đồng minh và bạn bè ở khu vực này (kể cả Việt Nam) bằng TPP và các cam kết an
ninh, để ngăn chặn Trung Quốc. Tuy Mỹ đã có thái độ cứng rắn hơn đối với Trung
Quốc, như điều máy bay và tàu chiến tuần tra Biển Đông (FONOPS), nhưng vẫn còn
“ngập ngừng” (uncertain trumpet) nên chưa đủ răn đe Trung Quốc. Chiến hạm USS
Lassen đã vào vùng biển quanh đảo Subi Reef, thuộc Trường Sa (10/2015) và chiến
hạm USS Curtis Wilbur đã vào vùng 12 hải lý quanh đảo Triton thuộc Hoàng Sa
(30/1/2016) nhưng vẫn áp dụng quy ước “đi qua vô hại” (innocent passage).
ASEAN đã có bước chuyển biến tích cực hơn trước (với
ASEAN Economic Community) nhưng vẫn dễ bị phân hóa bởi Trung Quốc. Biển
Đông vẫn còn khoảng trống quyền lực, và còn cơ hội để Trung Quốc lấn át, nếu Mỹ
và Việt Nam không sớm trở thành đối tác chiến lược, nếu chưa thiết lập được một
cơ chế an ninh tập thể hiệu quả hơn tại Đông Á. Nhưng trước mắt điều này khó thực
hiện, vì chuyển giao lãnh đạo tại Việt Nam (sau Đại hội Đảng) và tại Mỹ (sau bầu
cử Tổng thống năm nay) có thể là một trở ngại.
NQD.
1/2/2016
Tác giả gửi cho viet-studies ngày
1-2-16
No comments:
Post a Comment