Friday, 12 February 2016

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN TRẦN ĐẠI QUANG VI HIẾN,TƯỚC ĐOẠT QUYỀN SỞ HỮU TÀI SẢN CỦA CÔNG DÂN (Luật sư Hà Nguyễn - Chân Lý Online)





Luật sư Hà Nguyễn
Chân Lý  13-02-2016 

Ngày 04/1/2016, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang căn cứ Luật Công an nhân dân ra Thông tư số 01/2016/TT-BCA về “Quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông”. Khoản 6 Điều 5 Thông tư này cho phép “sĩ quan, hạ sĩ quan cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ và công an các đơn vị, địa phương có liên quan” “được trưng dụng các loại phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển, sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật”. Thông tư này có hiệu lực vào ngày 15/2 tới.
Thế nhưng theo quan điểm của người viết bài này, Thông tư này của Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang là trái Hiến pháp và pháp luật như chứng minh sau đây.

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang. Nguồn (Hình): Báo Kinh tế nông thôn

Điều 32 Hiến Pháp 2013 quy định:

1- Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác.

2- Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ.

3- Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường.

Cụ thể hóa Khoản 3 Điều 32 của Hiến Pháp, Luật trưng mua, trưng dụng tài sản tại Điều 5 quy định việc trưng mua, trưng dụng tài sản chỉ được thực hiện khi Nhà nước có nhu cầu sử dụng tài sản mà các biện pháp huy động khác không thực hiện được và cũng chỉ được thực hiện trong 4 trường hợp sau đây:

1- Khi đất nước trong tình trạng chiến tranh hoặc trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng theo quy định của pháp luật về quốc phòng và pháp luật về tình trạng khẩn cấp;

2- Khi an ninh quốc gia có nguy cơ bị đe doạ theo quy định của pháp luật về an ninh quốc gia;

3- Khi mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia có khả năng bị xâm phạm hoặc cần được tăng cường bảo vệ theo quy định của pháp luật về quốc phòng và pháp luật về an ninh quốc gia;

4- Khi phải đối phó với nguy cơ hoặc để khắc phục thảm hoạ do thiên tai, dịch bệnh gây ra trên diện rộng hoặc nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ và tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước.

Như vậy, Hiến pháp cũng như Luật trưng mua, trưng dụng tài sản cho phép trưng mua, trưng dụng tài sản chỉ trong trường hợp khẩn cấp và mang tầm quốc gia nhằm ngăn chặn việc tùy tiện xâm phạm quyền sở hữu cá nhân được Hiến pháp bảo hộ. Cũng chính nhằm mục tiêu này mà Luật trưng mua, trưng dụng tài sản tại Điều 24 quy định rõ chỉ một số Bộ trưởng và các chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh mới có thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản, cụ thể là “Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh” (Khoản 1) cũng như quy định rõ “người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này không được phân cấp thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản” (Khoản 2).

Liên quan đến việc trưng dụng tài sản, Luật Công an nhân dân tại Khoản 15 Điều 15 quy định công an có quyền “Huy động, trưng dụng theo quy định của pháp luật phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện đó trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra”.
Vậy theo Luật Công an nhân dân, công an có quyền trưng dụng phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện đó nhưng phải “theo quy định của pháp luật”, tức phải tuân thủ Hiến pháp và Luật trưng mua, trưng dụng tài sản là Luật chuyên ngành duy nhất cho đến nay điều chỉnh “trưng dụng tài sản”, nghĩa là không một công an nào, ngoài Bộ trưởng Công an, có quyền trưng dụng phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện đó. Nói cách khác, cảnh sát giao thông hay công an nào khác không có quyền trưng dụng tài sản của công dân mà chỉ là người thực hiện quyết định trưng dụng tài sản của Bộ trưởng Bộ Công an mà thôi.

Rõ ràng là Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đã vi phạm nghiêm trọng Hiến pháp và Luật trưng mua, trưng dụng tài sản, xâm phạm nghiêm trọng quyền sở hữu tài sản của tổ chức, cá nhân khi ban hành Thông tư số 01/2016/TT-BCA cho phép cảnh sát giao thông đường bộ và công an các đơn vị, địa phương có liên quan trưng dụng tài sản của tổ chức và cá nhân. Nói cách khác, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang đã phạm điều cấm của pháp luật vì Khoản 1 Điều 14 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật nghiêm cấm “ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, trái với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên”.

Sự việc ngày càng trở nên nghiêm trọng khi Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, thay vì hủy bỏ ngay Thông tư số 01/2016/TT-BCA vì trái pháp luật như trên đã chứng minh theo Khoản 1 Điều 166 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Khi phát hiện văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành trái pháp luật thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có trách nhiệm tự mình bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản), tiếp tục thách thức pháp luật bằng cách chỉ đạo Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông ký Công văn số 525/C67-P9 ngày 4/2 gửi Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo đó “lực lượng cảnh sát chỉ được phép trưng dụng (tài sản của tổ chức cá nhân) khi có sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Công an.”

Điều hiển nhiên là chỉ người, cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì mới có thẩm quyền giải thích văn bản đó. Nghĩa là, người giải thích Thông tư 01/2016/TT-BCA chỉ có thể là Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang chứ không phải ai khác. Ngoài ra, cứ cho là Công văn này do Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang ban hành thì nội dung “lực lượng cảnh sát chỉ được phép trưng dụng khi có sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Công an” vẫn hoàn toàn trái pháp luật vì như trên đã phân tích, trong bất kỳ trường hợp nào cảnh sát giao thông hay công an nào khác cũng không có quyền trưng dụng tài sản của công dân mà chỉ là người thực hiện quyết định trưng dụng tài sản của Bộ trưởng Bộ Công an. Nói cách khác, Công văn số 525/C67-P9 đã xuyên tạc Luật trưng mua, trưng dụng tài sản khi biến Bộ trưởng Bộ công an là người duy nhất trong lực lượng công an có quyền ra quyết định trưng dụng tài sản theo Điều 24 Luật trưng mua, trưng dụng tài sản thành người chuẩn y quyết định trưng dụng tài sản của công an dưới quyền.

Với một Bộ trưởng Công an vi Hiến, tước đoạt quyền sở hữu tài sản của công dân như ông Trần Đại Quang thì Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam sẽ mãi chỉ là trên giấy.






No comments:

Post a Comment

View My Stats