Saturday, 6 February 2016

CHÍN SỰ KIỆN ĐÁNG CHÚ Ý TRONG NĂM ẤT MÙI (Hà Tường Cát/Người Việt)





Hà Tường Cát/Người Việt
Friday, February 5, 2016 7:29:14 PM 

Năm nào cũng có hàng trăm chuyện thời sự, làm một tổng kết không khó mà cũng không dễ, vì phải chọn cái cần nói đến cũng như cái ... cần bỏ đi. Bên cạnh những chuyện vui buồn, hay dở, đáng nhớ hay nên quên là những chuyện rất được chú ý dù chẳng có ý nghĩa giá trị lâu dài gì hết, có thể gọi chung là vớ vẩn hay ... ruồi bu, tùy theo cách nhìn của mỗi người. Nếu như người ta vẫn nói con dê húc càn, có lẽ hãy xem nhiều việc trong năm Ất Mùi trên khắp thế giới là như thế. 

Trang thiết bị khai thác dầu ngoài khơi của Petrobas tại cơ sở bảo trì ở Brazil. Công ty này mới đây nói rằng dù giá dầu thô xuống tới $20 một thùng vẫn tiếp tục hoạt động. (Hình: Dado Galdieri/Bloomberg via Getty Images)

Chín sự kiện đáng chú ý trong năm Ất Mùi kể ra dưới đây, căn cứ trên ngày tháng tính theo âm lich.

1. Kinh tế hồi phục
Kinh tế Hoa Kỳ trong năm Mùi được coi là khá nhất thế giới. Sẽ có nhiều người hoài nghi điều ấy, nhưng Hoa Kỳ đã ra khỏi thởi kỳ suy thoái, thất nghiệp dưới 7% ít quốc gia nào có được (vào ngày 5 tháng Hai, con số ghi thất nghiệp mới nhất được ghi nhận là 4.9%). Tăng trưởng không tới mức ngoạn mục nhưng đều đặn và tạo ổn định cho mọi lãnh vực khác. Minh chứng của tình trạng kinh tế vững mạnh là việc lần đầu tiên sau bảy năm, Fed quyết định cho tăng lãi suất căn bản lên mức 0,25% - 0.5%. Trong khi đó hầu hết các nền kinh tế lớn, từ Trung Quốc, Nhật Bản đến Liên Âu đều chật vật đương đầu với nhiều khó khăn phức tạp khiến cho có những lo ngại về một đợt khủng hoảng toàn cầu mới có thể xảy đến trong tương lai gần.
Trong lãnh vực năng lượng, chuyển biến lớn là tình hình dầu lửa xuống giá tới 70% so với hơn một năm trước, tác động mạnh đến nhiều quốc gia và ngành kỹ nghệ.
Đồng thời năng lượng sạch và năng lượng tái sinh tiếp tục phát triển nhanh,đi dần tới thay thế các nguồn năng lượng hóa thạch. Lần đầu tiên thế giới đồng tâm – ít lắm là trên nguyên tắc – cùng ngăn ngừa khí hậu địa cầu biến đổi. Tại hội nghị quốc tế Paris tháng 11, hơn 195 đại diện quốc gia ký thỏa thuận về giảm lượng khí thải carbon và những biện pháp cần thiết khác cho mục tiêu này.

2. Chiến tranh và khủng bố
Khủng bố vẫn là thảm họa và mối đe dọa an ninh nặng nề nhất ở mọi quốc gia. Hai vụ khủng bố kinh hoàng gây sự quan tâm nhất xảy ra vào gần cuối năm, tại Paris tháng Chín và California tháng 10.
Nhóm Hồi Giáo quá khích IS là trung tâm của những hành động khủng bố tại Trung Đông và gây lo ngại đến Âu Châu, Á Châu và cả Mỹ Châu. Chiến dịch không kích do Hoa Kỳ và đồng minh tiến hành từ năm trước vẫn tiếp tục và đến tháng Tám năm Ất Mùi không lực Nga can thiệp vào Syria. Mục tiêu của Nga là trợ giúp chính quyền chống tất cả các lực lượng chống đối, bao gồm IS và nhiều tổ chức đối kháng khác, do đó xung khắc với Tây Phương và không có sự đồng lòng trong chiến tranh đối phó khủng bố.
Chiến tranh ở Trung Đông và những bất ổn tại Phi Châu và Á Châu làm phát sinh một làn sóng dân tị nạn tràn qua các nước láng giềng và đi tới Âu Châu, gây nên cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng. Liên Âu lâm vào tình thế bế tắc trong sự tiếp nhận và giải quyết vấn đề định cư cho con số hàng triệu di dân này.

