Tuesday, 9 February 2016

BÁO CHÍ ĐẢNG & NHÀ NƯỚC CHẾ NHẠO PHONG TRÀO DÂN CHỦ TRONG NƯỚC (Thanh Trúc - RFA)





Thanh Trúc, phóng viên RFA
2016-02-09
.
Lễ tưởng niệm chiến sĩ Hoàng Sa ở Hà Nội hôm 19/1/2016, một hoạt động của phong trào dân chủ trong nước.   Photo courtesy of basam

Báo chí trong nước, đặc biệt báo do nhà nước chỉ đạo, gọi các tổ chức đấu tranh dân chủ trong nước là "vỡ tuồng dân chủ”,  những thành viên trong những hội hay những nhóm đó là “bầu dân chủ” hoặc “chăn dắt dân chủ”.

Với tiêu đề “Tuồng dân chủ” và “bầu dân chủ” viết trong ngoặc kép, bài xã luận trên báo Nhân Dân, tiếng nói chính thức  của chính phủ Việt Nam, số ra ngày 30 tháng Giêng 2016 có  đoạn mở đầu nguyên văn như sau:

“Vài năm trở lại đây, từ sự xuất hiện một số hội, nhóm, tổ chức tự xưng “đấu tranh cho dân chủ”, “thể hiện lòng yêu nước “chủ yếu là chủi bới, hò hét trên in-tơ-nét (internet), tụ tập, gây rối xã hội....mà trên internet đã ra đời  một khái niệm là “tuồng dân chủ”, và đi kèm với khái niệm này là “bầu dân chủ”! Ngưng trích.

Vẫn theo bài báo này, trong lúc cả nước có những hoạt động tương thân, tương ái, âm thầm hỗ trợ cứu giúp đồng bào bị thiên tai, hoạn nạn, người nghèo vùng sâu vùng xa mà không cần được dư luận biết tới, thì cũng có những người thật kỳ quặc, nếu không muốn nói là phi nhân tính, hàng ngày lên internet kể lể phô trương hình ảnh về công việc từ thiện của mình, rồi lại còn lợi dụng những hành động từ thiện để tụ tập, trưng khẩu hiệu, hò hét ngoài đường rất phản cảm.

 Trích nguyên văn: “Và như là sản phẩm hài hước hóa, hiện tượng này đã được khái quát và định danh bằng một nghề mới gọi là “bầu  dân chủ”, có người còn gọi là nghề “chăn dắt dân chủ” “Bầu dân chủ” thường xuất hiện ở nơi mà một nhóm người vốn đã nhẵn  mặt trên Internet, tụ tập dưới hình thức trí trá gọi là biểu tình, tưởng niệm...”. Ngưng trích.

Từ Hà Nội, nhà báo tự do, nhà hoạt động dân chủ và bảo vệ dân oan, ông Nguyễn Khắc Toàn, nói rằng ông không ngạc nhiên khi báo Nhân Dân cố ý hạ thấp, dùng những từ như “tuồng dân chủ”  hay “bầu dân chủ” đối với những tổ chức xã hội dân sự mà họ tránh nêu đích danh. Vẫn lời ông, cũng chính nhờ nơi internet  mà người ta có thể biết ai chủi bới hò hét và ai ăn nói đường hoàng:

Thực ra những người dân chủ tự do trong nước không hề thù đich nhân dân, đất nước và xã hội này. Họ muốn đất nước chuyển mình thành một xã hội tự do dân chủ và tôn trọng quyền con người như các nước trong khu vực và các nước văn mình trên thế giới.
Cho nên trong những năm qua trong nước đã hình thành nên những phong trào dân chủ tự phát ,  tham gia là rất nhiều những người trong các giới của xã hội, trí thức có, nhân sĩ có, đảng viên tư tưởng cấp tiến và tiến bộ có, cựu sĩ quan quân đội có, công an có, giáo viên rồi giáo sư đại học có, nhà sư rồi linh mục cũng có...
Tóm lại trong xã hội Việt Nam có bao nhiêu tầng lớp người thì các phong trào dân chủ đều có mặt của họ cả. Họ chỉ trích đảng cộng sản Việt Nam độc tài, độc đoán, độc quyền cai trị đất nước, vì thế họ đã bị gán cho rất nhiều những cái tên nghe không hay ho một chút nào cả. Nhưng mà nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin, của Internet mà nhân dân trong nước tiếp cận được sự thật nên người ta phân biệt đâu là giả trá, đâu là chính nghĩa. Người ta cũng nhìn thấy nhà cầm quyền có những lập luận và gán ghép một cách khiên cưỡng cho những người có tấm lòng, những người có lương tâm.

Đấu tranh bất bạo động

Về những tổ chức xã hội dân sự đang bị báo chí nhà nước hạ thấp giá trị đồng thời gán cho cái tên “tuồng dân chủ” hoặc cái nghề “bầu dân chủ”, nhà báo tự do Nguyễn Khắc Toàn cho biết:

Thí dụ hội Bầu Bí Tương Thân, hội Liên Đới Dân Oan, hội Phụ Nữ Nhân Quyền, hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm, hội Nhà Báo Độc Lập vân  vân.... Trước việc lập ra những hội nhóm dân sự tự phát như thế thì đảng cộng sản Việt Nam không muốn một chút nào cả nhưng vì tình thế ngày hôm nay khác trước nên họ cũng không dám thẳng tay đàn áp. Đảng cộng sản Việt Nam cố  tính đổ vấy cho họ là lập hội trái phép hay là tụ  tập này nọ để gây rối. Đấy là sự  xuyên tạc của nhà cầm quyền, viết trên báo Nhân Dân như vậy là chuyện xằng bậy. vô văn hóa, không đáng trách nhưng cần phải vạch mặt trước công luận.

