Khi tôi ngồi gõ phím
những dòng chữ này thì phiên tòa phúc thẩm xử anh dân oan Nguyễn Văn Thông đã
khép lại với lời tuyên hủy bản án sơ thẩm vì vi phạm nghiêm trọng luật tố tụng
hình sự. Bản nghị án phiên sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Gò Dầu có trước 5
ngày xét xử. Sự vi phạm trắng trợn này làm cho đến cả Viện kiểm sát nhân dân tỉnh
cũng không thể bao che, chấp nhận, phải đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh
tuyên hủy. Ba vị luật sư bào chữa đồng loạt yêu cầu. Tòa án nhân dân tỉnh không
còn cách nào khác ngoài phải tuyên hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ về tòa án nhân
dân huyện điều tra xét xử lại từ đầu.
Những
thông tin về phiên tòa, về bản án, các anh chị tham dự phiên tòa đã thông tin,
cập nhật liên tục và phân tích rất hay và rõ ràng. Trong bài viết này, tôi muốn
đề cập đến một khía cạnh khác, mà tôi cho là hay nhất, là điểm nhấn, là chiến
thắng, là điều làm tôi rúng động rơi nước mắt, cảm phục và nghĩ suy: Sự kiên cường
của người tù Nguyễn Văn Thông.
Trong
một lần tôi tình cờ biết đến hoàn cảnh bà con miền Nam ra Hà Nội khiếu kiện phải
nấu ăn lề đường, ở trọ vật vạ tại số 1 Ngô Thì Nhậm, Hà Đông, Hà Nội, tôi đến
thăm và gặp anh Nguyễn Văn Thông cùng bà con dân oan Tây Ninh, Đồng Tháp, Tiền
Giang... cùng nhiều bà con các vùng miền khác.
Ngày
đầu tôi gặp, anh là một người đi khiếu kiện đất đai bị giải tỏa với tâm thế,
"Cầu xin ơn trên mưa móc nhủ lòng thương xót cho bà con dân oan, xem xét
giải quyết trường hợp oan sai để mình bớt khổ." Anh và nhiều bà con dân
oan các tỉnh phía Nam đi đến các cơ quan gởi đơn mỗi ngày nhưng đều không được
giải quyết. Chính quyền tỉnh Tây Ninh có nhiều sai phạm trong việc đền bù giải
tỏa thuộc dự án Phước Đông, Bời Lời (báo chí chính thống đã có nhiều bài đưa
tin về vụ việc.) Bà con đi khiếu kiện, tố cáo sự sai phạm này nhưng luôn bị gọi
về tỉnh để chính những người sai phạm "đối thoại, giải quyết" người
đi tố cáo. Dĩ nhiên, với hình thức vừa đá bóng vừa thổi còi thì việc "đối
thoại" luôn thất bại và không thể "giải quyết" được gì. Sau nhiều
lần bị "lừa," bà con dân oan và anh Thông không về "đối thoại,
giải quyết" theo thư mời của tỉnh nữa. Họ cũng nhận ra thực chất của vấn đề
và quyết tâm bám trụ tại Hà Nội để khiếu kiện, tố cáo lên các cơ quan cấp cao.
Tiếp
xúc với bà con dân oan các tỉnh thành khác trên cả nước, những mảnh đời, những
trường hợp oan sai, tù đày, những dự án những nơi khác nhau nhưng đều cùng một
sai phạm: chính quyền câu kết với các nhóm lợi ích thu hồi đất của dân và đền
bù với giá rẻ mạt. Những người dân oan trong đó có anh Thông dần chuyển biến nhận
thức. Những bài viết phân tích nguyên nhân gốc của những mất mát của dân oan
trên internet của các nhà báo, những trí thức, những người hiểu biết... đã góp
thêm phần giúp cho những người dân oan nhận ra bản chất vấn đề. Họ từ những người
đi "cầu xin ơn trên mưa móc xem xét giải quyết" trở thành những người
"đấu tranh đòi lại quyền lợi chính đáng của mình, của dân, của con người
đã và đang bị cướp đoạt."
