Tuesday, 15 December 2015

Phiên xử phúc thẩm dân oan Nguyễn Văn Thông ở Tây Ninh vào ngày mai (Nhật Báo Ba Sàm)





Nhật Báo Ba Sàm

Posted by adminbasam on 15/12/2015

TÔI ĐÃ ĐẾN TÒA ÁN TỈNH TÂY NINH
15-12-2015

LS Võ An Đôn trước tòa án tỉnh Tây Ninh. Nguồn: FB Võ An Đôn

Sau khi tham gia phiên tòa Nguyễn Viết Dũng, tôi và luật sư Nguyễn Khả Thành đã lên máy bay vào Sài Gòn, đón xe đến tỉnh Tây Ninh trưa nay, để ngày mai bào chữa cho anh Nguyễn Văn Thông, phạm tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ”, theo khoản 2, Điều 258 Bộ luật hình sự.
Phiên tòa xét xử phúc thẩm anh Nguyễn Văn Thông sẽ diễn ra vào lúc 07 giờ 30 phút, sáng ngày mai 16/12/2005 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh. Địa chỉ: 401, đường 30/4, phường 1, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh.
Anh Nguyễn Văn Thông bị Tòa án nhân dân huyện Gò Dầu xét xử sơ thẩm phạt 3 năm 6 tháng tù giam về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ”. Phiên tòa sơ thẩm diễn ra nhanh chóng, không có nhân chứng, không có bị hại, không có luật sư, không có gia đình vợ con tham gia.
Sau phiên tòa sơ thẩm anh Nguyễn Văn Thông đã viết đơn kháng cáo kêu oan, vì cho rằng mình vô tội và bị kết án oan.
Ngày mai tôi và luật sư Nguyễn Khả Thành sẽ bào chữa cho anh Nguyễn Văn Thông theo hướng hủy bản án sơ thẩm để điều tra và xét xử lại. Nhưng không biết kết quả phiên tòa sẽ như thế nào, vì án liên quan đến chính trị thường bỏ túi và khó đoán.
Chúng tôi sẽ thông báo kết quả sau khi kết thúc phiên tòa, để mọi người biết !
____

Ban Tiếp dân sao lại bắt dân?
Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Bangkok
10-2-2015

Nhiều lần ông Nguyễn Văn Thông 49 tuổi bị các nhóm công an, mật vụ, côn đồ xô đẩy đàn áp mạnh bạo gây thương tích. Ảnh trên là bà con dân oan đang chăm sóc ông Thông hồi bị công an đánh vào tháng 1, 2015. Nguồn ảnh: internet
.
Anh Nguyễn Văn Thông, một dân oan Tây Ninh trong suốt bảy tháng ròng rã cùng với khoảng 100 người dân tỉnh Tây Ninh ăn nằm tại khu vực Ban Tiếp dân Trung ương Hà Nội nhằm đòi lại quyền lợi đất đai của gia đình. Ngay sau khi lên tiếng bày tỏ nỗi oan khuất của mình anh Thông đã bị công an bắt giữ cho tới nay cũng không ai hay biết gì về tăm dạng của anh.
Anh Nguyễn Văn Thông bị bắt vào đúng ngày sinh nhật Đảng 3 tháng 2 năm 2015, trên khu vực đường Ngô Thì Nhậm nơi Ban tiếp dân Trung ương đặt trụ sở. Chính nơi đây anh Thông và người dân oan các tỉnh hầu như lui tới hàng ngày để nộp đơn kêu gào nỗi oan ức của họ bị nhà nước địa phương các tỉnh chèn ép. Anh Nguyễn Văn Thông là một trong hơn một trăm dân oan của tỉnh Tây Ninh bỏ nơi cư trú để ra tận Hà Nội ròng rã 7 tháng trời kiên nhẫn chờ sự công tâm của chính quyền trung ương, qua Ban tiếp dân Trung ương sẽ giải quyết nỗi oan cho gia đình anh và đồng bào cùng hoàn cảnh.

