Thursday, 3 December 2015

Vì sao Trung Cộng không thể dân chủ hóa? (Hùng Tâm/Người Việt)





Hùng Tâm/Người Việt
Wednesday, December 2, 2015 3:33:57 PM 

Và Việt Nam thì có thể...

Trung Cộng đang ở vào khúc quanh nguy hiểm cho đảng Cộng Sản Trung Hoa. Trên đỉnh cao của uy thế kinh tế, quân sự và quốc tế, lãnh đạo đảng đang phải lấy nhiều quyết định hệ trọng, y như vào giai đoạn “hậu Mao Trạch Ðông,” từ 1976 đến 1980. Hồ Sơ Người Việt sẽ tìm hiểu chuyện này...

Mười năm hỗn loạn

Là kẻ vĩ cuồng, Mao phát động “Ðại Văn Cách” và mở ra 10 năm khủng hoảng vì cuộc Cách Mạng Văn Hóa Vô Sản Vĩ Ðại (1967-1976). Mục tiêu là để khai trừ các đồng chí trên thượng tầng hầu tập trung quyền lực vào tay mình với tinh thần sùng bái cá nhân khá bệnh hoạn, bất kể đến tai họa cho quốc gia và xã hội. Nhưng khi sức khỏe và sự minh mẫn của Mao sa sút thì bốn kẻ thân tín vây quanh (“Tứ Nhân Bang”) đã che mắt ông mà cưỡng đoạt “cách mạng” cho mưu đồ riêng.

Nhờ hỗn loạn của Ðại Văn Cách và hậu thuẫn của các đảng viên cao cấp nhất như Diệp Kiếm Anh, Dương Thượng Côn, Trần Vân, Lý Tiên Niệm, v.v... Ðặng Tiểu Bình dần dần thâu tóm lại quyền lực trong một cuộc đảo chính chậm rãi, kéo dài mất nhiều năm, để loại bỏ tay chân còn lại của Mao như Hoa Quốc Phong và Uông Ðông Hưng. Hội nghị kỳ 3 của Ban Chấp Hành Trung Ương Khóa 11 vào cuối năm 1978 đánh dấu bước ngoặt chính trị ấy.

Sau đấy, Ðặng mới đưa bè lũ bốn tên ra tòa vào năm 1980, là Giang Thanh, Diêu Văn Nguyên, Trương Xuân Kiều và Vương Hồng Văn và lại khéo giữ uy tín của Mao (chủ yếu là tích cực, cuối đời thì hơi tiêu cực theo tỷ lệ 70/30!) chứ không dại dột lật đổ thần tượng.

Giữa hai thời điểm 1978-1980 ấy, có một biến cố khác cũng giúp Ðặng Tiểu Bình thành công: trong cuộc chiến 1979 để “cho Việt Nam một bài học,” quân đội Trung Cộng bị tổn thất nặng nên dù là thành phần bảo thủ, các tướng lãnh vẫn ủng hộ chủ trương cải cách để “hiện đại hóa”: trong “tứ hiện đại hóa” của Ðặng, (canh nông, công nghiệp và khoa học kỹ thuật), có hiện đại hóa quốc phòng.

Và đấy là một “cống hiến” bất ngờ của Hà Nội khi ấy cũng mắc bệnh vĩ cuồng.

Ðặng tiến hành cải cách và khai phóng kinh tế và rút kinh nghiệm tập quyền tai hại của Mao, còn xây dựng hệ thống lãnh đạo chính trị dựa trên tinh thần đồng thuận trong hàng ngũ đảng viên cao cấp nhất, từ Bộ Chính Trị trở xuống. Kết quả là kinh tế cải thiện từ 1980 và dù có bị khủng hoảng chính trị năm 1989 với cao điểm là vụ tàn sát Thiên An Môn, Ðặng vẫn tiếp tục cải cách kinh tế trong tinh thần đồng thuận. Các trường hợp truất phế Tổng Bí Thư Hồ Diệu Bang hay tống giam Tổng Bí Thư Triệu Tử Dương thì cũng là để cứu đảng.

Nhờ vậy, trong hơn 30 năm kinh tế Trung Cộng đã tăng trưởng rất nhanh, như trường hợp Nhật Bản từ những năm 1950-1960, hay Nam Hàn và Ðài Loan từ những năm 1960-1970. Nhưng đấy là tăng trưởng thiếu phẩm chất và tích lũy nhiều vấn đề. Sau bốn thế hệ lãnh đạo là Mao, Ðặng, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Ðào, thế hệ lãnh đạo thứ năm là Tập Cận Bình ngày nay đang phải giải quyết các vấn đề ấy.

Chuyển hướng kinh tế và cải cách chính trị

Từ năm 1980 đến 2010, Trung Cộng có 30 năm tương đối thanh bình và ổn định hơn 30 năm trước (1949-1979) và kinh tế đã khởi phát mạnh. Nhưng sau thành tựu dễ dãi ban đầu nhờ bốc lên từ một nền tảng rất thấp, tình trạng bất công, không phối hợp, mất cân bằng và không bền vững đã trở thành rõ rệt từ các năm 2000-2005. Lãnh đạo đời thứ tư là Hồ Cẩm Ðào, Ngô Bang Quốc, Úy Kiện Hành và Ôn Gia Bảo đã thấy điều ấy mà không thể cải sửa.

