Friday 11 December 2015

NGUYÊN NHÂN VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC NẠN BẠO LỰC (Nguyễn Đình Cống)





Nguyễn Đình Cống
Posted by adminbasam on 10/12/2015

Gần đây xã hội nhức nhối vì sự phát triển của nhiều bạo lực. Hiện tượng muôn hình ngàn vẻ, nhiều người biết rõ, tôi không kể lại mà chỉ tìm nguyên nhân và biện pháp khắc phục.

Theo phát biểu của các nhà nghiên cứu và chuyên gia tâm lý thì nguyên nhân của bạo lực có nhiều. Nào là sự bức xúc vì việc này việc nọ, sự thiếu giáo dục về nhân cách, sự ảnh hưởng của phim ảnh, sự lạm dụng rượu bia, sự coi thường người khác, sự nóng giận và tính hung đồ, sự thiếu kìm chế bản thân, nào là sự kém hiệu quả của luật pháp, mất lòng tin vào chính quyền và lý trí, sự thiếu trách nhiệm của người nọ người kia v.v… Mỗi trường hợp bạo lực do một vài nguyên nhân cụ thể. Tuy vậy có cái chung cho nhiều trường hợp là sự khủng hoảng về đạo đức. Trong bài “Văn hóa và pháp luật” (Trang Basàm ngày 4/12/2015), Nguyễn Hưng Quốc than thở: “Tại sao bây giờ đạo đức suy đồi đến vậy. Đó là câu hỏi lớn vượt ra ngoài bài viết. Để từ từ chúng ta sẽ tìm hiểu sau”.

Không chỉ Nguyễn Hưng Quốc mà nhiều người có lương tri đều đặt câu hỏi lớn “Tại sao bây giờ đạo đức suy đồi đến vậy”. Đặt câu hỏi và cũng đã tìm được câu trả lời, nhưng chưa dám viết ra, để từ từ tìm hiểu sau. Để đến bao giờ? Vì sao chưa dám viết công khai? Phải chăng vì sợ đụng chạm đến quyền thế, vì phải kiêng dè sự linh thiêng, vì sợ bị đối xử bạo lực.

Bạo lực có nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp, gần và xa, ngọn và gốc. Khi nguyên nhân trực tiếp đã rõ thì cần gì phải tìm. Thường phải tìm nguyên nhân gốc vì còn bị ẩn dấu. Một kết quả A là do nguyên nhân trực tiếp B, mà B là do C. Truy tiếp C là do D, còn D sinh ra từ E. Truy mãi sẽ đến lúc thấy bí mà phải quy về “Tại Trời sinh ra thế hoặc tại số kiếp nó thế”. Vì vậy không thể truy đến cuối cùng mà phải tạm dừng lại ở một gốc nào đó có thể chấp nhận để tìm cách khắc phục. Trên kia đã viết, cái chung của mọi bạo lực là sự suy đồi đạo đức. Tuy vậy tôi xem đó là cái thân (như thân cây) chứ chưa phải là gốc. Cần tìm tiếp, cái gì đã làm suy đồi đạo đức. Tìm được nó, tác động vào nó mới làm rung chuyển được cả cây, chứ không phải chỉ hái bỏ vài lá sâu, bẻ đi vài cành mục.

Đạo đức của một dân tộc do 2 nguồn. Thứ nhất là truyền thống văn hóa. Thứ hai là sự chi phối của thế lực lãnh đạo, thống trị xã hội. Chúng ảnh hưởng qua lại lẫn nhau. Truyền thống văn hóa đã có nhiều nghiên cứu và công bố, tôi tạm để sang một bên. Chỉ xem xét nguồn thứ hai.

Trên 70 năm nay Đảng Cộng sản (ĐCS) lãnh đạo cướp chính quyền, tiến hành chiến tranh, làm cách mạng vô sản (CMVS). ĐCS theo Chủ nghĩa Mác Lênin (CNML), thực hành đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản và tôn thờ học thuyết duy vật. Trong những việc đó ĐCS dùng thủ đoạn bạo lực là chủ yếu. Bạo lực trong cướp chính quyền, trong cải cách ruộng đất, trong chiến tranh nhân dân. Cùng với bạo lực còn dùng biện pháp áp đặt tư tưởng và sự tuyên truyền cơ bản là dối trá. Trong chiến tranh, đặc biệt là chiến tranh du kích, còn khuyến khích và ca ngợi việc dùng mưu mô. Bạo lực, mưu mô và sự áp đặt đã dần dần thấm vào máu, trở thành thói quen xấu của một số người, lây truyền qua các thế hệ. Sự dối trá đã làm người ta mất niềm tin. CNML, chủ yếu dạy đấu tranh tiêu diệt nhau để giành quyền lợi vật chất (…Quyết phen này sống chết mà thôi, Chế độ xưa ta mau phá sạch tan tành;…Bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình – Quốc tế ca ), không hề dạy thông cảm và bao dung. Chủ nghĩa duy vật bài bác tâm linh mà lòng bao dung và tâm linh là cứu cánh của đạo đức.