Muốn bắt thì bắt muốn thả thì thả
Anh Đoàn Thanh Giang, một dân oan khác của tỉnh Đồng Nai cũng là người theo sát anh Thông trong 7 tháng qua cho biết việc chứng kiến anh Thông bị bắt:
-Dạ thưa từ hôm đó tới nay cũng không nghe tin tức gì hết anh ơi, mọi người dân Tây Ninh đang lo lắng cho ảnh, không biết ảnh như thế nào. Bữa đó tui với ảnh cùng đi uống trà, mới đi chưa được trăm mét, từ cổng trụ sở Ngô Thì Nhậm tụi tui đi tới khoảng 40 mét thì thấy bên đường đông quá tụi tui tính vào chỗ quán ở trong mọi lần thường uống ai dè quẹo vô cái ngõ hẻm số 2 mới vừa đi khoảng 30 mét tự nhiên tui phản ứng quay lại thì thấy 4-5 người lôi ảnh lên xe rồi. Lúc đó tui tưởng rằng tôi xem cuộn phim ở trong xã hội đen sao thì anh tưởng tượng đi, y như vậy đó. Tui mất hồn tui bỏ chạy ra, cắm đầu cắm cổ chạy về tới nhà trọ tui mới báo cho mọi người dân Tây Ninh là anh Thông ảnh đi uống trà với tui mà tình hình bị như vậy đó. Cho tới hai ngày sau tôi vẫn chưa hoàn hồn được vẫn ám ảnh cái cảnh đó.
Đơn thư của anh Thông đại diện người dân Tây Ninh gửi đi không bao giờ được trả lời nhưng anh vẫn quyết đi tới cùng, kiên trì vào Ban tiếp dân hầu như mỗi tuần để đòi hỏi, kết quả anh bị bắt với tội danh gây rối nơi công cộng. Một dân oan Tây Ninh cùng ra Bắc với anh Thông là chị Tâm cho biết những gì mà Ban tiếp dân Trung ương ghép tội cho anh Thông cũng như những người khác:
-Cán bộ của phòng tiếp dân thì họ hay dùng cái từ như tỉnh Tây Ninh thì phải đại diện một hai người vô nói chuyện thôi chứ không cho vô hết. Mấy ổng cứ gài vô như vậy chứ như tôi nè, tôi có một thân một mình nó cũng gài vô nó nói tôi cầm đầu nó xin tỉnh bắt tôi nhưng cuối cùng không bắt được nó mới thả ra đó. Vừa rồi tôi cũng lại phường nó cũng nhốt tôi hai ngày trời chỗ đó, bỏ đói bỏ khát tôi đó chứ có ai đâu mà cầm đầu? Nó muốn bắt ai thì gài vô cái tội nào đó.
Cũng theo chị Tâm thì công an Tây Ninh được Ban tiếp dân Trung ương yêu cầu ra Hà Nội để bắt anh Thông về lại Tây Ninh, chị nói:
-Theo tôi tìm hiểu là do Văn phòng chính phủ Tiếp công dân họ gọi điện thoại họ ra lệnh cho công an tỉnh ra bắt về. Nếu gây rối thì cái Phường ở đó mới là chỗ giữ chớ đàng này Tỉnh Tây Ninh biết gì mà chạy ra bắt người?

