Thursday, 18 February 2016

BẠN CÓ THÍCH HÀNG SẢN XUẤT Ở TRUNG QUỐC KHÔNG ? (Thạch Đạt Lang)





Thạch Đạt Lang
Posted by adminbasam on 18/02/2016

Đây là câu hỏi, nếu chỉ dành riêng cho người Việt Nam, bất kể trong nước hay ở hải ngoại thì rất nhanh chóng nhận được câu trả lời ngắn, gọn là: Không!

Dứt khoát! Không cần phải suy nghĩ, đắn đo. Trong phạm vi bài này, tất nhiên các chữ Made in China chỉ nói đến sản phẩm của Trung Cộng (PRC = People´s Republic of China). Sản phẩm của Đài Loan ghi rõ Made in Taiwan (R.O.C), của Hongkong là Made in Hongkong.
Dù trả lời nhanh, gọn, rõ ràng như vậy nhưng đối với người dân trong nước, không thích là một việc, tiếp tục mua hàng hóa, thực phẩm của Trung Cộng để dùng lại là một chuyện khác.

Không biết chính xác bao nhiêu phần trăm đồ gia dụng như máy sấy tóc, microwave, đèn ngủ hay các Iphone, Smartphone, các linh kiện điện tử, chip cho computer, tablet… được lắp ráp, sản xuất ở Trung Cộng nhưng vỏ bên ngoài ghi là của Đức, Pháp, Mỹ, Hòa Lan, Ý… Do đó câu trả lời: No! I do not like product Made in China chỉ có tính cách tương đối.

Trở lại chuyện ở Việt Nam. Với một số người dân thành phố có thu nhập khá, có khả năng chọn lựa phẩm chất cho hàng hóa mua sắm thì chuyện không thích có thể khiến họ đi tìm kiếm những mặt hàng có phẩm chất hơn, được sản xuất bởi các quốc gia khác, không có nhãn hiệu PRC.
Đa số còn lại dù lòng không thích, nhất là những người dân quê nghèo đành phải bấm bụng mà mua những mặt hàng có giòng chữ PRC vì không còn sự chọn lựa nào khác.

Tuy nhiên, để tránh sự tẩy chay ở ngoại quốc, hàng hóa, sản phẩm của Trung Cộng thời gian sau này bán sang các nước khác, hoặc tuồn sang Việt Nam không còn ghi là Made in China nữa, thay thế vào đó là Made in PRC, hay tinh vi hơn ghi toàn tiếng Pháp hoặc tiếng Anh ( đa số sai văn phạm hoặc chính tả, thí dụ như Made in French ) hoặc là Packed in Los Angeles, Dist and Sold in California…

Đó là về mặt quốc tế, về mặt quốc nội, ngay chính người Tầu ở Trung Cộng cũng không thích tiêu dùng, mua sắm hàng hóa, thực phẩm sản xuất trong nước.

Cách đây vài tháng, một nhân viên thu mua sản phẩm người Trung Hoa tên Li Xiao đã rất ngạc nhiên khi đọc thấy trên một ống kem đánh răng mua trong một siêu thị ở Bắc Kinh ghi công thức ( recipe ) là của Bayerische Gesundheits -Ideologie GmBH in Heidelberg, Deutschland, đồng thời có một tấm hình minh họa là chiếc cầu cũ bắc qua giòng sông Neckar.
Vì Heidelberg không thuộc tiểu bang Bayern mà thuộc tiểu bang Baden Württemberg nên Li -Xiao nẩy ra nghi ngờ, hơn thế nữa ông biết rằng hãng sản xuất loại kem đánh răng này có trụ sở ở Hongkong.
Liên lạc, tìm hiểu với đồng nghiệp bên Đức về cái tên Bayerische Gesundheits-Ideologie GmBH, Li Xiao được Öko-Test Verbraucher Magazin ( Tạp chí thử nghiệm sinh học hàng tiêu dùng ) xác nhận đây chỉ là một hãng ma, không có tên trong danh bộ.

Cái tên nói trên được sáng tạo rất liều lĩnh nhưng cũng được suy nghĩ, cân nhắc chín chắn, lý do là những hàng hóa sản xuất từ Đức rất được người dân Tầu lục địa ưa chuộng, từ xe hơi Mercedes, BMW, Porsche…, máy giặt hiệu Miele, Bosch, đến kem chống nắng, mỹ phẩm Nivea, dao, nỉa Zwillingen… tất cả đều có phẩm chất cao, bền bỉ.