Bài xã luận trên báo Nhân Dân còn nhắc tới hoạt động có tên Tuần Lễ Nhân Quyền do Hội Anh Em Dân Chủ và Dòng Chúa Cứu Thế tổ chức ở Nghệ An ngày 6 tháng 12 năm 2015, gọi buổi thảo luận đó là “con ễng ương của phong trào dân chủ”  mà số người tham dự chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Tưởng cần nhắc một thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ, luật sư Nguyễn Văn Đài, đã bị đánh đập sau khi tham dự Tuần Lễ Nhân Quyền ở Nghệ An rồi tiếp đó bị bắt giam ngày 16 tháng Mười Hai 2015.

Tờ Nhân Dân cũng nhắc đến một sinh hoạt hai ngày tại chùa Liên Trì  tháng Mười Hai 2015, nói là “chỉ lèo tèo vài gương mặt cũ kỹ với hoạt động chính là tụ tập, chụp ảnh để báo cáo mấy ông “bầu dân chủ” cấp cao ở hải ngoại về tình hình và cách thức cung ứng tiền bạc. Sự lố bịch trơ tráo này của họ khiến dư luận trên Internet kinh ngạc” . Ngưng trích.

Cũng xin được nhắc Chùa Liên Trì ở TP Hồ Chí Minh là nơi thường tổ chức cứu trợ bão lụt, tổ chức tặng quà ủy lạo thương phế binh miền Nam mà nhiều lần bị công an ngăn chận và đe dọa.

Theo ông Phạm Văn Trội, thành viên Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm, người ta không kinh ngạc vì những ngôn từ có tính cách mạ lỵ của báo Nhân Dân mà người ta kinh ngạc là tại sao thái độ ôn hòa bất bạo động của các tổ chức xã hội dân sự lại bị công quyền đáp trả bằng vu khống cũng như bạo lực:

Ôn hòa bất bạo động là tinh thần của những người bất đồng chính kiến mà nhân dân hoan nghênh vì có tiếng nói thay cho họ. Báo Nhân Dân nhận tiền từ chính quyền vì vậy phải nói theo giọng nói của chính quyền. Nói bầu nọ bầu kia, tuồng nọ tuồng kia là giọng điệu vu khống của báo Nhân Dân.
Thực tế là không có nhóm nào gây rối cả, Việt Nam đang có 28 tổ chức xã hội dân sự đều hoạt động trong không khí bất bạo động và hòa bình. Họ tuần hành cũng rất trật tự ôn hòa trên hè phố, không bao giờ làm mất  trật tự giao thông, không quấy rối không đập phá tài sản của ai cả. Những người  bị chính quyền xâm phạm lợi ích cũng có quyền bày tỏ thái độ và quyền tự bảo vệ tài sản của họ theo pháp luật. Báo Nhân Dân nói như vậy là vu khống, là gắp lửa bỏ tay người.

Tóm lại,  có hay không có chuyện các tổ chức , các hội, các nhóm mượn danh  hoạt động từ thiên hay tranh đấu dân chủ để hò hét chủi bới trên Internet như  báo Nhân Dân viết?

Từ Paris, ông Nguyễn Gia Kiểng, bình luận gia chính trị của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, cho rằng cáo buộc các nhóm các hội tự phát trong nước có bạo động là điều không thể chấp nhận được:

Tôi cũng quen biết những nhóm đó và cũng theo dõi hoạt động của họ trên mạng xã hội, thì tôi thấy tất cả đều có một mẫu số chung là không gây bạo loạn và đều rất ôn hòa, có khi còn ôn hòa dưới mức độ bình thường nữa, có  những quyền đáng lẽ họ đương nhiên phải có mà họ cũng dè dặt.

Tuy nhiên trên các trang  mạng xã hội Việt Nam, ông phân tích tiếp, cũng có tình trạng khá là xô bồ:

Có những thành phần chửi bới và hò hét, có những thành phần dùng lời lẽ bất nhã. Nhưng mà theo nhận định của tôi sau một thời gian theo dõi rất sát thì tất cả những nhóm đó đều là những nhóm dư luận viên của nhà nước. Còn những anh em trong các tổ chức xã hội dân sự họ rất ôn hòa. Không những thế, phải nói tôi có một cảm tưởng rất rõ rệt là họ sống ít nhiều trong sự sợ sệt những biện pháp đàn áp của chính quyền.
Thêm vào đó cũng có một hiện tượng rất đáng quan tâm lo ngại là từ mấy năm nay chính quyền cộng sản Việt Nam gia tăng một biện pháp thô bạo là sử dụng côn đồ để mạt sát đánh đập những người dân chủ mà thí dụ rất gần đây là trường hợp anh Nguyễn Văn Đài. Những người đó chắc chắn là công an, hơn nữa nhiều trường hợp họ không giấu họ là công an nữa.
Vậy thì sự thô bạo đến từ phía chính quyền chứ không đến từ các tổ chức xã hội dân sự.

Về phần nhà báo tự do Nguyễn Khắc Toàn, ôn hòa và bất bạo động là hình thức tranh thủ tư duy phổ biến của thời đại, người đọc sẽ quyết định phần đúng nghiêng về báo Nhân Dân của Nhà Nước hay nghiêng về các tổ chức xã hội dân sự trong nước.





No comments:

Post a Comment

View My Stats