Chỉ muốn được giải quyết và đối xử công bằng
Buổi sáng trước khi bị bắt, anh Nguyễn Văn Thông trả lời đài Á Châu Tự do có những nội dung đáng chú ý như sau:
-Chúng tôi đã ra đây để nhờ chính quyền trung ương can thiệp, để buộc những người làm sai phải trả lại quyền và lợi ích cho chúng tôi. Nhưng mà chẳng những không được đáp ứng mà năm 2011 chúng tôi đã bị đàn áp rất là khốc liệt. 30 người bị bắt đi rồi sau đó kêu án 8 người hơn 10 năm tù rồi đánh trọng thương một số người nữa.
Thì ngày hôm qua ông Dương Hồng Huế mời gần 30 người dân oan đến làm việc. Trước đó ông đã gởi một văn bản sai luật và bị người dân quăng trả. Bữa hôm qua ông rất là lồng lộn, ông quy chụp tôi là đứng đầu, dồn tôi vào chân tường. tôi vừa hả miệng ra thì ông ta không cho nói mà để ổng nói, ông truy sát người dân dồn tôi như người cầm đầu đặng chuẩn bị có thể sẽ bắt tôi vì tôi là một người rất hiểu luật, đại diện cho người dân để mà lên tiếng nói của người dân chỉ ra những sai phạm của chánh quyền địa phương và cái bọn bao che để cho họ sửa. Nhưng mà bây giờ họ đang bao che cho nhau, tụi làm sai thì không sửa mà trên trung ương thì tôi thấy cái chiều hướng đang bao che cho nhau.
Ban Tiếp dân Trung ương là hy vọng cuối cùng của người dân oan, nó cũng là khuôn mặt dân chủ hiếm hoi mà nhà nước lập ra trước dư luận quốc tế vì vậy bất cứ hành động cưỡng bức, hăm dọa hay yêu cầu công an đàn áp nào cũng gây phản cảm cho khuôn mặt nhân quyền Việt Nam, đặc biệt khi Hà Nội vừa bị quốc tế xếp vào hàng thấp nhất trong khu vực.
Nếu cho rằng anh Nguyễn Văn Thông cầm đầu thì bao lâu nay dù không có ai cầm đầu vẫn xuất hiện hàng trăm dân oan thay nhau có mặt tại Hà Nội. Việc bắt giữ anh Thông chỉ làm cho người dân oan thêm mất tin tưởng vào chính sách giải quyết oan sai của nhà nước.
Việc anh Nguyễn Văn Thông tố cáo ông Dương Hồng Huế sẽ bắt anh đã thành sự thật tuy nhiên hành động đàn áp này vẫn không làm người dân oan các tỉnh hiện có mặt tại Hà Nội đầu hàng. Trong những ngày cận tết, bất kể trời rét như cắt da nhiều người vẫn tiếp tục bám trụ chờ một sự lên tiếng nào đó từ nhà cầm quyền về số phận của họ. Người về người ra vẫn luân phiên nhau mặc dù họ không biết tương lai của mình ra sao nữa.
Chị Tâm cho biết số dân oan hiện nay vẫn còn đâu đó chung quanh khu vực Ngô Thì Nhậm:
-Lúc đầu thì đông lắm một trăm mấy chục người ở bảy tháng trời không được việc rồi kẻ đi về người đi ra…tại vì người nào nhớ nhà quá thì vể thì người khác lại ra, cứ đổi tăng với nhau. Hiện nay tại trước chỗ Tiếp dân thì Tây Ninh Gò Dầu còn lại 30 người còn nếu tính hết mấy chỗ khác nữa thì khoảng 100 người.
Ban Tiếp dân Trung ương trong những ngày Tết sẽ đóng cửa nhưng người dân oan vẫn tiếp tục hiện diện tại Hà Nội và thực tế ấy không thể lãng tránh. Vấn đề còn lại theo ý kiến của hầu hết dân oan, nếu anh Thông có hành động xách động hay gây rối như Ban Tiếp dân Trung ương cáo buộc thì cũng nên công khai minh bạch để người dân oan biết rằng họ không gõ nhầm cửa.
____