3. Hòa bình
Sau nhiều năm bế tắc, thỏa hiệp vào tháng Năm giữa sáu cường quốc với Iran về vấn đề phát triển nguyên tử là một khúc quanh ngoại giao quan trọng của Hoa Kỳ sau hơn 30 năm đoạn giao với nước cộng hòa Hồi Giáo. Tuy vậy hãy còn phải chờ xem Iran thực thi thỏa hiệp như thế nào cùng lúc là sự chống đối từ Israel ảnh hưởng đến thái độ của quốc hội Hoa Kỳ.
Một bước tiến tới hòa bình khác là việc Hoa Kỳ chính thức tái lập quan hệ với Cuba từ tháng Năm, sau nửa thế kỷ cắt đứt quan hệ và  cấm vận đảo quốc này. 

4.  Căng thẳng ở Á Châu

Trong vùng Đông Nam Á, Biển Đông vẫn là một điểm nóng, tuy chưa đến mức xảy ra xung đột lớn, do ý đồ bành trướng của Trung Quốc. Việc bồi đắp các đảo đá san hộ thành đảo nhân tạo và xây dựng trên đó những căn cứ quân sự kể cả phi đạo có thể dùng cho máy bay chiến đấu bị dư luận quốc tế công khai phê phán. Hoa Kỳ hai lần cho chiến hạm thực hiện chuyến hải hành gọi là FONOP (Tự Do Hàng Hải), lần đầu đi cách một đảo nhân tạo ở Trường Sa dưới 12 hải lý và lần sau đi qua hải phận đảo Tri Tôn trong quần đảo Hoàng Sa, phủ nhận giá trị chủ quyền của Trung Quốc ở quần đảo còn đang tranh chấp giữa Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam. Tương lai, vấn đề Biển Đông sẽ còn nhiều phức tạp.
Tại Việt Nam, đại hội 5 năm lần thứ 14 của đảng Cộng Sản Việt Nam vào hạ tuần tháng Chạp đã bầu lại ông Nguyễn Phú Trong vào chức vụ Tổng Bí Thư. Với lập luận ông Trọng thuộc phe thân Trung Quốc, một số dư luận cho rằng Việt Nam sẽ có những nhượng bộ đối với Trung Quốc. Tuy nhiên lo ngại này có lẽ không có cơ sở, việc ông được tái tín nhiệm chỉ thể hiện ý muốn không có thay đổi căn bản cả về đối nội và đối ngoại như tình thế đã ổn định trong nhiệm khóa đầu của ông.
Tranh chấp biển đảo giữa Trung Quốc và Nhật Bản tạm lắng dịu trong năm với thỏa thuận của hai bên tạm giữ nguyên trạng. Nhưng khu vực Đông Bắc Á luôn luôn căng thẳng vì thái độ gây hấn khó dự đoán của lãnh tụ Kim Jong-un. Một lần nữa, vào tháng (Mười) Một, bất chấp dư luận quốc tế, Bắc Hàn cho nổ thử nghiệm một trái bom nguyên tử và khoa trương là bom khinh khí.

5. Hôn nhân đồng tính
Năm Ất Mùi là một dấu mốc cho giới LGBT trên toàn thế giới về thành công trong cuộc tranh đấu đòi hỏi quyền bình đẳng của họ. Tháng Ba, Ireland là quốc gia đầu tiên hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính. Tháng tiếp theo Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ phán quyết tất cả các tiểu bang phải cho phép người đồng tính được phép kết hôn. Mexico và Nhật Bản cũng có những tiến triển trong vấn đề dân quyền này.