Nhận thấy sức tiêu thụ hàng hóa tại Trung Cộng rất lớn, đứng hàng thứ hai trên thế giới sau Mỹ, tạp chí Öko-Test Verbraucher quyết định phát triển mục tiêu phục vụ khách hàng tại Trung Cộng bằng cách thiết lập một nền tảng kiểm soát phẩm chất trên internet, theo đó các chuyên viên Đức và Tầu sẽ làm việc chung với nhau.

Họ sẽ tìm mua các sản phẩm từ mỹ phẩm đến thực phẩm…những sản phẩm thiết thực cho nhu cầu hàng ngày của người dân Tầu lục địa. Những mẫu hàng mua xong sẽ được niêm phong, gửi về các phòng thí nghiệm ở nước Đức, phân chất, đánh giá theo tiêu chuẩn Âu Châu.
Kết quả phân chất, đánh giá sẽ được đem so sánh với tiêu chuẩn sản phẩm của nhà cầm quyền Trung Cộng về độ sai biệt, sau đó sẽ được phổ biến trên internet.

Tin tức này đã gây sự quan tâm, thích thú cho rất nhiều người dân Tầu lục địa. Theo sự ước tính của Mc Kingsey – một cố vấn kinh doanh, giới trung lưu Tầu, chắt chiu, dành dụm trong ba thập niên qua sẽ phát triển vào khoảng 40 triệu người trong vài năm tới, cùng với gia đình, họ sẽ trở thành một lực lượng mua sắm, tiêu thụ khổng lồ..
Giai cấp này sẽ đòi hỏi thực phẩm, những sản phẩm tiêu dùng hàng ngày có giá trị, phẩm chất cao hơn những gì có trong hiện tại. Việc đánh giá sản phẩm bởi một tạp chí có tên tuổi sẽ đem đến cho họ sự yên tâm, hài lòng trong việc tiêu dùng.

Thế giới vài năm trước đã rúng động về vụ sữa bột của Tầu có chất Melamin, một hoạt chất ngụy tạo nồng độ protein trong lúc kiểm nghiệm khiến khoảng 300.000 trẻ em phải vào bệnh viện điều trị.
Người dân Tàu ngay sau đó đổ xô đi tìm sản phẩm sữa của ngoại quốc như Nestlé, Guigoz, Campina…

Ökoer Test là cơ quan đầu tiên thử nghiệm 9 mẫu sữa bột sản xuất tại China. Kết quả thật đáng báo động, ngoài nồng độ protein ngụy tạo bằng Melamin, 5 trong 9 mẫu có chất Mineralöl độc hại cao gấp 5 lần cho phép, các chất độc khác như Chlorat, chất gây ô nhiễm cũng cao hơn 2-3 lần.

Hậu quả không chỉ dừng lại ở việc tẩy chay sữa bột cho trẻ em mà còn lan qua nhiều lãnh vực khác như máy móc, dụng cụ sử dụng trong nhà hay xe hơi sản xuất trong nội địa China. Những người có tiền đổ xô đi tìm mua các loại xe luxury như Maserati, Lamborghini, Porsche…, bỏ mặc những chiếc Dongfeng, Guangshou, Nanjing…nằm rỉ sét theo thời gian.

Cho tới hiện tại, các cơ quan truyền thông cộng sản Tầu đổ lỗi hoàn toàn cho chủ nghĩa tư bản, các nhà kinh doanh phương Tây đã không giữ đúng tiêu chuẩn về an toàn phẩm chất trong việc sản xuất thành phẩm trên nước Tầu. Họ đưa ra nhiều thí dụ, thống kê về tai nạn, thiếu sót phẩm chất, hàng hóa hư hỏng khi chưa hết hạn sử dụng của những sản phẩm nổi tiếng như Mercedes, Apple, Armani…nhưng hoàn toàn thiếu hẳn việc phân tích tại sao.