PHÁP LUẬT VÀ CÔNG LÝ Ở ĐÂU?
Nga Nguyên
5-10-2015

240km đi về không làm tôi mệt bằng đối đáp với các nhân viên công vụ trực thuộc tòa án nhân dân huyện Gò Dầu và trại giam B4 Tây Ninh.
Sáng nay, khi chúng tôi đến liên hệ làm việc với hai lý do:
1/ Yêu cầu Tòa án trả lời lý do tại sao đưa ông Nguyễn Văn Thông, dân oan Tây Ninh ra xét xử mà không thông báo về gia đình?
2/ Tại sao trong thông báo bắt và tạm giam ông Nguyễn Văn Thông ghi là phạm điều 258, nhưng trên loa phát thanh thì bảo ông gây rối trật tự trong khi ông không phạm tội với mức án 3 năm 6 tháng. Chúng tôi yêu cầu tòa cung cấp bản án cho gia đình ông Nguyễn Văn Thông.
Ông Nguyễn Văn Nhàn, chánh án toàn án nhân dân huyện Gò Dầu, người xử ông Nguyễn Văn Thông 3 năm 6 tháng tù giam trả lời vòng vo loanh quanh, “Tôi làm đúng thủ tục trình tự. Chị là vợ của anh Thông đúng không? Nếu chị phạm tội cùng với chồng chị thì giờ chị đâu có ngồi đây, thấy chưa. Tụi tui xử đúng. Không xử người không liên quan. Anh Thông phạm tội thì xử anh Thông, chị không phạm tội cùng chồng thì không liên quan nên không thông báo.” !!!???
Bà Trần Thị Kim Đơn, vợ ông Nguyễn Văn Thông: “Theo luật thì khi xử án phải thông báo cho người nhà gia đình bị cáo hay. Ông trả lời vậy là không đúng. Bắt người thì bắt cóc, giam thì giấu kín, xử thì lén lút. Tòa án nhân dân mà vậy à?”
Ông Nhàn đuối lý nên quay qua 5-6 tay an ninh mặc thường phục tay lăm lăm máy quay phim chụp ảnh đứng xung quanh bảo, “Tôi đã trả lời rồi, các anh là bảo vệ ở đây, nếu ai gây rối thì bắt hết, ai không liên quan đuổi ra ngoài.”
Ngay lập tức 5-6 tay an ninh xúm lại hùng hổ đòi chị Kim Đơn đưa chứng minh nhân dân và giấy kết hôn để chứng minh mình là vợ anh Thông và kiếm chuyện với những người đi cùng hỗ trợ chị Đơn với thái độ rất xấc láo và trịnh thượng. Khi bị bà con phản đối dữ thì họ mới thôi và rúc vào các góc để quay phim chụp ảnh.
Trả lời cho câu hỏi về bản án, ông Nhàn nói, “Ngày 28 đã tống đạt bản án đến trại giam tỉnh và anh Thông nhưng anh Thông không chịu ký nhận bản án và tuyên bố chống án. Để tôi cho gia đình bản photo copy.” Và ngay lập tức một tay an ninh ghé tai chánh án thì thầm. Chánh án quay ngoắt 180 độ bảo không đưa bản photo bản án được. Hỏi, “Giấy kháng án của anh Thông đâu sao không gởi về gia đình?” Ông Nhàn nói, “Không biết. Trách nhiệm của tòa án là xử án và đã làm hết trách nhiệm. Gia đình muốn gì thì lên trại giam mà hỏi. Giấy tờ đã chuyển hết lên trại giam.”
Chúng tôi vượt 42km đến trại giam thì đã đầu giờ chiều. Sau khi đấu tranh, bà Kim Đơn cùng tôi vào gặp trưởng trại. Nhưng ngay lập tức an ninh huyện, tỉnh can thiệp với trưởng trại để buộc tôi phải ra ngoài. Bà Kim Đơn và tôi yêu cầu an ninh ra ngoài để bà làm việc cùng trưởng trại. Họ đồng ý và ra ngoài nhưng lúc sau lại lén lút quay lại. Sau buổi làm việc, bà Kim Đơn cho hay trưởng trại bảo không nhận được bản án từ tòa án và anh Thông chưa viết giấy kháng cáo.
Sau khi đấu tranh và bị vây quanh bởi một lực lượng an ninh với máy quay và chụp hình đông đảo cùng những lời lẽ hăm dọa, bà Kim Đơn mệt không đi ra nổi nên yêu cầu phải có tôi vào đưa bà ra. Khi tôi vào đến, bà Kim Đơn nhắc lại lời trại trưởng. Nhẩm tính ngày thì thấy họ đang cố tình dây dưa để kéo dài thời gian nhằm làm cho hết thời hạn kháng cáo của ông Nguyễn Văn Thông nên tôi phản ứng và yêu cầu làm rõ. Cuối cùng, trưởng trại giam B4 nói, “Trong tuần, bất kỳ ngày nào trừ thứ bảy chủ nhật, chị Kim Đơn đến cùng luật sư thì trại sẽ để chị Kim Đơn và luật sư gặp anh Thông để xem anh có kháng cáo không và   có cần luật sư không.” Và họ vẫn khăng khăng bên tòa án chưa đưa bản án qua trại giam !!!???
Hết giờ làm việc, chúng tôi ra về. Ngày mai là một cuộc chiến tiếp tục với những loanh quanh, dối trá và đảo điên của công lý và pháp luật nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cùng cái án bỏ túi dành cho người vô tội.
Rất mong mọi người quan tâm chia sẻ hỗ trợ gia đình anh Thông chống lại bản án bất công, chống lại những vi phạm trong thủ tục tố tụng cũng như chống lại hệ thống án bỏ túi, oan sai đầy bất công, tồi tệ.
Trân trọng cám ơn.
Ảnh: Chỉ vì đi khiếu kiện đất đai thuộc dự án có nhiều sai phạm Phước Đông-Bời Lời, Tây Ninh mà ông Nguyễn Văn Thông bị công an Hà Nội bắt và đánh thụn đớt sống lưng L1. Và công an tỉnh Tây Ninh bắt cóc (không cần đọc lệnh) vào ngày 3/2/2015 và đưa ra xét xử lén lút không thông báo về gia đình vào ngày 25/9/2015 (ngày không thể chính xác vì mỗi “quan” nói một kiểu) với mức án 3 năm 6 tháng với bản cáo trạng bị giấu kín một cách khó hiểu và “không thần kinh thì là khốn nạn.”
___

Mời xem thêm: 








No comments:

Post a Comment

View My Stats