6. Tranh cử Tổng Thống Hoa Kỳ 2016
Cuộc bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ tháng 11, 2016, chính thức khởi đầu cuối năm con dê bằng cuộc bầu cử theo thể thức caucus diễn ra tại tiểu bang Iowa. Phía Dân Chủ, bà Hillary Clinton thắng chỉ hơn Bernie Sanders rất ít. Phía Cộng Hòa, Ted Cruz thắng tỷ phú Donald Trump và sáu người khác. Trump đã là một hiện tượng đặc biệt trong cuộc tranh cử năm nay, nổi bật với lối ăn nói mạnh bạo và dẫn đầu mọi thăm dò dư luận.

7. Lạm dụng súng đạn
Những vụ nổ súng vô nghĩa giết người hàng loạt  vẫn thỉnh thoảng xảy ra tại Mỹ trong khi chưa thấy có dấu hiệu về luật lệ cải tổ việc sử dụng súng đạn. Cuối tháng Tư tại Sharleston, SC, một thanh niên 21 tuổi có khuynh hướng dân tộc cực đoan, vào một giáo đường Methodist Episcopal của dân da đen bắn chết chín người. Sau hành động này, South Carolina và một số tiểu bang khác quyết định không treo lá cờ miền Nam thời Nội Chiến và hủy bỏ những biểu hiện có hình ảnh ấy ở các nơi công cộng khác, kể cả bảng số xe.
Song song với chuyện súng đạn thì những hành động sử dụng bạo lực quá lố của cảnh sát cũng gây nhiều rắc rối với cộng đồng dân da đen, là nơi thường xảy ra những biến cố đáng tiếc ấy. Tháng Hai năm Ất Mão, biểu tình bạo loạn xảy ra trong nhiều ngày ở thành phố Baltimore sau khi thanh niên Freddie Gray, 25 tuổi, bị cảnh sát bắt giữ chết trong nhà tù với những thương tích khả nghi.

8. Thiên tai và thảm họa
Thế giới không bao giờ tránh hết mọi thiên tai. Thiên tai lớn nhất năm Ất Mão là trận động đất 7.8 độ ngày 30 tháng 2 Ất Mão ở Nepal, tiếp theo có rất nhiều hậu chấn mạnh và một trận động đất lớn khác gần hai tuần sau đó. Hơn 8,800 người chết, hàng triệu người phải di tản và mất nơi cư trú.
Một thảm kịch kinh hoàng do con người gây nên là vụ máy bay Germanwings chuyến 9525 từ Tây Ban Nha đến Đức hồi cuối tháng Giêng. Phi công phụ cố ý tự sát lái đâm xuống vùng núi Alps vỡ nát làm tất cả 150 người trên máy bay thiệt mạng.

9. Vượt ngục
Trong năm này có 3 vụ tù nhân vượt ngục gây sự chú ý rộng rãi, hai tại Mỹ và một ở Mexico.
Ngày 19 tháng Năm Ất Mùi, Joaquin Guzman, biệt danh “El Chapo,” ông trùm của Sinaloa, băng đảng ma túy nhiều tai tiếng nhất trốn thoát khỏi nhà tù được canh giữ chặt chẽ nhất gần Mexico City, sáu tháng sau bị bắt lại tại căn nhà riêng bí mật ở miền Bắc tiểu bang Sinaloa.
Tháng Tư, hai tù nhân trọng án vượt ngục từ khám đường Clinton, New York, sau một cuộc săn lùng gần 3 tuần lễ quanh vùng, một bị bắn chết và một bị bắt lại.
Cuối năm, ba tù nhân trong đó có hai gốc Việt, trốn khỏi nhà tù ở Santa Ana, California. Sau một tuần lễ, một tù nhân Việt Nam tự thú và hai còn lại bị bắt ở San Francisco. Nhật báo Người Việt tường trình và loan được những tin sớm nhất trong vụ này. (HC)







No comments:

Post a Comment

View My Stats