Họ càng khó cải sửa khi thế giới bị Tổng suy trầm sau vụ khủng hoảng tài chánh tại Hoa Kỳ năm 2008. Chẳng những không cải cách, họ còn cố bơm tiền để kinh tế lao về phía trước hầu khỏi bị thất nghiệp và động loạn xã hội. Hậu quả là kinh tế mắc nợ rất nhanh tới mức cao nhất, tổng số nợ đủ loại hiện đã vượt 280% của Tổng Sản Lượng Nội Ðịa.

Thế hệ thứ năm lên lãnh đạo sau Ðại hội khóa 18 vào cuối năm 2012 tất nhiên là hiểu vấn đề và qua năm hội nghị của Ban Chấp Hành Trung Ương Khóa 18, đã đề ra phương hướng cải cách kinh tế và cơ chế pháp quyền. Hội nghị kỳ 5 vừa qua còn chú trọng đến tiêu chí cho Kế hoạch Năm năm thứ 13, từ 2016 đến 2020, để hoàn thành giấc mơ nhân đôi lợi tức người dân trong 10 năm 2010-2020. Muốn như vậy, kinh tế phải tăng trưởng trung bình 7% một năm trong 10 năm liền. Ðây là điều bất khả và lãnh đạo phải hạ chỉ tiêu dưới 7% và thực tế thì họ cũng biết rằng một năm kinh tế chỉ tăng trưởng được 4.5% là nhiều.

Phương hướng cải cách kinh tế được đề ra và học tập tại mọi cấp là phải đổi chiến lược phát triển với lực đẩy cũ là đầu tư và xuất cảng phải dời tiêu thụ nội địa và tái phân lợi tức cho các tỉnh lạc hậu và tăng cường áp dụng quy luật thị trường. Nhưng nếu muốn nâng mức tiêu thụ nội địa và cho các tỉnh lạc hậu có sức mua cao hơn thì phải lấy tài nguyên từ khu vực kinh tế nhà nước và xâm phạm vào quyền lợi của hệ thống thân tộc của các đảng viên cao cấp.

Tức là trở ngại cho kinh tế lại xuất phát từ tổ chức chính trị.

Chiến dịch diệt trừ tham nhũng do Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn phát động có thể phần nào đẩy lui sự cưỡng chống cải cách kinh tế từ các thành phần đảng viên cao cấp có quyền lợi gắn bó với hệ thống cũ. Nhưng chiến dịch gây tác dụng ngược là làm tê liệt bộ máy công quyền xưa nay đã phát triển nhờ tham nhũng. Trong hệ thống chính trị ấy, ai cũng có thể mắc tội tham nhũng khi dùng đặc quyền để chiếm đặc lợi.

Huống hồ Tập Cận Bình còn muốn lấy lý do thanh lọc hàng ngũ đảng viên cho liêm chính hơn mà thanh trừng các đối thủ chính trị để tập trung quyền lực về trung ương và tối cao của trung ương là quyền lực của bản thân họ Tập. Tập cũng lại tập Mao!

Vì vậy, lồng trong nỗ lực chuyển hướng kinh tế lại có nan đề cải cách chính trị. Ðấy là bài toán sinh tử, có thể đe dọa sự tồn vong của đảng. Khi ấy, người ta hỏi rằng với một quốc gia rộng lớn và có quá nhiều khác biệt, Trung Cộng có thể nào tự chuyển hóa từ chế độ độc đảng chuyên quyền qua chế độ dân chủ và áp dụng thể chế liên bang như nhiều nước khác hay chăng?

Ðể tìm giải đáp, Hồ Sơ Người Việt sẽ nhìn qua các nước khác trong khu vực.

Á Châu trên đường dân chủ hóa

Bị đánh bại trong Thế Chiến II, Nhật đã được Hoa Kỳ hướng dẫn và yểm trợ để áp dụng kinh tế thị trường trong một chế độ dân chủ nên là một trường hợp ngoại lệ. Các nước khác thì có thể ban đầu áp dụng quy luật thị trường để phát triển kinh tế nhưng dần dần tự chuyển hóa qua chế độ dân chủ.

Thí dụ gần nhất và nóng bỏng là Miến Ðiện. Nhưng trước đó thì đã có Nam Hàn, Ðài Loan, Singapore hay Phi Luật Tân, Malaysia và Indonesia,... Vì chỉ là đảo quốc rất nhỏ nên Singapore cũng là một ngoại lệ không thể là cơ sở so sánh cho Trung Cộng.

