Friday, 12 February 2016

GS.TS. VIỆT THANH NGUYỄN (KỲ 2) : KHỦNG HOẢNG "VIỆT NAM HÓA" CỦA NGƯỜI MỸ GỐC VIỆT (Anvi Hoàng /Viễn Đông thực hiện)





Anvi Hoàng/Viễn Đông (thực hiện)
05/04/2012

Tiến Sĩ Việt Thanh Nguyễn là Giáo Sư thuộc khoa Ngôn Ngữ và Văn Chương, khoa Nghiên Cứu Về Hoa Kỳ và Nhóm Thiểu Số tại trường đại học University of Southern California. Sau đây là phần tiếp theo bài phỏng vấn khởi đăng hôm qua về đề tài ký ức chiến tranh Việt Nam và về những truyện ngắn của ông.

Bìa sách của GS. TS. Việt Thanh Nguyễn.

Viễn Đông: Cách kể câu chuyện về chiến tranh Việt Nam ở Mỹ đã trải qua những thay đổi như thế nào?
GS. Việt Thanh Nguyễn: Ở Mỹ, ký ức về cuộc chiến tranh Việt Nam đã thay đổi nhiều. Vào những năm 80, chiến tranh Việt Nam được xem là một chuyện khủng khiếp đã xảy ra cho người Mỹ và họ cần phải vượt qua những sự chia rẽ trong xã hội cũng như những vết thương chiến tranh. Tất cả phim ảnh trong thời kỳ này là những phương tiện để cho người Mỹ đối diện với quá khứ của họ. Rồi thì họ bắt đầu viết lại lịch sử và biến chiến tranh Việt Nam thành một cuộc chiến lầm đường lạc lối trong đó lính Mỹ chỉ làm những gì họ được chỉ định làm, cho nên cần phải vinh danh và tôn trọng họ. Cách kể này thật ra là cho phép người Mỹ tránh né khỏi phải đối phó với những vấn đề quan trọng hơn trong xã hội Mỹ vào thời điểm những năm 60 đến 80: đó là có lẽ lính Mỹ không phải chỉ làm theo lệnh mà họ thật sự đã làm những chuyện dã man tồi tệ ở Việt Nam. Phần sự thật xấu này bị giấu kín dưới câu chuyện phải vinh danh và tôn trọng người lính Mỹ vào lúc Mỹ bắt đầu thiết lập quan hệ bình thường với Việt Nam vào những năm 90. Vì vậy lúc đó Việt Nam không bị xem là một đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh nữa mà được xem là một địa điểm du lịch hấp dẫn. Hiện nay Việt Nam được nhìn nhận như là một đối tác có tiềm năng trong nỗ lực của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc. Do đó, sự nổi lên của Trung Quốc và ký ức đã bắt đầu phai mờ về cuộc chiến tranh Việt Nam lại là một hoàn cảnh mới tạo ra sự thay đổi trong cách kể chuyện về chiến tranh Việt Nam ở Mỹ.

Viễn Đông: Đối với các nhà văn người Mỹ gốc Việt thì sao?
GS. Việt Thanh Nguyễn: Phản ứng của họ cũng thay đổi qua thời gian. Những sách bằng tiếng Anh được xuất bản trong những năm 70 và 80 toàn là hồi ký về người Việt Nam trong chiến tranh. Họ nói về sự khủng khiếp của cuộc chiến, về cảnh xào xáo của đất nước, về nỗi khổ của người tị nạn ở Mỹ, và về Việt Nam như là một nơi người ta không thể quay về. Lệ Lý Hayslip là một trong những người đầu tiên quay về Việt Nam vào đầu những năm 90 và viết rằng Việt Nam không tệ đến nỗi như mọi người nghĩ, rằng người Việt Nam đã phải chịu đựng quá nhiều và bây giờ họ phải đối phó với thực tế rất khó khăn.
Bây giờ nhiều người trong số những nhà văn trẻ người Mỹ gốc Việt quay lại Việt Nam và viết về những thay đổi của đất nước. Quan điểm của họ là: cha mẹ chúng ta hồi tưởng về Việt Nam theo một kiểu, nhưng chúng ta cần phải quay lại và nhìn tận mắt để kể câu chuyện riêng của mình về lịch sử mối liên hệ giữa Mỹ và Việt Nam, về thế hệ người Mỹ gốc Việt trước và sau, về người Mỹ gốc Việt và về người Việt Nam trong nước. Đây là câu chuyện phổ biến về những kỳ vọng đã thay đổi, về sự cần thiết phải có sự đối thoại giữa những người Việt có quan điểm khác nhau.

