Friday 11 December 2015

Du học sinh : Về hay ở ? (FB Trương Nhân Tuấn)






Câu hỏi đặt ra cho du học sinh VN hổm rày đã trở thành chủ đề nóng. Đó là sau khi tốt nghiệp sẽ trở về (để phụng sự cho đất nước) hay ở lại xứ người để lập nghiệp ?

Dĩ nhiên, ai cũng sẽ về nếu có cơ hội để phụng sự cho đất nước. Phụng sự cho đất nước là đem tài năng thi thố để đem lại điều gì đó có lợi cho đất nước.

Đây là mơ ước của mọi sinh viên du học, bất kể du học tự túc, du học với học bỗng quốc gia hay với học bỗng nước ngoài.

Nhưng ở VN, ngoài đảng viên đảng CSVN, thì có ai người ngoài đảng có cơ hội để « phụng sự đất nước » hay không ?

Câu trả lời là không ai có cơ hội hết cả.

Biết bao nhiêu trường hợp sinh viên tốt nghiệp « trường lớn » ở nước ngoài trở về. Loay hoay tìm việc làm vài năm là nãn. Bẽ bàng vì không ai có thể tìm được công việc thích hợp với khả năng. Cuối cùng họ lại tìm đường trở ra. 

Đó là hiện tượng chảy máu chất xám.

Không ai có đủ tư cách và đạo đức để lên tiếng trách móc những người này hết cả. Nếu trách là nên trách đảng CSVN. Không có thẻ đảng, anh có tài thánh cũng không ai nhận anh vào làm bất cứ việc gì xứng đáng.

Cũng nên có đôi dòng về trường hợp cá nhân.

Tôi và nhà tôi có bốn đứa con: ba trai một gái. Ba đứa con trai đầu đều tốt nghiệp. Con gái út đang chuẩn bị thi tú tài. Con trai út, tốt nghiệp kỹ sư được hai năm, hiện đang làm việc cho một xí nghiệp tại VN (có chủ người nước ngoài).

Thằng út của tôi đã được tôi sắp xếp cho về VN để học thực tập năm cuối trong khi hai đứa anh nó đều du học thực tập ở các nước Châu Âu. Quyết định này của tôi có thể làm nhiều người ngạc nhiên. Nhưng cho đến con cá hồi còn biết tìm đường về nơi chôn nhao cắt rún, huống chi con người ?

Nói thật, đây là một kinh nghiệm « thuơng đau ». Nếu không nhờ anh em trong gia đình lo lắng giúp thì con tôi sẽ không bao giờ tìm được nơi chốn để thực tập. Vì chẳng có xí nghiệp nhà nước nào nhận nó hết cả. Xí nghiệp mà nó thực tập là xí nghiệp của « người quen ». Mặc dầu chuyên môn của nó là « ingénieur systèmes embarqués », rất cần thiết cho kỹ nghệ. (Thằng con thứ của tôi cũng tốt nghiệp ngành này chuyên về điều khiển vệ tinh).

Trong khoảng thời gian con tôi ở VN, visa của nó chỉ là visa du lịch, ba tháng lại gia hạn một lần. Tôi chưa hề thấy một cảnh tương tự xảy ra. Du học sinh VN sang các nước thì chúng được visa đặc biệt dành cho du học sinh. Tại sao VN lại không có loại visa này ?

Rốt cục nó cũng hoàn thành xong luận án và tốt nghiệp.

Và tôi cũng khuyên nó nên tìm việc làm ở VN. Có lẽ quan niệm này của tôi không giống ai, vì nó như con cá cố gắng vượt thác đề tìm về nguồn. Người bình thường không ai làm vậy hết cả.

Cuối cùng con tôi cũng tìm được việc làm ở VN, (làm giám đốc kỹ thuật) một xí nghiệp người nước ngoài. Hợp đồng của nó thời hạn hai năm, với mức lương thấp nhứt (của kỹ sư mới ra trường) là khoảng trên 2.000 euros một tháng (cộng thêm 2 vé máy bay khứ hồi một năm).

Không có gì phàn nàn ở lương phạn. Chủ xí nghiệp người Pháp, hợp đồng ký ở bên Pháp, mọi vấn đề về bảo hiểm đều ok.

Khó khăn cũng là vấn đề visa. Người ta chỉ cho nó visa du lịch thời hạn 3 tháng, mặc dầu nó đưa hợp đồng đã ký với xí nghiệp ở bên Pháp. Mỗi lần gia hạn là phải tốn (vài trăm !). Cuối năm nay là thời hạn chót, visa không thể gia hạn thêm nữa. Mặc dầu hợp đồng còn 8 tháng, nhưng chắc nó phải chuyển sang làm việc ở chi nhánh Singapore.

Kết luận gì về thái độ của nhà nước VN đối với lớp trẻ (và những người) có thiện chí muốn trở về « phụng sự đất nước » ?

Đó là không dễ. Ngay cả ở việc thể hiện lòng yêu nước, muốn xây dựng đất nước.






No comments:

Post a Comment

View My Stats