Nói chung, nhiều nước Ðông Á đã từng xây dựng chế độ độc đảng để cả nước dồn sức cho phát triển kinh tế dưới sự hướng dẫn của đảng độc quyền hay một tập đoàn độc tài quân phiệt. Nhưng dù hoàn cảnh mỗi nước mỗi khác, các nước trên đều từng bước chấp nhận chế độ đa đảng và sau đó chấp nhận là đảng độc quyền bị cạnh tranh, nhiều khi thất cử. Ðấy là trường hợp Nam Hàn và Ðài Loan. Hai quốc gia này là trường hợp gần như duy nhất, là từ hoàn cảnh chậm tiến mà bước lên trình độ kinh tế công nghiệp hóa và chính trị có dân chủ.
Singapore và Malaysia thì cũng theo ngả đó, nhưng đảng cầm quyền vẫn thắng cử và tiếp tục lãnh đạo trước phản ứng có thật của đối lập. Philippines dưới chế độ Ferdinand Marcos thì phải qua một cuộc khủng hoảng, với sức ép của Hoa Kỳ, để tiến tới chế độ đa đảng từ sau năm 1986. Indonesia thì phải tới cuộc khủng hoảng kinh tế Ðông Á 1997-1998 mới có cái trớn lật đổ chế độ độc tài của Sukarto và trải qua chục năm bất ổn thì nay cũng xây dựng được nền móng dân chủ.

Trong cả khu vực, có Thái Lan là một ngoại lệ khác: từ chế độ đa đảng mà lùi về chế độ quân phiệt sau gần 10 năm sóng gió kể từ 1996. Lý do chính là quốc vương cao tuổi, mắc bệnh, hết minh mẫn, và Hoàng Gia Thái bị tướng tá lũng đoạn nên trong khi Miến Ðiện đang tự dân chủ hóa thì Thái Lan lại trở về nạn độc tài quân phiệt - và trôi dần vào trật tự Trung Cộng.

Nhìn trên toàn cảnh thì người ta có thể kết luận rằng dân chủ không tất nhiên dẫn tới động loạn như nhiều người vẫn lo sợ. Lãnh đạo Bắc Kinh cũng lo sợ như vậy, nhưng vì yếu tố khác.

Dân chủ gian nan vì tự ái dân tộc

Nhiều quốc gia Ðông Á đã trên đỉnh cao của thắng lợi kinh tế mà tự chuyển hóa về chính trị, là trường hợp Nam Hàn hay Ðài Loan. Nhiều xứ khác thì trong đà khủng hoảng kinh tế mà cải cách chính trị để tìm giải pháp kinh tế khác. Trung Cộng thì sao?

Kinh tế xứ này đang ở trên đỉnh cao và có thể lật sau 36 năm tăng trưởng. Cái đỉnh cao về kinh tế có đem lại một phần chính danh cho đảng Cộng Sản vì đời sống của gần một tỷ người có cải thiện, dù không đồng đều và bất công thì cũng khá hơn 30 năm hoảng loạn và bần cùng vì Mao Trạch Ðông.

Kinh tế Trung Cộng có thể lật và sẽ trải qua 10 năm bất ổn trước mắt nên cần cải tổ chính trị để chuyển hướng cho hài hòa hơn. Lý thuyết và lý tưởng là như vậy.

Nếu có đảng đối lập và bầu cử tự do thì sự bất mãn của toàn dân sẽ được giải tỏa, nhưng đảng vẫn chiếm đa số vì có tổ chức cao nhất và rộng nhất. Về văn hóa chính trị thì với đa số dân chúng, đảng vẫn có “Thiên mệnh” từ khi ra đời vào năm 1921 và chiến thắng năm 1949. Thứ nữa, nếu có thêm dân chủ, mâu thuẫn ngàn năm giữa quyền lực trung ương và các địa phương cũng giảm thiểu, nhờ đó mà việc tái phân lợi tức và tài nguyên cũng được minh bạch hóa. Về đối ngoại, nếu có thêm dân chủ, dù chưa toàn phần, thì lãnh đạo Bắc Kinh càng có thêm uy tín quốc tế để bảo vệ quyền lợi của Trung Cộng tại Bắc Mỹ, Á Châu và Phi Châu.

Nhưng cũng vì lý do đối ngoại, Bắc Kinh không thể tự dân chủ hóa: với giới lãnh đạo Trung Cộng, khái niệm “dân chủ” là sản phẩm của Tây phương và âm mưu của Hoa Kỳ! Tự dân chủ hóa là mắc bẫy của Mỹ... Khi đảng đang thách đố Hoa Kỳ nhờ sức mạnh tập trung của mình thì hà cớ chi áp dụng quy luật dân chủ để làm suy giảm sức mạnh đó?

Kết luận ở đây là gì?

Bắc Kinh ngớ ngẩn vì Hoa Kỳ chỉ nói về dân chủ mà sẵn sàng cộng tác với các chế độ độc tài đê tiện nhất, như Trung Cộng và Việt Nam tại Châu Á.
Không tự chuyển hóa, Trung Cộng sẽ đi tới điểm lật của Liên Bang Xô Viết, rồi nếu có mạnh tựa Liên Bang Nga thì cũng chỉ còn là vang bóng. Chưa kể là còn bị suy thoái và phân hóa nặng hơn trong thập niên tới.
Bắc Kinh có lý do e sợ dân chủ. Hà Nội không nên sợ như vậy vì chính là dân chủ mới giúp Việt Nam có thêm khả năng bảo vệ độc lập.






No comments:

Post a Comment

View My Stats