Họ
quan tâm hơn đến tình hình chính trị xã hội trong và ngoài nước, họ quan tâm
hơn đến những người đấu tranh cho một Việt Nam dân chủ. Họ chủ động hiệp thông
trong các sự kiện. Các cuộc xuống đường của họ không còn là những cuộc xuống đường
chỉ vì mục tiêu lợi ích cá nhân riêng mình mà là vì cái lớn hơn: Quyền Lợi Nhân
Dân. Họ hiểu họ phải đòi được các quyền con người, quyền cơ bản nhất, thì họ mới
có thể đòi được quyền lợi cá nhân đã bị cướp đoạt.
Chính
quyền, dĩ nhiên, không thể để điều đó được tự do diễn ra. Chính quyền lợi dụng
các quy định, điều khoản luật do họ tự đặt ra để bắt bớ, trấn áp những người dân
oan vô tội. "Gây rối trật tự công cộng, lợi dụng các quyền tự do dân chủ"
là chiêu bài, thủ đoạn trá hình mà chính quyền thường dùng để tròng vào cổ những
người dân oan để bắt, kêu án, bỏ tù họ nhằm mục đích khủng bố, đàn áp thể chất,
tinh thần của dân oan và nhân dân nói chung, buộc người dân phải im miệng, vô cảm
trước những sai trái, bất công.
Anh
Nguyễn Văn Thông bị bắt ngày 3/2/2015 trong trường hợp đó. Anh bị một xe ô tô
chở những người mặc thường phục ập đến bắt, quăng lên xe, trói tay chân, nhét
giẻ vào miệng, trùm đầu chở thẳng ra sân bay đưa về giam ở trại giam B4 tỉnh
Tây Ninh. Từ ngày anh bị bắt cho đến cuối tháng 2/2015 gia đình mới tìm hiểu được
anh bị giam ở đó và vào tiếp tế, mua cho anh ít quần áo gởi vào thì anh mới
thay ra bộ đồ anh mặc từ hôm bị bắt. Suốt 1 tháng, người tù không chịu mặc đồ
tù vì "Tôi vô tội. Tôi không có tội nên tôi không mặc đồ tù." Cho đến
nay, 10 tháng trôi qua, anh Nguyễn Văn Thông cũng không chịu mặc đồ tù.
Phiên
tòa sơ thẩm ngày 18/9/2015 xét xử anh Nguyễn Văn Thông phải tạm hoãn vì anh
liên tục kêu oan và phản đối lại bản cáo trạng của Viện kiểm sát và hội đồng
xét xử. Ngày 22/9/2015 tòa án nhân dân huyện Gò Dầu tiếp tục xét xử sơ thẩm. Cả
hai phiên tòa công khai nhưng tòa không triệu tập nhân chứng, bị hại theo cáo
trạng, người có quyền và nghĩa vụ liên quan là người nhà, không có luật sư. Chỉ
một mình người tù Nguyễn Văn Thông và hội đồng xét, xử, Viện kiểm sát, công an,
an ninh, bảo vệ tòa án nhân dân huyện Gò Dầu.
Tại
phiên tòa ngày 22/9/2015, anh Thông bị dán băng keo vào miệng, không được tự
bào chữa cho mình. Tòa tự tuyên án anh mức án 3 năm 6 tháng tù giam tội danh
"Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi
ích hợp pháp của tổ chức, công dân." theo điều 258 bộ luật hình sự. Và sau
đó, khi chính quyền cho phát thanh trên đài phát thanh qua hệ thống loa phường
xã tuyên truyền xuyên tạc rằng anh Nguyễn Văn Thông bị kêu án 3 năm 6 tháng về
tội "gây rối trật tự công cộng," thì chị Trần Thị Kim Đơn mới biết chồng
mình đã bị đem ra xét xử.
Sau
nhiều lần gia đình, bà con dân oan, nhóm Cứu lấy Dân Oan làm truyền thông gây
áp lực thì tòa án nhân dân huyện Gò Dầu mới hết chối quanh và đưa bản cáo trạng
cho gia đình anh Thông. Cũng vậy, sau khi làm áp lực căng thẳng thì trại giam
B4 Tây Ninh mới để cho người tù Nguyễn Văn Thông lần đầu gặp mặt vợ con sau hơn
8 tháng giam giữ. Anh Nguyễn Văn Thông luôn khẳng định mình vô tội và động viên
vợ con đồng thời tố cáo các sai phạm của những người nhân danh bảo vệ pháp luật.