ĐCS cũng nói đạo đức, nhưng đó là đạo đức cách mạng dựa trên sự đấu tranh để bảo vệ chế độ, bảo vệ đảng chứ không phải là đạo đức để làm người lương thiện.

Sau khi giành được chính quyền đáng ra ĐCS phải biết thay đổi từ đảng cách mạng thành đảng chính trị, dựa vào những thành phần ưu tú của dân tộc để xây dựng một xã hội dân sự, chấn hưng văn hóa, tôn vinh đạo đức, xóa bỏ bạo lực, hòa hợp dân tộc. Nhưng vì ý thức hệ, vì chuyên chính vô sản mà ĐCS chỉ dùng những người trung thành, tạo ra các nhóm lợi ích với đặc quyền đặc lợi, đồng thời vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, đàn áp các xu hướng đấu tranh đòi dân chủ. Việc đó gây nên sự chống đối ngày càng tăng của một bộ phận trong nhân dân. Để giữ được sự chuyên chính toàn trị ĐCS tăng cường lực lượng công an để trấn áp. Lại thêm một nguồn nữa của bạo lực. Quyền lực công an làm trầm trọng những oan sai, nhóm lợi ích làm tăng bất công của xã hội. Rồi cũng chính sự toàn trị của ĐCS làm phát sinh, phát triển tệ tham nhũng và mua bán quan tước. Tệ nạn này làm cho phần đông người tiến thân bằng việc “chạy chức chạy quyền” chứ chủ yếu không phải bằng năng lực chuyên môn, họ phải lo làm một việc quan trọng là tìm cách thu hồi vốn và làm giàu cá nhân, vì thế không những sao nhãng nhiệm vụ chính mà còn gây ra uất hận cho những người bị họ hạch sách. Cán bộ mà thiếu cả năng lực và trách nhiệm, chỉ có lòng trung thành một cách hình thức thì làm sao làm tốt được công việc được giao theo nghĩa vụ. Những việc đó cộng với thói quen xấu đã hình thành trong cách mạng và chiến tranh là nguyên nhân chính làm suy đồi đạo đức của một bộ phận không nhỏ quan chức chính quyền và dân chúng. Sự suy đồi đạo đức này dễ dàng dẫn người ta tới không chỉ bạo lực, áp bức, côn đồ mà còn nhiều tệ nạn khác như trộm cướp, hàng giả hàng lậu, thói vô cảm v.v…

Sự toàn trị của ĐCS, ngoài việc tạo ra sự suy đồi đạo đức thì còn tạo ra một hệ thống luật pháp và đội ngũ thi hành kém hiệu quả. Luật pháp thiếu trong sáng và nghiêm minh, tạo ra nhiều oan sai cho dân lành và tạo điều kiện cho một số người lợi dụng. Không những thế ĐCS còn đặt mình cao hơn luật pháp, làm cho pháp luật mất tính thiêng liêng.

Để làm cho người ta không làm điều xấu thì từ xưa đã có tổng kết là: Làm cho họ không muốn, không thể hoặc không dám (làm điều xấu). Sự toàn trị của ĐCS theo CNML không làm được cả 3 điều trên.

Như vậy để khắc phục nạn bạo lực trong diện rộng và tận gốc rễ thì một trong những biện pháp cơ bản hàng đầu là từ bỏ con đường của CNML, cải cách thể chế chính trị, đề cao dân chủ và nhân quyền để từ đó chấn hưng nền văn hóa và đạo đức, đồng thời tạo ra nền pháp trị trong sáng, nghiêm minh và công bằng. Công việc quan trọng này trước hết trông cậy vào những người đang nắm chính quyền. Nếu họ không thể làm được thì nên mở rộng dân chủ để dân bầu ra những người khác có năng lực hơn. Đó là theo kiểu như nước Myanma đã làm. Khi không được như thế thì dân tộc này phải tìm con đường khác, một trong các con đường đó như các nước Đông Âu đã thực hiện hoặc các nước làm CM nhung trong hòa bình. Nếu không làm được như thế thì đành chịu đựng thêm thời gian nữa để nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí vậy.








No comments:

Post a Comment

View My Stats