Sunday, 6 December 2015

Dòng Mekong "nín thở" dõi theo 11 dự án thủy điện (Văn Nam - TBKTSG)





Được đăng ngày Chủ nhật, 06 Tháng 12 2015 03:47

Kế hoạch xây dựng 11 công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong trên lãnh thổ Thái Lan, Lào và Campuchia đang dấy lên mối lo ngại cho hàng chục triệu người dân trong lưu vực sông Mekong bởi quá nhiều tác động bất lợi đến môi trường, xã hội, sinh kế của người dân.

Các diễn giả tại hội thảo về tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính Mekong do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức tại TP.HCM sáng nay, 4/12, đã nhấn mạnh đến các nguy cơ nặng nề đối với môi trường sinh thái và cuộc sống của hàng chục triệu người dân vùng châu thổ sông Mekong.

Trước những mối nguy này, điều cần thiết trước khi tiến hành xây dựng các thủy điện trên dòng chính Mekong là phải đánh giá đầy đủ những thay đổi về chế độ dòng chảy, chế độ lũ, phù sa bùn cát và dinh dưỡng, xâm nhập mặn từ đó tác động đến các lĩnh vực có liên quan đến sinh kế người dân, theo các diễn giả.

Tác động nghiêm trọng không thể cứu vãn !

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thái Lai, lưu vực sông Mekong là nơi sinh sống của khoảng 60 triệu người. Trước đây, vào năm 1970 các nước trong lưu vực đã đề xuất một quy hoạch xây dựng bảy công trình thủy điện trên dòng chính Mekong với quy mô và công suất rất lớn và cuối cùng không được triển khai bởi các nước ven sông thấy trước các tác động lớn.

Sau đó, đến năm 1994, các quốc gia trong vùng tiếp tục đề xuất kế hoạch mới xây dựng đến 11 công trình thủy điện trên dòng chính Mekong, và một lần nữa, kế hoạch này bị các nhà khoa học phản đối, cảnh báo sẽ gây ra những tác động tiềm tàng về môi trường, xã hội không thể đảo ngược, không chỉ đối với các nước ở hạ lưu mà cả các nước ở thượng nguồn.
Danh sách 11 dự án thủy điện đang được các nước lên kế hoạch xây dựng trên dòng chính Mekong gồm : Pakbeng, Luangprabang, Xayabuly, Paklay, Sanakham, Pakchom, Ban Kum, Latsua, Dong Sahong, Stung Treng và Sambor.

Trong đó, thủy điện Xayabuly được Lào khởi công xây dựng vào năm 2012 và thông tin từ các chuyên gia của Lào tại hội thảo tại TP.HCM sáng nay cho thấy hiện thủy điện này đã hoàn thành 55% tiến độ và sẽ bắt đầu vận hành vào năm 2018.

Theo yêu cầu của Chính phủ Việt Nam, một nhóm nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính Mekong đã được lập ra để nghiên cứu tổng thể trên phạm vi khoảng 10,5 triệu héc ta trong lưu vực tại 13 tỉnh ở Việt Nam và 14 tỉnh ở Campuchia , trong đó phạm vi nghiên cứu tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam là gần bốn triệu héc ta.

Thông tin được nêu ra tại hội thảo cho thấy các công trình thủy điện bậc thang trên dòng chính Mekong có thể ảnh hưởng đến dòng chảy, cụ thể sụt giảm 60% tại tỉnh Kratie (Campuchia) và 40% tại Tân Châu và Châu Đốc (Việt Nam).

Tương tự, tổng lượng phù sa bùn cát và dinh dưỡng tại hai khu vực nghiên cứu nói trên cũng giảm 65%, kéo theo sự suy giảm năng suất sản lượng nông nghiệp, làm tăng xói lở và ảnh hưởng tới chế độ bồi lắng ven sông và ven biển, xâm nhập mặn sẽ gia tăng tại hầu hết các vùng ven biển.

Chưa kể, 11 công trình thủy điện trên dòng chính Mekong sẽ cản trở hoàn toàn tuyến di cư của các loài cá trắng - vốn chiếm tới 74% sản lượng của 10 loài cá có giá trị kinh tế lớn nhất trong lưu vực. Các công trình thủy điện cũng sẽ cản trở sự di chuyển của các loài cá và loài thủy sinh di cư khác.