Anh kháng án, nhờ luật sư bào chữa.
Luật
sư Nguyễn Khả Thành, người nhận bào chữa cho anh Nguyễn Văn Thông không ngại vất
vả, đi tàu từ Phú Yên rồi tiếp tục đi xe máy cùng tôi 200km Sài Gòn-Tây Ninh đi
về để tìm hiểu vụ án. Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh hoãn phiên tòa phúc thẩm
vào ngày 27/11/2015 mà không có văn bản thông báo, làm cho luật sư, tôi và các
anh em xã hội dân sự khác cùng nhiều bà con phải hao tốn kinh tài, sức lực. Gần
ngày diễn ra phiên phúc thẩm, nhận được yêu cầu của anh Nguyễn Văn Thông, luật
sư Võ An Đôn nhanh chóng sốt sắng tham gia nhận lời bào chữa.
Ngày
16/12/2015, tại tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh, tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy
họ mở cửa cho tất cả người dân vào tham dự phiên tòa, không như phiên sơ thẩm
lén lút cũng như các phiên xử lén lút khác xử dân oan, người yêu nước trên cả
nước.
Tòa
án tỉnh nhưng hội trường khá nhỏ, lực lượng công an mặc sắc phục và an ninh mặc
thường phục chiếm phần lớn ghế ngồi nên rất đông người dân và các anh em xã hội
dân sự đến tham dự phiên tòa không vào trong được mà phải ngồi ngoài với lý do
"Hết chỗ."
Trong
phần xét hỏi, chủ tọa phiên tòa và hai thẩm phán, đại diện Viện kiểm sát thay
phiên nhau xoáy vào các biên bản lời khai của các nhân chứng để cho rằng anh
Nguyễn Văn Thông là người xúi giục, kích động, lôi kéo bà con đi Hà Nội khiếu
kiện. Dẫn đầu các cuộc tuần hành với băng rôn, biểu ngữ.. Trong khi đó, các
"nhân chứng" này không được triệu tập tại tòa với lý do "không cần
thiết" ???!!!
Anh
Nguyễn Văn Thông liên tục trả lời các câu hỏi của 4 vị đại diện pháp luật bằng
những lập luận sắc bén, rõ ràng, có dẫn chứng chính xác các nghị định, văn bản
pháp luật, các điều khoản của pháp luật để chứng minh và khẳng định mình vô tội,
đồng thời tố cáo các sai phạm của các cá nhân, tổ chức trong việc giải tòa đền
bù đất đai dẫn đến các sai phạm trong tố tụng hình sự, dẫn đến trường hợp bắt
tù anh oan sai.
Hội
đồng xét xử liên tục ngắt lời "bị cáo" Nguyễn Văn Thông nhưng được sự
hậu thuẫn của các luật sư, của bà con dân oan và anh em xã hội dân sự, anh
Thông như được tiếp thêm sức mạnh, anh liên tục chất vấn ngược lại và biến
phiên tòa xét xử mình thành phiên tòa tố cáo tội ác đàn áp con người, tước đoạt
quyền và lợi ích hợp pháp của con người của chính quyền Tây Ninh.
Những
người đại diện pháp luật dần trở nên lúng túng và liên tục ngắt lời người tù
Nguyễn Văn Thông một cách tuyệt vọng. Khi bỗng dưng micro của mình bị mất tiếng,
anh Thông dừng lại và yêu cầu mở loa to, "Tôi yêu cầu mở to lên cho tui
nói. Đừng bao che. Đừng bao che cho cái sai. Đừng bao che cho những con người
làm sai!"