Viễn Đông: Trong bối cảnh này, quê hương có ý nghĩa như thế nào đối với người Mỹ gốc Việt?
GS. Việt Thanh Nguyễn: Quê hương vừa mang ý nghĩa tích cực vừa vừa mang ý nghĩa tiêu cực, tùy theo các thế hệ khác nhau với những kinh nghiệm khác nhau ở Mỹ. Nó là môi trường tiêu cực theo nghĩa đó là nơi nhiều người muốn từ bỏ để ra đi: vì cộng sản mà họ bị buộc phải ra đi; vì những khó khăn về tôn giáo, sắc tộc, hoặc kinh tế; vì mỗi lần họ quay lại Việt Nam họ bước vào một thế giới đầy xung đột - đối với nhiều người về thăm quê hương là chuyện không thoải mái. Ngược lại, ngay đối với chính những người này, quê hương mang ý nghĩa tích cực bởi vì nó tượng trưng cho tất cả những gì làm nên con người Việt Nam: ngôn ngữ, ẩm thực, văn hóa, thời tiết, v.v.. Chính những hồi tưởng về quê hương là nền tảng hình thành cộng đồng người Việt di cư ở nước ngoài. Lý do để một cộng đồng như thế tồn tại chính là ý tưởng về quê hương như là nơi xuất xứ của mọi người. Cho dù họ có xung đột với quê hương họ vẫn cần nó để có thể tiếp tục chứng minh rằng họ là người Việt trên đất Mỹ.

Viễn Đông: Tại sao người Việt chúng ta không có nhiều tiểu thuyết chiến tranh hay?
GS. Việt Thanh Nguyễn: Tùy theo chúng ta định nghĩa chiến tranh là như thế nào. Nếu hiểu chiến tranh theo nghĩa bom đạn, súng ống, lính tráng thì chúng ta có tiểu thuyết về chiến tranh hay như của Dương Thu Hương hoặc Bảo Ninh. Tác phẩm của họ có ý nghĩa không chỉ đối với người Việt mà cả người đọc tiếng Anh. Tôi nghĩ chúng ta không có nhiều tiểu thuyết về chiến tranh hay vì nhà nước và đảng cộng sản Việt Nam muốn kiểm soát ý nghĩa của một cuộc chiến mà trong đó người Việt đấu tranh chống lại người ngoài và cũng đấu tranh lẫn nhau trong nước. Do đó, nhà văn khó có thể viết về vấn đề này mà không bị kiểm duyệt.
Ở nước ngoài, chúng ta không có tiểu thuyết chiến tranh theo nghĩa bom đạn, lính tráng, nhưng nếu xem chiến tranh là một kinh nghiệm hoàn toàn khác biệt của người Việt so với người Mỹ thì chúng ta có những tác phẩm văn học quan trọng do người tị nạn viết. Tôi cho rằng văn học của người Mỹ gốc Việt bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt là văn học chiến tranh, bởi vì đối với người Việt, chiến tranh ảnh hưởng đến tất cả mọi người từ thường dân đến đàn bà, con nít. Đây là một đóng góp quan trọng của người Mỹ gốc Việt, bởi vì kinh nghiệm chiến tranh của người Mỹ hoàn toàn khác.