Nói chung, các đập thủy điện sẽ gây sụt giảm tới 50% sản lượng đánh bắt cá cho cả Việt Nam và Campuchia. Tổng giá trị thủy sản của vùng hạ lưu sông Mekong lên đến 7 tỉ đô la Mỹ mỗi năm, trong đó phân nửa sản lượng khai thác phụ thuộc vào những loài cá di cư.
Tổn thất lớn về sản lượng đánh bắt cá sẽ gây tác động bất lợi đến an ninh lương thực, sinh kế, phúc lợi xã hội của phần lớn người dân sống trong vùng ngập lũ của Campuchia và Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.

Về giao thông thủy, nhóm nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng điều kiện lưu thông của tàu thuyền sẽ không an toàn ở vùng hạ du khi các đập thủy điện tích nước - xả nước bất thường hàng ngày.

Liệu có tính đến kịch bản vỡ đập ?

Vê tổng quan, các nhà khoa học cảnh báo phát triển 11 công trình thủy điện trên dòng chính Meekong có thể gây ra các tổn thất lâu dài và không thể phục hồi đối với vùng đồng bằng ngập lũ và môi trường thủy sinh, gây tác động tiêu cực tới các điều kiện sống của hàng triệu người trong vùng, tạo gánh nặng lên các nền kinh tế địa phương và khu vực.

Theo chuyên gia Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Chủ nhiệm chương trình nhà nước điều tra cơ bản tổng hợp Đồng bằng sông Cửu Long, với 11 thủy điện trên dòng chính Mekong do 11 nhà đầu tư khác nhau thực hiện thì liệu các nhà đầu tư có tuân theo chế độ vận hành thống nhất chung hài hòa giữa lợi ích kinh tế và tác động môi trường hay không, nhất là khi các nhà đầu tư thường chỉ muốn thu lợi nhuận tối đa từ điện năng sản xuất của các đập họ bỏ tiền đầu tư.

Ông Trân cũng đề xuất rằng trong nghiên cứu về tác động thủy điện đến dòng Mekong đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, cần đánh giá sâu sự tương tác giữa sông và biển qua yếu tố triều ; việc chuyển nước sông Mekong và việc phát triển, mở rộng các dự án tưới cho nông nghiệp ở Lào, Thái Lan, Campuchia vào mùa khô, trước và sau khi xây đập.

Một yếu tố cực kỳ đáng lo ngại được ông Trân đề xuất nghiên cứu kỹ lưỡng đối với tác động thủy điện trên dòng Mekong đó là "cần nêu ra những kịch bản vận hành đập, nguy cơ vỡ một đập và vỡ đập dây chuyền…".

Ngoài ra, theo ông Trân, bên cạnh 11 dự án thủy điện trong kế hoạch sẽ tiếp tục xây dựng thì nhất thiết phải tính đến tác động cộng hưởng của 21 đập thủy điện đã được xây dựng trước đó trong khu vực thượng nguồn sông Mekong.

Văn Nam
Nguồn : TBKTSG, 04/12/2015

***********************

Cùng đề tài :

"Chúng tôi không muốn xây đập thủy điện trên sông Mekong !" (Huỳnh Kim - Hữu Đức)

Kết thúc "Diễn đàn nhân dân khu vực Mekong" vào cuối giờ chiều nay 11/11 tại trường Đại học An Giang, các đoàn đại biểu đại diện cộng đồng người dân địa phương và 10 tổ chức quốc tế ở Việt Nam, Thái Lan, Campuchia đã thông qua Tuyên bố chung về tác hại của các đập thủy điện trên sông Mekong gửi chính phủ các nước lưu vực Mekong.

Các đại biểu nhân dân Campuchia, Thái Lan và Việt Nam tham dự Diễn đàn nhân dân khu vực Mekong" tại An Giang. Ảnh H.Kim.