Trong
phần tranh luận tại tòa, đại diện Viện kiểm sát cho rằng ""Bị
cáo" Nguyễn Văn Thông lôi kéo, xúi giục, kích động người dân đi khiếu kiện,
trả lời phỏng vấn báo đài nước ngoài không đúng sự thật làm cho nước ngoài hiểu
không đúng sự thật về tình hình nhân quyền tại Việt Nam, tố cáo sai sự thật về
các tổ chức, cá nhân dài ngày dẫn đến ảnh hưởng uy tín và làm thiệt hại cho các
tổ chức, cá nhân. Cụ thể là làm thiệt hại cho nhà nước 220.099.000đ (hai trăm
hai mươi triệu không trăm chín mươi chín ngàn đồng.) vi phạm vào điều 258
"Lợi dung các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi
ích hợp pháp của tổ chức, công dân." Tuy nhiên, do tòa án nhân dân huyện
Gò Dầu đã vi phạm nghiêm trọng luật tố tụng hình sự, bản nghị án có trước ngày
xét xử 5 ngày nên viện kiểm sát đề nghị tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh tuyên hủy
bản án sơ thẩm để xét xử lại."
Luật
sư Nguyễn Văn Kiệm, đoàn luật sư Hà Nội không đưa ra phần tranh luận của mình với
lý do: Bản án sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng luật tố tụng hình sự, đề nghị tuyên
hủy. Và do Viện kiểm sát đã đề nghị tuyên hủy bản án sơ thẩm nên luật sư giữ lại
phần tranh luận của mình.
Luật
sư Nguyễn Khả Thành, phó đoàn luật sư Phú Yên cho rằng, phiên tòa phúc thẩm
không mời các nhân chứng, các tổ chức, cá nhân bị hại theo cáo trạng nêu là
không đúng. Việc ông Nguyễn Văn Thông đi khiếu kiện dài ngày là do chính quyền
địa phương không làm hết chức năng nhiệm vụ của mình là giải thích, hướng dẫn
người dân và giải quyết dứt điểm các yêu cầu chính đáng của người dân. Các văn
bản trả lời khiếu nại của người dân chậm trễ so với quy định. Về khoản tiền
"làm thiệt hại cho nhà nước 220.099.000đ" viện kiểm sát đưa ra là
không đúng. Vì người dân đóng thuế nuôi bộ máy nhà nước thì bộ máy nhà nước phải
dùng tiền thuế để làm việc và phục vụ cho việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo
của người dân chứ không thể bảo do người dân đi khiếu nại tố cáo nên nhà nước
phải "thiệt hại" số tiền đó. Bản án sơ thẩm vi phạm luật tố tụng, yêu
cầu hủy.
Luật
sư Võ An Đôn cho rằng, Bản án sơ thẩm vi phạm luật tố tụng hình sự nghiêm trọng,
yêu cầu hủy. Ông Nguyễn Văn Thông 6 đời làm nông, ông đề nghị được chuyển đổi đất
canh tác nhưng không được giải quyết. Việc ông Thông đi khiếu nại khiếu kiện, tố
cáo là đúng luật, ông Thông vô tội. Bản cáo trạng và bản án là oan sai, yêu cầu
trả tự do cho ông Thông.
Đại
diện Viện kiểm sát lập luận, do ông Thông xúi giục, kích động, lôi kéo người
dân đi khiếu kiện ở Hà Nội nên chính quyền tỉnh phải chi số tiền 220.099.000đ
cho việc đi lại để đưa người dân về quê và tổ chức đối thoại, giải quyết. Bản
cáo trạng không yêu cầu ông Thông đền bù "thiệt hại" này (Nhưng quy
trách nhiệm để buộc tội-NV.)
"Bị
cáo" Nguyễn Văn Thông nói lời sau cùng, "Bị cáo vô tội. Bị cáo thực
hiện quyền khiếu nại, tố cáo theo đúng pháp luật. Tôi phản đối phiên tòa sơ thẩm,
tôi chống án, đây là phiên tòa bất công, cố tình gán ghép, đàn áp, trù dập người
khiếu nại tố cáo, vi phạm quyền con người, vi phạm nhân quyền. Kính mong hội đồng
xét xử sáng suốt, công bằng, không bao che cho cái sai trù dập người khiếu nại,
tước đoạt quyền con người, vi phạm nhân quyền. Trong một lần bị cáo đi gởi đơn ở
Mặt trận tổ quốc Việt Nam ở Hà Nội, bị cáo bị công an đưa lên xe chở về công an
thành phố ở số 6 Quang Trung, tại đây bị cáo bị đánh, kết luận của bác sĩ là bị
cáo bị xẹp lún đốt sống L1. Bị cáo không có tiền chữa trị nên chỉ uống thuốc giảm
đau và nẹp lưng. Nay ở trong tù bị cáo rất đau và không có điều kiện để điều trị.