Những người thực hiện Tạp chí Öko-Test theo đuổi một mục tiêu cao, xa hơn. Họ tìm mướn một nhà báo Tầu nổi tiếng, tuy nhiên người này cho biết ngay rằng họ không thể ấn hành một tạp chí như Öko-Test Verbraucher ở Trung hoa lục địa.

– Hoàn toàn không thể có chuyện đó ở China!
Luo, một ký giả nổi tiếng quốc tế chuyên về điều tra, lúc đầu đã từ chối lời mời cộng tác của Öko-Test Magazin nhưng về sau đổi ý, tuyên bố như vậy. Ông nói tiếp:
– Chúng ta chỉ có thể thực hiện việc đó trên mạng Internet. Chế độ CS kiểm soát rất chặt chẽ mọi phương tiện truyền thông như truyền hình, báo chí, radio. Mọi tin tức bất lợi cho một sản phẩm nào đó được sản xuất, bày bán ở nội địa Trung Hoa sẽ bị kiểm duyệt, cắt xén, dẹp bỏ. Chỉ có qua Internet chúng ta mới có thể đưa được người tiêu thụ tiếp cận được phẩm chất thật sự hàng hóa họ tiêu dùng hàng ngày.

Luo cho biết thêm:
- Với các phương tiện mới trên mạng, chúng ta sẽ có ưu thế vượt qua sự kiểm duyệt. ÖKOer sẽ không là một tờ báo online, một Website hay một bản tin phục vụ ngắn như Weibo. ÖKO sẽ là một mạng, cùng lúc đưa ra thông tin về các sản phẩm khác nhau cho các nhà buôn hay những người có nhu cầu tìm hiểu. Những người này sẽ phải mở một chương mục ( account ) và điều hành riêng biệt.
ÖKOer sẽ tính chi phí thẳng với khách hàng khi người này click vào món hàng tìm kiếm. Giá phải trả cho lần đầu tiên là con số tượng trưng cho sự may mắn của người Trung Hoa, số 8, tức là 8 đồng Yuan ( khoảng $1,2 Euro ). Đây là giá trong môt loạt các thử nghiệm đang được phổ biến trên mạng.

Luo hoàn toàn không có ảo tưởng gì về luật chơi dưới chế độ cộng sản Trung Hoa, sự kiểm duyệt dưới chế độ cộng sản chính là chướng ngại lớn nhất của tự do báo chí.
Ông biết rõ, sớm hoặc muộn ông sẽ phải đối đầu với các thế lực chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế của chế độ, tất cả những chuyện khác đều vô giá trị, kể cả sức khỏe, sinh mạng của người dân.
Tuy nhiên, Luo quan niệm rằng đó là lẽ đương nhiên, không có gì phải bận tâm suy nghĩ, lo lắng đến.

Trong năm đầu tiên, ÖKOer sẽ chỉ tiến hành thử nghiệm các hàng hóa sản xuất bên ngoài China hoặc được chính quyền cho phép sản xuất trên đất Trung Hoa như kem dưỡng da làm tại Âu Châu, các loại sữa, nước cốt trái cây sản xuất ở Mỹ…
Sau đó sẽ từ từ đi vào trọng tâm của vấn đề:- Những hàng hóa, sản phẩm sản xuất tại China.

Một lúc nào đó mọi chuyện sẽ chấm dứt ở tòa án. Chủ bút tạp chí Öko-Test, Jürgen Stellpflug biết rõ điều này. Ông cho biết đã ra tòa rất nhiều lần, hầu như mỗi khi Öko-Test có một ấn bản mới.

Đối với người dân Việt Nam, những điều này giải thích tại sao các loại hàng hóa, thực phẩm độc hại của Trung Cộng vẫn hàng ngày ồ ạt vượt qua biên giới phía Bắc, đổ vào đất nước mà không một cơ quan có thẩm quyền nào lên tiếng hoặc tìm cách ngăn chận. May mắn lắm mới có một hai tờ báo lên tiếng một cách yếu ớt khi có chuyện đổ bể, tuy nhiên đây chỉ là do việc ăn chia không đều, tố cáo lẫn nhau.

Chế độ cộng sản VN nhắm mắt làm ngơ, tiếp tay cho kẻ thù phương Bắc đầu độc, giết hại người dân một cách chậm chạp, âm thầm nhưng vô cùng hiệu quả.







No comments:

Post a Comment

View My Stats