Phải bảo vệ các dòng song

Bản Tuyên bố có tiêu đề : "Tiếng nói của người dân : Thông điệp gửi tới chính phủ các nước thuộc lưu vực sông Mekong về đập thủy điện".
Nội dung Tuyên bố được soạn thảo ở Thái Lan hôm 25/9/2015 tại cuộc họp các cộng đồng từ lưu vực sông Mekong thuộc ba nước này để bày tỏ quan ngại về các dự án thủy điện dòng chính Mekong trong bối cảnh chính phủ Lào khi đó vừa thông báo quyết định xây tiếp đập thủy điện Don Sahong vào cuối năm 2015.
Tuyên bố nêu rõ : "Các đập được xây dựng trên dòng chính sông Mekong và các dòng sông khác trong khu vực đã gây ra những thay đổi tới hệ sinh thái, đe dọa cuộc sống, sinh kế và kinh tế tại lưu vực sông Mekong. Những người dân tộc thiểu số, phụ nữ và trẻ em là những người bị tác động và ảnh hưởng nhiều nhất bởi những thay đổi đó. Các đập thủy điện cũng là tác nhân khiến biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng hơn. Những đập thủy điện gây tác động ảnh hưởng bao gồm Pak Mun, Yali, Nam Theun 2, Theun-Hinboun, Xayaburi và một số đập khác trên sông Lan Thương, thượng nguồn sông Mekong thuộc lãnh thổ Trung Quốc".
Do đó, Tuyên bố yêu cầu "tổ chức đối thoại trực tiếp giữa chính phủ các nước thuộc lưu vực Mekong và đại diện các cộng đồng thông qua các diễn đàn nhân dân : các chính phủ cần tham gia diễn đàn công khai để lắng nghe và hiểu thêm về các tác động của các đập thủy điện tới người dân. Diễn đàn này sẽ sớm được tổ chức và có sự tham gia của đại diện các cộng người dân sinh sống ở vùng hạ lưu sông Mekong".
Đồng thời, theo tuyên bố, cần tiếp tục có các nghiên cứu để các bên liên quan hiểu một cách đầy đủ về giá trị của các dòng sông, những tác động xã hội và môi trường do các dự án thủy điện gây ra. Các nghiên cứu này cần được các nhà nghiên cứu độc lập thực hiện, có sự tham gia đầy đủ của tất cả các cộng đồng bị ảnh hưởng và cần có đủ thời gian để thu thập thông tin nhằm đưa ra quyết định phù hợp về các dự án này. Nếu các nghiên cứu này đưa ra các bằng chứng về tác động tiêu cực ảnh hưởng tới các nguồn lợi của người dân, các dự án thủy điện phải ngừng xây dựng.
"Cần có các nghiên cứu và hành động khẩn cấp đối với đập thủy điện Don Sahong vì nó nằm ở vị trí rất nhạy cảm đối với nguồn cá sông Mekong. Tổn thất và tác động của dự án này cần phải được công bố đầy đủ và rộng rãi, đồng thời được các chính phủ thuộc vùng hạ lưu sông Mekong thừa nhận", bản tuyên bố viết.
Cuối cùng, bản Tuyên bố khẳng định : "Một lần nữa chúng tôi muốn nhắc lại với các chính phủ rằng : Chúng tôi, những người dân từ lưu vực sông Mekong muốn bảo vệ các dòng sông cho các thế hệ con cháu mai sau. Chính vì vậy, chúng tôi cần được tham gia vào quá trình ra quyết định ảnh hưởng tới các dòng sông này".