Do bản án sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng luật tố tụng hình sự, do trong quá trình
công an điều tra theo sự chỉ đạo nên có nhiều vi phạm, làm án theo chỉ đạo, ngụy
tạo bằng chứng nên gây ra sự oan sai cho bị cáo, bị cáo vô tội nên đề nghị hội
đồng xét xử tuyên hủy bản án oan sai và phải cho bị cáo được tại ngoại điều tra
theo đúng quyền con người, theo công ước Nhân Quyền mà Việt Nam đã ký kết với
Liên Hiệp Quốc. Vậy mới đúng luật!"
Nghe
người tù Nguyễn Văn Thông nói đến đây, tôi không kềm được nước mắt. Nước mắt rớt
trên môi cười trước mấy cái ống kính của công an an ninh liên tục chỉa trực tiếp
vào mặt tôi từ khi tôi bước chân vào tòa án tỉnh. Ngồi giữa vòng vây 5 người an
ninh bốn phía kẹp sát sạt vào người, lúc này, tôi không muốn che giấu cảm xúc bằng
vẻ mặt lạnh lùng của mình từ đầu đến cuối phiên tòa nữa, hay nói đúng hơn là tôi
không thể và không cần che giấu. Tôi để nước mắt rơi và tôi cười nụ cười mãn
nguyện, cảm phục người tù Nguyễn Văn Thông, một người anh, người bạn mà tôi
thương quý.
Tôi
đã biết anh là một người kiên cường qua nhiều lần tiếp xúc, nhưng sự kiên cường
của người tù Nguyễn Văn Thông làm cho tôi thấy sự trưởng thành trong nhận thức
của anh. Sự trưởng thành đó làm cho tôi thêm trưởng thành và nó có làm cho nhiều
người phải suy nghĩ về sự vô cảm của mình đối với anh, với dân oan nói riêng và
với nhân dân, đất nước nói chung không?
Người
tù Nguyễn Văn Thông đã biến phiên tòa xét xử anh thành phiên tòa cho nhân dân
soi rọi cái công lý của những kẻ cầm quyền, nhân danh bảo vệ pháp luật. Sự kiên
cường của anh liệu đã đủ để thức tỉnh dân tôi? Liệu điều đó có đủ để xóa tan
cái thành kiến khinh miệt dân oan trong lòng nhiều người chưa?
Chủ
tọa phiên tòa khi đọc bản nghị án vẫn còn đó tội danh 258 đối với người tù oan
Nguyễn Văn Thông, họ tuyên hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ về tòa án huyện xét xử
lại vì bản án sơ thẩm vi phạm luật tố tụng không thể chối cãi và dưới áp lực của
truyền thông, họ không thể bao che lấp liếm đi được. Nhưng cái án 258 vẫn tròng
vào cổ người tù oan Nguyễn Văn Thông cho đến phiên sơ thẩm lại lần tới.
Rất
mong các cô chú anh chị và các bạn quan tâm, theo dõi, đưa tin và tiếp tục làm
truyền thông. Qua việc này, có thể thấy truyền thông ngày càng có sức mạnh nếu
ta biết cách làm và biết cách tổng hợp.
Chân
thành cám ơn các cô chú, anh chị em, bạn bè, các hội, nhóm, tổ chức xã hội,
thông tấn đã tham dự, quan tâm, giúp làm truyền thông, đưa tin, chia sẻ. Tri ân
bà con dân oan ba miền đã hiệp thông, biểu tình đòi tự do cho anh Nguyễn Văn
Thông. Cám ơn các luật sư Nguyễn Khả Thành, Võ An Đôn, Nguyễn Văn Kiệm đã tham
gia bào chữa. Cám ơn những ai đã, đang và sẽ tiếp tục quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ
với bà con dân oan.
Hình
:
Trân
trọng.
17/12/2015.
Nguyễn
Thị Bích Ngà (Ngà Voi)
--------------------------
BÀI LIÊN QUAN :
No comments:
Post a Comment