Viễn Đông: Nhiều người Châu Á và Mỹ Latinh khác cũng bị ảnh hưởng bởi chiến tranh Việt Nam. Câu chuyện của họ khác câu chuyện của người Mỹ như thế nào?
GS. Việt Thanh Nguyễn: Rất khác. Đối với người Mỹ, cuộc chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến phân biệt chủng tộc. Họ sang Việt Nam và nhìn người Việt Nam như là một sắc tộc khác. Rồi thì, hoặc là họ thương hại và dạy người Việt làm sao để đánh nhau bằng cách trang bị vũ khí cho quân đội miền Nam Việt Nam. Hoặc một hình thức phân biệt chủng tộc tiêu cực hơn là, họ xem người Việt như một giống dân hoàn toàn nhược tiểu. Điều này giải thích cho lượng bom đạn mà họ trải thảm ở Việt Nam. Dù là chống lại cộng sản miền Bắc hoặc giải phóng quân ở miền Nam, việc ném bom vô tội vạ này đã giết chết rất nhiều thường dân.
Đối với những người Châu Á hoặc Mỹ Latinh khác, họ nhìn cuộc chiến khác bởi vì bản thân họ cũng là sắc tộc thiểu số ở Mỹ. Vì vậy khi qua Việt Nam họ thấy mình cũng phần nào giống người Việt Nam. Tuy nhiên, người Mỹ Latinh hoặc người Mỹ da đen thì vẫn có thể xem mình là người Mỹ được và rồi thu nhập thái độ phân biệt chủng tộc chống người Việt Nam. Nhưng những người lính Châu Á khác thì không như thế. Nhiều người trong số họ sau này viết về chuyện họ cũng bị lầm tưởng như là người Việt Nam và bị lính Mỹ đối xử phân biệt y như người Việt Nam. Có rất nhiều người Châu Á tham gia trong chiến tranh Việt Nam: nhiều ký giả người Nhật viết về chiến tranh Việt Nam, lính Đại Hàn là nhóm quân đồng minh đông đảo nhất của Mỹ tham chiến ở Việt Nam bởi vì chính phủ Mỹ trả cho Đại Hàn một số tiền khổng lồ để thuê những người lính này. Tác phẩm văn học do những người lính Đại Hàn sau này viết cho thấy họ thông cảm cho người Việt hơn và họ cho rằng mình ở vào một thế kẹt trong một cuộc chiến phân biệt chủng tộc như thế này.

Viễn Đông: Đối với một nước trước kia từng bị đô hộ như Việt Nam, vấn đề Mỹ hóa trong thời kỳ chiến tranh có ý nghĩa như thế nào đối với họ?
GS. Việt Thanh Nguyễn: Có nghĩa là hai điều tương phản xảy ra. Thứ nhất: ai bị đô hộ cũng tỏ thái độ chống đối. Nhật, Đại Hàn, Philippines đều thế cả - phong trào chống Mỹ là thường xuyên xảy ra ở những nước này vì họ muốn lính Mỹ rút đi. Nhưng đối với những nước này, cuộc chiến nằm trong quá khứ nên chống đối cũng nhẹ nhàng hơn, trong khi ở Việt Nam lúc chiến tranh đang diễn ra thì sự chống đối rất mạnh mẽ.
Thứ hai: trong quá trình đô hộ, chúng ta cũng phát triển một tình cảm lưu luyến đối với người cai trị bởi vì chúng ta khao khát những thứ mà người cai trị có trong tay: đó là tính ưu việt (superiority). Cho nên ở tất cả các nước bị đô hộ, mặc dù họ chống đối người cai trị, họ đồng thời yêu mến nền văn hóa của người cai trị: người ta nghe nhạc tây, xem phim tây, học tiếng Anh, mặc đồ tây. Đây là hai nghịch lý của vấn đề đô hộ hoặc Mỹ hóa.

Viễn Đông: Người ta tưởng nhớ chiến tranh Việt Nam ở Việt Nam như thế nào?
GS. Việt Thanh Nguyễn: Chiến tranh Việt Nam được xem như là một cuộc chiến lâu dài chống Pháp, Nhật, Mỹ. Ở các nghĩa trang liệt sĩ người ta cũng chia các bia mộ ra từng thời kỳ như thế. Một điều bị bỏ quên trong cuộc chiến này là nó có liên quan đến cả những người khác chính kiến với lý tưởng cách mạng. Ở trong các viện bảo tàng ở Việt Nam, lính miền Nam Việt Nam được xem là những con rối của thực dân Pháp hoặc đế quốc Mỹ. Nghĩa trang của lính miền Nam Việt Nam bị bỏ bê trong khi nghĩa trang của lính cộng sản được chăm sóc kỹ lưỡng. Nhưng có lẽ thời cuộc đang thay đổi. Chính phủ Việt Nam có lẽ đang muốn khôi phục lại các nghĩa trang này. Trong tương lai, đây sẽ là nơi chúng ta hy vọng đảng cộng sản Việt Nam sẽ ghi nhận chính thức vị trí của người lính miền Nam Việt Nam và chính phủ miền Nam Việt Nam.

Vien Đông: Từ khi nào giáo sư bắt đầu viết truyện ngắn?
GS. Việt Thanh Nguyễn: Ở đại học, và tôi tiếp tục viết khi trở thành giáo sư. Suy nghĩ của tôi lúc này có khác trước. Ban đầu tôi viết vì nghĩ rằng những câu chuyện của người Mỹ gốc Việt không được ai kể. Đây là sự thôi thúc rất tự nhiên đối với tất cả những người thuộc nhóm dân thiểu số. Nhưng khi tôi gần kết thúc tuyển tập truyện ngắn, tôi đặt lại câu hỏi với sự thôi thúc đó. Tại sao người thiểu số lại phải viết chuyện về người thiểu số, trong khi người Mỹ da trắng thì có thể viết về bất kỳ cái gì họ thích, ngay cả chuyện về người thiểu số. Vì vậy đến cuối tuyển tập tôi viết những chuyện về người không phải gốc Việt nhưng có giao tiếp với người Việt hoặc có liên hệ với Việt Nam.