8.000 chữ ký

Trước đó, đại diện cộng đồng dân cư ba nước dự Diễn đàn đã chia sẻ thực tế tác hại của đập thủy điện tại địa phương của mình.
Ông Long Sochet ở tỉnh Pursat (Campuchia), nói từ khi xây đập Sesan ở Bắc Campuchia thì rừng ở đó được chủ công trình khai thác, còn dân cư phải ra đi. Ông cũng cho biết do tác động của đập Sesan và đập Xayaburi bên Lào, mực nước trên hồ Tongle Sap đã giảm 3 mét so với trước, chất lượng nước thay đổi, nguồn cá suy giảm trong khi có tới 95% người dân ở khu vực Biển Hồ sống nhờ vào nguồn cá.
"Dân ở làng nổi trên Biển Hồ vì không có sở hữu đất đai nên bị ảnh hưởng rất lớn đến đời sống", ông nói.
Ông Chirasak Inthayod, ở tỉnh Chiang Rai (Thái Lan), nói : "Người dân đã nghe chuyện xây đập thủy điện ở Trung Quốc từ 10 năm trước. Nay thì nguồn nước trên sông đã thay đổi, mực nước không bình thường, nguồn cá cũng không còn dồi dào như trước nữa".
Ông Channarong Wongla, người dân tỉnh Loei, Đông Bắc Thái Lan, nói : "Chúng tôi đã thấy hậu quả đập của Xayaburi xây trên sông Mekong. Người dân đánh bắt cá không còn nhiều như xưa, được rất ít cá. Người dân không đủ thu nhập để đưa con em tới trường, vào học đại học. Chúng tôi muốn người dân có tiếng nói, muốn sinh viên được biết, được học về thực trạng sông Mekong hiện nay". 
Bà Huỳnh Kim Duyên ở Cà Mau cho biết do lượng phù sa về giảm, ở U Minh, Thới Bình, Trần Văn Thời… đất sụt giảm, mất rừng, nước ngọt về ít. Nay thì mới tháng 8, tháng 9, "nước mặn đã xâm thực vào sinh kế người dân".
Bà Duyên đề nghị : "Chính phủ (các nước) phải hạn chế thấp nhất việc xây đập trên sông Mekong vì sẽ làm ảnh hưởng đến đời con, đời cháu chúng ta. Chính phủ cần tổ chức những cuộc tham vấn với người dân trong cộng đồng về năng lượng, nguồn nước, sinh kế của người dân".
Ông Trương Văn Khôi, đại diện cộng đồng ấp Vàm Nao, xã Tân Trung, huyện Phú Tân (An Giang) kể, xưa mùng 5 tháng 5 nước từ thượng nguồn bắt đầu đổ về mang theo phù sa đỏ đục và cá tôm nuôi sống 30% người dân trong ấp làm nghề đánh bắt cá trên sông. Nhưng từ năm 2005 đến nay, nước thấp, các loài cá suy giảm rất nhiều, đa số dân bỏ nghề, bỏ đi nơi khác.
"Có thể là do tác động từ việc xây đập thủy điện trên sông Mekong", ông Khôi nói. 
Thay mặt đoàn cư dân địa phương Thái Lan, ông Channarong Wongla, đọc bản tuyên bố riêng của đoàn mình : "Chúng tôi đang gánh chịu hệ quả của những con đập đã xây dựng và sắp xây dựng. Chúng tôi không muốn xây đập trên sông Mekong. Chúng tôi muốn dừng xây đập. Chúng tôi muốn các bên của các chính phủ gặp trực tiếp với người dân. Chúng tôi muốn những nghiên cứu về các dự án thủy điện phải minh bạch, có tham khảo và lắng nghe ý kiến của người dân, đặc biệt với là đập Don Sahong".
Ông Channarong Wongla còn cho biết, từ tháng 9-2015 đến hôm nay (11/11), họ đã thu thập được 6.473 chữ ký của cộng đồng người dân Thái Lan, Campuchia và Việt Nam sống ở lưu vực Mekong ủng hộ bản Tuyên bố chung công bố tại Diễn đàn này.
"Chúng tôi mong sẽ có thêm 1.500 chữ ký sau diễn đàn để có ít nhất 8.000 chữ ký đề nghị không xây đập trên sông Mekong gởi đến các chính phủ", ông Channarong Wongla nói.
Diễn đàn đầu tiên này do Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam, Quỹ Phục hồi sinh thái (Terra), Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) và Đại học An Giang phối hợp tổ chức.

Quang cảnh ra tuyên bố chung tại Diễn đàn. Ảnh báo Lao động

Một vài nét trong Tuyên bố :

"Chúng tôi đã chứng kiến và gánh chịu những tác động nghiêm trọng do đập thủy điện gây nên. Đối với chúng tôi, những cộng đồng sống ven sông, những người trải nghiệm từng thay đổi nhỏ của mực nước sông thì không có nghi ngờ gì về việc những con đập đó sẽ gây tác hại nghiêm trọng tới các thế hệ hiện tại và tương lai. Chính vì vậy, không nên xây dựng những con đập này.
Chúng tôi thực sự lo lắng về đập thủy điện Don Sahong tại Lào khi nó dự kiến xây dựng tại khu vực được coi là tối quan trọng cho cá di cư từ thượng nguồn tới hạ nguồn của sông Mekong. Việc xây dựng đập sẽ gây giảm sụt nghiêm trọng về loài cá và lượng cá tại toàn lưu vực sông. Vị trí hiện tại của con đập đặc biệt nguy hiểm đối với các loài cá khổng lồ sinh sống tại sông Mekong và cá heo Irrawaddy.
Ngoài ra, đập thủy điện Don Sahong sẽ tác động tiêu cực tới ngành nông nghiệp và ngành thủy sản tại Đồng bằng sông Cửu Long. Bất chấp những mối nguy hại con đập này có thể gây ra, Chính phủ Lào vẫn tiếp tục ủng hộ việc xây dựng con đập này mà không lắng nghe ý kiến từ những người dân địa phương trong khu vực.
Chúng tôi chưa bao giờ nhận được các thông tin liên quan đến các đập thủy điện một cách đầy đủ, chưa bao giờ được tham vấn một cách cẩn trọng và chúng tôi cũng không có cơ hội được tham gia vào quá trình ra quyết định với các dự án này. Chúng tôi đã bị buộc phải đối mặt với các tác động không ngừng tăng lên của các dự án thủy điện. Đã đến lúc, Chính phủ các nước cần lắng nghe tiếng nói và tôn trọng quyền quyết định đối với tương lai của các dòng sông và cuộc sống của chúng tôi".

Huỳnh Kim - Hữu Đức
Nguồn : TBKTSG, 11/11/2015









No comments:

Post a Comment

View My Stats