Viễn Đông: Các câu chuyện của giáo sư được thai nghén như thế nào?
GS. Việt Thanh Nguyễn: 
Đó là tổng hợp những gì diễn ra trong đầu tôi và những gì xảy ra ngoài đời. Trong 10 năm qua, tôi đã đi Việt Nam nhiều lần. Đến đó và gặp gỡ mọi người, quan sát đất nước cho tôi những ý tưởng, cho tôi khái niệm về tính cách người Việt, khái niệm về hình thể vật chất của đất nước để tôi có thể miêu tả nó. Tuy nhiên, nhưng gì diễn ra trong đầu tôi cũng không kém phần quan trọng. Tôi tưởng tượng nhiều điều tôi không cảm nhận được. Ví dụ khi tôi viết chuyện một người con gái lớn lên ở Việt Nam, tôi phải hình dung chuyện đó dựa vào những gì tôi đã thấy, dựa vào những gì tôi thấy trong một căn nhà thật sự ở Việt Nam, vào những gì người ta kể cho tôi nghe về cuộc sống của họ ở Việt Nam. Một phần câu chuyện này lấy cảm hứng từ sự kiện là: một lần nọ tôi đi ăn ở một tiệm ăn rất sang trên đường Đồng Khởi. Ở đây một dĩa rau muống giá 5 Mỹ kim. Tôi gặp người chiêu đãi viên nữ trẻ tuổi và bảo rằng “Sài Gòn thật là sôi động quá nhỉ!”. Cô ta liền bảo “Ôi, Sài Gòn chán chết được!” Sự kiện này rất quan trọng bởi vì là một khách du lịch, tôi cho rằng Sài Gòn thú vị. Thế nhưng đối với cô gái này Sài Gòn chả là gì cả. Thế là sự kiện này là cảm hứng cho câu chuyện sau cùng trong tuyển tập.

Viễn Đông: 
Giáo sư có thể kể về những nhân vật trong truyện của mình được không?
GS. Việt Thanh Nguyễn: Một số chuyện là về người Việt Nam tị nạn tới Mỹ vào những năm 70 và 80 và về những người da đen, Mỹ Latinh tiếp xúc với họ. Đây là những câu chuyện tiêu biểu về người thiểu số và sự tranh đấu của họ trong vấn đề giữ gìn bản sắc người Việt Nam ở Mỹ.
Tiếp theo là những chuyện về những người Mỹ khác có giao tiếp với người Việt Nam trong cuộc sống của họ. Đây là những người Mỹ mà bản tính cá nhân với tư cách một con người và với tư cách một người Mỹ của họ bị thương tổn.
Cuối cùng trong bộ sưu tập là những chuyện về những người Mỹ quay trở lại Việt Nam để đối diện với quá khứ của họ. Có một chuyện về một cô gái Việt Nam sống ở Việt Nam và cuộc gặp mặt lần đầu tiên sau 30 năm tại Việt Nam giữa cô và người chị gái cùng mẹ khác cha sống ở Mỹ. Đây là câu chuyện về sự thất vọng – vì nhiều người Mỹ gốc Việt có một khái niệm rất lý tưởng và lãng mạn về đất nước Việt Nam. Họ tổ chức cuộc sống và hình thành cá tính của họ xoay quanh một ý tưởng nhất định về Việt Nam. Khi quay lại Việt Nam, mọi thứ không như họ nghĩ. Thế là họ bị khủng hoảng, như lúc những người Việt Nam tị nạn bị khủng hoảng khi lần đầu tiên đặt chân tới Mỹ - khủng hoảng về sự Mỹ hóa. Ở đây nhiều người Mỹ gốc Việt quay lại Việt Nam và bị khủng hoảng Việt Nam hóa. Có nhiều nỗi hân hoan từ những cuộc hội ngộ này, nhưng cũng có nhiều thất vọng cho những người Mỹ gốc Việt và cho cả những người Việt tiếp đón họ nữa.

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.
Anvi Hoàng/Viễn Đông (thực hiện)




No comments:

Post a Comment

View My Stats